27.10.2021
By Duc Minh Doan
Reading time 8 minutes
Gọi con người là virus của Trái Đất có lẽ cũng không hề sai. Chúng ta, vốn dĩ đi lên từ những cá thể vượn người theo như Thuyết Tiến Hóa, bắt đầu liên kết lại thành những quần thể cộng sản nguyên thủy - cùng sinh tồn vì lợi ích chung; rồi từ chỗ săn bắn hái lượm, ta dần biết cách khai phá tự nhiên để phục vụ cho mưu cầu riêng của bản thân. Phải thú thật rằng loài người rất thú vị, càng tìm hiểu, ta càng nhận ra và trở nên quan ngại hơn về tiến trình nhận thức chung của giống loài ta.
Chúng ta rõ ràng hiểu biết được rằng nhân loại đang ngày một tiến tới gần hơn tới Tận Thế, nhưng điều ta làm chỉ là trưng ra thái độ vô thưởng vô phạt và càng lúc càng mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của chuỗi nguyên nhân – hệ quả.
Một cảnh trong phim Minamata (2020)
Một cảnh trong phim Minamata (2020)
Thomas Aquinas từ tận 8 thế kỷ trước đã cho rằng, bất kì một nguyên nhân cố hữu nào cũng đều tồn tại một nguyên nhân ở trước, tức bất kì một hệ quả nào mà ta thấy ở hiện tại cũng có khả năng trở thành một nguyên nhân mang tính thế tập về sau, và thái độ triết học đó của Aquinas vẫn mang tính thực tiễn mạnh mẽ cho đến tận bây giờ.
Một ví dụ nho nhỏ trong phạm trù vật lý, khi Peter Higgs lần đầu tiên đưa ra khái niệm về cái gọi là “hạt của Chúa, thứ cấu thành nên vũ trụ” – tức hạt Higgs vào những năm 60, mãi tận cho đến năm 2012 của thế kỷ 21, người ta mới chứng minh được nó có tồn tại. Vậy chúng ta đã làm gì sau phát hiện mang tính vĩ đại đó? Ta lại dấn thân vào công cuộc tìm kiếm hạt gì đã tạo nên hạt Higgs.
Cứ như thế, ta lao vào một cuộc truy nguyên vô tận để tìm cho kì được thứ mà theo Aquinas, là một “nguyên nhân không có nguyên nhân” – khởi đầu của vạn vật.
Mô hình hạt Higgs
Mô hình hạt Higgs
Đi từ buổi bình minh nhân loại, trải dài từ những Socrates, Platon hay Aristotle của thuở hồng hoang, cho tới giai đoạn được xem như “đêm trường Trung Cổ”, từ “Phục Hưng” hay “Thời Kỳ Ánh Sáng”. Ở bất kì một giai đoạn nào của tiến trình lịch sử, ta phát triển, rồi lại sai lầm, nhưng ta rút kinh nghiệm và trở lại mạnh mẽ hơn, vì loài người là thế.
Nhưng suy cho cùng, không một ai, hay không một giống loài nào nằm trong sự hiểu biết của chúng ta đến hiện tại, là tồn tại sự hoàn hảo. Chúng ta mắc sai lầm, một sai lầm chết người, một sai lầm đã khiến cho mẹ thiên nhiên nổi giận, và bà đã bắt đầu quay lại để trừng phạt chúng ta.
Mở đầu dài dòng như vậy có lẽ cũng chỉ để làm rõ hơn những trăn trở của người viết sau khi xem xong bộ phim Minamata của đạo diễn Andrew Levitas, với sự tham gia đóng chính của tài tử Jonny Deep. Bộ phim khắc họa về những nhân vật có thật, một sự kiện có thật, đánh dấu một cột mốc tang thương và đầy ám ảnh trong quá trình công nghiệp hóa đất nước của Nhật Bản – căn bệnh Minamata.
Người viết cũng sẽ không đi sâu vào phần kể lại câu chuyện phim, thay vào đó đưa ra những quan điểm mang tính cá nhân trong quá trình tìm hiểu về não trạng mà bộ phim đã đề cập. Và cũng như câu đầu tiên bài viết này đã nhắc đến: “Gọi con người là virus của Trái Đất có lẽ cũng không hề sai.”
            Vấn đề xả cặn bã của chất thải hóa học, mà tồn tại trong nó vô số kim loại nặng nguy hiểm (đặc biệt là thủy ngân) ra môi trường của của tập đoàn Chisso trực tiếp dẫn đến bi kịch của người dân vùng Minamata, họ trở nên mất tự chủ về mặt thần kinh, dị dạng bất thường xảy ra trong bào thai do quá trình phơi nhiễm, khiến ta không khỏi kinh hoàng và gợi nhắc đến hậu quả của “chất độc màu da cam” mà người Mỹ để lại trong chiến tranh Việt Nam.
Xả thải của nhà máy Chisso (still from Minamata)
Xả thải của nhà máy Chisso (still from Minamata)
            Việc để những tham – sân – si xen vào giữa thái độ đạo đức của các cấp lãnh đạo tập đoàn trong vấn đề tự thừa nhận sai phạm và bồi thường cho người bị hại cũng là một minh chứng cho việc chúng ta còn mắc kẹt rất sâu trong vòng tròn tiến hóa, một cản trở để đi đến cái mà triết lý Phật giáo gọi là “Giác Ngộ”. Chúng ta cũng thừa biết hành động tàn phá môi trường chính là kéo gần hơn viễn cảnh của Tận Thế, biết rất rõ là đằng khác, nhưng xúc cảm phù phiếm đã rót vào tai ta những lời mật ngọt, xảo ngôn và cho rằng Tận Thế có đến cũng sẽ không xuất hiện ở thời đại ta. Nhưng như người viết đã đề cập ở trên, tất cả chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Ảnh hưởng của bệnh Minamata
Ảnh hưởng của bệnh Minamata
Ảnh hưởng của bệnh Minamata
Ảnh hưởng của bệnh Minamata
Ảnh hưởng của bệnh Minamata
Ảnh hưởng của bệnh Minamata
Minamata chỉ là hệ quả từ đợt sóng phản công do những nguyên nhân mà con người gây nên, tự nó cũng là một nguyên nhân ở trước cho hệ quả tất yếu sẽ xảy ra về Ngày Tận Thế.
            Đi trong (và cùng) với sự củng cố cho lý tưởng phim đó, Minamata cũng khắc họa một mặt nghiêm túc hơn về ý nghĩa của “Quyền lực thứ tư” trong hệ thống xã hội Ngũ Đại Quyền, hay cụ thể hơn là quyền lực báo chí. Jonny Deep đã thành công khắc họa nên bức chân dung của nhiếp ảnh gia – nhà báo Eugene Smith, trong hành trình tìm lại công lý cho những người dân thường nói chung và những bệnh nhân phơi nhiễm độc thủy ngân nói riêng ở khu vực Minamata; khắc khổ, không trọn vẹn, nhưng cũng thật đầy tính người và giàu sự nhân văn.
Nhà báo Eugene Smith (Jonny Deep)
Nhà báo Eugene Smith (Jonny Deep)
            Nhiệm vụ của người làm phim chính là đưa ra góc nhìn, quan điểm về một não trạng nào đó của xã hội dựa trên yếu tố nghệ thuật, từ đó để người xem rút ra những suy tư mang tính cá nhân, để rồi từ những trăn trở đó mà hình thành thái độ đạo đức đối với não trạng đó, và Minamata đã làm được điều đó, một cách rất thành công.
Ta xem bộ phim với một tâm thế cởi mở, để rồi nhanh chóng chuyển sang nỗi kinh hoàng, sự ám ảnh, trái tim ta đau đớn, xót thương cùng một nỗi buồn trải dài vô tận. Hóa ra con người có thể trở thành thứ virus nhiễm bệnh cho tinh cầu này như thế, và hóa ra, những virus chúng ta cũng lại đang tàn phá hủy hoại với chính đồng loại mình…
            Sau những bể dâu, phim ảnh chính là lấy chất liệu từ đời sống, dùng chất liệu để chuyển hóa nó thành tư liệu khắc họa hình thái xã hội trong bộ phim, nhất là những tác phẩm mang tính tài liệu sâu sắc như Minamata lại càng tạo được những hiệu ứng mạnh mẽ. Trong vòng tròn truy nguyên ấy, bộ phim như một mắt xích quan trọng để ta kịp thời chấn chỉnh lại hành động chính chúng ta đối với môi trường, để dù cho có lặp đi lặp lại (lặp chứ không đệ quy), thì sau sự thất bại chính là viễn cảnh con người hồi sinh đẹp đẽ như loài phượng hoàng, đưa văn minh nhân loại tới một thời kỳ Khai Sáng mới.
Hoặc không?