Am I a spectator or manager in my own life?
Bộ phim rất giống với con người độ tuổi 20
Bộ phim này đến với tôi một cách rất tình cờ nhưng lại đúng thời điểm mà tôi cần. Liệu có phải là tôi nghĩ gì thì đầu tôi sẽ tự hút những thứ tôi mong muốn hay không, cái mà người ta gọi là luật hấp dẫn ấy.
Trong một buổi tối tôi đang loay hoay trăn trở với nhưng cảm xúc bên trong mình, về tình cảm, học hành, công việc - những vấn đề muôn thuở của những con người độ tuổi 20. Nói chuyện với bạn cũng đỡ được phần nào nhưng bạn biết rồi đấy, cuối cùng vẫn phải là mình quyết định. Tôi cứ reply direct IG và lướt newfeed trong vô thức thì đập vào mắt là một bài viết review phim của Vietcetera với tiêu đề "Tuổi trẻ bốc đồng nhưng sống trọn từng khoảnh khắc". Tôi kéo qua phải xem thêm vài tấm nữa, mấy dòng title ngắn gọn tóm lược phim, nhưng quá đủ để một đứa con gái đang bế tắc như tôi dừng lại và quyết định tối nay sẽ coi phim này. "The worst person in the world" - kể về một cô gái đang loay hoay với chính bản thân mình trong tất cả mọi thứ : gia đình, mối quan hệ, công việc, đam mê và những phút giây cuồng loạn - giống như tôi.
11h30 khi xong tất cả bài tập của mình, tôi nằm lên giường với tâm thế coi chừng 20p rồi ngủ gật cũng nên, hoặc sẽ coi hết là 2h sáng mới được ngủ. Thế mà tôi vẫn bật lên coi trong nhẹ nhàng không đắn đo chuyện gì - hiếm khi nào tôi được cảm giác "phải coi" thế này. Bạn biết gì không, 15p đầu của phim đã khiến tôi chắc chắn rằng hôm nay mình sẽ không ngủ trước 2h được đâu.
Julie là sinh viên y khoa, học giỏi. Sở dĩ cô chọn Y vì trường này khó vào, cô cần một nơi để "chứng minh số điểm cao của mình là có ý nghĩa". Well, nó không khác tôi là mấy hay thậm chí nhiều đứa khác, một sinh viên trường F chọn trường F vì điểm mình cao. Sau những năm ở đây, cô phát hiện ra cái cô cần tìm hiểu ở con người không phải "thể xác", mà là "tâm hồn". Cô hứng thú với những cái bên trong con người, cách họ suy nghĩ và hành động, cô muốn hiểu nó. Thế là cô nhảy qua Tâm lý học, đến trường với tinh thần vui vẻ học từ sáng tới khuya. Lại một lần nữa, nói không ngoa đó chính là tôi đấy các bạn. Sau 3 năm ở trường F không ít lần tôi nghĩ hồi đó đáng ra nên chọn ngành Tâm lý học, ở trường khác. Tôi khao khát muốn hiểu người hiểu mình hơn bao giờ hết sau những năm tháng chia sẻ, tâm sự hết người này đến người kia, lạ có quen có, lân la đọc sách bác Đặng Hoàng Giang và nhiều cuốn khác. Tôi đam mê với những câu hỏi tâm lý học và dùng chúng trong mọi cuộc trò chuyện, tìm hiểu về cả tarot, cung hoàng đạo và những thứ tâm linh khác. Tôi tò mò không biết rồi tuổi trẻ của Julie sẽ được tiếp nối như thế nào, cô tìm được bản thân mình chăng? Not likely. Thời gian sau đó cô lại chán nản với Tâm lý học, và bắt đầu hứng thú với cái cách mà những tấm hình lưu lại khoảnh khắc của không gian và thời gian, vậy là cô nhảy qua nhiếp ảnh. Well, cô dồn hết tiền tiết kiệm mua máy, đi chụp nhiều nơi, quen nhiều người mới, những người có cái "taste" nghệ thuật trong họ. "Sao giống mình thế nhỉ?" tôi phải thốt lên trong đầu như thế. tôi đã thấy dòng caption của Vietcetera rằng " điểm trúng tim đen vì đúng quá, giống quá", nhưng tôi không tin nó giống đến mức này. Nhưng có hề hấn gì cho tới khi cuối cùng cô ấy làm thêm ở một tiệm sách, tôi thề là tôi mới nghĩ tới việc đi làm ở tiệm sách cách đây 1 tuần đổ lại đấy các bạn ạ. Cái phim này như đi guốc trong bụng tôi vậy.
Những phút sau của bộ phim dù chẳng có cảnh gì buồn như thể " điều kì diệu trong phòng giam số 7", nhưng nước mắt tôi cứ chảy ra không biết bao nhiêu lần. Tôi thấy cảnh Julie có bạn trai, là Aksel. Họ yêu nhau, âu yếm nhau, hôn nhau, nói chuyện với nhau, ra mắt gia đình...mọi thứ đối với tôi vừa lạ vừa quen, tại sao phía dưới tôi sẽ nói. Nhưng rồi họ cãi nhau, và mỗi lần như thế đều là do sự lạc lối của Julie, cô không biết mình cần gì ở anh, câu trả lời cho mọi câu hỏi của Aksel đều là "em không biết". Ngay cả việc cô cố gắng nói những gì đang diễn ra trong đầu cô cũng vô cùng rối bời, cô không biết phải nói như thế nào để cho anh hiểu, hay đúng hơn là cô biết có nói thì anh cũng không hiểu. Aksel 40 tuổi, còn cô vẫn còn một tuổi trẻ rất dài, cô ham muốn bay nhảy, thay đổi thất thường và không muốn có con. Mỗi lần Aksel chất vấn khi thấy cô mất phương hướng, cô luôn cho rằng đó là bởi vì anh đang tỏ ra anh hơn cô vì anh là kẻ lí trí hơn phụ nữ - người sống bằng cảm xúc. Cô thấy lạc lõng ngay trong chính mối quan hệ của mình, bỏ đi trong đêm lang thang tới các bữa tiệc, uống rượu và ngoại tình. Mặc dù tôi vừa mới có bạn trai cách đây ba tuần, tôi nghĩ mình có thể cảm nhận được tất cả những điều đó. Bạn trai của tôi rất giống Aksel, cậu ấy trưởng thành, nhẹ nhàng, lý trí, tập trung công việc và luôn chiều người yêu của mình. Tôi biết ba tuần là chưa đủ để ta có thể hiểu được ai đó từ bên trong, và từ từ mọi thứ sẽ tiến triển dần, nhưng tôi đang bắt đầu thấy chán. Tôi không chạm được vào cậu ấy và ngược lại tôi cũng chưa thẩy đủ để cậu ấy chạm vào bên trong của mình. Những cuộc trò chuyện đi qua đều là học tập và công việc hàng ngày, tôi dần không thấy hứng thú nữa. Tin nhắn tôi gửi ít lại, cũng không thiết call nhau mỗi tối, và cậu ấy luôn hỏi tôi là bận lắm phải không. Những lúc như thế tôi càng bực bội hơn, bực bội cậu ấy làm ơn đừng hỏi vậy, vì tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi không bận hơn, mà là tôi không hứng thú lắm, tôi có thể trả lời như vậy à? Suy cho cùng là tôi đang bực bội chính bản thân mình. Tôi cũng thừa biết đây là giai đoạn vốn phải trải qua của các cặp đôi, ai đó sẽ nghĩ rồi cũng qua thôi đừng nên làm quá. Nhưng hãy thông cảm cho tôi vì đây là lần đầu tiên tôi có bạn trai, lần đầu tiên tôi trải qua nhưng chuyện như thế này. Mọi thứ đều rất mới và tôi cần gian để làm quen với nó. Tôi vẫn có các mối quan hệ ngoài luồng mặc dù chúng đã dừng lại từ khi tôi có cậu ấy, nhưng ý nghĩ ngoại tình thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong đầu tôi. Không phải là tôi sẽ have sex với ai khác, chỉ là tôi muốn gặp họ và nói chuyện, tôi cần người để xả. Giống như Julie gặp Eivind, họ cần người để cảm thông, để trút trước khi trở lại mối quan hệ của mình. Trước đây tôi luôn coi thường những kẻ ngoại tình, cho tới khi tôi vào hoàn cảnh này, tôi hiểu được tâm lí đó. Nói vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ họ, chỉ là như bạn biết đấy tôi có nói ở trên, tôi khao khát hiểu người, tôi không bỏ qua cơ hội nào. Tôi hiểu Julie, bạn không cần thêm ai đó trong cuộc đời nếu như người đó không đem lại lợi ích gì, và tạo hóa khiến bạn lại tiếp tục tìm kiếm mục tiêu mới. Nghe thực dụng phải không? Nhưng không phải chúng ta có người yêu là để được trải nghiệm cảm giác yêu và được yêu hay sao? Không phải để làm giàu thêm kinh nghiệm sống của chính mình ư? Có bao giờ bạn ở bên cạnh người yêu mà có cảm giác như thể "có hay không có cũng không thành vấn đề" chưa? Cảm giác đó còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi mà bạn đã cô đơn quá lâu và không quá cần ai đó để dựa vào nữa - giống như tôi. Vậy nên tôi đã khóc, khóc vì đồng cảm, khóc cho chính bản thân mình.
Cho tới cuối cùng, Julie bỏ Aksel và bắt đầu mối quan hệ với Eivind. Trước khi chia tay, Aksel khẳng định "Em chắc chắc sẽ có con, và sẽ là một người mẹ tốt. Nhưng em sẽ không bao giờ tìm lại được những cuộc trò chuyện như bây giờ nữa đâu. Em sẽ quên những gì mình đã từng có, nhưng anh thì không". Ánh mắt cô lộ rõ sự không tin, nhưng ánh mắt anh thì vẫn chắc nịch. Ở bên người mới, cô được thỏa cái điên dại trong người mình, sự cuồng loạn của tuổi trẻ và không ai giữ cô về với thực tại như Aksel. Eivind giống cô, cả hai đều không muốn có con và có hoàn cảnh gia đình tương tự. Cô thấy thỏa mãn ban đầu nhưng sau đó là mất kiểm soát và chệch hướng, đỉnh điểm là cô phát hiện mình mang thai. Những điều lớn lao quá sức này khiến cô nhớ Aksel không ngừng, người cho cô một nơi bình yên và vững chãi. Đó cũng là lúc cô phát hiện ra sau khi cô bỏ đi, Aksel đã đổ bệnh mà mắc ung thư tuyến tụy. Cô tìm lại Aksel, ở bên anh những ngày cuối đời, và thừa nhận những gì anh nói khi xưa đều đúng, rằng cô không thể tìm lại được cảm giác ngày xưa hai người nói chuyện với nhau, cái mà bây giờ cô cần hơn cả. Cuối cùng, Aksel ra đi, cô chia tay Eivind, và bắt đầu lại đam mê và cuộc sống của mình. Tôi khóc rất nhiều ở những chương cuối của phim, vì mình sợ mình cũng sẽ như thế, đi một vòng để nhận ra mình đã đánh mất những điều quan trọng nhất. Tôi sợ nếu mình buông tay, tôi sẽ mất đi người mà mình đã cho rằng quá bình yên và an toàn so với cái nổi loạn của tuổi trẻ.
Sau những trăn trở đó, tôi hiểu tại sao người ta đặt tên phim là "The worst person in the world" . Những băn khoăn và sai lầm của tuổi trẻ luôn khiến cho ta nghĩ bản thân mình thật là tệ, tệ đến độ mình còn không chấp nhận được. Không có định hướng rõ ràng, làm khổ gia đình và người thân yêu, không làm được gì có ích cho xã hội, ngày tháng thì cứ trôi mau, tất cả những điều này khiến ta cảm tưởng như đang chìm dần xuống đáy vực sâu không ai níu lại. Không ai muốn như thế cả, chỉ là tôi thắc mắc đây là điều tất yếu phải trải qua, hay là có lựa chọn sáng suốt từ ban đầu thì sẽ không phải như thế hay không? Nhưng làm sao ta chắc là mình đang sáng suốt? Giống như lúc đó Julie nghĩ rằng mình chọn tâm lý học là đúng, là có tương lai? Thật mong chờ những luồng ý kiến trái chiều khác nhau từ bạn đọc để có nhiều góc nhìn khách quan hơn về chủ đề muôn thuở này.
Tôi sẵn sàng đón nhận mọi điều chỉ để có cơ hội "hiểu người và hiểu mình" hơn! You can share your ideas in comment below.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất