[Lược dịch từ bài viết: Alessandro Lucarelli: Parma selfless hero who took them from the fourth tier back to Serie A của These Football Times. https://thesefootballtimes.co/2018/09/07/alessandro-lucarelli-parmas-greatest-legend-who-took-them-back-from-the-brink-in-the-fourth-tier-to-serie-a/]
Bóng đá đã đem lại cho ta rất nhiều những câu chuyện. Một số lại khá buồn, một số lại truyền cho ta cảm hứng, và chỉ một số ít có thể trở thành huyền thoại, chính những câu chuyện ấy sẽ thách thức những thước phim đặc sắc đến từ những nhà biên kịch tài ba của Hollywood . Thế nhưng, điều khác biệt giữa màn ảnh và bóng đá, đó là mọi chuyện đều có thể xảy ra trong môn thể thao vua, không hề được sắp xếp bằng kịch bản, hay được luyện tập từ trước.
Trong bóng đá mọi chuyện đều thực tế. Tất cả những tình huống diễn ra trên sân đều là ngẫu nhiên, từ những pha tranh chấp quyết liệt đến những bàn thắng ở phút cuối cùng để đem lại chiến thắng cho đội bóng của mình, tất cả đều không hề được định sẵn. Bóng đá là vậy, tuy điều đó có thể khá tàn nhẫn và trần tục, nhưng ở một khía cạnh khác, nó sẽ tạo ra những câu chuyện đầy xúc cảm. Một số câu chuyện, một số những điều diễn ra trong bóng đá, bạn không thể chỉ tạo ra nó trong vòng một nốt nhạc. Và sau đây sẽ là một câu chuyện như thế.
Những năm gần đây, Parma đang phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm trong lịch sử của mình. Thành tích họ giành được trên sân đã bị lu mờ bởi những rắc rối về tài chính của đội bóng. Khi Channel Four (một đài truyền hình ở Anh) vẫn còn phát sóng Serie A, Parma là một thế lực của bóng đá Ý, một đội bóng luôn đi đầu về thứ được gọi là "bóng đá đẹp", và là một đội bóng được rất nhiều tifosi yêu thích. Thời điểm ấy, họ sở hữu rất nhiều những ngôi sao của bóng đá thế giới, có thể kể đến như Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Lilian Thuram, Hernán Crespo, Juan Sebastián Verón, Gianfranco Zola, Enrico Chiesa, Hristo Stoichkov, Faustino Asprilla,... và còn hơn thế nữa. [...]
Vào cuối mùa giải 2013-14, cựu tuyển thủ Ý - Roberto Donadoni đã giúp Parma kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6 và cũng là mùa giải thứ 3 liên tiếp họ kết thúc mùa giải trong top 10 của giải đấu. Đó là một giai đoạn thịnh vượng đối với đội bóng đến từ vùng Emilia-Romagna, nơi nổi tiếng với món phô mai và thịt. Thế nhưng, phía sau hậu trường, những rắc rối về tài chính và sự quản lý kém đã khiến cho Parma phải đối mặt với những án phạt đến từ Liên đoàn Bóng đá Ý, trong đó có việc đội bóng bị giáng xuống Serie D sau mùa giải 2014-15. [...]
Trải qua 4 năm ở những giải đấu thấp hơn, có một cái tên khiến mọi người chú ý đến trong đội hình của Parma, không chỉ nhờ màn trình diễn của anh trên sân, mà còn nhờ vào sự tận tụy của mình đối với đội bóng. Khi đội bóng phải xuống chơi tại Serie D, người hậu vệ ấy đã quyết không dứt áo ra đi như bao cầu thủ khác, và thậm chí còn hứa rằng sẽ không giải nghệ cho đến khi nào đội bóng trở lại Serie A. Ở cái tuổi 41, cái tuổi mà anh đã trải qua biết bao thăng trầm của sự nghiệp, anh đã hoàn thành lời hứa của mình với chiếc băng đội trưởng trên tay. [...] Cũng từ đó, một người hùng của Parma đã xuất hiện. Anh ấy tên là Alessandro Lucarelli.

Lucarelli gia nhập Parma ở tuổi 30, một năm sau khi Tommaso Ghiradi mua lại đội bóng trong một cuộc đấu giá vào năm 2007. Anh gia nhập đội bóng cùng với người anh của mình là Cristiano theo một bản hợp đồng trị giá 1,2 triệu Euro từ Genoa. Ở thời điểm đó, trung vệ người Ý đã trải qua một sự nghiệp không mấy ấn tượng ở cả Serie A và Serie B; điều đó làm cho ta liên tưởng đến hình ảnh của một journeyman - người thường xuyên chu du khắp nơi và không hề có một điểm cố định để trở lại. 
Thương vụ gia nhập Parma chỉ được xem như một điểm đến tiếp theo trong cuộc hành trình của anh, thế nhưng mọi chuyện diễn ra tại sân Ennio Tardini suốt 10 năm qua đã cho thấy điều ngược lại so với những gì nhiều người đã nghĩ.
Đội bóng lúc ấy đang thi đấu tại Serie B, sau khi đã xuống hạng ở mùa giải trước đó, nhưng dưới sự dẫn dắt của Francesco Guidolin, và với sự có mặt của Lucarelli, họ đã trở lại giải đấu cấp cao nhất của bóng đá Ý ngay ở mùa giải năm sau. Trong 5 mùa giải sau đó, anh đã giúp Parma trở thành một đội bóng vững vàng ở tốp giữa của giải đấu, và việc anh nhận được tấm băng đội trưởng cũng không phải là điều quá bất ngờ. [...]
Nhưng quãng thời gian sau đó, đội bóng đã liên tục trải qua những vấn đề về tài chính và liên tục đổi chủ. Một thập kỉ sau khi đội bóng tuyên bố phá sản, Parma lại lâm vào tình cảnh tương tự, lần này là dưới sự nắm quyền của Ghirardi. [...]
Bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện đang xảy ra với đội bóng, vẫn có một người kiên định với việc ủng hộ đội bóng trong một hoàn cảnh rất ngặt nghèo như thế. Lucarelli đã tuyên bố lòng trung thành của mình với Gialloblù, mặc dù mọi thứ đang dần sụp đổ với Parma, và anh vẫn chưa nhận được khoản lương của mình trong mùa giải năm đó.
Thậm chí anh còn sẵn sàng chở các đồng đội đến Genoa bằng chiếc xế hộp của mình, để đảm bảo rằng trận đấu ở vòng đấu tiếp theo sẽ được diễn ra như dự kiến và cũng để tìm kiếm những sự ủng hộ đến từ các đồng đội của mình. "Tôi sẵn sàng thi đấu tại Serie D cho Parma nếu cần thiết," anh tuyên bố. Các đồng đội của anh cũng đã nhận thấy được lòng trung thành của anh đối với Parma, và họ cũng đã đứng lên và ủng hộ đội bóng. [...]
Cuối mùa giải năm 2013-14, họ kết thúc ở vị trí cuối bảng với chỉ 19 điểm, và họ vẫn phải xuống hạng nếu như họ không phải nhận án phạt trừ điểm đến từ Liên đoàn. Mặc dù những đội bóng xuống hạng khác như Cagliari và Cesena sẽ thi đấu tại Serie B, nhưng sau những gì Parma đã trải qua vào giai đoạn cuối mùa thì họ sẽ phải thi đấu tại Serie D, giải đấu cấp cao nhất của bóng đá bán chuyên.
Đối với một đội bóng đã từng vô địch UEFA Cup (tiền thân của UEFA Europa League) chỉ 2 thập kỉ trước, đây là một thảm kịch, nhưng ít nhất thì họ vẫn tồn tại. Nếu như họ muốn trở lại với vị thế của mình, một sự phục hồi nhanh chóng là điều cần phải được thực hiện. Vào tháng 7-2015, đội bóng đã được cải cách và trở lại với cái tên S.S.D. Parma Calcio 1913, và họ sẽ bắt đầu mùa giải đầu tiên của mình tại Serie D.
Lucarelli đã giữ vững lời hứa của mình, và anh đã bắt đầu mùa giải với tư cách là một cầu thủ bán chuyên, điều mà rất ít cầu thủ nào từ Serie A quyết định thực hiện. Rất nhiều những cầu thủ khác đã chuyển sang các đội bóng mới để cứu vãn sự nghiệp và tìm lại những khoản tiền lương mà mình đã mất. Nhờ vào sự tận tụy và trung thành của mình, Lucarelli đã hứa với các cổ động viên Parma rằng anh sẽ cùng đội bóng trở lại giải đấu cấp cao nhất của bóng đá Ý. Liệu đó chỉ là một lời hứa suôn hay chỉ là một lời kêu gọi các cổ động viên ủng hộ đội bóng trong thời khắc khó khăn, chỉ có thời gian sẽ chứng minh được lời nói của Lucarelli là đúng hay không. [...]
Đối với những người không quá đam mê bóng đá, sẽ không quá bất ngờ nếu những cổ động viên của đội bóng đó quay lưng với chính đội bóng con cưng của mình để tìm kiếm những thứ khác sẽ khiến họ thích thú hơn là việc theo dõi một đội bóng chật vật để tồn tại ở giải đấu cấp bán chuyên của bóng đá Ý. Đó là một điều hiển nhiên diễn ra trong bóng đá hiện đại ngày nay, thế nhưng với Calcio, đó lại không phải là cách để những tifosi thưởng thức bóng đá. Trong mùa giải duy nhất của đội bóng tại Serie D, Parma đã bán được 9.000 tấm vé cả mùa, gấp đôi kỉ lục của giải đấu. Nếu như các cổ động viên vẫn cho thấy được lòng trung thành với đội bóng, thì trên sân, các cầu thủ vẫn cho thấy được sự nhiệt huyết và cống hiến qua mỗi trận đấu mà họ ra sân.
Sau 38 vòng đấu, họ đã có được số điểm kỉ lục - 94 điểm từ 28 trận thắng và 10 trận hòa. Điều đặc biệt hơn nữa, họ đã không để thua bất cứ trận nào qua suốt mùa giải. Khoảng cách với đội bóng xếp thứ 2 là 17 điểm, và với Lucarelli ở trung tâm của hàng hậu vệ, Parma chỉ để lọt lưới tổng cộng 17 bàn. Kỉ lục trước đó của giải đấu là 41 bàn. Đội bóng đã chắc suất thăng hạng trước khi mùa giải kết thúc, sau chiến thắng 2-1 trước Delta Rovigo, và từ đó cũng tạo điều kiện để Parma bắt đầu suy nghĩ về chặng đường của mình tại Serie C/B ở mùa giải năm tới. Chặng đường trở lại Serie A đã chính thức bắt đầu. Thế nhưng, đã có những sự lo ngại về mùa giải tiếp theo của họ bởi Parma vẫn chưa hoàn thành kế hoạch phục hưng của mình. 
Nếu như chức vô địch Serie D mùa giải trước là một lời dự đoán về khả năng thành công trong tương lai của đội bóng, thì giai đoạn đầu mùa giải đã đưa Parma trở lại mặt đất. Đối đầu với những đối thủ khó hơn đồng nghĩa với việc những vấn đề trong đội hình của Parma đang dần lộ ra, và sau một khoảng thời gian thi đấu tại Serie C/B, họ chỉ đang chật vật ở giữa bảng xếp hạng. Chính vì thế, đội bóng đang rất cần những sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo, và Apolloni đã phải chia tay Parma. Thay thế vị trí của ông là Roberto D'Aversa, một người đã từng phải xuống hạng cùng Virtus Lanciano và bị sa thải bởi chuỗi thành tích bết bát. Đội bóng đã đưa ra một quyết định cực kì rủi ro, thế nhưng D'Aversa đã đền đáp lại sự tin tưởng của ban lãnh đạo giành cho ông.
Parma kết thúc mùa giải ở vị trí á quân, đồng nghĩa với một suất dự playoff thăng hạng. Những chiến thắng trước Piacenza, Lucchese và Pordenone đã đưa họ đến với trận chung kết quyết định với Alessandria. Đối với người chiến thắng, một suất lên chơi tại Serie B đang chờ đợi họ. Còn với người thua cuộc, họ sẽ phải bắt đầu lại hành trình giành tấm vé thăng hạng tại Serie C. Parma chắc chắn sẽ không muốn bỏ lỡ một thời cơ tuyệt vời như thế, và ít nhất một cầu thủ trong đội hình của họ không muốn phải trải qua thêm một mùa giải tại Serie C.
Trước trận đấu, ống kính truyền hình bắt gặp hình ảnh người đội trưởng tập hợp cả đội và truyền đi những thông điệp đầy cảm hứng với khát khao chiến thắng. Những câu nói ấy đã thực sự chạm đến niềm kiêu hãnh của từng cầu thủ trên sân. "Đau khổ, sợ hãi, những giọt mồ hôi, sự hi sinh, đây là tất cả những gì mà chúng ta đã phải trải qua để đến được trận đấu cuối cùng này," Lucarelli phát biểu bằng một niềm khát khao qua từng lời nói của mình. "Serie B đã rất gần với chúng ta. Chúng ta chỉ cần cống hiến hết mình trong 90 phút sắp tới. Từng giọt mồ hôi, chúng ta cũng đều phải thật nỗ lực. Và ở bất cứ đâu chúng ta không thể vươn đến bằng đôi chân của mình, hãy vươn đến bằng con tim. Bởi vì chúng ta xứng đáng với nó. Chúng ta là một tập thể thực sự. Chúng ta đã phải trải qua rất nhiều khổ nhọc để đến được đây và chúng ta phải cho họ thấy rằng Parma đã sẵn sàng cho Serie B. Còn một điều cuối cùng. Tôi không biết rằng liệu tôi có còn cơ hội để nói lại điều này, vì thế tôi mong mọi người sẽ giúp đỡ tôi. Ngày hôm nay, tôi cần mọi người đưa tôi lên Serie B. Một người vì mọi người, mọi người vì một người!" 
Và những lời nói đó đã quá đủ để truyền cảm hứng cho cả đội. Một chiến thắng với tỉ số 2-0 và tấm vé thăng hạng là một phần thưởng xứng đáng. Lucarelli lúc này đã 40 tuổi và anh cũng đã suy nghĩ đến việc từ giã sự nghiệp của mình, nhưng anh chỉ còn một bước nữa để hoàn tất lời hứa với các cổ động viên - và đó còn là một bước tiến rất lớn, chính vì thế anh đã chấp nhận ở lại đội bóng thêm một mùa giải nữa. [...]

Serie B là một giải đấu có tính cạnh tranh khá cao, có thể được sánh ngang với EFL Championship của Anh. Giải đấu là một hỗn hợp của những đội bóng đang được những nhà đầu tư để mắt đến hoặc những đội bóng sẽ chắp cánh cho các tài năng trẻ trên băng ghế chỉ đạo, và đặc biệt là những đội bóng đã bị lu mờ bởi thời gian, những thành tích và hào quang trong quá khứ. Vì thế, thử thách sắp tới giành cho Parma sẽ không hề dễ dàng để họ có thể tiếp tục công cuộc phục hưng của mình. Đây chắc chắn sẽ là một vấn đề khó khăn mà Lucarelli và các đồng đội sẽ phải đối mặt nếu như anh muốn kết thúc sự nghiệp của mình với một cái kết đẹp nhất.
Trước mùa giải, nhiều người dự đoán rằng Parma sẽ chỉ kết thúc với một vị trí ở giữa bảng xếp hạng, và phong độ của họ ở giai đoạn đầu đã càng làm cho nhận định ấy trở nên thực tế hơn. Với chỉ 3 trận thắng sau 9 trận đấu đầu tiên, có những ý kiến cho rằng người đội trưởng tận tụy ngày nào đã không thể cống hiến thêm cho đội bóng, nhưng anh đã đập tan những suy nghĩ ấy bằng chuỗi phong độ cực kì ấn tượng. Mặc dù thi đấu ở vị trí trung vệ, anh đã vực dậy cả đội và thậm chí còn có được 6 bàn thắng trong 6 trận tiếp theo - chuỗi ghi bàn dài nhất trong cả sự nghiệp của anh. Parma lúc ấy đã cho thấy một sự lột xác hoàn toàn từ trên sân đến cả giữa những cầu thủ với nhau, chính điều đó đã khiến cho đội bóng có được 8 chiến thắng trong 11 trận đấu áp chót của mùa giải để bám trụ trong cuộc đua giành tấm vé thăng hạng.
Empoli lúc ấy đã chính thức trở thành nhà vô địch của Serie B và chỉ còn lại một suất thăng hạng trực tiếp, thế nhưng đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Parma lại chính là Frosinone và Palermo, hai cái tên liên tục góp mặt tại Serie A trong những năm gần đây. Bước vào vòng đấu cuối cùng của mùa giải, đội bóng vùng Sicily (Palermo) đã không thể bắt kịp [cả hai], nhưng Frosinone vẫn đang nắm giữ lợi thế trong tay. Với 71 điểm đang có được, cách biệt 2 điểm với Parma là khá an toàn, đặc biệt là khi trong tay họ chỉ còn một trận đấu trên sân nhà với Foggia. Parma có được thành tích đối đầu và hiệu số bàn thắng tốt hơn, nhưng tất cả những điều đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu như khoảng cách ấy không được san lấp. Đội bóng sẽ hành quân đến sân Alberto Picco của Spezia với một tâm lý buộc phải thắng và trông chờ vào bất ngờ sẽ xảy ra tại Frosinone.
Ở vùng Lazio, chỉ nằm ngoài Rome, sân Stadio Benito Stirpe được phủ kín các khán đài, và tất cả đều kì vọng Frosinone sẽ đánh bại Foggia, một đội bóng đã không còn mục tiêu khi họ đã hoàn tất mục tiêu xếp giữa bảng xếp hạng, và giành lấy tấm vé thăng hạng. Áp lực trong những phút đầu tiên đến từ đội bóng chủ nhà đã liên tục bị thủ môn của Foggia từ chối, nhưng ở vùng Tây Bắc của đất nước, vận mệnh của Parma đang đi theo một chiều hướng rất tốt.
Một đường chuyền tinh tế đã tìm đến Fabio Ceravolo, người đang ở vào một tình thế trống trải trước khung thành, và anh đã không bỏ lỡ cơ hội để mở tỉ số cho Parma, và sau đó anh được vây quanh bởi những đồng đội, HLV và cả những cầu thủ dự bị. Ở thời điểm đó, Parma đang có tỉ số khá thuận lợi và Frosinone vẫn chưa thể phá vỡ thế bế tắc trên sân nhà của mình, mọi chuyện đang rất thuận lợi đối với Lucarelli và các đồng đội của anh. 10 phút trước khi hiệp 1 khép lại, mọi chuyện lại càng trở nên sáng sủa hơn.
Một tình huống tấn công hiếm hoi của Foggia đã bất ngờ trở thành một bàn thắng do công của Fabio Mazzeo, tất cả những cổ động viên Parma và cả các cầu thủ trên sân lúc ấy đã rất sung sướng bởi họ đang nắm trong tay một lợi thế rất lớn. Mặc dù ít phút sau đó Parma đã gặp phải một ít khó khăn bởi tình huống chạm tay gây tranh cãi đã tạo điều kiện để Spezia cân bằng tỉ số từ chấm phạt đền, thế nhưng Alberto Gilardino đã không thể đưa Spezia về thế quân bình. Ở giờ nghỉ giữa hiệp, tỉ số của cả 2 trận vẫn được giữ nguyên, và mọi sự chú ý đều được dồn về tình huống đã dẫn đến quả penalty, thế nhưng ngoài tình huống đáng chú ý đó, hàng hậu vệ của Parma đã có một hiệp 1 làm việc khá suôn sẻ.
Chỉ vừa bước qua phút 60, Parma đã vùng lên tấn công sau khi họ đã ngăn chặn thành công một tình huống tương tự của đội nhà. Quả bóng được chuyền lên tuyến trên, và sau cú sút đầu tiên bị thủ môn của Spezia từ chối, Amato Ciciretti đã nới rộng khoảng cách lên 2 bàn cho Parma. Mặc dù Spezia đã gây sức ép rất lớn lên phần sân của cả đội, thế nhưng Lucarelli và các cộng sự đã giúp cho Pierluigi Frattali giữ sạch được mành lưới của mình. 
Ở Lazio, mọi chuyện bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng ngược lại với Parma. Frosinone đã vùng lên rất mạnh mẽ sau khi họ trở lại và chỉ 6 phút sau bàn thắng thứ 2 của Parma, sức ép của họ đã trở thành bàn thắng cho Frosinone. Những quả đánh đầu và những đường tạt đã liên tục được các cầu thủ đội nhà tạo ra, và Luca Paganini đã suýt tận dụng được cơ hội của mình, nhưng ở phút thứ 67, một quả phạt góc từ cánh trái được treo vào vòng cấm của Foggia, và cũng chính Paganini là người rút ngắn tỉ số cho Frosinone. Với việc Parma đã dẫn trước, một chiến thắng là điều tất yếu đối với đội chủ nhà và họ vẫn cần một bàn thắng nữa để hoàn tất được nhiệm vụ của mình.
6 phút tiếp theo trôi qua và một quả phạt góc nữa được các cầu thủ Frosinone tạo ra, và lần này bóng lại tìm đến hậu vệ đội khách - Matteo Rubin, người đã vô tình đưa bóng vào lưới nhà. Không khí náo nhiệt tại Lazio lúc ấy chính là một sự tương phản với không khí khá trầm lắng tại Liguria khi tin tức về bàn thắng thứ 2 được truyền đi. Frosinone lúc này đã nắm trong tay lợi thế và không có quá nhiều điều để Lucarelli và các đồng đội có thể làm để thay đổi cục diện. Điều hiển nhiên lúc ấy là những nỗ lực của Parma sẽ coi như tan thành mây khói, và người đội trưởng của họ sẽ phải trải qua các trận đấu play-off với rất nhiều những thử thách để có thể hoàn tất được giấc mơ trở lại Serie A của mình.
Frosinone đã rất nỗ lực để giữ cho trái bóng không tiếp cận đến khung thành của mình, thế nhưng sự mệt mỏi và lo lắng sẽ làm mài mòn sự tự tin của các cầu thủ, và chỉ với 2 phút còn lại, Foggia bất ngờ vùng lên tấn công. Mặc dù họ chỉ có 2 cầu thủ đối mặt với 5 hậu vệ của đội chủ nhà, nhưng sự lúng túng trong những pha xử lý của mình đã tạo điều kiện để Roberto Floriano ghi bàn thắng quyết định cho Foggia, và cho cả Parma. Một pha bấm bóng dễ dàng qua đầu thủ môn và quả bóng đã làm phần việc còn lại của nó, điều đó đã đánh gục tất cả các cầu thủ Frosinone đang ở trên sân.
Những màn ăn mừng lúc ấy đã được đảo ngược. Một sự tĩnh lặng bao trùm cả khu vực sân vận động của Frosinone, trong khi đó ở khu vực miền bắc, các cổ động viên của Parma sung sướng đến tột cùng. Lucarelli gợi nhớ lại khoảnh khắc ấy: "Điều đó không thể là thật, nó không thể là thật được. Không ai có thể nghĩ rằng vòng đấu cuối của mùa giải lại có thể kết thúc như thế, ngay cả trong những giấc mơ của tôi. Các cổ động viên đang ăn mừng, đột nhiên chúng tôi nghe thấy một tiếng cổ động rất lớn đến từ các khán đài. Lúc ấy tôi không hiểu điều gì xảy ra cả."
Một vài phút sau đó, tất cả đã chấm dứt. Frosinone đã tự bắn vào chân mình khi để mất lợi thế trong tay, và Parma đã vượt qua họ để giành lấy tấm vé thăng hạng trực tiếp cuối cùng để trở lại Serie A. Alessandro Lucarelli đã thực hiện được lời hứa của mình. Thật đáng bất ngờ, Parma, một đội bóng chỉ ít năm trước còn đứng trên bờ vực của sự phá sản, giờ đây đã trở lại đấu trường cao nhất nước Ý sau 3 lần thăng hạng liên tiếp. Và họ đã thực hiện được điều đó cùng với người đội trưởng tận tụy của họ. Cuối cùng, với việc họ đã chắc chắn thăng hạng ở mùa giải năm tới, Lucarelli được các đồng đội tung hô và cuộc vui của họ cũng bắt đầu từ đó.

Ở buổi tiệc ăn mừng chiến tích thăng hạng, Lucarelli đã chia sẻ với các cổ động viên: "Tôi đã nghĩ về ngày này từ rất lâu rồi. Tôi đã giữ Parma trong tim tôi suốt 10 năm nay, để có thể cống hiến cho đội bóng nhiều hơn thế. Tấm vé thăng hạng lên Serie A đã là của chúng ta, và chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu của mình." Thế nhưng anh không dừng lại ở đó. Đã đến lúc phải dừng cuộc hành trình của mình. "Thế nhưng câu chuyện mà tôi đã viết nên cùng các bạn có lẽ phải chấm dứt," anh nói. "Lời hứa mà tôi đã nói với các bạn 3 năm trước đã được thực hiện. Sẽ không có bất cứ thứ gì đền đáp được và khiến cho tôi trở nên tự hào hơn thành tích đáng kinh ngạc này."
Buổi chiều hôm đó, Alessandro Lucarelli đã tuyên bố rằng anh đã đá quả bóng cuối cùng, thực hiện pha phá bóng cuối cùng, và cú tắc bóng cuối cùng cho Parma. Ở tuổi 41, anh chính thức tuyên bố giải nghệ.
Parma có được bề dày lịch sử qua rất nhiều năm thi đấu tại Serie A và đấu trường châu Âu, và trong khoảng thời gian đó, chỉ có một số áo được đội bóng treo vĩnh viễn, và đó là của Alessandro Lucarelli. Anh là một trong những người ra sân nhiều nhất cho đội bóng, anh cũng là người mang chiếc băng đội trưởng trên hình xăm của mình. Mặc dù đã có rất nhiều những cầu thủ đẳng cấp đã từng thi đấu tại Ennio Tardini, thế nhưng Parma chỉ có một huyền thoại. Anh ấy, cầu thủ ấy và là cứu tinh của Parma, đó là Alessandro Lucarelli.