Ai cũng sinh ra với những nỗi đau đang đợi họ ở phía trước
Lãnh địa của những nỗi đau không phải là thứ có thể đem ra để so sánh được
Mình chịu đau kém.
Ngưỡng chịu đau nằm đâu đó trong khoảng 0,1 nếu mức trần là 10 và đơn vị nhỏ nhất là 0. Xước tay một xíu đã ré lên khóc lóc ăn vạ. Ngay từ bé mình đã sợ đau phát khiếp, ai chẳng thế, nhưng riêng mình sẽ tự chấm rớt nếu bộ Giáo dục đưa độ chịu đau vào danh sách các môn học chính thống, khi đó mình sẽ mãi chẳng lên lớp được.
Mẹ mình hay bị đứt tay và bỏng dầu lúc nấu ăn nhưng không than đau nửa lời, những lúc như thế mình nhăn mặt hét toáng “thôi con không nhìn mẹ đâu”. Nhiều khi bất chợt hỏi mẹ, lúc bằng tuổi con bây giờ mẹ đang làm gì. Rồi tự trả lời luôn, lúc đó mẹ đã 1 nách 3 con rồi, chưa kể 1 lần vượt cạn nhưng em bé mới sinh đã mất, là người anh thứ 2 của con, mẹ hay bảo trên đời này không có cái đau nào bì được với đau đẻ, thế mà mẹ đã chịu đựng nỗi đau đó đến 4 lần, mà có lẽ lần sinh thứ 2 khiến mẹ đau đớn nhất khi không được ẵm bồng đứa con mình đứt ruột sinh ra. Mẹ chịu đau giỏi thế ! Mình cứ “khen” suốt. Sao mẹ có thể kiên cường đến vậy.
Mẹ hay chê mình không chịu khó, cũng từ việc chịu đau kém mà ra. Hễ thấy nhọc một chút là buông ngay, chẳng xót thương thứ gì ngoài mình. Vì mẹ chịu đau thay con rồi, mình nói thế. Con bám mẹ thôi, mà đúng thật, có mẹ chở che nên con chỉ làm được đến thế.
Thứ gì định nghĩa nên sự khác biệt giữa mẹ và con ? Đó là một bên sẵn sàng hứng chịu mọi đớn đau của thế gian này để người kia được bình an hồn nhiên sống trọn cuộc đời. Còn một bên ỷ có người luôn giang tay thay mình ôm hết nỗi đau vào lòng nên suốt ngày kêu ca than thở, “mẹ ơi con đau !”. Mẹ bảo xót con là mẹ xót thật, mẹ thà chịu đau thay con, còn con bảo xót mẹ, có khi là con nói xót thế thôi nhưng hỏi con chịu gánh đau thay mẹ không, con sẽ chần chừ chứ không dứt khoát như mẹ được.
Hồi còn nhỏ, thấy ba mẹ cãi nhau, ba ngồi im thin thít, mẹ đứng lên ngồi xuống lớn tiếng với cả nhà, giật tung áo ba đến nỗi đứt hết nút áo. Mình thương ba, nghĩ là ba đang đau buồn lắm, đến áo cũng chẳng còn. Sau này lớn lên, hiểu rõ chuyện ngày xưa, mới biết người đau lòng nhất luôn là mẹ.
Hồi mình giận vì mẹ lỡ lời nói “sao mày là con mẹ nhưng không giống mẹ chút nào”, hai mẹ con không nói chuyện với nhau cả tuần, nói đúng ra là mình tránh mặt, không nói chuyện với mẹ, định bụng sẽ giữ cái sự khó chịu đó trong lòng mãi. Lúc ấy mới bắt đầu ý thức được là giới hạn chịu đau của mình đang dần nới ra một tí, rồi đến lúc không chịu được nữa, mới bảo mẹ ngồi xuống để con giãi bày, nói trong nước mắt, “mẹ ơi câu nói của mẹ làm con đau lòng lắm !” …
Mấy tháng sau lại chia tay người yêu, vật vã trong âm thầm, tưởng như mình chết đi sống lại, những đêm khó ngủ vì nước mắt đẫm gối, nước mũi chảy ngược lên trên làm mình không thở được, cố xoay người để không gây ra tiếng động bất thường hay tiếng nấc nào đang nén dưới lòng ngực, thấy mình hét vang trong im lặng, “mẹ ơi con đau quá”, lại thấy biên giới của vùng chịu đau bên trong mình được kéo ra thêm một tí nữa.
Nhưng khi ngưỡng chịu đau của mình được tăng lên thì cũng là lúc ngưỡng chịu đau của mẹ lại giảm xuống. Thời gian già đi, mẹ hay than đau nhiều hơn, có lẽ cũng đến lúc mẹ không muốn cam chịu một mình nữa. Những khi ở gần mẹ, thứ mình cảm thấy sợ hãi và chán ghét nhất là tiếng mẹ thở dài vì đau. Đến nỗi có một thời gian mình không muốn ở nhà, rảnh một tí là lại ra quán cà phê ngồi chẳng để làm gì, chỉ để không phải nghe tiếng mẹ than thở. Đó cũng là lý do trước khi nghỉ việc mình đã phải lên kế hoạch “bỏ nhà” dài ngày, vì sợ không chịu nổi cảnh nhìn mẹ đau. Nực cười ở chỗ, lúc còn nhỏ thì muốn hiểu tận cùng nỗi đau của mẹ là gì, khi lớn lên và đủ ý thức để hiểu thì lại chối từ, không muốn hiểu.
Dù giới hạn chịu đựng của mình có được kéo dài đến đâu cũng không bằng mẹ được, mình luôn cho là thế. Nhưng sau cùng mình lại thấy, chẳng có nỗi đau nào giống nhau, hoặc nỗi đau nào cũng giống nhau, dù là vết cắt trên tay gây ra bởi tờ giấy A4 hay sự vụn vỡ khi mất đi người mình yêu thương rất nhiều, vẫn là những nỗi đau nuôi dưỡng nên bóng cây mang tên “vùng chịu đau” của mỗi người.
Tất cả chúng ta đều sinh ra với những nỗi đau đang đợi mình ở phía trước.
Lãnh địa của những nỗi đau không phải là thứ có thể đem ra để so sánh được. Ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau, như những nỗi đau mà chúng ta phải trải qua, không ai có thể hiểu thấu ngoài chính bản thân mình.
Sài Gòn
20.11.23
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất