Chúng ta đã đọc nhiều bài viết trên mạng về cách để có được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc theo định nghĩa mỗi người lại khác nhau. Với bạn, cảm giác khoan khoái, thư thả và thoải mái đồng nghĩa với hạnh phúc hay hạnh phúc là khi cuộc sống có mục tiêu có ý nghĩa? Hãy cùng mình tìm hiểu ba góc nhìn về hạnh phúc trong bài viết này nhé. 
Phần 2: Định nghĩa về hạnh phúc
Phần 2: Định nghĩa về hạnh phúc
1. Hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, thoải mái:
Xét từ góc độ hóa học, hạnh phúc được xác định bởi hệ thống phức tạp các dây thần kinh, các neuron, các synapse và nhiều hợp chất sinh hóa khác như serotonin, dopamine và oxytocin. Những hợp chất này tạo ra cảm giác vui vẻ, thoải mái - cảm giác mà nhiều người cho rằng là hạnh phúc. Nếu bạn có đọc được những bài hướng dẫn cách để có được hạnh phúc như tập thể dục, chăm sóc bản thân, hít thở thiên nhiên thì bản chất chính là những hướng dẫn để tăng hợp chất sinh hóa tạo ra cảm giác thoải mái, vui vẻ.  Ví dụ, chạy bộ tiết ra dopamine, một loại hormone có tác dụng làm tăng động lực, khả năng tập trung, giúp cơ thể cảm thấy thoải mái. 
Nếu coi cảm giác hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, thoải mái thì chúng ta hoàn toàn có thể tăng giảm hạnh phúc của bản thân với các hành động bên ngoài, thậm chí cả với liều thuốc bổ sung dopamine. Theo các nhà khoa học, hệ thống sinh hóa trong cơ thể của chúng ta dường như được lên chương trình để giữ hạnh phúc ở mức độ ổn định. Tiến hóa đã đổ khuôn chúng ta sao cho con người không quá đau khổ cũng như không quá hạnh phúc. Dĩ nhiên, giống như hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, thoải mái, đau khổ ở đây nói đến cảm giác khó chịu, đau đớn. Nếu một ngày bạn không may bị gãy chân, sự đau khổ sẽ ngập tràn trong bạn nhưng dần dần, theo thời gian bạn sẽ thích nghi với hoàn cảnh và sự đau khổ vơi dần. Đây là đặc tính thích nghi với hoàn cảnh của con người.
2. Hạnh phúc là tìm được ý nghĩa trong cuộc sống:
Một quan điểm khác về hạnh phúc cho rằng hạnh phúc bao gồm việc coi toàn bộ cuộc sống của mình là có ý nghĩa và đáng giá. Nhận thức và đạo đức là nhân tố cấu thành hạnh phúc. Theo quan điểm này, một cuộc sống có ý nghĩa có thể cực kỳ thỏa mãn ngay cả giữa lúc khó khăn trong khi một cuộc sống vô nghĩa là một thử thách khủng khiếp bất kể nó thoải mái như nào. Không phải ngẫu nhiên rất nhiều người trăn trở và đặt câu hỏi cho bản thân “Tôi đang làm gì với cuộc đời?” “Sứ mệnh của mình đến với cuộc đời là gì?”. 
Thế nhưng, cuộc sống như nào là ý nghĩa? Tại sao nhiều người có lối sống rõ ràng, một quan điểm triết lý để theo đuổi nhưng họ vẫn gặp nhiều đau khổ trong cuộc đời. Theo Harari, hạnh phúc đồng bộ hóa ảo tưởng cá nhân của một người với những ảo tưởng tập thể hiện hành. Miễn là câu chuyện cá nhân của tôi còn phù hợp với câu chuyện của những người xung quanh thì tôi có thể thuyết phục bản thân rằng cuộc sống của mình có ý nghĩa và tìm thấy hạnh phúc trong niềm tin đó. Nếu ngày trước, chủ nghĩa dân tộc được ưa chuộng và nhiều nhà chính trị lấy đó là kim chỉ nam cho các hành động thì hiện tại, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tiêu dùng đang lên ngôi. Người tiêu dùng cho rằng kiếm tiền để mua sắm, du lịch sẽ đem lại cảm giác hạnh phúc. Họ cho rằng những trải nghiệm du lịch có thể đem đến sự thỏa mãn, lấp đầy màu sắc cho cuộc sống của họ. Trong khi đó, giới nhà giàu thời Ai Cập cổ đại khó có thể thấy ý nghĩa trong việc chu du quanh thế giới hay tìm niềm vui ở những chuyến đi đến Hy Lạp cổ đại. Thay vào đó, họ sử dụng tiền bạc, của cải xây dựng những kim tự tháp khổng lồ và coi đó là tâm huyết cuộc đời mình. 
* Hai quan điểm trên đều giả định hạnh phúc là một dạng cảm giác chủ quan khi bạn cảm thấy dễ chịu hay có ý nghĩa. Hai quan điểm này được nhiều người ngày nay đồng tình bởi lẽ chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa đề cao cảm xúc chủ quan của mỗi cá nhân. 
3. Hạnh phúc là sự vô thường
Hầu hết các tôn giáo chọn cách tiếp cận về hạnh phúc rất khác biệt với chủ nghĩa tự do. Ở lối vào của đền thờ Apollo ở Delphi có dòng chữ “Hiểu chính mình”, ngụ ý điều quan trọng để có một cuộc sống viên mãn nằm ở việc hiểu rõ giá trị bản thân.
Trong bài này, tôi sẽ chỉ đề cập đến quan điểm của Phật giáo. Phật giáo cho rằng gốc rễ của đau khổ không phải là cảm giác đau đớn, không phải nỗi buồn cũng không phải do không tìm được ý nghĩa. Cái gốc thực sự của đau khổ là sự theo đuổi những cảm giác nhất thời vô nghĩa và không bao giờ kết thúc, làm cho chúng ta ở trong một trạng thái liên tục căng thẳng, bồn chồn và bất mãn. Chính bởi cuộc đuổi bắt này, tâm trí sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Nếu xét hạnh phúc là cảm giác thoải mái, dễ chịu, chúng ta sẽ luôn cố gắng đi tìm những cảm giác này và tránh những hành động gây sự khó chịu với mục tiêu có một cuộc đời hạnh phúc. Theo quan điểm nhà Phật, những người được giải thoát khỏi đau khổ là khi họ hiểu được sự vô thường của mọi cảm xúc và ngừng thèm khát chúng, đây cũng chính là mục tiêu của thiền định trong Phật giáo. Như vậy, hạnh phúc độc lập với các điều kiện bên ngoài và cũng thực sự độc lập với cảm giác bên trong của chúng ta. Chìa khóa của hạnh phúc là biết rõ về bản thân mình để hiểu mình là ai, mình thực sự là gì.
Mỗi quan điểm đưa ra một góc nhìn riêng về hạnh phúc. Không có quan điểm đúng sai mà mỗi người nên tự chọn và khám phá về định nghĩa hạnh phúc với bản thân mình.