Người ta hạnh phúc bởi yêu và cũng bởi chữ yêu mà lắm kẻ điên dại. “Thiên Nam ngữ lục" từng thuật lại thảm tình nổi tiếng Mỵ Châu Trọng Thủy. Mối tình 37 năm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng để lại nhiều tiếc nuối cho ngay cả những người ngoài cuộc theo dõi cuộc tình này. Cho đến tận bây giờ, người ta thậm chí làm phim, lấy cảm hứng từ cuộc đời của về ông, oanh tạc phòng vé, với cái tựa vẫn rất là… tình: Em và Trịnh.
Không phải là điều gì lạ lẫm nhưng sao lắm người còn vật lộn trong yêu? Nếu hỏi như vậy thì cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần từng trả lời một lần cũng chí lắm: “Yêu là một điều rất dễ… Nhưng biết yêu mới là vấn đề tối trọng và khó khăn. Chữ “biết” phải đi trước chữ “yêu”, thì yêu mới gây được nguồn hạnh phúc. Trái lại, nếu chỉ “yêu” mà không “biết yêu cho phải đường”, thì yêu nhau sẽ biến thành đau khổ.
Yêu không tới từ logic.
Chẳng ai lại bảo, sáng ngày mai, đúng 9h, tại đây, tôi sẽ yêu người này. Yêu đơn giản cứ rót vào người ta theo cách bất thần nhất. Ơ, thế là yêu à? Tôi vẫn có những câu cảm thán dễ thương như thế khi nhớ lại cảm giác yêu. Mà nói yêu không phải logic nhưng cũng có một vài cái mẹo nhất định để trải nghiệm này có thể trở nên thăng hoa hơn.
Thành thật với nhau
Yêu có một cái lực khiến sự thật được phơi ra. Lần đầu tiên người ta có thể thành thật với một người khác về nhiều điều, vốn trong nhiều năm, họ không thể biểu lộ ra được theo cách này hay cách khác. Cả những cái tưởng về đối phương, cũng đến lúc phải hạ màn khi yêu bước vào.
Tôi nhớ một câu chuyện: “Ngày xưa có một cô con gái nhà giàu sang hằng ngày đứng trước cửa sổ ngó mong, thấy dạng xa xa một chàng trai làm nghề chài lưới. Chàng hát rất hay… Nàng cảm thấy trong lòng một nguồn cảm xúc dồi dào… Và bắt đầu xây mộng… Một thời gian khá lâu… ngày nào cũng như ngày nấy, nàng không bỏ qua một hôm nào để đứng tựa cửa sổ mà nghe chàng hát… rồi sanh chứng tương tư. Cha nàng hay biết, cho mời chàng đến… Khi nàng thấy mặt chàng, nàng giật mình “tỉnh mộng”, ái tình liền tan ngay, tương tư liền dứt hẳn…”.
Người ta thường có tâm thế muốn thay đổi người yêu, nhân danh để tốt hơn. Nhưng có bao giờ bạn cảm nhận (chứ không phải hỏi) người yêu của bạn có cảm thấy thoải mái với những thay đổi đó. Điều này không có nghĩa là sẽ không có gì đổi thay. Nhưng sự thay đổi nên là điều tới từ bạn, trong bạn đang chuyển hoá chứ không phải vì em nên anh làm. Không ai muốn lúc xảy ra chuyện gì chúng ta lại lôi câu chuyện ngày xưa tại em, tại anh nên anh, nên em mới khổ thế này. Đừng là nạn nhân trong câu chuyện của mình. Một người hỏi: Trong một mối quan hệ, nếu tự do như vậy liệu có thiếu trách nhiệm với người yêu không? Không. Trái lại, bạn càng tự do, bạn càng trách nhiệm. Bởi mỗi việc bạn làm đều xuất phát từ bản thân mình. Không ai khi đã trưởng thành, được tự quyền sống cuộc đời của mình, lại không tự chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định được đưa ra. Yêu của bạn khi ấy đơn giản là yêu, không phải yêu vì… Phước lành cho ai được tình yêu đó mưa rào lên.
Khi đã lấy cái nhìn rõ ràng về cả hai, hai người có thể tự hỏi, mình có còn cảm thấy yêu người kia như chính họ như vậy không? Nếu câu trả lời là yes, chúc mừng, chúng ta đang tiến tới một mối quan hệ bền vững hơn. Thật ra, nói đúng hơn, mối quan hệ bền vững ấy là kết quả của việc cả hai đơn giản là bản thân mình, được trân trọng từ hai phía, cộng thêm Yêu vào nữa, điều sẽ như đôi cánh sẽ nâng đỡ cả hai. Trong quá trình này không tránh khỏi việc làm một trong hai cảm thấy bị tổn thương. Vậy nên, một không gian an toàn với sự tin tưởng, lắng nghe, tôn trọng, phản hồi với yêu, làm nền tảng, là điều cần thiết để việc phục hồi được diễn ra nhanh chóng.
Những ai yêu xa lại càng cần làm việc này một cách rốt ráo. Tốt nhất là lúc đang mặn nồng, ta mang ra cùng thảo luận. Nước xa không cứu được lửa gần, bởi, nhất cự ly, nhì tốc độ mà. Nói là vậy chứ mình tin rằng, nếu ta yêu thực, chẳng ai muốn làm người kia đau cả. Thậm chí, cái đau của người ấy cũng chính là cái đau của bạn. Bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được. Ta không yêu để khoả lấp khoảng trống vô định của ai cả. Nó không phải mục đích. Hãy để việc làm đầy được diễn ra một cách hồn nhiên. Lúc ấy, yêu không có căng thẳng. Hai cá thể vươn lên trong yêu, không phải rơi vào yêu.
Tìm kiếm nhịp điệu
Yêu vẫn là chuyện chính của hai người. Bởi vậy, chuyện quan trọng nhất vẫn là: Liệu hai tâm hồn cảm được nhịp điệu của nhau hay không? Không phải câu chuyện tình thế kỷ trên Kênh 14. Không phải ai khác. Chính là hai bạn. Đừng lấy case study áp vào chàng trai, cô gái của bạn. Nhớ môn khiêu vũ chứ? Một người tiến phải có một người lùi. Có lúc bạn trai cầm trịch mối quan hệ, có lúc, vai trò cần được đổi lại nếu một trong hai bị mất năng lượng. Ai khéo hay vụng là biết nhau ở chỗ đó.
Yêu trong im lặng.
Lại nhắc về cố nhân Trịnh Công Sơn, ta không khỏi không nhắc đến mối lương duyên kỳ lạ giữa ông và Khánh Ly. Xin phép được bỏ qua tính chính xác, tôi vẫn khoái mà xin được trích ngôn từ mà Bình Bồng Bột viết để mô tả về trạng thái vô ngôn trong yêu.
Khánh Ly viết trong hồi ký: “Hình như chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau nhiều dù ở bất cứ một đề tài, một lãnh vực nào. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng”. Càng sống càng thấy: trò chuyện được với nhau đã khó, im lặng được cùng nhau lại càng khó hơn. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã đạt được cảnh giới trò chuyện mà không cần mở miệng. Khánh Ly viết: “Bao nhiêu ngày tháng đã đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi. Tôi cũng thế. Cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước đã không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có. Anh im lặng cũng có thể vì những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết phải nói ra”.
Cả bóng hồng Dao Ánh cũng vậy.
“Lần gần nhất Dao Ánh về Việt Nam, tôi có duyên được hầu chuyện với cô. Người con gái đã khiến Trịnh Công Sơn tương tư suốt mấy chục năm, viết hàng trăm bức thư, là một người đẹp trí thức. Vậy hai con người trí thức ấy nói gì vào những giây phút bên cạnh nhau? Không nhiều. Hai người cứ ngồi nhìn nhau vậy đó. Bác Sơn cầm tay cô, cho đến khi tay của cô… mềm ra. Bác Sơn biết bác có cô, và cô biết mình có bác. Vậy là đủ rồi”.Trong sự hiện hữu giữa hai tâm hồn, ngay cả sự im lặng cũng đã là ồn ào.
P/s: Yêu còn là đau khổ nữa. Chúng ta có thể vẫn còn vụng về trong yêu, sợ yêu xa, chẳng có nhiều kinh nghiệm. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà con người không yêu? Người ta sống, không thể không yêu thương, cũng như người ta sống không thể không hít thở và ăn, uống. Rõ ràng là không, hì.