Cũng đã một khoảng thời gian, tôi không viết. Nay lại có thời gian, ngồi yên tĩnh gõ vài dòng. Tôi ngày trước vẫn thường có thói quen viết những tâm tư, hay cảm xúc của mình đâu đó trên mạng. Nhưng gần đây, tôi cảm thấy được thói quen này cũng dần mất đi, 1 tuần, 1 tháng, rồi 1 năm.
Không phải là tôi không còn suy tư, hay những khuất mắt trong lòng đã lắng lại. Tất cả chúng vẫn ở đó thôi. Có lẽ ... chỉ là có lẽ thôi, tôi quen dần với nó.
Chọn im lặng thay cho giải thích.
Chọn nhẫn nhịn thay vì bức xúc.
À phải rồi, người nó "lớn" ra.
"Lớn rồi thì phải biết điều! "
Ngày trước tôi vẫn thường nghe mẹ nói như thế. Giờ ngẫm lại, bất chợt lại phì cười.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ, nghịch với lũ trẻ trong xóm làm vỡ kính xe ô tô của hàng xóm. Tôi bỏ chạy về nhà, rồi bị đánh đòn. Từ hôm ấy, cứ hàng tuần mẹ đều cầm tiền qua nhà xin lỗi. Sau này tôi mới biết, mẹ phải nhận việc trong cửa hàng cuối tuần để trang trải số tiền ấy. Trò quậy phá của tôi đánh đổi bằng sức lao động của mẹ. Đến nay tôi vẫn không nhớ là mình đã từng nói lời xin lỗi với nhà ấy.
Lúc nhỏ, bạn không nhún nhường, ai đó sẽ nhún nhường thay bạn.
Bạn phạm lỗi không nhận, ai đó sẽ thay bạn cúi đầu xin lỗi.
Việc bạn không làm, sẽ có người làm thay bạn.
Lớn lên, mọi thứ khác đi một ít, trải qua vài chuyện, bạn dần nhận ra: Trên đời này, không có quá nhiều "ai đó" xuất hiện trong cuộc sống chúng ta.
Sẽ đến thời điểm, họ không còn có thể tiếp tục thay bạn làm những điều như thế, và bạn cũng dần không ... nỡ.
Thế là phải tự mình làm những điều thuộc bổn phận, lo những thứ mà bạn chưa từng phải lo.
Người nó lớn ra, thì nhiều điều phải biết:
Biết im lặng, biết nhún nhường, biết cúi đầu, biết quy tắc.
Ba tôi hay thường dạy: "Biết việc phải làm, rõ cái gì là quan trọng".
Bạn bắt đầu dần quen với việc đặt ra những so sánh, những quyết định.
Ngày trước, có thể chi cả đống tiền cho bản thân, nào quần áo, giày dép, vật dụng công nghệ.
Bạn có thể cùng bạn bè mình đi phượt những chuyến đi dài, tận cuộc sống.
Có thể không chút mảy may quan tâm đến cảm xúc người khác, mà thốt ra những điều bạn chưa hiểu rõ.
Tôi còn trẻ, tôi phải sống cho riêng mình.
Một ngày bạn thấy được bố mẹ, người thân chật vật với lắng lo cuộc sống.
Bố vẫn xài chiếc điện thoại cũ.
Mẹ thì đã lâu rồi có chuyến đi chơi xa.
Hóa đơn hàng tháng vẫn phải thanh toán.
Bạn bắt đầu chọn giữa những trải nghiệm xa hoa đầy thú vị hay chuyến đi chơi của mẹ, chọn giữa chiếc điện thoại mới, hay quà sinh nhật của ba, chọn giữa hóa đơn hàng tháng hay những thú vui hằng ngày.
Bạn đặt mình vào chính câu hỏi ngày trước của bố?
Hằng ngày bạn cố gắng vì điều gì ?
Cái gì là "quan trọng" ?
Rồi bạn thay đổi, thay đổi một cách triệt để.
Khách hàng mắng, bạn cúi đầu xin lỗi.
Chuyện có thể nhịn thì bạn nhất định phải nhịn.
Bạn dần hiểu rằng: Vài việc nếu bản thân không làm, thì những người "quan trọng" của bạn sẽ phải ủy khuất, và thiệt thòi với người khác.
Rằng sẽ luôn có những việc không đến lượt bạn quyết định.
Bạn thu nhỏ "cái tôi" của chính mình.
Không phải là bạn không còn sống cho chính mình nữa, mà là bạn san sẻ những gì của bạn cho những thứ bạn thuộc về, những thứ quan trọng.
Một cái tôi khác, nhưng tất cả đều là bạn.
Bạn dần lớn lên.
Bạn dần lớn lên.
Bạn trưởng thành.
Nhưng dù thế nào đi nữa, dù có thay đổi ra sao. Những khi nhớ về một thời bồng bột, đặt bản thân lên trên tất cả, bạn có thể sẽ thấy xấu hổ, thấy ngờ ngệch.
Nhưng bằng cách nào đó, bạn vẫn sẽ luôn yêu thương phiên bản "ngây thơ" đó.
Thương những lỗi lầm.
Thương những đau khổ.
Thương những vết sẹo trên cơ thể.
Thương cả những khiếm khuyết, những gì chưa trọn vẹn.
Thương những tổn thương bạn gây ra người khác, và cả tổn thương của chính mình
Thương vì bạn đã từng rất cố gắng để là chính mình một cách mãnh liệt nhất.
Rồi một ngày, hi vọng bạn có thể đem tình thương đó của bạn, đặt vào một người, rồi hãy nói với họ rằng họ đang, và sẽ luôn được yêu thương.
Ai rồi cũng lớn.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất