Hơn 2 năm làm việc thuần tuý digital theo đúng kiểu nhà trồng gì ăn nấy, cho đến lúc chuyển qua 3 năm tiếp theo là sự phối hợp (cũng có lúc lỗi nhịp) với những bên thứ 3 như agency, production, tôi nhận ra rằng, muốn đi xa, hoặc phải đi cùng nhau, hoặc phải nỗ lực gấp 3 lần (vừa là góc nhìn client, vừa là bộ não agency, vừa là kỹ năng production). Nhưng rốt cuộc, mối quan hệ giữa agency và client là gì, có gì ghê mà mọi người phải căng? 

1. "Ba cái đó, mình làm cũng được!"
Ủa vậy tụi agency nó làm gì ta, mà charge dữ vậy?? :D Ai đó, hẳn là cả tôi cũng đã từng có suy nghĩ như thế. Nhưng mấy bạn agency đừng buồn, đó chỉ là phản ứng bình thường của mọi người trong xã hội mà thông tin quá nhiều (đến nỗi ngộp thở). Nó giống như mỗi chúng ta đi khám bệnh, bác sĩ khám và về chúng ta là tự nghĩ "Bác sĩ gì mà khám qua loa vài cái, mình Google cũng ra". Thì mỗi chúng ta, làm nghề này, mỗi ngày, mỗi ngày đều phải làm dày từ điển nghề của mình bằng việc xem thật nhiều campaigns, xem thật nhiều video. Âu cũng là khó tránh.
Nhưng nếu nghĩ lại, mỗi cái nghề, mỗi vị trí tồn tại trên đời đều có lý do của nó. Tôi công nhận khó mà sống, hành xử, làm việc cường độ sáng tạo như các bạn agency, một ngày 24h, thì có 1/3 thời gian bạn phải sống như một thằng đàn ông đi mua xe, 1/3 còn lại như một người con gái đối mặt với các vấn đề khó xử của nhãn hàng băng vệ sinh, 1/3 kia thì nhập vào một chị gái trung niên tiền mãn kinh. Đó đã là một áp lực với họ, chứ đừng nói là phải chịu thêm áp lực về con số, về performance, về việc giữ chân khách hàng. (Tôi nghe đã thấy tâm thần phân liệt ra rồi). Ngoài ra, điều đáng nói là những nghề nghiệp kiểu "Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa", bởi không tồn tại một ranh giới nào, dù mỗi ngày phải đấu tranh tư tưởng, giữa nghệ thuật và kinh doanh, thật sự là một thử thách.
Tương tự, client (như tôi đã từng) cũng được sinh ra để làm một cỗ máy quần quật về số, giấy tờ, nhưng lại phải yêu sản phẩm, yêu brand như người tình duy nhất, chịu ngàn dấu hỏi từ "các bác" về chuyện chiến dịch này chạy hết nhiêu đây nhưng được bao nhiêu người. Và hơn hết họ là người, nếu khách hàng phật lòng, chẳng ai đi chửi agency, mà client sẽ là người kiên nhẫn lắng nghe những "end-user", xử lý cẩn thận từng ca có thể gây ảnh hưởng đến brand của mình. Họ còn có một áp lực khác, agency có thể đong đưa nhiều brand, nhưng vì với client, brand là người tình trăm năm, nên mỗi ngày họ đều phải làm mới tình yêu này, để tình không chán như cơm thiu.
Chúng ta nghe vô vàn tin tức về bác tài xế đỡ đẻ, anh công an đỡ đẻ, nhưng chúng ta vẫn có bác sĩ, và bác sĩ là không thể thay thế, bác tài xế, anh công an cũng vậy. Và agency (& production), client cũng vậy!
Bài học đầu tiên sau 5 năm của tôi là tôn trọng từng chỗ đứng của mỗi người và khi đã hợp tác, hãy tin tưởng, sòng phẳng và tham vọng CÙNG NHAU!
Triết lý gieo - gặt của đạo Phật thì tôi tuyệt đối tin, vì đã từng gieo rất nhiều sai lầm và gặt phải quả báo. Điều này, hình như đúng với cả mối quan hệ agency - client. Chúng ta gieo cho nhau những đối đãi chân thực, những lời dễ nghe thì sẽ gặt lại nhiều điều sáng sủa, tốt lành. Xem ra, mối quan hệ công việc nào, cũng thật khó để làm được điều đó.
Nhưng bài học thứ hai của tôi chính là "Bớt khẩu nghiệp đi mấy má!"
2. Ăn cá lừa xương, thương nhau phải có chiêu


Mỗi người đều có một cái điểm mù trong lòng, mỗi nghề cũng lại có điểm nhột. Cái để chúng ta chạm được vào nhau, dù client hay agency, chính là chạm được điểm nhột của nhau, mỗi bên tém lại một chút. 3 năm, tôi tin rằng mối quan hệ agency - client không phải là mối quan hệ đối tác kinh doanh tưởng thường mà hoá ra xương. Bình thường, vì mỗi bên đều có mục tiêu kinh doanh của mình. Nhưng xương ở chỗ, đó là mối quan hệ cộng sinh mua bán một thứ dịch vụ "điểm mù". Làm ra một phần mềm, ai cũng biết nó khó vì coding phức tạp thế kia mà. Làm ra một container áo dạ, ai cũng thấy nó khoai vì không dễ mà có kỹ năng may vá hùng hục như thế. Nhưng viết một vài đoạn văn, ai cũng nghĩ chẳng khó gì, vì viết, ai mà chẳng làm được. Hay nghĩ một chiêu trò nào đó, nghe có vẻ nhẹ nhàng như kiểu ngồi cà phê máy lạnh đó mà. Đấy là rất nhiều người nghĩ thế, nên cái nghề bán ý tưởng, tưởng là bán đắt mà hoá ra toàn bị trả giá. 
Chưa hết, khâu bán hàng cũng không hề dễ dàng cho cả hai bên. Đừng tưởng client nhàn, chỉ việc ngồi đó chỉ tay năm ngón mua hàng như mấy người đi siêu thị. Client chính là những cô tấm của hiện thực, ngồi nhặt những hạt thóc tinh tuý nhất của mỗi idea, mỗi proposal, trình lên cho các ông vua bà hoàng đầy quyền năng trong tay, với mong muốn họ vẩy đôi đũa thần một cái cho "Thị ơi thị rơi bị bà". Làm cô tấm, bao đời vẫn thế, ai cũng nghĩ chẳng làm ăn cái đếch gì, nhưng được cái ác (cổ tích thời hiện đại). 
Kể ra trên chỉ là một trong vài điểm nhột của hai bên, chỉ là trong quá trình vội vã, ai cũng quá mệt mỏi giữa đường đời bất tận, mà chỉ là gãi cho mình, quên gãi cho người, làm gì có chuyện "một người khoẻ, hai người vui" chứ. Mối quan hệ này, như mình ăn cá ấy mà, chịu khó lừa xương chỗ này, rỉa chỗ kia, thì nhất định sẽ không mắc xương. Mối quan hệ này như thương một người phải có chiêu, đâu có xấu gì, chỉ sợ khẩu nghiệp thôi.
Mối quan hệ này, giống như mẹ chồng - nàng dâu (có con trai), rồi đến lúc, nàng dâu trở thành mẹ chồng đó mà ahihi. Nên thôi, bớt khẩu nghiệp!