Ngày trước mình có đọc một bài chê sinh viên ra trường viết đơn ứng tuyển vào vị trí kế toán của NGO và đặc biệt là NPO cứ nghe tới mức lương thì chạy luôn, và chốt hạ rằng: Nản luôn, không lẽ trường học dạy các em rằng phải kiếm nhiều tiền mới thì được gọi là thành đạt? Nhân hôm nay cũng có người nói với mình câu chuyện cũng tương tự thế này, mình thực sự cũng muốn phát biểu lại một vài câu thế này:
Một nhấn mạnh là: trường học chưa bao giờ dạy sinh viên rằng phải kiếm nhiều tiền mới là thành đạt, trường học cũng luôn dạy sinh viên của mình rằng: các em hãy trở thành những doanh nhân chứ đừng bao giờ trở thành những con buôn. Các em hãy nhớ phải tạo ra value cho cuộc sống này, chứ không phải là đi lừa lọc, bòn rút của thiên hạ, lấy value làm mục đích sống, chứ đừng lấy tiền làm mục đích sống. Thế nên đừng có đổ lỗi cho trường học! Trừ khi có bằng chứng, hoặc biết rõ rằng trường học đã dạy sinh viên những điều không tốt thì hãy phát biểu! Cảm tính cá nhân rồi lại vơ đũa cả nắm: vớ vẩn!

Điều thứ hai muốn nhấn mạnh là: Không phải cứ theo đuổi tiền, kiếm nhiều tiền là thành đạt, nhưng cũng không ai đánh giá một người là thành đạt nếu ăn còn chẳng có mà ăn, đặc biệt đó lại là một dân kinh tế! Sinh viên mới ra trường, học hỏi là vấn đề rất quan trọng, không thể phủ nhận nhưng lấy lí do họ cần học để bảo họ làm việc vất vả, rồi offer cho họ đồng lương chết đói, không đủ mức sàn phải chi trả cho lao động theo các quy định liên quan thì chấp nhận được? Đặc biệt, có rất nhiều sinh viên vốn trong thời học ĐH không đủ khả năng tài chính chi trả học phí, sinh hoạt, phải đi vay mượn từ các nguồn khác nhau, họ cần một mức lương vừa phải để có thể trả dần món nợ của mình. Bỏ qua những thanh niên chẳng đến nơi đến chốn đi, không tính họ vào đây thì chẳng lẽ họ mong muốn tìm một công việc có một chế độ khá một chút là sai? Việc này cũng nên trách nhà tuyển dụng đã target đối tượng không tốt, quảng cáo job các kiểu cứ nhè sinh viên vừa ra trường thì còn kêu cái gì? Đối với những người đã có một chỗ đứng trong xã hội, cuộc sống gọi là tạm ổn, thì việc làm phi lợi nhuận, làm chỉ để tạo ra value là chuyện nhỏ, nhưng với sinh viên mới ra trường còn đang mông lung, còn gánh trên vai một đống nợ thì xin lỗi phải nói thẳng, nhưng hình như nhà tuyển dụng sai rồi!
Điều này chẳng phải cũng giống như bất kể doanh nghiệp nào đó sao? Trong 4 trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng (CSR) thì cái trách nhiệm đầu tiên vẫn là trách nhiệm thuộc về kinh tế, rồi sau đó mới là các trách nhiệm tình nguyện với cộng đồng, họ phải đảm bảo tạo ra lợi nhuận hoặc bằng cách nào đó có được tài chính để nuôi chính bản thân doanh nghiệp và những nhân viên của họ, chẳng phải thế hay sao? Vậy thì trách nhiệm đầu tiên của một người cũng là phải nuôi chính bản thân họ, ít nhất là không đói mà chết, không đủ tiền thuê một căn nhà tồi tàn để ở! Nếu vậy thì ai là người đúng ai là người sai ở trường hợp này?
Mà thực sự, họ từ chối là đúng, là may cho doanh nghiệp, là có trách nhiệm với doanh nghiệp đấy! Chứ họ cứ nhận ngoài mặt nhưng trong lòng không nhận, chỉ đóng tròn vai thôi thì đấy mới là điều nguy hại. Cái gọi là "motive" của hành động nó quan trọng lắm, nếu làm hành động cho ra kết quả tốt nhưng motive của hành động không tốt thì cũng không được đánh giá là "có đạo đức"! (theo Kant's theory). Vì thế nên xin hãy suy xét lại trước khi định trách móc!
P/s: Liên quan đến luận điểm thứ nhất, thì mình có nghĩ thêm ngoài lề một chút là: Nếu một thanh niên nào làm những điều bất chính là bởi thanh niên đó đã quên mất bài học về giá trị của một doanh nhân, không phải do trường học dạy họ như thế, vì thế mình là cực kỳ ghét mấy bài báo là cải câu view kiểu: Cựu sinh viên Ngoại Thương lừa đảo, hay cựu sinh viên này nọ. Thật là vớ vẩn! Đến cha mẹ cũng phải thừa nhận: Cha mẹ sinh con trời sinh tính! Trường học cũng chỉ tác động được vào tính cách thông qua những bài học vậy thôi, đối với những trường hợp tính lỳ cứ như đồng hồ chống thấm nước vậy thì họ sẽ đánh sinh viên à? Hay đưa sinh viên vào tù để răn đe? Nếu trường học mà tồi tệ thế, thì tại sao chỉ có một thành phần nhỏ, con sâu làm rầu nồi canh mà không phải đa số đều trở thành kẻ phá hoại? Việc đưa tên trường vào trong những tiêu đề bài viết như vậy là ý nghĩa gì? Logic nào để làm như vậy? Nói năng hoạt ngôn mà lại không có logic như vậy, những người viết có tự nhìn lại rồi cười bản thân mình? Riêng cá nhân mình nghĩ, nếu là một cây bút có trách nhiệm thì nên tự cười mình trước khi thiên hạ cười đó!