Hậu quả từ CÔNG NGHỆ sau đại dịch COVID-19
Trong dịch bệnh Covid-19, trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính, khoa học dữ liệu và nhiều công nghệ tiên tiến khác đã mang lại vô số...
Trong dịch bệnh Covid-19, trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính, khoa học dữ liệu và nhiều công nghệ tiên tiến khác đã mang lại vô số lợi ích cho các nhóm đối tượng trên toàn cầu. Cụ thể, các công nghệ này được ứng dụng trong các lĩnh vực như điều trị bệnh, (xác định mầm bệnh, dự đoán tình trạng bệnh nhân...), ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh (hỗ trợ nhà chức trách y tế tiếp xúc bệnh nhân, khoanh vùng cá thể các nhóm đối tượng có liên quan tới dịch bệnh…). Công nghệ cũng được sử dụng trong việc thu thập dữ liệu về quá trình di chuyển, tiền sử bệnh án của người bệnh và đảm bảo giãn cách xã hội (social distancing) được duy trì trong toàn bộ thời gian dịch bệnh.
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên các công nghệ mới kể trên đối diện với một đại dịch toàn cầu theo đúng nghĩa, do đó, việc ứng dụng khó tránh khỏi những bị động. Hơn nữa, do là lần đầu tiên, các dữ liệu từ quá khứ (các đại dịch trước đây) chưa có nhiều và chưa thể phát huy tác dụng đối với các công nghệ có điểm mạnh là có khả năng học hỏi kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cũng còn nhiều mặt trái mà nếu không có nhận thức và biện pháp kiểm soát kịp thời có thể sẽ để lại nhiều hậu quả cho toàn cầu sau khi đại dịch kết thúc. Liệu hội chứng “nomophobia” có trở thành một “căn bệnh thế kỷ"? Thông tin cá nhân lưu trữ trong thiết bị như tin nhắn, hình ảnh, video là một trong những nguyên nhân chính khiến người dùng khó rời xa thiết bị cá nhân và đắm chìm trong các thiết bị của mình. Thông tin và sự riêng tư của người dùng liệu có còn là một vấn đề “cá nhân"? Loài người - vốn là giống loài tự cho rằng mình thông minh nhất trên trái đất này - liệu có đang trở thành nô lệ của những “thiết bị thông minh".
Hội chứng “nomophobia” ngày càng trầm trọng trong đại dịch
Thuật ngữ "nomophobia" được các nhà tâm lý học dùng để miêu tả nỗi sợ của những cá nhân mắc chứng lệ thuộc quá nhiều vào smartphone. Trong đó, "nomo" nghĩa là "no mobile phone" (không điện thoại), còn "phobia" là thuật ngữ tâm lý học miêu tả nỗi sợ. Nghiên cứu của các nghiên cứu sinh tại Đại học Hongkong và Đại học Sungkyunkwan - Suwon, Hàn Quốc đã chỉ ra ở một số đối tượng, mối liên kết giữa các thiết bị di động và người dùng có thể mạnh đến nỗi gây ra hội chứng trên. Mặc dù vậy, chắc chắn không phải tất cả người dùng thiết bị di động đều gặp phải hội chứng này - trong điều kiện bình thường.
Trong thời kỳ dịch bệnh, mọi thứ đều khác. Con người ta trở nên dễ dàng thỏa hiệp hơn với những thói quen xấu mà thông thường mình hay phê phán hoặc hạn chế. Việc giãn cách xã hội khiến mọi người cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi, mất năng lượng và có nhu cầu giải trí nhiều hơn, kéo theo cường độ sử dụng mạng xã hội (YouTube, Netflix, Facebook) và rất nhiều kênh - chương trình khác gia tăng.
Học sinh nghỉ học, nhân viên làm việc từ nhà, luân phiên đi làm hoặc nghỉ không lương, tất cả đều tạo điều kiện cho việc gia tăng thời gian sử dụng các thiết bị di động của các nhóm đối tượng có xu hướng tiếp xúc với công nghệ nhiều nhất. Khi không còn sự kiểm soát trong môi trường văn phòng có “sếp” và đồng nghiệp, mọi người dễ dàng nhấc điện thoại lên và kiểm tra mạng xã hội vài phút một lần. Phụ huynh có con nhỏ ở nhà song vẫn phải làm việc dễ dàng từ bỏ thói quen hạn chế sự tiếp xúc của trẻ với các thiết bị di động, TV hay máy tính bảng…
Kỷ luật kỹ thuật số (digital rules), theo đó, cũng dễ dàng biến mất như nhiều xu hướng, “trào lưu” tốt đẹp khác trong thời “bình” như hạn chế dùng túi nilon, hạn chế dùng đồ nhựa để bảo vệ môi trường. Song giữa những nỗi lo và sợ hãi từ dịch bệnh, mạng xã hội và thiết bị cá nhân trở thành sự phân tâm dễ dàng đầy cuốn hút mà chúng ta sẵn sàng lựa chọn để trốn tránh thực tế.
Có một đoạn dịch từ bài viết của Olga Tokarczuk - chủ nhân giải Nobel văn chương 2018 : “Chúng ta nghĩ rằng mình đang ở nhà, đọc sách, xem ti vi nhưng trên thực tế, chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với một thực tại mới mà chúng ta thậm chí không thể hình dung nổi, chúng ta đang từ từ hiểu ra mọi thứ không thể còn như cũ. Hoàn cảnh cách ly bắt buộc đòi hỏi chúng ta phải ở yên trong nhà có thể làm chúng ta nhận thức được những gì mà mình không mong phải thừa nhận: rằng gia đình đã vắt kiệt chúng ta, rằng những mối dây ràng buộc hôn nhân của chúng ta từ lâu đã buông chùng. Những đứa trẻ sẽ ra khỏi thời kỳ cách ly trong tình trạng nghiện Internet và nhiều người trong chúng ta sẽ tự ý thức được sự vô nghĩa và vô dụng của những điều kiện mà chúng ta, theo quán tính, gắn mình vào chúng một cách cơ giới. Và sẽ thế nào nếu con số của những vụ giết người, tự tử và những chứng bệnh tinh thần gia tăng?”.
Vấn đề ở chỗ, rồi đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải quay lại thực tại. Khi đại dịch kết thúc, liệu có ai dám chắc “hội chứng nomophobia” sẽ giảm đi và thế giới sẽ quay trở lại với những thói quen và nhịp sống vốn có?
Quyền riêng tư có còn là của cá nhân?
Trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính và hệ thống camera giám sát đã và đang được các quốc gia sử dụng để kiểm soát dịch bệnh và thậm chí, các công nghệ này còn có thể được tận dụng nhiều hơn nữa. Tại Trung Quốc và Mỹ, hệ thống cảm biến có khả năng xác định các cá nhân là nhân tố F0 tại các nhà ga hoặc các bệnh nhân có triệu chứng liên quan đến Covid-19 tại các bệnh viện. Các hệ thống này cũng được sử dụng để kiểm soát việc giãn cách xã hội, những người bất tuân lệnh và rời khỏi nhà sẽ nhận được thông tin nhắc nhở từ chính quyền. Một số quốc gia thậm chí áp dụng các giải pháp công nghệ khá cực đoan như giám sát không gian mạng (Israel), kết hợp giữa ứng dụng smartphone và hệ thống QR để theo dõi những người bị nhiễm và kiểm soát chuyển động (Nga).
Ở phạm vi toàn cầu hơn, Google đang dựa trên dữ liệu từ các thiết bị di động để chuyển bản đồ di chuyển của người dùng tại 131 quốc gia lên một nền tảng đặc biệt, cho phép quan sát tác động của các biện pháp ngăn chặn đối với khả năng di chuyển của mọi người.
Những ứng dụng công nghệ này, mặc dù đang giúp ích rất nhiều cho các quốc gia trong việc kiểm soát công dân thực hiện giãn cách xã hội, song như bất kỳ một công nghệ nào, có thể dễ dàng nhận ra mặt trái của nó. Bản đồ tiếp xúc dù không có vị trí, thời gian, số điện thoại hoặc danh tính rõ ràng, song vẫn có thể được liên kết với các nguồn dữ liệu khác cho phép nhận dạng người dùng. Người dùng đang sẵn sàng chia sẻ vị trí và lộ trình của mình, bởi đây là thời khắc căng thẳng và nếu có thể làm bất cứ điều gì để giảm nhẹ tác động của dịch bệnh, chúng ta sẽ làm. Nhưng khi dịch bệnh kết thúc, ai sẽ cảm thấy thoải mái khi biết rằng mọi bước đi của mình đều có thể bị theo dõi 24/7?
An toàn dữ liệu cá nhân, tổ chức - doanh nghiệp và chính phủ đang bị đe doạ
Đại dịch vô tình tạo ra một dạng thức tạm thời của nền kinh tế, tạm gọi là “kinh tế tại nhà”. Không chỉ các nền tảng thương mại điện tử phát triển, dịch vụ giao hàng tại nhà nở rộ mà hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp còn cho phép nhân viên có cơ hội làm việc tại nhà (work from home) và kết nối công việc thông qua Internet.
Mặc dù đây là một giải pháp tình thế không thể tránh khỏi song trên thực tế, nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về bảo mật thông tin. Mạng Internet cũng như máy tính tại các cơ quan, doanh nghiệp thông thường sẽ được trang bị ….? và sẽ có tính an toàn cao hơn hẳn hơn mạng Internet và máy tính cá nhân. Các cơ quan cũng thường có chính sách không cho phép nhân viên truy cập email công việc ngoài phạm vi cơ quan cũng như chặn kết nối USB nhằm tránh thất thoát dữ liệu, thông tin mật, bảo vệ tài sản trí tuệ và bí mật kinh doanh. Làm việc tại nhà, chắc chắn sẽ tạo ra các lỗ hổng bảo mật. Mới đây, Microsoft đã triệt phá thành công mạng lưới Botnet Necurs -một trong những mạng botnet lớn nhất trên thế giới, đã hoạt động trong suốt 5 năm kể từ khi bị phát hiện. Mạng máy tính ma Necurs này có đến gần 6 triệu điểm zombie, phát tán lượng lớn mã độc dưới dạng Trojans ngân hàng, mã độc tống tiền (ransomware) qua các thư rác trong mỗi lần tấn công mạng.
Từ tháng 3 đến nay, cũng có rất nhiều vụ tin tặc tấn công thông tin (phishing) xảy ra dưới mọi hình thức, tin nhắn, email rác, các website. Lợi dụng việc toàn dân quan tâm thông tin về dịch Covid-19, bằng cách tạo thông báo giả từ các cơ quan chính phủ, lừa người dùng tải về máy, tin tặc dễ dàng cài mã độc và ăn cắp thông tin, dữ liệu. Tin tặc còn chiếm được quyền quản lý một số tên miền .gov.vn và phát tán thông tin lừa đảo (theo thông tin từ website thuộc ban cơ yếu chính phủ).
Các cuộc họp trực tuyến trên các nền tảng cũng không nằm ngoài mục tiêu tấn công của hacker, đặc biệt là nền tảng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm - Zoom. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã cảnh báo người dùng về vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng Zoom vì nguy cơ mất thông tin cá nhân người dùng do các lỗ hổng bảo mật liên quan đến mã hoá dữ liệu hai đầu chưa được khắc phục hết.
Những vấn đề nêu trên liệu có đang phản ánh một thực tại quá u ám về mặt trái của việc ứng dụng, sử dụng công nghệ hậu đại dịch Covid-19? Các chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp lẽ nào không nhận thức được các vấn đề này?
Thực tế không phải như vậy. Apple và Google - hai gã khổng lồ công nghệ - đang hợp tác phát triển hệ thống nhận diện người tiếp xúc thông qua tín hiệu bluetooth, thay vì dữ liệu về vị trí, cho phép cơ quan quản lý các nước tuỳ chỉnh việc quản lý người dùng ứng dụng theo quy định về quyền riêng tư cá nhân tại mỗi quốc gia. Đức cũng là một ví dụ thành công về khả năng xác định tất cả các đối tượng đã tiếp xúc với F0 tại “cụm Munich” mà không để lộ danh tính bệnh nhân, chỉ thông qua hệ thống lịch làm việc điện tử của công ty nơi người này làm việc và xét nghiệm mẫu gen. Các kỹ sư của Zoom đang làm việc ngày đêm để sửa các lỗ hổng bảo mật và nhiều cơ quan, trường học đã lựa chọn các phần mềm trực tuyến khác, có trả phí song có độ an toàn cao hơn, như Teams, Skype for Business.
Nếu vậy, với tư cách một công dân toàn cầu trong kỷ nguyên số, điều chúng ta cần làm chỉ đơn giản là biết tự nâng cao nhận thức của mình, duy trì ý thức kiểm tra và kiểm soát thông tin, và quan trọng nhất, là một tinh thần lạc quan.
Sau tất cả những gì đang diễn ra, một thời đại mới đã đến.
Tác giả : Vũ Hằng - Trần Quốc Tuấn
-
bài viết đã được đăng tại : https://vnexpress.net/nhung-rui-ro-ve-an-toan-so-trong-dai-dich-covid-19-4089135.html
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất