Thuật ngữ sói an-pha (alpha wolf) cho đến nay đã ăn sâu vào văn hoá đại chúng trên toàn thế giới. Từ tiểu thuyết hư cấu (như Twilight), TV xê-ri (như Teen Wolf), triết lí cải thiện bản thân, cho đến cả lĩnh vực tán tỉnh ở con người (như Alpha Male), tất cả đều đưa ra hình ảnh con sói an-pha như là mẫu mực của một người đàn ông.
Alpha (Aα) là chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hi Lạp, được bắt nguồn từ chữ aleph trong bảng chữ cái Phoenicia, mang nghĩa là “lãnh đạo” hay “con bò đầu đàn”.
Và sói an-pha được là định nghĩa là con sói lãnh đạo, sói đầu đàn, với những phẩm chất của loài sói như: Khoẻ nhất đàn, giành ngôi đầu đàn bằng bạo lực, thống trị các sói đực, được quyền giao phối với bất kì sói cái nào nó muốn.
Nghe hấp dẫn và cun ngầu! Dựa vào đó nhiều người đã xây dựng nên những phẩm chất mà một người đàn ông an-pha (alpha man) cần có: Thống trị người nam, khuất phục người nữ, làm tình tuỳ thích, đứng đầu lãnh đạo.
Như ảnh sau là một trong rất nhiều triết lí cải thiện bản thân lấy cảm hứng từ sói an-pha được lan truyền trên mạng.
Nhưng sự thật thì không phải như vậy!

Ta biết ở bảng chữ cái Hi Lạp, sau alpha-beta đến gamma-delta-epsilon chứ chưa đến omega… và đàn sói thường nhiều hơn 3 con, vậy tại sao những chàng trai dạy cải thiện bản thân lại xếp là: alpha-beta-omega?
Là bởi kiến thức về chữ cái Hi Lạp của các chàng chỉ vẻn vẹn có 3 chữ thôi. Cũng nhiều ngang với kiến thức các chàng có về loài sói vậy!


I – R. SCHENKEL VÀ NHỮNG CON SÓI NUÔI NHỐT



Khái niệm sói an-pha bắt nguồn từ giới sinh học. Bài nghiên cứu đề ra thuật ngữ này là Expressions Studies on Wolves (1947) của R. Schenkel.
Ông Schenkel đã tiến hành quan sát sói nuôi nhốt trong Vườn Thú Basle từ năm 1942. Là một nhà khoa học, Schenkel cố gắng mở rộng quan sát, như năm 1939 là ở Vườn Thú Zurich, và cũng cẩn thận nói rằng tất cả kết quả nghiên cứu đều áp dụng trong điều kiện nuôi nhốt.

Bài nghiên cứu của ông chỉ ra:
Sói hợp đàn vào đầu đông. Hạt nhân của đàn là một sói cái và một “sói đực đứng đầu”. Và mỗi đàn chỉ có một sói cái trưởng thành, nguyên nhân không được biết đến.
Các sói đực sẽ cạnh tranh khốc liệt trong mùa đông để có được bạn tình. Cuối đông, con sói chiến thắng sẽ cùng sói cái tách đàn để giao phối và sinh sản. Sói là động vật một vợ một chồng (monogamy). Những con đực còn lại trong đàn, hiển nhiên, sẽ không có bạn tình.
Trong mùa hè, các cặp sói sẽ đào hang sâu 3 mét để cùng nhau nuôi con (đặc điểm này rất khác với chó nhà, nhiều chó nhà đực thậm chí ăn thịt con). Sói con khi đến tuổi giao phối sẽ tách đàn, và hợp đàn vào đầu đông để bắt đầu chu kì sinh sản mới.

Như vậy, đúng là có chuyện các sói đực dùng bạo lực để thống trị nhau, và tranh giành sói cái. Điểm khác biệt ở đây là chỉ có một sói cái mà thôi nên không có chuyện làm tình với con nào tuỳ thích.
Nhưng nhớ cho Schenkel quan sát sói nuôi nhốt.


II – DAVID MECH VÀ NHỮNG CON SÓI TRONG TỰ NHIÊN



Thuật ngữ sói an-pha của Schenkel chỉ được biết đến trong giới sinh học, để lan rộng ra văn hoá đại chúng phải kể đến Dr David Mech, ít nhất là vì cuốn sách The Wolf: Ecology and Behavior of an Endangered Species (1970) của ông, xuất bản năm 1970 và đến giờ vẫn tái bản dù ông đã yêu cầu ngừng bản vì có nhiều sai lầm.

Trong bài nghiên cứu Alpha status, dominance, and division of labor in wolf packs (2000) của David Mech, ông chỉ ra như sau:
Đối tượng quan sát của ông là sói xám trên Đảo Ellesmere, Lãnh Thổ Tây Bắc, Canada, trong 13 mùa hè, từ năm 1986 đến 1998. Chúng là sói tự nhiên, sống xa khỏi tự đàn áp của con người, và không sợ con người.
Một đàn sói cấu tạo như một gia đình: Cặp sói đực và cái cầm đầu. Mech gọi chúng là cặp sói giống (breeding pair) hoặc sói cha mẹ (parents). Sói sống một vợ một chồng, nên khi ghép đôi xong chúng sống cùng nhau, các thành viên trong đàn chính là con của chúng. Khi sói con lớn, thường là 1-2 tuổi, lâu nhất là 3 tuổi, chúng sẽ tách đàn để tìm các con sói không cận huyết, và ghép đôi tạo thành đàn mới của riêng mình.
Không có sói con nào, dù yếu đuối, mà không tìm được bạn tình cả, nếu nó không chết vì bệnh thì rồi cũng sẽ tìm được với bạn tình phù hợp.
Không có chuyện sói con nào ở lại đàn, thống trị bố nó và các anh em nó để làm đầu đàn, cũng không có giao phối cận huyết với chị em gái nó.
Trong suốt 13 mùa hè quan sát Mech không thấy những trường hợp đó. Do đó thuật ngữ sói an-pha là sai nếu nói về sự cạnh tranh, và thừa nếu nói về sự thống trị, bởi sói cha mẹ thống trị để nuôi đàn con non nớt của mình là điều hiển nhiên, sói con không phục tùng cha mẹ thì sẽ chết vì đói.

Dr Mech giải thích về những sai lầm trong kiến thức về sói an-pha

Có chăng thuật ngữ sói an-pha được dùng một cách hiếm hoi ở 2 trường hợp:
1. Đôi khi đàn sói kết nạp sói lạ, khi sói mẹ hoặc sói cha chết, con sói lạ có thể lên làm sói giống (breeding) và có thể sói con trong đàn sẽ thế chỗ cha/mẹ mình để ghép cặp với sói lạ, và có thể có sự cạnh tranh giữa sói con để thế chỗ, nhưng trường hợp này rất hiếm.
2. Đôi khi một đàn sói có nhiều cặp sói giống, do sói con ghép với sói lạ gia nhập đàn, thì cặp sói giống nhiều tuổi hơn sẽ thống trị. Cách giải quyết luôn là các cặp sói giống sẽ tách đàn ra ở riêng.

Nhưng dù là cặp sói đầu đàn, về bản chất chúng không phải những kẻ ăn trên ngồi chốc, sự thật chúng là cặp cha mẹ vất vả kiếm cơm nuôi gia đình. Sói con thường không đi săn được hoặc săn không hiệu quả, còn khi đã lớn sói con sẽ bỏ đàn, cặp sói cha mẹ đơn giản là không có ai hầu hạ để được ăn trên ngồi chốc. Mô hình gia đình của chúng là phân công lao động.
Khi không sinh đẻ, cặp sói cùng đi săn kiếm mồi nuôi con. Với con mồi lớn như nai sừng tấm, cả đàn xúm vào ăn tự do. Mồi nhỏ như hươu xạ, sói cha mẹ ăn trước và chia cho sói con khẩu phần nhất định. Quan sát cho thấy trong bầy sói con, con bé nhất được ưu tiên nhất.
Khi sinh đẻ, sói cha nhận nhiệm vụ kiếm mồi, sói mẹ chăm sóc con. Quan sát và thử nghiệm cho thấy sói mẹ và con rất lệ thuộc vào sói cha, nhưng sói cha thời kì ấy thường ưu tiên thức ăn cho sói mẹ. Mech thí nghiệm bằng cách ném thỏ cho sói cha, sói mẹ ra cướp và sói cha không phản ứng lại; ông tiếp tục ném con thỏ nữa, sói cha ăn cái đầu, phần còn lại càm về cho sói mẹ và sói con.

Như vậy, đời sống tự nhiên của sói rất khác với đời sống nuôi nhốt.


III – KẾT LUẬN



Ta không thể nói nghiên cứu của R. Schenkel và sách của D. Mech là nguỵ khoa học, các ông quan sát đúng theo phương pháp đúng, nhưng trên đối tượng sói khác với sói tự nhiên. Có chăng là các ông sai lầm khi đã qui nạp vội vã từ sói nuôi nhốt vào sói tự nhiên. 
Và như D. Mech nói, dùng quan sát cho sói nuôi nhốt để tìm hiểu về sói nói chung thì cũng phi lí như quan sát mọi người trong trại tập trung để hiểu về xã hội con người.
D. Mech là người đáng kính vì tinh thần khoa học của ông, ông đã dũng cảm công bố nghiên cứu mới, đồng nghĩa với bác bỏ nhiều cuốn sách mình từng viết.
Nguỵ khoa học duy nhất chúng ta có ở đây là các chàng dạy người đời làm đàn ông, họ dùng những kiến thức của khoa học, nhưng bản thân không có tinh thần khoa học, cũng chẳng có phương pháp khoa học, nên khi kiến thức cũ là sai, họ vẫn ôm lấy và tưởng tượng (chứ không thực nghiệm) và tuyên truyền kiến thức sai lệch.
Vì cái các chàng muốn không phải sự thật, mà là sự cun ngầu để lấy le với gái.

Tornad
29/8/2018



Tham khảo:
Expressions Studies on Wolves (1947) – R. Schenkel
Alpha status, dominance, and division of labor in wolf packs (2000) – D. Mech

Bài liên quan: