6 bài học mình rút ra từ sách “Thói quen nguyên tử” — James Clear.
Ảnh từ Heinz Marketing
        1. Người thắng và người thua có cùng mục tiêu
Một sai lầm trong hành trình thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống mà nhiều người dễ mắc phải đó là họ thường có xu hướng ôm đồm quá nhiều hoài bão, đặt quá nhiều kỳ vọng trong một khoảng thời gian ngắn. 
À, thật ra mình đang nói mình ấy :> 
Mình nhớ có vài lần trong lúc lướt newsfeed thì vô tình bắt gặp thành tựu của một "con nhà người ta" trong truyền thuyết nào đó, thế là mình hùng hục khí thế quyết tâm thay đổi toàn diện cuộc sống của mình, từ việc dậy sớm, tập thể dục, ăn lành mạnh, mỗi ngày đọc 1 cuốn sách.... 
Nhưng rồi... chỉ vài ba hôm sau đâu lại vào đấy vì nguồn động lực dồi dào ban đầu đã cạn kiệt. Thế là sau nhiều lần chiêm nghiệm, cuối cùng mình cũng rút ra được bài học xương máu - nên bắt đầu "vừa sức" thôi. Tuy nhiên, thật sự mà nói thì đâu đó sâu thẳm trong mình vẫn muốn "đánh nhanh thắng nhanh" và cho rằng mục tiêu phải to bự, phải hoành tráng thì mới có hiệu quả.
Lý giải cho xu hướng này chính là thành kiến người sống sót (survivor bias). Chúng ta tập trung vào những người giành chiến thắng chung cuộc, những người đầu ngành trong lĩnh vực — những người sống sót — và lầm tưởng rằng, chính các mục tiêu tham vọng đã dẫn đến thành công của họ, trong khi coi nhẹ tất cả những người có cùng mục tiêu nhưng lại không thành công.
Hay có thể nói, chúng ta sợ những mục tiêu nhỏ sẽ chẳng bõ bèn gì cho mục tiêu mình muốn đạt được. 
        2. Đạt được mục tiêu chỉ là một thay đổi nhất thời
Lấy ví dụ bạn có một căn phòng bừa bộn và bạn đặt mục tiêu dọn dẹp nó. Hiển nhiên là nếu bạn dồn hết tất cả sức mạnh ý chí (willpower) để dọn dẹp, thì bạn sẽ nhanh chóng có một căn phòng sạch sẽ. Tuy nhiên, sẽ chẳng ích gì nếu bạn vẫn duy trì cùng một thói quen cẩu thả dẫn đến căn phòng bừa bộn ngay từ đầu, thế là chẳng mấy chốc, bạn sẽ lại nhìn thấy một đống lộn xộn mới và chờ đến lúc bạn lại có động lực để dọn dẹp.
Bạn nhận kết quả giống nhau vì bạn không bao giờ thay đổi hệ thống đằng sau nó. Bạn giải quyết những biểu hiện bề mặt mà không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Tệ hơn, sau nhiều lần thất bại trong việc huy động sức mạnh ý chí để dọn dẹp, bạn hình thành một ý niệm về bản thân: “Bạn không phải làm một người ngăn nắp” và những hành vi tiếp theo của bạn sẽ lại củng cố cho niềm tin này. Và cứ thế hình thành một vòng lặp luẩn quẩn của thói quen xấu.
Cách tiếp cận tốt hơn chính là, thay vì cố gắng đạt được kết quả nào đó, hãy tập trung vào việc thay đổi quá trình, thay đổi hệ thống đằng sau, mà bắt đầu chính từ những quyết định nhỏ mang cấp độ vi mô hằng ngày.
        3. Các mục tiêu giới hạn hạnh phúc của bạn
Mỗi mục tiêu chúng ta có trong cuộc sống đều thể hiện một mong muốn cháy bỏng để đạt được nó, đi kèm với đó là một niềm tin rằng “Chỉ khi tôi đạt được mục tiêu của mình thì tôi mới hạnh phúc”. Suy nghĩ này khiến bạn liên tục trì hoãn hạnh phúc của bạn cho đến mục tiêu tiếp theo.
Thế là, bạn rơi vào cái bẫy của cuộc xung đột “Hoặc là” — Hoặc là bạn đạt được mục tiêu của mình và thành công, hoặc bạn thất bại và là sự thất vọng. Bạn tự nhốt mình trong phiên bản hẹp của hạnh phúc và tự đặt áp lực không đáng có lên bản thân.
Như vậy, tư duy hệ thống chính là liều thuốc giải độc. Hãy tập trung vào việc xây dựng và duy trì hệ thống thay vì căng thẳng nhìn kết quả. Bạn không cần phải chờ đợi để cho phép bản thân được hạnh phúc, bạn hạnh phúc vì mỗi ngày bạn bạn biết rằng mình đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.
        4. Tập trung vào quá trình thay vì kết quả
Cách tiếp cận bắt đầu từ mục tiêu có thể tạo ra hiệu ứng yo-yo hay cái gọi là tư duy xõa. Chúng ta mắc kẹt trong vòng lặp: Làm — Xõa — Làm — Xõa. Và đến cuối cùng mọi thứ chúng ta có được đều mang tính tạm thời. Nhiều người nỗ lực hướng đến mục tiêu hàng tháng trời, nhưng ngay khi họ hoàn thành được mục tiêu, họ dừng lại và ngủ quên trên chiến thắng. Họ đã dùng cạn sức mạnh ý chí của mình.
Hãy coi cuộc sống như là một cuộc chạy marathon, đừng sống như thể nó là một cuộc chạy đua nước rút. 
Người thua cuộc sử dụng sức mạnh ý chí để chạy hết sức đến mục tiêu.
Người chiến thắng cuối cùng sử dụng sức mạnh ý chí để xây dựng hệ thống sức bền.
Mục đích của việc thiết lập mục tiêu là để giành chiến thắng trong trò chơi. Mục đích của việc xây dựng hệ thống là để tiếp tục chơi trò chơi mang tên cuộc đời.
Nhưng mà bản chất của cuộc đời đâu phải để thắng, đích đến của cuộc đời là gì ấy nhỉ? Mà khoan, về đích là qua đời rồi còn gì nữa ??
        5. Thói quen nhỏ tạo nên khác biệt lớn
Chúng ta thường hay thuyết phục bản thân rằng thành công lớn đòi hỏi phải có hành động lớn. Cho dù đó là giảm cân, khởi nghiệp, viết lách, giành chức vô địch hay đạt được bất kỳ mục tiêu nào khác, chúng ta tự tạo áp lực lên bản thân để thực hiện một số thay đổi chấn động mà mọi người sẽ trầm trồ.
Tuy nhiên, sự khác biệt thật sự không nằm ở những nỗ lực to lớn, mà nó là những nỗ lực nhỏ được nhân bội lên qua thời gian. Thành công là sản phẩm của các thói quen hằng ngày — chứ không phải sự thay đổi chỉ một lần-trong đời. Thời gian mới chính là yếu tố quyết định. 
Thời gian phóng đại sự chênh lệch giữa thành công và thất bại. Những thói quen tốt biến thời gian thành đồng minh của bạn. Những thói quen xấu biến thời gian thành kẻ thù của bạn.
Đây là một sự thật khó mà nhận thức thấu suốt trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thực hiện một vài thay đổi, nhưng kết quả dường như chẳng bao giờ đến nhanh chóng và vì vậy, chúng ta dễ dàng trượt dài trở lại những hành vi cũ của mình.
Khi chúng ta đưa ra một quyết định sai lầm như việc ăn một bữa ăn không lành mạnh ngày hôm nay, cái cân không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, sau một tháng cộng dồn của "dăm ba" bữa ăn không lành mạnh, chúng ta có thêm 1kg mỡ. 
Khi chúng ta lặp lại sai lầm, ngày này qua ngày khác, bằng cách sao chép các quyết định tồi, nhân đôi các lỗi nhỏ và hợp lý hóa các biện hộ. Chúng kết hợp thành kết quả độc hại.
Mỗi một thay đổi nhỏ trong các thói quen hằng ngày của bạn có thể hướng cuộc sống của bạn đến một cái đích rất khác biệt.
        6. Sự thật về sự tiến bộ
Hãy tưởng tượng bạn đặt một viên đá trên bàn. Căn phòng lạnh ở mức 25 độ. Dần dần bạn chỉnh nhiệt độ nóng lên — 26, 27,28,29 — vẫn chưa có gì xảy ra.
Sau đó, 32 độ.
Băng bắt đầu tan chảy.
Một độ thay đổi.
Dường như không có gì khác với nhiệt độ tăng lên trước đó, nhưng nó đã mở ra một ngưỡng thay đổi mới.
Tương tự, thói quen thường không tạo được sự khác biệt mấy cho đến khi cuộc sống bạn trải qua quá trình thay đổi về lượng, vượt qua một ngưỡng quan trọng, thực hiện bước nhảy và thay đổi về chất.
Trong giai đoạn đầu và giữa của bất kỳ nỗ lực nào cũng tồn tại một Thung lũng thất vọng. Bạn mong đợi sẽ đạt được tiến bộ theo kiểu tuyến tính (dạng như đường thẳng) và trở nên thất vọng, nhụt chí khi nhận ra chẳng có sự thay đổi nào rõ rệt trong những ngày đầu tiên, những tuần đầu tiên và thậm chí là vài tháng. Bạn có cảm giác mình chẳng đi đến đâu. 
Thung lũng thất vọng là một dấu hiệu của bất kỳ sự tiến bộ cộng dồn. Các kết quả mạnh mẽ nhất hay bị trì hoãn
Sự cố gắng không phải là vô ích, nó đơn giản là đã được lưu trữ
Mãi đến sau này, toàn bộ giá trị của những nỗ lực đó mới được hé lộ. Đó chính là khoảnh khắc khi bạn nhìn lại cả quá trình, có vẻ như chẳng có gì thay đổi nhiều, nhưng so với mốc ban đầu, mọi thứ đều đã khác biệt.
Điều này khiến mình nhớ đến hành trình học tiếng Anh của các bạn học viên của mình. Các bạn thường loay hoay và mắc kẹt ở cấp độ Beginner, trong khi cấp độ Intermediate mới là lúc các bạn thật sự vận dụng được tiếng Anh vào công việc. Đáng tiếc, một số bạn đã không đủ kiên nhẫn để vượt qua thung lũng thất vọng và sự lưng chừng giữa Beginner và Intermediate.
Tất nhiên, những bạn vượt qua được thì kết quả sẽ vô cùng mỹ mãn vì sau đó, hành trình học tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn nhiều và kết quả tăng trưởng tính bằng cấp số nhân. 
Không quan trọng bạn nỗ lực bao nhiêu, quan trọng là bạn phải nỗ lực đủ lâu. Việc khó không phải là việc không thể, chỉ là nó mất nhiều thời gian hơn thôi.
Mình chúc bạn đủ bản lĩnh để thoát ra khỏi thung lũng tuyệt vọng của chính mình để hướng đến ngưỡng xuất sắc mà bạn hằng mong muốn.
Thương mến các bạn ~