Thấy dạo này mọi người đang xôm cái vụ giữa Aquaman và Black Panther phim nào hay hơn và việc Black Panther lọt vào đề cử Oscar 2019 trong top phim chính kịch nên mình cũng có chút nhận định cá nhân:
1/ Đầu tiên, mình sẽ đánh giá về việc liệu Black Panther có xứng đáng lọt vào đề cử phim hay nhất năm của Oscar hay không:
Nhiều bạn có bảo rằng Avengers: Inifinity War xứng đáng được đề cử cho hạng mục phim xuất sắc nhất của Oscar 2019 thì nên nhớ rằng từ trước đến nay thể loại phim siêu anh hùng chưa bao giờ được đánh giá cao trong các hạng mục giải thưởng phim ảnh. Thậm chí Viện Hàn lâm thường có quan điểm truyền thống “siêu anh hùng không có cửa”. Quả thực, Infinity War là phim thể loại siêu anh hùng thuộc dạng đáng xem nhất năm 2018 nhưng bản thân nó thuộc về một bộ phim mang tính giải trí và đại chúng nhiều hơn là một bộ phim có nội dung cũng như mang một thông điệp nào đó trong xã hội.
Về Black Panther, đây là bộ phim riêng nói về siêu anh hùng da màu đầu tiên của MCU (Marvel Cinematic Universe). Black Panther khai thác về một thế giới da màu lấy bối cảnh từ các quốc gia thuộc Lục địa đen và thêm thắt vào những thông điệp về chính trị cũng như sắc tộc. Cái chính là Black Panther đã thể hiện được nỗi niềm cũng như nền văn hóa của cộng đồng người da màu, đặc biệt là tại Mỹ - là nơi mà Erik Killmonger (Michael B. Jordan) lớn lên. Những đứa trẻ lớn lên tại đây chính là lí do tạo nên một Erik Killmonger với khát khao trả thù, dù cho bị áp bức, bóc lột thì bản thân họ vẫn không đủ sức mạnh/quyền lực để phản kháng lại những người da trắng, được xem như tầng lớp “thượng đẳng” trong xã hội. Bộ phim truyền tải được thông điệp đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, là một phong trào “Black Lives Matter” đang được các nhà làm phim khai thác rất nhiều trong những năm gần đây.
Nếu nói về riêng về thể loại siêu anh hùng, rõ ràng Black Panther là một tác phẩm phim rất riêng khi phần nội dung truyền tải được một trong số những thông điệp đang rất nổi cộm trong xã hội hiện nay. Nhưng đứng trên khía cạnh là ứng viên được đề cử cho giải thưởng phim hay nhất năm của Oscar và cả Golden Globe (Quả cầu vàng), Black Panther dường như đã bị overrated quá cao. Thứ nhất, phim chỉ có một cốt truyện có thể gọi là khá ổn trong mặt bằng chung thuộc dòng phim siêu anh hùng, chứ chưa nói đến những thể loại phim khác. Thứ hai, nếu chỉ mang thông điệp được truyền tải thì phim thực sự chưa xứng tầm khi so với những đối thủ khác. Thứ ba, với doanh thu vượt hơn 1,3 tỉ Đô tạo nên cơn sốt toàn cầu thì việc Disney đổ tiền bạc và công sức vào chiến dịch vận động cho một đề cử của Oscar cũng không có gì là lạ.
Theo quan điểm cá nhân mình, Black Panther là một bộ phim đề tài siêu anh hùng mang thông điệp khá tốt, nhưng để góp mặt cho một suất đề cử phim xuất sắc nhất năm của Oscar thì chưa xứng đáng. Với cá nhân mình, phim xứng đáng giành danh hiệu hay nhất năm nên thuộc về A Star Is Born, một trong những tác phẩm điện ảnh có sức ảnh hưởng đến giới trẻ cực lớn trong năm nay. Với việc kết hợp cùng Lady Gaga, Bradley Cooper với tư cách đạo diễn hoàn toàn có thể mang lại chiến thắng đầu tay cho chính mình. A Star Is Born được giới phê bình đánh giá rất cao khi được công chiếu tại liên hoan phim Venice và Toronto. Ngoài phần nội dung, A Star Is Born còn mang đến cho khán giả mặt âm nhạc ngoài cả sự mong đợi. Đây mới xứng đáng là tác phẩm điện ảnh hay nhất năm. Xứng đáng xếp sau A Star Is Born theo mình là First Man, Vice và Mary Poppins Returns.
2/ Tiếp theo, mình xin được so sánh Black Panther cùng một bộ phim đang rất hot hiện nay, không ai khác chính là Aquaman của nhà DCEU (DC Extended Universe).
Có thể nói rằng, cả Aquaman cũng như Black Panther có phần nội dung khá tương tự nhau khi cả hai đều nói về một thế giới thứ ba tách biệt hoàn toàn với thế giới thực, cùng việc hai người con trong hoàng tộc tranh đấu giành lấy ngai vàng và những vấn đề xung quanh đó.
- Về Aquaman, đây có lẽ là bộ phim thuộc DCEU hay nhất mà mình từng xem, thậm chí nhỉnh hơn cả Wonder Woman. Đạo diễn James Wan đã mang đến cho người xem một Atlantis kì vĩ sâu bên dưới đại dương với kĩ xảo bắt mắt với người xem. Điểm mạnh của Aquaman là phần cinematography quá đẹp, quá ấn tượng. Phim thực sự đã vượt qua cái mác “tăm tối” của điện ảnh DCEU. Nếu trong Justice League, những gì ta thấy về Atlantis chỉ là một nơi u tối, lạnh lẽo thì trong Aquaman, James Wan đã biến nó trở thành một thế giới dưới đại dương thật nguy nga tráng lệ.
- Xét đến nội dung, cả Aquaman và Black Panther đều có cốt truyện tương đối đơn giản và dễ hiểu với khán giả đại chúng. Nếu như Black Panther gói gọn chúng ta trong vương quốc Wakanda thì Aquaman lại làm tốt hơn về việc đưa người xem đến những nơi mà con người chưa bao giờ đặt chân đến của Atlantis và kể cả những nơi trên mặt đất. Aquaman của James Wan nhỉnh hơn Black Panther về việc mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ mà bản thân họ chưa từng chứng kiến. Cả Aquaman lẫn Black Panther đều mắc một lỗi chung đó là 2/3 mạch phim đầu tiên đều rất ổn, nhưng đến gần cuối phim lại khá vội vàng, gấp gáp khiến khán giả đôi lúc khá hụt hẫng.
- Về mặt nhân vật, Black Panther đã khắc hoạ lên một trong những phản diện hay nhất trong vũ trụ MCU kể từ sau Loki và mới đây nhất là Thanos. Erik Killmonger xứng đáng được người xem cảm thông về những gì anh đã trải qua và buộc phải trả thù để thay đổi những điều bất công luôn hiện hữu trong xã hội này. Theo cá nhân mình đánh giá, Erik Killmonger là nhân vật hay nhất trong Black Panther, tiếp đó là dàn nhân vật nữ quá xuất sắc, lột tả hết được vẻ đẹp nữ quyền, sự quyết đoán cũng như cực kì mạnh mẽ. Điểm trừ của phim có lẽ là nhân vật chính T’challa (Chadwick Boseman) khá lép vế so với Erik Killmonger (Michael B. Jordan) và một số nhân vật được cho là khá “thừa”. Qua bom tấn nhà DCEU, thực sự James Wan cùng Jason Momoa đã một tay vực dậy vũ trụ điện ảnh DCEU. Arthur Curry (Jason Momoa) đã thể hiện được một Aquaman mạnh mẽ, pha lẫn chút “điên” cũng như “hoang dại” của bản thân, toát lên được khí chất của người mang trong mình nửa dòng máu Atlantis, điều này ở anh có vẻ ổn hơn người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến là T’challa rất nhiều. Dàn nhân vật của Aquaman cũng được xây dựng rất tốt, dường như không vai trò của ai trở nên thừa thãi cả.
- Nếu như Black Panther truyền tải nền văn hoá của người da màu cũng như những vấn đề về nạn phân biệt chủng tộc. Thì ở Aquaman, vấn nạn ô nhiễm môi trường biển cũng được nhắc đến. Cả hai thông điệp trên cũng chính là thứ tạo nên những kẻ phản diện chính của hai tác phẩm. Về phần này, mình đánh giá Black Panther cao hơn Aquaman.
+ Với Erik Killmonger, giá trị dân tộc không thuộc về văn hoá mà thuộc về nguồn gốc. Anh cho rằng những người da màu cần bảo vệ nhau thay vì việc chia ra từng tộc và phủ nhận lẫn nhau. Trong khi Wakanda phát triển và thịnh vượng ra sao thì máu mủ của họ ở những nơi khác trên thế giới phải chịu sự áp bức, bóc lột nhưng họ không được quyền đứng lên đòi công bằng. Erik muốn lật đổ chủ nghĩa bảo thủ của Wakanda từ bao lâu nay để cứu lấy những người da màu như anh trên khắp thế giới. Rõ ràng, sau cái chết của Erik Killmonger, T’challa đã thay đổi những giá trị của Wakanda, vị vua non trẻ ngày nào giờ đây đã trả lời được cho câu hỏi của chính mình: “Phải làm vua như thế nào mới tốt?”. Đó là bài học giá trị về sự phát triển nhân cách mà Black Panther mang lại.
+ Tương tự, ở Aquaman, người xem có thể thấy vấn nạn “Ô nhiễm môi trường biển do ý thức của con người” đang ngày một khiến cho sự sống từ Atlantis bị nguy hại. Đó chính là tiền đề cho quyết định tấn công thế giới loài người của Ocean Master (Patrick Wilson). Vấn đề ở đầu phim được đặt ra là vậy, và sau những cuộc chiến giữa Aquaman với Black Manta, cuộc chiến giữa các tộc người với nhau và thậm chí là trận chiến cuối cùng giữa Aquaman với Ocean Master, vấn đề “Môi trường biển đang bị hủy hoại” vẫn chưa được giải quyết, và thậm chí còn không được đề cập đến? Những gì phim để lại là hành trình lên ngôi vương Atlantis của Arthur Curry, Ocean Master bị bắt cũng như after-credit hé lộ rằng Black Manta vẫn còn sống. Quả thực, James Wan đã xây dựng nhân vật khá ổn qua mỗi phân đoạn và cả hướng đi tiếp theo trong những phần sau, nhưng khán giả vẫn chưa thấy được hướng giải quyết vấn đề mà phim muốn truyền tải.
*Tổng kết lại, nếu như Aquaman vượt trội hơn Black Panther ở phần kỹ xảo CGI, VFX cũng như những trận đánh làm đại đa số người xem mãn nhãn thì Black Panther mang thông điệp nhân văn và giải quyết nó tốt hơn. Theo mình, nội dung mà Black Panther truyền tải có phần “sâu” hơn Aquaman. Cả phần soundtrack của Black Panther do Kendrick Lamar thể hiện cũng nhỉnh hơn soundtrack của Aquaman (mặc dù soundtrack của Aquaman cũng rất hay, trừ Ocean To Ocean do Pitbull thể hiện vì nó cực kì tệ). Nhìn chung, Black Panther và Aquaman chẳng khác gì “Kẻ tám lạng, người nửa cân”, mọi người nên nhìn nhận cả hai theo một cách khách quan nhất. Riêng Aquaman là một sự thành công cực lớn của hãng Warner Bros và vũ trụ điện ảnh DC. Dường như James Wan đã tìm ra công thức hồi sinh cho loạt phim điện ảnh từ DC sau loạt “bom xịt” gây thất vọng của hãng từ phong cách tươi mới, dễ hiểu đến từ đối thủ MCU. Dù sao đây cũng là nước đi rất quan trọng để DCEU hứa hẹn một màn trở lại ngoạn mục trong tương lai khi vũ trụ điện ảnh Marvel đã đi đến giai đoạn kết thúc của Phase III trong Avengers: Endgame sắp đến và sẽ bước sang xây dựng Phase IV trong năm 2019 với Spider-Man: Far from Home.
*Top 5 phim hay nhất (với cá nhân mình) trong 2018: 1. A Star Is Born. 2. Spider-Man: Into the Spider-verse. (Phim siêu anh hùng hay nhất 2018) 3. Avengers: Infinity War. 4. First Man. 5. Incredible 2.