* Bài viết được dịch, trích từ cuốn sách Heimisch und doch frem (bản địa và lạ lẫm) của Barbara Warning.
*LƯU Ý: bài viết có chứa những cảm quan chính trị khác biệt, nếu bạn nào đó cảm thấy không chấp nhận được thì xin tạm dừng ở đây. Bởi đây là câu chuyện đời của một người với những trải nghiệm cá nhân dưới cái nhìn cá nhân của họ. Vậy nên mong mọi người không lên án, đánh giá, chỉ trích, áp đặt nhau. Ở đây chúng ta không bàn đến đúng sai của câu chuyện, chúng ta chỉ nghe kể chuyện đời của cá nhân một người Việt mà thôi.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hàng trăm ngàn người dân đã phải rời bỏ quê hương mình vì chiến tranh và khủng bố. Họ phải trả tiền cho những gã cò mồi độc ác để có thể chạy trốn, rồi sau đó lại bị nhồi nhét vào một con thuyền nhỏ xíu, tồi tàn, và lạnh lùng đẩy nó tròng trành ra giữa biển khơi. Cho dù lương thực dự trữ đã được chất sẵn ở trên thuyền, thì nó cũng không bao giờ là đủ cho tất cả. Hàng nghìn người đã chết. Họ bị chết đuối hoặc kiệt sức trước cái khắc nghiệt của chuyến đi. Điều mà giờ đây đang diễn ra ở vùng biển Địa Trung Hải, vốn trước đó đã từng xảy ra, đó là: cuộc “vượt biên” của những thuyền nhân Việt Nam qua biển Đông.
Vào những năm cuối chiến tranh Việt Nam (1975), trong bối cảnh Việt Cộng lên nắm quyền , có khoảng 1,5 triệu người Miền Nam Việt Nam đã rời bỏ quê hương,. Người ta ước tính rằng, chừng một phần tư triệu người Việt nam đã bỏ mạng ở giữa biển Đông. Lúc trẻ, Albert An cũng đã trải qua ký ức kinh hoàng đó, may mắn sống sót khỏi chuyến tàu quá tải và những đợt tấn công của quân cướp biển. Là một người tị nạn không quốc tịch, ông đặt chân xuống nước Đức khi mới 13 tuổi. “Tôi hiểu cảm giác của những người tị nạn vượt biển sang Châu Âu từ Syria hay Châu Phi ngày hôm nay. Những thứ họ phải vượt qua, những đau khổ họ phải chịu đựng, tôi đều đã từng tự mình trải nghiệm chúng.”

Tuổi thơ trong chiến tranh

Albert An sinh ra ở Đức Hòa, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh 30km. Gia đình ông vốn trước đây rất được dân quanh vùng trọng vọng, bởi bố ông là bác sĩ và là thầy thuốc Đông y, có hẳn một hiệu thuốc riêng. Albert An là con thứ bảy trong nhà có 10 anh chị em.
Ông được sinh ra vào năm 1966, lúc đó ở Việt Nam chiến tranh nổ ra đã được hai năm. Quân Mỹ liên minh với miền Nam Việt Nam đánh lại Cộng sản miền bắc Việt Nam. Quân đội miền Bắc hay còn gọi là Việt Cộng sử dụng chiến thuật du kích để đối phó với quân đội Mỹ.
“Từ bé tôi đã cảm nhận được cuộc chiến rất rõ ràng, bởi nó diễn ra ngay trong làng của chúng tôi, xung quanh chúng tôi. Hàng đêm, tôi đều nghe thấy tiếng súng. Vì có rất nhiều người chống lại quân Mỹ, thế nên vào ban ngày họ sống rất kín đáo. Họ không biết được ai trong làng theo Việt Cộng, vì quân Việt Cộng là quân du kích.
Anh cả của tôi làm việc cho quân đội Mỹ, anh ấy nói tiếng Anh rất giỏi. Nếu anh ấy về thăm nhà, bố mẹ tôi rất sợ rằng anh sẽ bị du kích giết chết, bởi anh tôi mặc bộ quân phục của Mỹ.
Những lúc bị ném bom, chúng tôi liền chạy xuống hầm trú ẩn. Nhưng không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để trốn xuống dưới. Một quả bom đã nổ ngay cạnh phòng ngủ của tôi. Một lần khác, nó rơi ngay phía sau nhà. Tôi bị ném văng lên trời. Còn đứa trẻ hàng xóm lúc đấy đang đứng cạnh tôi thậm chí đã bị chết.
Tôi đã nhìn thấy không biết bao nhiêu thi thể trong những trận bom. Nếu quân Mỹ giết lính Việt Cộng, họ sẽ phơi những cái thây đó ở trên đường phố nhằm hăm dọa tinh thần. Và tôi – một đứa bé cũng đã buộc phải nhìn thấy cảnh tượng đó.”
                                                    Từ khi chỉ là một đứa trẻ, tôi đã nghiệm ra rằng                                                        cuộc sống này thật vô nghĩa. (Albert An T.)

Bom Napan và chất độc Dioxin tàn sát quân du kích

Quân Việt Cộng đã xây dựng một hệ thống đường hầm  - thứ vốn có nguồn gốc từ cuộc kháng chiến chống Pháp, để phục vụ cho việc trú ẩn ở miền Nam Việt Nam.
Địa đạo Củ Chi kéo dài tầm 200 km. Bên trong nó bao gồm cả phòng ngủ, bếp và bệnh xá. Quân đội Mỹ muốn phá hủy đường hầm này nhằm ngăn chặn bước tiến của Việt Cộng vào miền Nam. Nhưng Việt Nam là một đất nước nhiệt đới với những khu rừng rậm rạp, thế nên rất khó để phát hiện ra cửa vào hầm và bản đồ đường đi phía dưới mặt đất. Vì vậy, quân Mỹ đã cho rải trên diện rộng thuốc diệt cỏ, có tên gọi Chất độc màu da cam. Đây là một chất Dioxin cực kỳ độc. Nó gây ra bệnh ung thư và những tổn thương mang tính di truyền. Nhiều vùng đất đến tận bây giờ vẫn bị nhiễm độc bởi nó. Đồng thời, ở Việt Nam, những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ ba tiếp tục ra đời với những dị tật bẩm sinh nặng nề.
„Một trong những lối vào của địa đạo Củ Chi được đặt cạnh ngôi làng của chúng tôi. Nhờ nó, quân du kích có thể tiến vào Sài Gòn mà không bị phát hiện. Và cũng ở trong vùng chúng tôi, quân Mỹ đã bắt đầu đánh hơi thấy và lần theo dấu vết của đường hầm.
Chúng ném xuống những quả bom được bơm đầy Napan. Chất Napan gây ra những vụ cháy nổ kinh khủng khiếp. Khi những bức ảnh đáng sợ chụp những đứa trẻ bị đốt cháy được công bố rộng rãi, một làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam nổ ra ngay giữa lòng nước Mỹ. Chính phủ Mỹ thì lại muốn bằng mọi giá phải giành chiến thắng trong cuộc chiến với phe Cộng sản ở Việt Nam. Đất nước chúng tôi trở thành một chiến trường.“
Những bức ảnh đau thương về các nạn nhân của chiến tranh ở Việt Nam đã làm dấy lên phòng trào phản đối kịch liệt trong lòng dân Mỹ.

Sự thống trị đầy kinh sợ của Việt Cộng

Vào năm 1973, một lệnh ngừng bắn đã được thông qua. Quân đội Mỹ đã rời khỏi Việt Nam. „Anh tôi cũng muốn đi cùng những người lính tới Mỹ. Sau cùng anh đã ghi danh vào quân đội. Anh ấy biết những thứ tồi tệ sẽ đe dọa mình nếu vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam. Nhưng anh không được phép mang theo vợ và các con, thế nên không thể nào rời đi được.“
Theo hiệp ước ký kết, Việt Nam được chia thành hai miền Nam Bắc theo chí tuyến 17: Miền Nam Việt Nam đi theo kinh tế tư bản và phần còn lại là miền Bắc Việt Nam theo Cộng sản. Nhưng vào ngày 30.04.1975, Việt Cộng đã chiếm Sài Gòn. Những người Mỹ cuối cùng đã được mang đi bằng trực thăng trên nóc nhà Đại sứ quán. Việt Nam được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Cộng sản.
„Từ đây, sự cai trị khủng khiếp của Việt Cộng bắt đầu. Anh tôi cũng như hàng trăm nghìn người dân miền Nam được mang tới một nơi được gọi là Trại cải tạo, bởi anh đã làm việc cho Hoa Kỳ. Khu trại thật sự rất tồi tàn. Những tù nhân bị hành hạ, tra tấn. Nó bao gồm cả việc tẩy não. Hàng nghìn người đã chết. Anh trai tôi thì may mắn hơn. Anh đã sống sót và một thời gian sau thì được thả tự do.“
Ở Đức Hòa, Cộng sản cũng nắm quyền cai quản, một trưởng thôn được bầu ra để chăm lo, đảm bảo người dân có thái độ đúng đắn. „Đột nhiên nhiều người trong làng bắt đầu đeo băng tay đỏ. Hàng xóm chúng tôi vốn có cậu bé trai rất hay chơi đá bóng cùng tôi đã bí mật trở thành quân du kích của Việt Cộng. Chúng tôi không nghi ngờ về điều đó. Giờ đây, họ được xem như Cộng sản.
Sẽ rất nguy hiểm nếu như nói chuyện ở chốn công cộng. Chúng tôi phải thận trọng với người mình đang giao tiếp. Mặc dù phải chịu những áp lực lớn, nhưng bố tôi vẫn không gia nhập Đảng.
Vậy nên, tôi gặp phải rắc rối ở trường. Tôi lúc đó vốn là một học sinh giỏi, thế nhưng lại không tài nào vượt qua bài kiểm tra. Còn cậu trai ngồi cạnh tôi và chép bài tôi thì lại đỗ. Bởi lẽ, theo quan điểm của Việt Cộng thì cậu ta có một quá khứ sạch sẽ - thứ mà tôi không có: bố tôi không thuộc hàng ngũ của Đảng, anh trai tôi làm việc trong quân đội Mỹ. Thế nên tôi bị trừng phạt.“

Không gạo, không đường, không bia

Chính phủ Cộng sản ở Việt Nam đã áp dụng một nền kinh tế tập thể. Chủ nhà máy và địa chủ bị chiếm đoạt. Chủ trương kinh tế này được áp dụng trên cả nước – đất nước vốn đã bị phá hủy bởi chiến tranh. „Đối với chúng tôi nó mở đầu cho một cuộc chiến sinh tồn. Lúc bé, tôi đã trải qua ba hay bốn lần cải cách tiền tệ. Gần như không có lương thực thực phẩm. Gạo ở Việt Nam là một nguồn lương thực chính. Nhưng bây giờ thậm chí còn không có gạo. Để thay thế nó, chúng tôi ăn rễ khoai mì. Tôi vẫn còn nhớ rõ rằng vào thời đó gần như không thể mua nổi đường. Mỗi tối, bố tôi lúc nào cũng uống một cốc bia. Nhưng giờ đây, bia cũng không có nữa.
Nhưng chúng tôi không bị bỏ đói như những người khác, bởi bố tôi là một bác sĩ uy tín. Bệnh nhân thường trả công chữa bệnh cho bố tôi bằng lương thực. Thế nên chúng tôi có đồ ăn.
Mẹ của tôi đã mua thêm một mảnh đất. Chúng tôi đã phát quang bụi rậm, cày xới đất và trồng mía cùng dứa. Vậy là chúng tôi có thêm thứ để bán và trao đổi. Sau đó mảnh đất cũng bị Cộng sản chiếm lấy.
Trước sự túng thiếu này, chúng tôi – những cô cậu học sinh buộc phải trở thành người đi thu hoạch không công trên ruộng suốt một tháng liền. Và đó thực sự là một công việc nặng nhọc. Nông dân cũng không có đủ đồ để ăn. Một vài người trong chúng tôi đã đi bắt rắn về nướng ăn. Tôi đã lờ đi cảm giác ghê tởm bên trong và cuối cùng cũng đói quá mà ăn rắn.“

Tạm biệt bố mẹ

„Một hôm, lúc tôi đang đi trên xe buýt và ngồi trên nóc của nó, thì bỗng nhiên có một vụ tắc đường ở phía trước. Chuyện là một người đàn ông bị bắt vì hành vị phạm tội, và giờ đây đang được giải đi thi hành án. Ở giữa ngã tư là pháo đài – nơi họ bắn ông ta. Trước mọi con mắt của người dân, thế thôi, không cần đến tố tụng hình sự. Tôi có thể quan sát rõ ràng, chính xác khung cảnh đó, bởi tôi đang ngồi từ trên cao. Việt Cộng luôn bắn người ở trên phố để đe dọa tinh thần. Lúc này đây tôi biết rằng chúng tôi không có quyền. Chúng tôi không phải con người, mà chỉ là con kiến.“
Ở miền Bắc Việt Nam cuộc chiến biên giới với Trung Quốc nổ ra năm 1979. Anh trai của An – Thái bị bắt tòng quân. Bố mẹ lo sợ rằng con trai mình sẽ chết ở đó nên đã lên kế hoạch chạy trốn khỏi Việt Nam. Ngay từ lúc bắt đầu chế độ Cộng sản đã có hàng trăm nghìn người Việt Nam vượt biển qua Malaysia, Thái Lan, hay Philipin. Thái cũng muốn trốn đi bằng thuyền, tin tưởng vào người lái tàu, nhưng anh đã bị bắt. Anh quay trở về.
„Chúng tôi quyết định thử thêm lần nữa. Lần này, tôi sẽ đi cùng anh, bởi tôi có một mối liên kết gần gũi với anh. Ngoài ra, tôi không tìm thấy cơ hội cho mình ở Việt Nam. Họ sẽ chẳng bao giờ để cho tôi tốt nghiệp.“ Bố mẹ đã phải chi một số tiền khổng lồ lên tới 10000 Đô la mỗi đứa cho tổ chức vượt biên, và không thể biết chắc được cuộc trốn chạy có thành công hay không.
„Đó là một quyết định kinh khủng đối với bố mẹ tôi khi phải cho chúng tôi đi. Và thậm chí họ không biết được liệu chúng tôi sẽ sống sót hay không. Đã có quá nhiều người chết trên đường bỏ chạy. Tôi cũng có con, và khi tôi tưởng tượng việc mình phải đưa ra một quyết định như vậy, nó thật dã man. Chắc chắn nó cũng rất tồi tệ với bố mẹ tôi, nhưng họ muốn đem lại tương lai cho chúng tôi – điều không thể ở Việt Nam.
Và cả với tôi, cảnh chia ly này cũng thật khủng khiếp. Tôi chưa bao giờ đi xa khỏi nhà mình. Chưa từng một lần qua đêm ở nơi khác. Và bây giờ thì tôi phải rời xa mãi mãi. Vào ngày 28.01.1979, khi mới 13 tuổi, tôi đã rời gia đình mình mà không biết liệu có còn ngày gặp lại hay không.“

Cuộc chạy trốn trong đêm đến bờ biển

„Dưới chế độ của Việt Cộng, không ai được phép rời làng mà chưa được sự cho phép. Và tất nhiên cũng không được đi đến tỉnh khác. Chúng tôi hoàn toàn bị kiểm soát. Vậy nên chúng tôi chỉ có thể đi đến bãi biển một cách bất hợp phát.“
Hai anh em được giấu trong xe tải với tám người tị nạn khác. Họ chỉ chạy trong đêm, vì ban ngày sẽ rất dễ bị lộ. Sau đó họ đi tới bãi biển Bạc Liêu. Ở đó, những tên cò mồi gom những người tị nạn từ mọi vùng miền lại với nhau. Mỗi ngày đều có hàng trăm người chờ đợi chuyến tàu tiếp theo. Hai anh em trú tạm trong một ngôi nhà bỏ trống, chủ của nó cũng đã bỏ đi. Bố mẹ đã cho thêm tiền cho họ, vậy nên họ có thể mua gì đó để ăn. Ở Bạc Liêu, họ được tránh khỏi những cuộc đột kích, bởi các tên cò mồi có mối sẵn với cảnh sát địa phương và quản lý.
„Mọi thứ được tổ chức gọn ghẽ. Những tên cò gom hàng nghìn người một lúc, mua thuyền và đẩy họ ra ngoài biển khơi. Nó gần như trái ngược với số tiền đã bỏ ra. Chuyến đi không hề dễ dàng.“
Hai anh em ở lại Bạc Liêu trong nhiều tuần liền. Một đêm nọ, họ bị đánh thức. Một con tàu đang chờ họ sẵn sàng xuất phát. Trên tàu lúc này tầm chỉ 250 người. Nhưng tên cò mồi đã nhồi nhét thêm 405 người.
„Nếu con tàu khởi hành, bọn chúng muốn nhồi nhét được càng nhiều dân tị nạn càng tốt. Họ đã được nhận sẵn tiền rồi, thế nên họ chẳng bận tâm xem chúng ta có tồn tại nổi trong con tàu tròng trành này hay không.
Con tàu của chúng tôi không quá lớn. Ở dưới hầm, chúng tôi chỉ có thể khom người ngồi. Trên thuyền không có lấy một chỗ để nằm. Chúng tôi cũng không được phép mang hành lý theo cùng. Tôi chỉ mang bên mình một túi xách nhựa nhỏ, màu đỏ. Trong đó bao gồm giấy khai sinh và một vài bộ quần áo. Hết.“

Bị tấn công bởi cướp biển

Con thuyền rời Bạc Liêu vào nửa đêm. Mục tiêu là: ra tới vùng biển quốc tế nhanh nhất có thể để đảm bảo an toàn trước hải quân Việt Nam. Người tị nạn ngồi chật kín dưới sàn tàu và cầu nguyện được sống sót.
„Con tàu bắt đầu tròng trành. Tất cả đều bị say sóng và nôn ọe. Tôi còn quá trẻ, tôi là một trong số ít người vẫn còn tiếp tục thích nghi được. Vì vậy tôi đã đi nhặt những túi nôn đem vứt xuống biển và chia nước uống cho những người ốm. Họ nằm chồng lên nhau, sống dở chết dở, bị co giật, tất cả tạo nên một khung cảnh hãi hùng. Tôi tận dụng mọi thời gian để đi lên boong tàu nhằm trốn thoát khỏi cái mùi hôi thôi nồng nặc. Mãi những năm sau này, tôi vẫn luôn ngửi thấy mùi đấy quanh mũi mình.

Con tàu tròng trành giữa biển ba ngày ba đêm. Sau đó nó đụng mặt hải tặc Thái Lan ở biển Đông. 15 đến 20 tên cướp biển nhảy lên tàu chúng tôi. Một người phụ nữ trên tàu đứng ra nói chuyện với chúng và thỏa thuận một số tiền để mua hết tất cả chúng tôi. Chúng muốn vàng và đô la của những người tị nạn. Tôi đã phải cống nộp 100 đô la cuối cùng và chiếc nhẫn vàng của mẹ. Rồi sau đó, quân cướp biển bỏ đi.
Dù sao chúng tôi vẫn còn may mắn chán. Nếu bọn cướp biển đánh chiếm một tàu nhỏ hơn, chúng đã ném hết đàn ông xuống biển và cưỡng hiếp phụ nữ. Nhưng chúng tôi gồm hơn 400 người tị nạn, thế nên chúng chẳng thể giết hết nổi.“
Con tàu tiếp tục chạy theo hướng tây nam về phía Malaysia.
„Tôi không chắc liệu thuyền trưởng có biết ông ta đang lái đi đâu không. Rồi chúng tôi nhìn thấy một hòn đảo, ông ta liền cho tàu vào bờ. Nhưng dù vậy chúng tôi vẫn chưa đảm bảo được sự an toàn. Bởi nếu người Malaysia phát hiện ra một con tàu tị nạn, họ sẽ lại đẩy nó ra biển. Thế nên, chúng tôi quyết định phá nát con tàu để không bị lênh đênh thêm nữa. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng hòn đảo này không có người ở.“
Người tị nạn đã bị nhốt lại trong một ốc đảo hoang. Họ không có cả cần để câu cá. Nước vẫn còn và họ đi hái quả trong rừng để ăn. Họ rệu rã vì đói.
„Đó là một hòn đảo tuyệt đẹp, nhưng chúng tôi không làm sao tận hưởng được. Bởi ai cũng đang rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Chúng tôi đơn độc, không ai hay rằng chúng tôi ở đây. Không ai có thể giúp đỡ chúng tôi.“
Ba tuần sau, họ được cứu thoát bởi quân đội Malaysia đã vô tình phát hiện họ trong một chuyến đi tuần trên các quần đảo. Quân đội báo cáo lại với tổ chức tị nạn của Liên hợp quốc. Cuối cùng, họ được mang lên tàu đi tới Pulau Bidong. Ở đó, Liên hợp quốc đã xây dựng một trại tị nạn lớn cho hàng nghìn thuyền nhân Việt Nam.

Ở trại tị nạn Pulau Bidong

Albert An và anh trai cậu đã hy vọng rằng ở Pulau Bidong họ sẽ được cứu thoát khỏi sự khắc nghiệt và kinh khủng của cuộc trốn thoát, tuy nhiên sự thực lại không như vậy. Ở đây không có nổi phút giây yên tĩnh, bởi những thông báo và các mẩu tin gầm lên trong loa phóng thanh suốt ngày đêm và thiếu thốn trầm trọng không gian sinh hoạt.
“Tình trạng ở đây rất kinh khủng. Hàng nghìn người sống trong những cái lều tự dựng. Anh và tôi phải đi tìm những nhành cây và gỗ để làm nên nơi trú ngụ tạm thời. Điều kiện vệ sinh thì thật đáng sợ, không có nhà vệ sinh, thậm chí không có lấy một cái hố xí. Đâu đâu cũng bốc mùi nồng nặc.
Đồ ăn được chia cho các nhóm. Khi số hiệu thuyền cửa chúng tôi vang lên trong loa, chúng tôi sẽ đi đến tòa nhà chính và đứng xếp hàng chờ đợi. Và luôn luôn nhận được thứ giống nhau: một lon cá trích sốt cà chua, một lon đậu và gạo. Sau đó, chúng tôi về nấu cơm và ăn cùng cá, đậu.
Với nước uống thì phải chờ lâu hơn. Nó được chiết khẩu phần rất chặt, bởi ở Pulau Bidong không có sẵn nước ngọt. Thế nên chúng tôi phải cố gắng tự hứng lấy nước mưa bằng túi nhựa. Chúng tôi còn đề nghị đi lấy hộ đồ ăn cho người khác để kiếm thêm một ít tiền. Tôi đã phải kéo một bao đường còn nặng hơn cả người tôi.”
An và anh trai phải sống ở đó trong sáu tháng. Họ muốn sang Mỹ. Bởi anh trai họ từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, thế nên cơ hội rộng mở với họ hơn. Nhưng danh sách chờ vốn đang rất dài. Họ sẽ buộc phải ở lại Pulau Bidong nhiều năm nữa.
“Một hôm, một phái đoàn Đức đi đến trại chúng tôi. Họ muốn cứu giúp người tị nạn. Thế nên tôi và anh trai đã đăng ký đi theo. Tôi không biết gì về nước Đức, ngoại trừ việc vào năm 1974 đội bóng của quốc gia này đã vô địch Worldcup khi đánh bại Hà Lan với tỉ số 2:1.”
Họ được đón đi và mang tới Kuala Lumpur. Theo hiệp ước Geneva, Nước Đức công nhận họ như người tị nạn. Vì vậy, họ nhận được những giấy thông hành từ đại sứ quán Đức. Sau một vài ngày chờ đợi, cả hai anh em bay sang nước Đức.

Vấn đề lớn nhất: học tiếng Đức

“Khi chúng tôi đặt chân xuống nước Đức, anh tôi đã quá tuổi đến trường. Anh đã tham dự một khóa học kéo dài ba năm để thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, anh vào học ngành khoa học máy tính ở trường đại học Khoa học Ứng dụng.”
Mặc dù An là một học sinh giỏi ở Việt Nam, nhưng ông vẫn vào học ở trường chung (Hauptschule: trường giành cho những học sinh có học lực trung bình trở lên, chỉ kéo dài đến lớp 9). Bởi lẽ, ông không biết nói tiếng Đức.
“Tôi học ở Hauptschule hai năm để học tiếng Đức. Đối với tôi đó là một khoảng thời gian khó khăn. Ngữ pháp tiếng Đức rất lạ. Trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng tôi không có chia giống (giống đực der, cái die, trung das). Thì tương lai và thì quá khứ trong tiếng Việt cũng không thể hiện qua sự thay đổi động từ, mà qua những từ riêng được thêm vào trong câu. Tôi hiểu rõ hơn ngữ pháp tiếng Đức, khi tôi học tiếng Latinh. Thông qua đó tôi cũng dần hiểu về cách hình thành những ngôn ngữ ở Châu Âu.”
Vì An rất vượt trội trong những môn học tự nhiên, thế nên anh được đề nghị chuyển lên học trường Gymnasium (trường trung học giành cho người học lực khá giỏi, kéo dài tới lớp 12). Nhưng hội đồng nhà trường đã quyết định rằng trình độ tiếng Đức của ông vẫn chưa đạt đủ. Thay vào đó, An đến học ở Realschule (thường đến lớp 10, được coi là một sự thay thế Gymnasium và có phần gần với thực tiễn hơn).
“Tiết tiếng Đức là một cực hình với tôi. Tôi vẫn còn nhớ rằng, chúng tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết “Judenbuchen” (cuốn sách Do thái) của Annette von Droste-Hülshoff. Tôi đã cố gắng trong tuyệt vọng, với sự giúp đỡ của cuốn từ điển tìm hiểu xem nội dung của nó là gì. Cứ hai từ thì tôi lại phải mở từ điển ra tra. Điều đó thật tồi tệ.
May mắn là tôi có những thầy cô giáo rất tốt luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi. Không có họ, tôi không thể vượt qua được. Một thầy giáo đã mời tôi về nhà thầy ăn trưa vào mỗi thứ tư. Ở đó, tôi có dịp làm quen với cuộc sống gia đình người Đức, căn bếp, phong tục truyền thống nước Đức. Tôi sẽ không bao giờ quên thầy. Dần dần, tôi cũng có thể nói tốt hơn.”
            Cuộc đời là vậy: nếu ta gặp được những người tốt sẵn                                             sàng giúp đỡ, đồng cảm với người khác, thì ta có thể bước                                     tiếp. Còn nếu ta không nhận được sự giúp đỡ, sẽ thật khó                                     khăn để đi về phía trước.” (Albert An T.)
Ngược lại, An tiếp thu rất nhanh trong môn tự nhiên. Trong kỳ kiểm tra lên lớp, ông đứng đầu toàn khối trong môn toán. Vì vậy, hiệu trưởng đã đề nghị chuyển ông sang học ở một trường Aufbaugymnasium (sau khi học xong Realschule thì học tiếp lên để đủ điều kiện thi lấy bằng nộp vào trường đại học). Ông đã thi đỗ tốt nghiệp vào năm 1987 và nộp đơn vào ngành Vật lý.

Liên lạc với bố mẹ

Suốt một năm trời, bố mẹ An không biết được tin tức gì về con mình. Chỉ đến khi, họ nhận được một lá thư gửi từ Đức.
“Tôi rất hay viết thư về cho bố mẹ, nhưng chúng đều không qua được bước kiểm duyệt. Nếu tôi bỏ vào trong thư tiền Đô la, chúng sẽ bị cướp mất. Ở đây cũng không có đường dây điện thoại kết nối tới Việt Nam. Tôi đã không được gặp bố mẹ tôi, không được nghe giọng họ suốt 11 năm ròng.
Nhưng tổng thống Liên xô Michail Gorbatschow đã giúp đỡ chúng tôi. Liên Xô ủng hộ tài chính cho Việt Nam suốt nhiều năm qua. Nhưng vào cuối những năm 1980, chính Liên Xô cũng rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, vì vậy họ buộc cắt giảm ngân sách hỗ trợ cho Việt Nam. Cả nền kinh tế đang sụp đổ. Việt Cộng đang rất cần ngoại tệ. Vậy nên, dân tị nạn được cho quay trở lại đất nước mà không bị chịu án phạt nào. Bố mẹ tôi được triệu tập. Họ muốn cam đoan với hai người rằng sẽ không có gì xảy ra với chúng tôi nếu chúng tôi về thăm bố mẹ mình.”
Lúc này, An mới chỉ nhận được thẻ cư trú vô thời hạn ở Đức, chứ không phải là công dân Đức. Trên giấy tờ, An vẫn là người vô quốc tịch và có thẻ tị nạn. Vậy nên, ông chỉ có thể đi tới những đất nước cũng chấp nhận hiệp ước Geneva về người tị nạn. Tuy nhiên, ông muốn bằng mọi giá phải quay về gặp bố mẹ mình. Thế nên ông cần có hộ chiếu Đức.
Để nhập quốc tịch, chính quyền Đức yêu cầu một giấy xác nhận của đại sứ quán Việt Nam rằng ông bị thu hồi quyền công dân Việt Nam bởi vì đã chạy trốn khỏi nước. Ông thuê một luật sư giải quyết vấn đề giấy tờ cần thiết. Và vào tháng tư năm 1990, An trở thành người Đức.
“Mặc dù vậy, tôi vẫn lo sợ khi về Việt Nam. Tôi không biết liệu hộ chiếu Đức có bảo vệ được tôi hay không hay liệu họ vẫn bắt giữ tôi như một tên tị nạn. Thế nên tô đã nói với người bạn làm phóng viên của tôi: “Nếu tôi không quay trở lại đây trong vòng sáu tuần nữa, mọi người phải công bố chuyện này ra với báo chí.” Nhưng mọi sự đã tiến triển tốt. Sau này, bố mẹ tôi còn có thể sang Đức thăm tôi.”

Một cái tên mới cho một cuộc sống mới

“Sau khi tôi kí kết giấy tờ nhập quốc tịch xong xuôi, một tối nọ luật sư đã gọi cho tôi. Tôi đã trở thành công dân Đức. Vào sáng hôm sau, lúc 8 giờ, tôi sẽ đi đến phòng nhập tịch. Nhưng có một vấn đề nảy sinh: tên của tôi không được công nhận rõ ràng là tên của phái nam. Và tôi chỉ có một tối để tìm cho mình một cái tên mới. Tôi gọi cho bạn và xin ý kiến họ, vì suy cho cùng, tôi sẽ phải sống phần đời còn lại với cái tên mới này.
Trước đó, khi tôi học đại học nghành vật lý, tôi có treo một tấm poster của Albert Einstein ở trong phòng. Những lúc tôi lo sợ cho tương lai của mình, tôi lại đưa mắt nhìn lên bức ảnh. Nó luôn ở cạnh tôi: tôi sẽ tự gọi mình là Albert. Bởi đó là một trong những nhà vật lý xuất sắc nhất.
Ban đầu, tôi khá chật vật để làm quen với cái tên mới này. Đồng thời, cùng một lúc tôi phải nghe người ta gọi tôi bằng hai cái tên. Nhóm bạn của tôi bị chia ra. Bên vốn biết tôi từ trước thì gọi tôi là An. Bên biết tôi muộn hơn thì gọi là Albert.”
Albert An không cảm thấy ân hận khi rời bỏ quê hương mình. “Chạy trốn là một quyết định đúng đắn, mặc dù tôi đã phải trải qua những thứ tồi tệ và đủ các rắc rối. Tôi đã hoàn thành được nhiều thứ trong đời. Tôi có công ty riêng và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng hai đứa con. Đối với tôi thế là thành công rồi, bởi tôi đến Đức từ lúc chỉ là một cậu bé.”