Cái se lạnh Hà Nội đầu tháng 10 kéo tôi về những ngày đầu tháng 9, ngược sông ngược núi lên Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông, Huyện Bá Thước, Thanh Hoá và những kí ức về thầy giáo vùng cao nơi đây…

Thầy Thơ dạy Văn người Việt

Thầy giáo Thơ
Nom dáng người thầy không giống những hình dung thường đọc, thường nghe qua lời thơ câu hát. Thầy cũng chẳng giống những soái ca hay lên mặt báo mạng, thầy nhìn giống...một người thầy. Vì “nghiệp giáo dục nó cũng chẳng mộng mơ như ở miền xuôi hay đọc, ở miền này cái đói cái khổ vây quanh thì nghiệp gieo con chữ bản thân nó đã vất vả lắm rồi, đâu còn thời gian nghĩ tới cái đầu cái tóc, nghĩ tới chuyện sao mà nhìn cho sang.”
-----
Thầy cũng là cán bộ, thậm chí là cán bộ to, là Hiệu trưởng luôn. “Thầy giáo Thơ - Hiệu trưởng trường khu lẻ thị trấn Thành Sơn", một ngôi trường với 8 học sinh đủ cả 5 lớp học tiểu học. Nguyên cả ngôi trường tựa trong lán nhỏ trên mỏm đất cách nhà thầy độ 3 quả đồi, ngày nào thầy cũng bước bộ đi học như thế. Nhưng thầy Thơ bảo, cái khó khăn này nó chưa là gì với những học sinh trong thị trấn Thành Sơn. Đồng bào ở khu vực này chủ yếu là người dân tộc, lại ngay cận những vùng biên giới và tiếp giáp với rừng đặc dụng nên đường đi xa cách hiểm trở. 
Với mỗi em học sinh nơi đây, riêng chuyện đi học đã là điều xa xỉ mà quan trọng hơn là việc thông suốt ở tư tưởng của họ: “Nếu muôn đời nay vẫn đi làm ruộng bậc thang, bắt cá như thế thì sao nay phải vượt đèo vượt suối khổ sở thế đi học làm gì?” Những khó khăn trong địa lý là 1 thì tư tưởng là 10, giải quyết được cái tư tưởng ấy thì việc mang tới con chữ mới hiệu quả. 
Bình minh nơi mái tôn làng nghèo
Nét mặt thầy bộc lộ rõ vẻ trầm tư khi nhắc tới chuyện ấy: “Chuyện cho người ta tiền, khuyến khích người ta cho con cái đi học cũng là cái tốt. Nhưng quan trọng tự họ phải ý thức được việc học là để cho tương lai tốt đẹp hơn, để vượt cái đói, thoát cái nghèo (Tỉ lệ hộ nghèo tại địa bàn Huyện ước tính hiện là 21,5%, gấp đôi tỉ lệ chung trên cả nước).”

Chuyện cây tre không thẳng ở lớp thầy Thơ

Dẫu việc dạy học còn nhiều những cái khó khăn, thầy Thơ vẫn lạc quan và yêu đời lắm. Thầy bảo dạy học sinh vui lắm. Cả thầy và vợ đều là giáo viên, hai vợ chồng thầy tích cực làm lụng vay mượn xây được căn nhà sàn để phát triển mô hình homestay theo chủ trương phát triển du lịch trải nghiệm bền vững trong khu vực Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nhờ vậy mà tôi có cơ hội được tá túc và trò chuyện với thầy những ngày ở đây. 
“Thầy ơi, bài này bảo tre thẳng nhưng mà mấy cây tre nhà em nó lại cong. Thầy chỉ em thêm với thầy?” 
“À thì bình thường hầu hết tre là thẳng nhưng một số cây tre thì cong em à.”
Đầy hứng khởi thầy kể chuyện dạy học trò ở trường, ngôi trường bé nhỏ mà chan chứa hi vọng ấy. Trường của thầy học chung hết ở một phòng, mỗi đầu phòng là tấm bảng đen nhỏ, học sinh ngồi “quay đít vào cho đỡ nói chuyện", thầy thì cứ tất tả vòng lên vòng xuống hai đầu lớp, chỉ cậu này một chút, cầm tay cô kia một chút rồi cũng hết buổi học. 
Những biển hiệu còn chưa thực sự chuẩn xác - nhưng đã và đang là nỗ lực hết sức của hệ thống giáo dục nơi đây nhằm thu hút và tạo thêm "sự nổi bật" để thu hút trẻ em đi học.
Bất chợt, một người trong đoàn tôi hỏi thầy: “Thế cứ vòng vòng dạy thế mà mệt quá thì thế nào? - “Thì, thì mình ngồi bệt xuống thôiii!”. Tất cả lại cười ầm. Không khí dạy và học nơi này quả thực như thế: gần gũi và rất đỗi chân tình. 
"Thế cứ vòng vòng dạy thế mà mệt quá thì thế nào?" - “Thì, thì mình ngồi bệt xuống thôiii!
Tôi chợt nhớ đến vài dòng về lớp học và ông giáo trẻ trong hồi kí của Nguyên Hồng: “ Xóm trọ nghèo này, nơi mà lúc nào cũng trực chờ sợ ông cai kiểm tra bất chợt. Quanh tôi là các em, em Nguyên, em Tuấn, em Mai,..bố mẹ các em dẫu làm đủ thứ nghề từ phu xe, cả dân anh chị nhưng lúc nào họ cũng che chở tôi và cái lớp nhỏ này. Và với họ, mỗi ngày đi về được nhìn con cái đọc chữ này là chữ O tròn như quả trứng đã quả là điều sung sướng…” Dẫu cách thức và nội dung của giáo dục có thể thay đổi qua năm tháng nhưng ý nghĩa và sự khai sáng trong kiến thức mà giáo dục mang lại vẫn luôn là ngọc đuốc thắp lên đêm dài mu muội. 
Bóng tre chiều muộn ở thị trấn Thành Sơn
Có lần thầy Thơ dạy bài “Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy cho các em. Bài thơ có đoạn: 
“Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre"
Thầy tự hào lắm kể về cây tre, thứ gắn với những truyền thuyết tự hào của dân tộc ta như Thánh Gióng quật cường, như con người Việt khẳng khái trước kẻ thù, đứng thẳng hiên ngang đầy kiêu hãnh mang theo bóng hình dân tộc. 
Bất chợt có em học sinh này đứng dậy xin phát biểu: “Thầy ơi, bài này bảo tre thẳng nhưng mà mấy cây tre nhà em nó lại cong. Thầy chỉ em thêm với thầy?” - “À thì bình thường hầu hết tre là thẳng nhưng một số cây tre thì cong em à.” Cả trò cả thầy cười ầm. 

Ai cộng điểm cho thầy giáo vùng cao

Thầy bảo đợt đầu năm nay, thầy cũng đọc nhiều về những ý kiến rằng cộng điểm như này như kia là cao quá thấp quá. Thầy nghĩ việc cộng chắc chắn vẫn nên là điều cần thiết, bởi học sinh ở vùng này quả thực là thiếu thốn quá. Riêng từ chương trình học, các học sinh ở miền núi hải đảo như nơi này chỉ học một chương trình đặc biệt kéo dài 120 tuần để tiết kiệm bớt thời gian, bớt khó khăn cho học sinh nơi đây thay vì chương trình nguyên bản 156 tuần như ở đồng bằng. 

Thời gian không đi học, học sinh nơi này lội núi đào măng, lội sông bắt cá để rồi ngày Tết có tới thầy chơi cũng chỉ có chút măng chút cá từ con suối quê hương đâu có nhiều nhặn mà sung sướng. Nhưng thầy cũng bảo nên áp dụng việc cộng theo hoàn cảnh cụ thể thay vì áp dụng một khung chung cho nhiều yếu tố, có vậy thì cũng vừa đỡ bất lợi cho những học sinh nơi này mà cũng vừa công bằng cho hệ thống giáo dục chung.
Chấp nhận sinh sống và mang con chữ tới vùng núi xa xôi, thầy Thơ chưa bao giờ “mơ" đến những thứ hưởng thụ cao siêu. Cũng từng được đề bạt lên huyện, lên trường lớn nhưng thầy bảo “không đi đâu, đi thì ai dậy trường Thành Sơn này". 
Thế là lại nâng chén tiếp, thầy thêm một ly rượu nữa rồi ngủ sớm, chuẩn bị cho buổi lên bài đầu tuần sớm mai, mang theo niềm hi vọng - tri thức tới đồng bào nơi đây.