Cách đây không lâu, tôi có đọc được một bài viết với nội dung đại loại là: “Ai rồi cũng sẽ chọn sai nghề”. Đó là khoảng thời gian tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, đang hoang mang vô cùng trước việc lựa chọn đi theo ngành mình học hay đi theo ngành mình thích. Tôi mơ hồ, lạc lõng và mất định hướng. Thế nhưng, khi đọc được bài viết đó, tôi bỗng chợt nhận ra rằng mình không hề cô đơn, rằng nỗi niềm này chẳng phải của riêng ai. Dù bạn thuộc vào thế hệ nào, đang ở vào giai đoạn nào trên con đường xây dựng sự nghiệp đi chăng nữa, tôi tin chắc rằng tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn cũng đã từng tự hỏi mình câu này: “Liệu đây có phải là con đường mình muốn đi hay không?”
8x – Tỉnh giấc muộn màng
Không thể phủ nhận với sự phát triển của kinh tế xã hội sau những năm Đổi mới, cùng với sự phủ sóng của mạng Internet và công nghệ, đã giúp cho thế hệ 8x, 9x và 10x chúng ta có được cuộc sống sung túc và có phần dễ dàng hơn các thế hệ trước rất nhiều. Tuy nhiên, đi cùng với lối sống hiện đại là những “nỗi buồn thế hệ” rất mới, rất khác, mà phải là người trong cuộc mới thực sự trải qua và thấu hiểu được. Một trong số đó, chính là mong ước được khẳng định bản thân, tạo ra những giá trị cá nhân, và sống một cuộc sống có ý nghĩa thông qua công việc và sự nghiệp.
Đó là điều mà các thế hệ 7x, 6x…, vốn chỉ mong được “thoát ly”, có được một công việc “ổn định, nhà nước”, đảm bảo cuộc sống… không thể nào hiểu được. Họ chỉ hiểu một điều duy nhất, cần cố gắng học cao, học giỏi, kiếm được một nghề xã hội cần, có thể duy trì một mức thu nhập ổn định, thế là tốt lắm rồi. Việc bước ra khỏi ghế nhà trường, vào thẳng một đơn vị sự nghiệp và gắn bó với nơi đó 20-30 năm cuộc đời là điều hoàn toàn đáng mơ ước.
Thế hệ 8x lớn lên trong lối tư duy đó từ gia đình, nên rất ít người thực sự có cơ hội được tìm hiểu mình yêu thích cái gì, phù hợp với cái gì. “Hướng nghiệp” là một khái niệm gần như hoàn toàn không hề được xuất hiện trong nền giáo dục mà họ được thụ hưởng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất cũng như tinh thần được cải thiện, nhu cầu và mong muốn cá nhân cũng được chú trọng nhiều hơn, các 8x đang ở giữa con đường sự nghiệp mới bắt đầu trăn trở về những ước mơ hoài bão dang dở ngày còn trẻ. 
Bởi vậy mới có những câu chuyện, những anh, chị thuộc thế hệ 8x, đã làm ở những vị trí quản lý cao cấp tại các công ty lớn, mới bắt đầu nhận ra sở thích và khả năng của mình không phù hợp với công việc hiện tại, không còn cảm thấy yêu việc mình đang làm, mất đi động lực trong công việc. Thế nhưng, có mấy ai có đủ can đảm và điều kiện để đối diện và sống thật với bản thân, rẽ sang một con đường mới, bắt đầu lại từ đầu, theo đuổi những gì mà mình thực sự yêu thích, khi tuổi đã không còn trẻ, và gánh nặng trên vai cũng đã nhiều hơn? Liệu tỉnh giấc bây giờ có phải đã là quá muộn màng?
9x – Khủng hoảng phần tư cuộc đời
Thế hệ 9x trưởng thành trong thời đại phát triển thông tin và bùng nổ Internet. Những “giấc mơ Mỹ”, “sống như người Paris”, văn hoá Startup, những cuốn sách self-help (sách tự lực) dạy người ta làm giàu nhanh chóng, những cuốn sách lifestyle (sách phong cách sống) dạy người ta tư duy “quẳng gánh lo đi và vui sống"... góp phần tạo nên lối tư duy, cách sống và văn hóa sống của các bạn trẻ 9x. Đó là một lối sống nặng về hưởng thụ, mang đậm tư tưởng “mì ăn liền”, làm gì cũng phải nhanh, gấp gáp, và tiền trở thành một đấng tối cao. Cái khác của 9x đối với các thế hệ trước là họ đặt tiền lên quan trọng tương đương (và đôi khi là nhiều hơn) so với việc xây dựng sự nghiệp. Bởi vậy, thật khó để khiến họ chấp nhận kiên nhẫn với một công việc thu nhập thấp ở một vị trí thấp trong một công ty. Họ nhảy việc, chán nản, hoang mang, rồi lại nhảy việc. Đó chính là lúc họ phải đối mặt với khủng hoảng phần tư cuộc đời (quarter-life crisis).
Chắc hẳn các bạn trẻ 9x giờ hầu hết đã ra trường và bắt đầu những năm đầu tiên của sự nghiệp không ít lần tự hỏi bản thân “Mình đi làm vì cái gì? Mình ở đây có ích lợi gì? Mình chẳng có động lực để phát triển lâu dài ở bất cứ đâu cả..."
Có thể nói vấn đề chung và lớn nhất của những bạn trẻ 9x là thiếu động lực. Mục đích chính của các bạn trẻ khi đi làm là mong làm giàu thật nhanh để có tiền đi du lịch hay sống cuộc sống tự do thoải mái. Và khi một trong những mục đích trên không được đáp ứng, phần lớn các bạn sẽ mất đi động lực và nhanh chóng nghỉ việc. Đây là thế hệ đầu tiên được tiếp xúc với khái niệm “hướng nghiệp”, cũng như là thế hệ bắt đầu có nhận thức về cái tôi cá nhân rất cao và dành sự quan tâm rất lớn đến việc trả lời câu hỏi “đam mê của mình là gì”. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu câu trả lời của các bạn là: “Tôi đam mê tiền”?
Chúng ta đều hiểu rằng, tiền là một công cụ quan trọng giúp chúng ta đạt được cuộc sống mà mình mong muốn. Nhưng chính cảm giác được sống có ích, tạo nên sự thay đổi, được gắn bó, được kính trọng và được thừa nhận, chứ không phải là tiền, mới là những yếu tố then chốt để chúng ta có thể sống hạnh phúc.
10x – Trăn trở với đam mê
Điều kỳ lạ mà tôi nhận ra là trái ngược với thế hệ 9x, các bạn trẻ 10x, cụ thể là những bạn trẻ sinh ra từ năm 2000 trở ra rất hay hỏi những câu “Mình không biết đam mê của mình là gì? Làm sao để tìm được đam mê?” ngay cả khi còn rất nhỏ. Một tín hiệu đáng mừng là các bạn đã sớm xác định được việc phải tìm kiếm cho mình một lĩnh vực mà mình yêu thích và đầu tư thời gian và công sức cho nó. Tuy nhiên, rất nhiều lần các bạn sau một thời gian ngắn thử trải nghiệm với “đam mê", đã nhanh chóng nhận ra rằng “Ồ, hoá ra mình không hề đam mê nó như mình tưởng", để rồi lại vỡ mộng, rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, hoang mang. Đặc biệt, không ít bạn thậm chí còn nhầm tưởng sở thích cá nhân là đam mê nghề nghiệp. Điều này dẫn các bạn đến những trăn trở như "Phải làm gì để nuôi sống đam mê?”, hay “Liệu mình có kiếm sống được bằng đam mê này không? Nếu không làm được, thì phải chăng cuộc sống của mình sẽ trở nên rất bất hạnh?”
Nhưng suy xét kỹ lại, tôi cho rằng các bạn đang bị ám ảnh bởi hai chữ “đam mê". Dường như đối với các bạn, muốn hạnh phúc và thành công phải có đam mê, và biến thứ đam mê đó thành sự nghiệp. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Để tạo nên một sự nghiệp vững vàng, ngoài đam mê còn cần có kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm, thất bại rồi tiếp tục học hỏi, rèn luyện không ngừng trong suốt cả cuộc đời.
Chọn sao cho đúng?
Vậy thì chọn nghề như thế nào cho đúng? Không thể phủ nhận một trong số những lợi thế vượt trội mà các bạn học sinh - sinh viên nước ngoài có được so với học sinh - sinh viên Việt Nam, đó là những quy trình bài bản và giáo trình khoa học về hướng nghiệp từ khi còn rất sớm. Bởi vậy, khi kết thúc chương trình THPT, các bạn học sinh hầu như đều đã có năng lực tự định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân cũng như khả năng thích nghi với hoàn cảnh.
Để có thể làm được điều đó, các bạn học sinh - sinh viên Việt Nam cũng nên bắt đầu chủ động dành thời gian và công sức học hỏi, phát triển và rèn giũa các kỹ năng định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các kỹ năng định hướng và quản trị sự nghiệp này đã được Chính phủ Úc liệt kê rất chi tiết trong cẩm nang hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp trong chương trình phổ thông, mà các bạn có thể tham khảo dưới đây:
Về quản lý bản thân:
  1. Xây dựng và duy trì một điểm nhìn tích cực về bản thân
  2. Tương tác tích cực và hiệu quả với những người xung quanh
  3. Thay đổi và trưởng thành trong suốt cuộc đời
Về học tập và khám phá công việc:
  1. Tham gia vào quá trình học tập cả đời để phục vụ cho mục tiêu nghề nghiệp
  2. Tìm kiếm và sử dụng hiệu quả các thông tin về nghề nghiệp
  3. Hiểu mối quan hệ giữa công việc, xã hội và nền kinh tế
Về xây dựng sự nghiệp
  1. Đảm bảo/tạo dựng và duy trì công việc
  2. Đưa ra những quyết định thúc đẩy sự nghiệp
  3. Duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống
  4. Hiểu về bản chất thay đổi không ngừng của hai mặt công việc và cuộc sống
  5. Hiểu, tham gia và quản lý quá trình xây dựng sự nghiệp
Các hướng dẫn trên sẽ là những kim chỉ nam cho quá trình tự rèn luyện và phát triển của mỗi cá nhân chúng ta. Tuy không đảm bảo chắc chắn giúp các bạn tìm được ngành nghề phù hợp hoàn toàn, nhưng nhờ có chúng, các bạn sẽ trở nên tự tin, mạnh mẽ, chủ động và quyết liệt hơn trong các quyết định về nghề nghiệp của mình, để trong tương lai, các bạn có thể thích nghi với sự thay đổi của bản thân và thị trường một cách hiệu quả.
Thôi không chém nhiều quá các bạn hoang mang. Tới đây team mình tổ chức 1 buổi Minicourse: 4 giờ trải nghiệm ngành quảng cáo sáng tạo với sự tham gia của Mentor Trần Hoàng Dương: 
- Á quân 2 – Young Marketers 5+1 2017
- Former Associate Creative Planner – Redder Advertising
- Tại Redder Advertising, anh Trần Hoàng Dương đã từng thực hiện các chiến dịch cho Nivea, Bioré, Highland’s Coffee, SAMSUNG,…
- Hiện tại, anh đang là Strategic Planner – Curnon, Freelance Copywriter và đang thực hiện nhiều dự án phim ngắn với vai trò Freelance Assistant Director
⭐️Chia sẻ với Ella, anh Trần Hoàng Dương nói về những khó khăn trong thời gian đầu với Creative:
Khó khăn lớn nhất của anh khi bắt đầu Creative đó là không biết đi học ở đâu, học từ ai ở Hà Nội, và có rất nhiều người không thực sự hiểu đúng về Creative, dẫn đến việc hình thành mindset sai lệch về Creative. Đó là khó khăn anh nghĩ không chỉ anh mà nhiều bạn muốn theo đuổi Creative ở Hà Nội gặp phải…
Sự kiện sẽ giới hạn người tham dự và có phí (để trang trải các chi phí địa điểm, tea break, nhân sự hỗ trợ nhắc nhở các bạn từ A-Z,..)
Link đăng ký: http://bit.ly/minicoursey
Các bạn nào hứng thú tham gia thì comment để mình gửi link đăng ký bên dưới. Ưu tiên các bạn học sinh cấp 3 trở lên. First come first serve ạ.
Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.