Album nhạc hồi sinh tại V-pop
Album là một sản phẩm âm nhạc quan trọng của mọi nghệ sĩ âm nhạc trên thế giới. Các nghệ sĩ âm nhạc ở Việt Nam cũng từng tuân theo...
Album là một sản phẩm âm nhạc quan trọng của mọi nghệ sĩ âm nhạc trên thế giới. Các nghệ sĩ âm nhạc ở Việt Nam cũng từng tuân theo quy-tắc-album khi phát hành album đầu tay ngay khi ra mắt thị trường, và duy trì việc phát hành album mới sau vài năm. Nhưng, thói quen này đã có một khoảng thời gian bị mai một tại V-pop.
Tuy nhiên, khi mà tưởng chừng như hình thức album đã hoàn toàn thất thế giữa các MV trăm triệu views trên YouTube, thì khi ấy, hình thức album nhạc lại hồi sinh trong V-pop với nhiều triển vọng mới.
Thời kỳ lay lắt của album nhạc Việt giai đoạn 2010
Khoảng thời gian từ sau năm 2010 kéo dài đến trước năm 2019, đây là giai đoạn suy tàn của hình thức album nhạc tại thị trường Việt Nam. Manh nha của sự tàn lụi này đã xuất hiện từ một vài năm trước đó, khi mà khái niệm “ca sĩ mạng” xuất hiện và ngày càng có nhiều đại diện thuộc bộ phận này chiếm lĩnh V-pop. Khi này, album đã không giữ được vai trò mà nó từng đóng góp như đối với lứa ca sĩ hoạt động trong những năm 2000.
Trước tác động của nhạc số và sự phát triển của internet, hành vi thưởng-thức-âm-nhạc-nhanh dần trở nên phổ biến trong lứa khán giả trẻ. Khi mà chỉ cần một bài hát, một clip biểu diễn cũng có thể khiến một cái tên hôm trước còn vô danh trở nên nổi tiếng, thì album trở thành một sản phẩm không-còn-quá-cần-thiết. Từ đây, vai trò của album dần bị đẩy ra sau music video (MV) trong quá trình chinh phục khán giả - theo quan điểm hoạt động của đa số ca sĩ trẻ trong V-pop thời kỳ này.
Giữa lúc nhạc số trở nên phổ biến, việc phát hành các bản audio và MV trên nền tảng internet trở thành xu hướng của các ca sĩ trẻ. Lúc này, chỉ cần bỏ chi phí thu âm bài hát và quay các MV đơn lẻ, ca sĩ đã có thêm các bài hit và gia tăng danh tiếng, từ đó có thể nhận thêm nhiều quảng cáo và show diễn. Vai trò của album từ đó cũng dần bị lãng quên.
Trong giai đoạn này, ngoài một số ca sĩ thuộc lứa đầu và giữa 8x vẫn duy trì việc phát hành album, còn lại khá ít ca sĩ trẻ thuộc lứa đầu 9x chấp nhận đầu tư nghiêm túc vào album hoàn chỉnh. Nếu có những ca sĩ trẻ tự tin phát hành album, thì kết quả cũng không tác động quá nhiều đến vị thế. Điều đó dẫn tới việc phần lớn các ca sĩ trẻ không còn mặn mà trong việc phát hành album trong những năm về sau.
Một số ca sĩ trẻ thuộc lứa cuối 8x và đầu 9x dấn thân vào việc phát hành album vào những năm đầu sự nghiệp, nhưng sau một vài album thì đã chính thức thoái lui. Bảo Thy, Đông Nhi, Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh,… là những ví dụ cho trường hợp này.
Sự kế thừa của những đại diện cũ-và-mới vào giai đoạn 2020
Sự trở lại bùng nổ của Hoàng Thuỳ Linh cùng album "Hoàng" vào năm 2019 là phát súng đầu tiên báo hiệu cho việc album nhạc đang được đầu tư trở lại. Bản thân Hoàng Thuỳ Linh cũng ra mắt vai trò ca sĩ với một album chính thức, đó là album cùng tên của cô được phát hành vào năm 2010. Ngay sau đó một năm, Hoàng Thuỳ Linh tiếp tục phát hành album phòng thu thứ 2 mang tên “Đừng vội vàng”. Cô tiếp tục phát hành mini album vào năm 2012 và EP vào năm 2013.
Tuy chăm chỉ là thế, nhưng cũng có thể thấy, ngay cả với một ca sĩ có thói quen làm album như Hoàng Thuỳ Linh, cũng có một vài năm cô “nghỉ chơi” với hình thức này. Sau EP “Page Six” cùng những người đồng đội tại The Remix 2016, Hoàng Thuỳ Linh trong những năm sau đó chỉ trở lại cầm chừng với các MV đơn lẻ.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của Hoàng Thuỳ Linh đã đến khi nhóm DTAP gửi bài hát “Để Mị nói cho mà nghe” cho cô. Sự thành công của ca khúc cũng như MV đã thôi thúc Hoàng Thuỳ Linh bắt tay vào việc thực hiện album thứ 3, sau 8 năm kể từ album “Đừng vội vàng”. Cô phát hành thêm các MV “Duyên âm” và “Tứ phủ” trước khi chính thức thả xích cho album phòng thu thứ 3.
“Hoàng” trở thành album đỉnh cao không chỉ đối với Hoàng Thuỳ Linh mà còn đối với thị trường nhạc Việt đang khan hiếm album vào thời điểm đó. Sự thành công của “Hoàng” cả về mặt thương mại lẫn đánh giá của giới chuyên môn trở thành tấm gương cho các ca sĩ trẻ khác noi theo. Không chỉ mang về cho Hoàng Thuỳ Linh hàng loạt bài hit cùng nhiều giải thưởng cao quý, mà “Hoàng” còn giúp cô “Vàng Anh” năm nào “rũ bùn đứng dậy sáng loà”.
Ngay sau đó, thị trường cũng không phải chờ đợi quá lâu để có thêm các album chất lượng. Amee, nữ ca sĩ 10x được biết đến với một số bài hit đã phát hành như “Ex’s hate me”, “Anh nhà ở đâu thế?” trở thành ca sĩ tiếp thu khuynh đảo V-pop bằng một album phòng thu. Với ekip hùng hậu và chuyên nghiệp, album “Dreamee” của Amee nhanh chóng trở thành sản phẩm tiếp theo được săn đón, sau album “Hoàng”.
Thành công của album đầu tay không chỉ thể hiện qua số lượng phát hành ấn tượng (hơn 2000 bản), mà còn giúp Amee vượt mặt hàng loạt cái tên đình đám khác để ẵm giải thưởng “Nữ ca sĩ của năm” tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh năm 2021. Có thể thấy, album đã giúp nâng vị thế của một ca sĩ trẻ như Amee trong mắt giới chuyên môn, so với các ca sĩ khác chỉ phát hành các bài hát đơn lẻ.
Tương tự Amee, Hoàng Dũng cũng là một ca sĩ “thắng nhờ album”. Tuy có bản hit “Nàng thơ” làm mê mẩn giới trẻ, nhưng khó để Hoàng Dũng giữ được sức nóng lâu nếu không có sự “chống lưng” của album đầu tay.
Album “25” gây ấn tượng với giới mộ điệu bởi sự chỉn chu và tư duy làm nhạc đến nơi đến chốn. Sự thành công của dự án đã khiến cho Hoàng Dũng từ chỗ một ca sĩ tưởng chừng sẽ thất thế trước vô số các ca sĩ trẻ khác trên thị trường, lại trở nên nổi bật và là ứng viên không thể hợp lý hơn để trao giải thưởng “Gương mặt mới xuất sắc” ở lễ trao giải Làn Sóng Xanh năm 2020.
Chính vì những lợi thế mà album mang lại, từ sau năm 2020, xu hướng làm album bắt đầu nở rộ trở lại đối với các ca sĩ cuối 8x và đầu 9x.
Cũng giống như Hoàng Thuỳ Linh, Văn Mai Hương cũng chọn cách phát hành album trở lại sau nhiều năm gián đoạn, kể từ album “18+” từ tận năm 2013. Sau khoảng thời gian tương đối mờ nhạt, Văn Mai Hương dần tìm lại hào quang khi hợp tác với nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền. Cũng khởi đầu với một bài hát thành công là “Cầu hôn”, ekip của Văn Mai Hương dành 2 năm để "thai nghén" trước khi chính thức tung ra thị trường album hoàn chỉnh.
Tuy không quá đình đám như “Hoàng”, nhưng album “Hương” của Văn Mai Hương cũng mang về cho cô các bài hit sau nhiều năm khá im ắng trên thị trường. Sự thành công của album cũng giúp Văn Mai Hương lần đầu tiên nhận được giải thưởng “Nữ ca sĩ của năm” tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh năm 2021. Từ chỗ một ca sĩ triển vọng với “Nếu như anh đến” từ năm 2011, Văn Mai Hương vào năm 2021 đã đạt được bước tiến mới trong sự nghiệp nhờ đầu tư vào một album hoàn chỉnh.
Vai trò của album càng được thể hiện rõ với trường hợp của Mono. Chàng trai trẻ Nguyễn Việt Hoàng từ chỗ chỉ được biết đến với cái mác “em trai Sơn Tùng”, đã từng bước chinh phục các bậc thang đầu tiên trong V-pop.
Album “22” của Mono là yếu tố tác động mạnh đến quyết định về các giải thưởng quan trọng. Trong khi trên thị trường vẫn có những bài hát hot hit khác, thì chính album phòng thu đã khiến cho lần chạm tay đến giải thưởng “Nghệ sĩ mới của năm” của Mono ở các giải thưởng âm nhạc trở nên thuyết phục.
Những lợi thế của album
Album được những chuyên gia coi là tuyên ngôn về cá tính âm nhạc của người nghệ sĩ. Do đó, việc xu hướng phát hành album nở rộ trở lại từ những năm 2020 là một tín hiệu đáng mừng.
Album giúp nâng cao vị thế của người nghệ sĩ âm nhạc trong lĩnh vực chuyên môn
Có thể thấy Hoàng Thuỳ Linh, Văn Mai Hương đã lấy lại danh tiếng sau nhiều năm mờ nhạt như thế nào khi phát hành các album thành công. Các ca sĩ trẻ như Amee, Hoàng Dũng, Mono debut bằng album hoàn chỉnh đã mang về cho họ những thành tựu mà các ca sĩ cùng lứa không đạt được.
Nếu chỉ phát hành các MV đơn lẻ, chắc hẳn sẽ có những cuộc cạnh tranh gay gắt khi so sánh giữa các bài hit trên thị trường. Tuy nhiên, album đã khiến cho lựa chọn của giới chuyên môn trở nên rõ ràng hơn. Khi có album chất lượng trong tay, ca sĩ đó sẽ có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn tại các giải thưởng âm nhạc.
Album giúp “chống lưng” cho toàn bộ hoạt động của ca sĩ đó trong giai đoạn nhất định
Nếu Phùng Khánh Linh chỉ tung ra các MV hay bản audio đơn lẻ, có lẽ cô đã không nhận được nhiều lời tán dương đến thế. Phùng Khánh Linh từng phát hành nhiều single trong những năm đầu sự nghiệp, nhưng tất cả đều không khiến cái tên Phùng Khánh Linh trở lên nổi bật trong hàng tá ca sĩ trẻ trên thị trường.
Chính những album đã khiến cái tên Phùng Khánh Linh được công chúng nhắc đến nhiều hơn. Sự đầu tư nghiêm túc, concept chỉn chu, ý tưởng mới lạ đã khiến cho các album “Yesteryear” và “Citopia” trở thành tâm điểm của V-pop tại thời điểm ra mắt. Bất chấp việc không có bài hit nào từ các album, Phùng Khánh Linh vẫn tiến được những bước dài trong sự nghiệp.
Tương tự Phùng Khánh Linh là Tóc Tiên, mặc dù album “Cong” không có bài hit, nhưng chủ nhân của album vẫn nổi bần bật trong showbiz khi xuất hiện hàng loạt từ báo chí đến các giải thưởng âm nhạc. Album có thể giúp ca sĩ thoát khỏi những “bàn thua” khi ra mắt các ca khúc và MV đơn lẻ.
Album trở thành bản lề cho dự án dài hơi của nghệ sĩ
Nếu thực hiện đúng quy trình, sau khi phát hành album, ca sĩ có thể tổ chức các live concert để quảng bá cho album, từ đó tạo ra nguồn doanh thu và công luận đáng kể. Khi không có album, ca sĩ vẫn có thể tổ chức live concert. Nhưng khi dùng album làm “bản lề”, thì chuỗi concert sẽ tuân theo concept thống nhất với album để trở thành dự án có giá trị nghệ thuật cao.
Chuỗi dự án single – album – concert cũng là quy trình quen thuộc của các nghệ sĩ âm nhạc trên thế giới. Tại Việt Nam, có lẽ không nhiều ca sĩ trẻ hiện nay có thể thực hiện được một dự án dài hơi tương tự. Trong khi những cái tên gạo cội như Mỹ Tâm hiện tại cũng không còn quá nhiều động lực cho các dự án hoành tráng như thời kỳ đỉnh cao.
Lúc này, những đại diện của dòng nhạc indie như Vũ, Cá Hồi Hoang lại thể hiện được vai trò của mình trong dòng chảy nhạc Việt, khi là những nghệ sĩ âm nhạc hiếm hoi thực hiện được quy trình “chuẩn quốc tế” như trên. Tuy vậy, quy mô cũng như hiệu ứng truyền thông của các dự án do nghệ sĩ indie “cầm trịch” vẫn có sự giới hạn nhất định đối với số đông khán giả trên thị trường.
Album giúp hồi sinh đĩa cứng
Chiếc đĩa CD tưởng chừng sẽ bị đào thải, sau khi nhạc số phát triển và nhanh chóng chiếm lĩnh ngành công nghiệp âm nhạc. Nhưng, mặc cho số lượng phát hành sụt giảm, đĩa CD vẫn chưa bao giờ chết. Thói quen phát hành album đĩa cứng vẫn duy trì đều đặn ở các nền âm nhạc phát triển trên thế giới.
Tại Việt Nam, hình thức phát hành album đĩa cứng đã có một khoảng thời gian trên dưới 5 năm gần như bị lãng quên, khoảng từ năm 2013 đến năm 2018. Khi đó, hầu như không có ca sĩ trẻ nào nghĩ đến chuyện phát hành album, chứ chưa nói gì đến việc in đĩa CD để bán.
Một số ca sĩ lâu năm vẫn duy trì thói quen phát hành album trong đó có hình thức đĩa cứng, bao gồm CD hoặc đĩa than, nhằm phục vụ cho đối tượng khán giả trung thành. Nhưng ở địa hạt mainstream V-pop, hầu như chiếc đĩa CD đã bị “mất tích” khá lâu.
Nhưng, đùng một cái, Hoàng Thuỳ Linh trở lại hoành tráng với album được thiết kế công phu. Và câu chuyện tiếp theo là sự hồi sinh của đĩa cứng ở thị trường âm nhạc Việt Nam vào những năm sau đó.
Không chỉ là một bài hát, một MV mà là cả album xấp xỉ 10 bài hát. Không còn tình trạng “đói nhạc”, cộng đồng fans của các ca sĩ sẽ được giữ lửa và có cơ hội phát triển hơn.
Với album, bên cạnh live concert của cá nhân, các ca sĩ cũng có cơ hội tham gia nhiều show diễn sau mỗi lần comeback thành công. Do đó, có thể nhận định, chi phí đầu tư cho album chưa chắc đã là lớn so với MV, nhưng hiệu quả về mặt danh tiếng và thu nhập mà album mang lại là tích cực.
Tương lai của album nhạc Việt
Sự đổ bộ của hàng loạt album trong những năm vừa qua đã mang đến cho thị trường nhạc Việt những tín hiệu tích cực. Nhiều ca sĩ có bước đột phá trong sự nghiệp, trở lại ngoạn mục hoặc duy trì tên tuổi. Điểm sáng của việc phát hành album đã khiến cho thị trường âm nhạc Việt Nam sôi động hơn theo một cách chuyên nghiệp.
Bên cạnh việc đầu tư nghiêm túc cho album, các hoạt động nằm trong chiến dịch quảng bá cho lần comeback cũng được triển khai. Các ekip tại Việt Nam đã có sự tiếp thu, học hỏi các nền âm nhạc phát triển với các hình thức fansign, fanmeeting, live concert. Các hoạt động được đầu tư kỹ lưỡng với tư duy nghệ thuật cao cũng là hình thức giáo dục cho khán giả cách thưởng thức âm nhạc văn minh, tiến bộ.
Đầu tư vào album là đầu tư vào cả một quy trình sản xuất đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Do đó, sau những lần phát hành album cũng là những khoảng thời gian mà người nghệ sĩ “nghỉ xả hơi” để tiếp tục "thai nghén" cho album tiếp theo. Vòng lặp này tạo thành guồng quay trong ngành công nghiệp âm nhạc. Khán giả dần quen với cách vận hành của bộ máy, từ đó có thể thúc đẩy nền âm nhạc Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất