Ăn để sống hay sống để ăn?” là một câu hỏi mang tính hiện sinh về cách con người nhìn nhận đồ ăn dựa trên hoàn cảnh sống, địa vị xã hội và quan niệm sống của họ. Có thể đối với người này, đồ ăn chỉ đơn thuần là một thứ nhiên liệu để họ nạp vào người nhằm duy trì cuộc sống hàng ngày, nhưng đối với người khác, ẩm thực là nghệ thuật, là nguồn sống cho “cơ thể” của một nền văn hóa phức tạp trải dài hàng trăm năm. Dù thuộc đối tượng nào đi chăng nữa, ta đều công nhận rằng ‘có thực mới vực được đạo’, hay cả thế giới bắt đầu ngay tại căn bếp trong nhà.
Tampopo (1987, dir.  Juzo Itami)
Tampopo (1987, dir. Juzo Itami)
Được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất lấy đề tài ẩm thực, Tampopo (1987) của đạo diễn người Nhật Juzo Itami đã khắc họa được sự đan xen thần kỳ và phức tạp giữa ẩm thực với mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đối với đạo diễn Juzo Itami, ẩm thực là mọi thứ. Ẩm thực trong Tampopo đại diện cho sự sinh sôi, cái chết, tình yêu, ước mơ, lòng kiên trì, tình dục, gia đình, hành trình chuộc lỗi, và cả điện ảnh. Giống như một món ăn dù đơn giản đến đâu cũng cần được cấu thành từ nhiều nguyên liệu khác nhau, Tampopo không đóng mình vào một hay hai thể loại phim cụ thể bởi vì bộ phim này chứa đựng nhiều câu chuyện chính phụ khác nhau lấy cảm hứng từ các bộ phim Hollywood cũ mang thể loại cao bồi viễn Tây, noir, hay khiêu dâm. Cốt truyện chính của phim kể về cuộc hành trình gầy dựng một tiệm mì ramen ngon xuất sắc của người mẹ đơn thân Tampopo thông qua sự rèn luyện và giúp đỡ của những người đàn ông gặp gỡ cô trên đường đời, dù cho có vô tình hay hữu ý. Người thì rèn giũa tâm trí và thể trạng cần thiết cho một người đầu bếp, người thì truyền dạy cho cô cách nấu nước lèo và sợi mì sao cho hoàn hảo, và còn một người từng gây rối để cản cô duy trì tiệm mì giờ đây lại giúp cô tân trang hàng quán. Sợi mì ramen tựa như những sợi chỉ của định mệnh, trói buộc những con người xa lạ và kéo họ gần đến nhau hơn.
Đan xen vào đó là một câu chuyện khác về một gã gangtser không tên diện nguyên bộ vest trắng đầy lịch lãm cùng người tình của gã. Thông qua nhân vật này, bộ phim khám phá sự ám ảnh về đồ ăn, tình dục và cái chết. Trái với sự gắn kết mang tính cộng động và gia đình thường thấy của đồ ăn trong cốt truyện chính, cặp đôi này sử dụng ẩm thực như một phương tiện khám phá sự thân mật đầy dục cảm giữa tình nhân với nhau. Thức ăn giờ đây trút bỏ công dụng vốn có của nó, trở thành một chất xúc tác đầy khoái lạc trên giường. Đối với con người, sự thèm ăn và lòng ham muốn sắc dục về cơ bản là như nhau. Trái ngược với cái kết có hậu của câu chuyện chính, gã gangster này đã phải bỏ mạng dưới nòng súng của kẻ thù. Dù vậy, gã vẫn là kẻ ám ảnh với ẩm thực khi dành chút hơi thở cuối đời mình để nói về việc ăn, về một lời hứa bỏ ngỏ sẽ cùng tình nhân săn heo rừng và làm món xúc xích nướng từ ruột chúng.
Hai câu chuyện trên còn được “tẩm thêm gia vị” bằng những mảnh chuyện nhỏ thứ cấp, những lát cắt cuộc sống nào đó đang xảy ra đồng thời với chúng. Mỗi lát cắt đó đến từ những mảnh đời khác nhau, tạo thành một món ăn cầu kì và đậm vị, từ câu chuyện của một cậu nhân viên cấp thấp làm bẽ mặt những ông sếp già đời với kiến thức chuyên sâu về ẩm thực sang trọng; người chồng năn nỉ người vợ đang hấp hối dồn hết chút sinh lực ít ỏi để vào bếp làm món cơm chiên cuối cùng cho cả nhà trước khi nhắm mắt xuôi tay; cho đến hình ảnh đứa bé ăn cây kem đầu tiên trong đời một cách vụng trộm vì bị mẹ cấm ăn đồ ngọt. Tampopo khép lại với phân đoạn người mẹ cho con bú kéo dài tới khi dòng credit kết thúc, tạo thành một vòng tuần hoàn. Bộ phim đến đây là kết thúc nhưng trong chính cái kết đó một sự liên kết giữa cuộc đời và ẩm thực khác đang dần được nuôi dưỡng bằng món ăn đầu đời: sữa mẹ. Dù ngắn hay dài, từng câu chuyện đều có ý nghĩa riêng của chúng, khám phá từng hoàn cảnh của con người trong xã hội phức tạp. Những câu chuyện gộp lại thành một Tampopo hoàn chỉnh tựa như cách cuộc đời này chứa vô vàn câu chuyện khác nhau xảy ra đồng thời với từng người đóng vai chính trong câu chuyện của đời họ.
Ẩm thực đôi khi không cần phải mang trọng trách phê phán và phản chiếu những khái niệm to lớn như bản chất cuộc sống hay hành vi con người trong xã hội thông qua cách họ đón nhận thức ăn mà nó có thể chỉ đơn thuần là một chất kết dính những thành viên gia đình lại với nhau. Bộ phim Eat Drink Man Woman (1994) của đạo diễn Ang Lee là một ví dụ hoàn hảo cho văn hóa thể hiện tình thương gia đình thông qua đồ ăn. Bộ phim xoay quanh cuộc đời hàng ngày của gia đình ông Tao Chu – một bậc thầy đầu bếp đã về hưu, và ba cô con gái của mình. Cứ đến mỗi chủ nhật, ông Chu lại trổ tài nấu nướng những món ăn vô cùng cầu kì để cả nhà cùng nhau dùng bữa, và đây cũng là những buổi họp gia đình không chính thức. Là một gia đình đã trải qua mất mát và khoảng cách thế hệ, ông Chu và những người con không thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, cách duy nhất mà ông biết cách nói lời yêu thương với con mình là thông qua đồ ăn.
Eat Drink Man Woman (1994, dir. Ang Lee)
Eat Drink Man Woman (1994, dir. Ang Lee)
Bố mẹ châu Á thường không biết cách nói lời yêu với con mình nhưng họ nhờ đến đồ ăn để làm điều đó. “Con đi học/làm về mệt không? Ăn cơm đi.”, “Con mệt à? Ăn cháo nhé?”, “Có tin vui à? Đi ăn mừng thôi!”, v.v. Nhà liệu pháp tâm lý Ivy Kwong nhận xét rằng: “Thức ăn là môn hình thức ngôn ngữ tình yêu của người châu Á. Đó là những đĩa trái cây đã được cắt sẵn, việc chia sẻ đồ ăn, và gói cho bạn những phần đồ ăn còn sót lại. Đó là đãi bạn những món yêu thích, khiến bạn no căng bụng và mời ăn thêm tô thứ hai, ba và tư, và hỏi rằng bạn đã ăn chưa hay lo lắng liệu bạn ăn không đủ chất.
Chính tình yêu dành cho ẩm thực bắt nguồn từ căn bếp nhỏ của mẹ đã hình thành nên tình yêu đầy duy mỹ dành cho thức ăn của vị đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Trong bộ phim điện ảnh đầu tay của mình mang tên Mùi Đu đủ Xanh (1993), vị đạo diễn này đã thi vị hóa và lãng mạn hóa công đoạn chuẩn bị món gỏi đu đủ vô cùng dân dã nhưng vẫn đỗi thanh tao. Một phân cảnh đơn giản dành cho một món ăn gần gũi của người Việt được điểm xuyết thêm những thanh âm của tự nhiên và vốn có của hành động chuẩn bị món ăn, từng cái chạm nhẹ nhàng, và những xúc cảm được gợi từ các giác quan đến từ sự hoài niệm trong kí ức của mỗi người xem. Dù đã 31 năm trôi qua kể từ ngày Mùi Đu đủ Xanh được phát hành nhưng vẫn chưa có tác phẩm điện ảnh Việt nào có thể khắc họa vẻ đẹp của ẩm thực nước nhà thật sâu sắc và đáng nhớ như cách bộ phim này đã làm với món gỏi đu đủ.
Mùi đu đủ xanh (1993, dir. Trần Anh Hùng)
Mùi đu đủ xanh (1993, dir. Trần Anh Hùng)
Nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam chứa nhiều điều diệu kì với những món ăn đầy phức tạp trong sự cân bằng hài hòa các nguyên liệu và gia vị nhưng đồng thời lại vô cùng gần gũi với đời sống bình dân. Nhưng đáng buồn thay, nền ẩm thực giàu bản sắc như vậy lại thiếu thốn sự hiện diện trên điện ảnh Việt Nam. Thức ăn vẫn chỉ tồn tại trên phim ảnh như một yếu tố phụ làm nền cho câu chuyện chính của phim. Bù lại, ẩm thực Việt đã nắm trọn lòng say mê của các đầu bếp, vlogger, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng thế giới trong đó có Anthony Bourdain. Việt Nam là một điểm đến văn hóa, du lịch và ẩm thực có mối liên kết vô cùng thân mật với vị tác giả và đầu bếp người Mỹ này. Trong tập 4 mùa 4 của bộ phim tài liệu Parts Unknown của Bourdain, ông khám phá ẩm thực của cố đô Huế: “Trước đây tôi chưa từng đặt chân đến miền Trung Việt Nam bao giờ, nhưng nơi đó vẫn là Việt Nam với mọi thứ, mùi hương, thanh âm, và những chi tiết mà tôi vô cùng yêu mến. Đêm đầu tiên đến đất nước này đem lại cho tôi cảm giác dần ngả người vào bồn tắm ấm áp, dễ chịu, và đầy quen thuộc.
Nếu cốt lõi của bộ phim Tempopo ở trên nằm ở tô mì ramen của Nhật thì điểm sáng của tập phim tài liệu này của Anthony Bourdain là món bún bò Huế đặc trưng của người Việt. Đối với ông, món bún xứ Huế này là một trong những món mì nước ngon nhất ông từng ăn: “Nước lèo của món này là một sự pha trộn công phu giữa nước hầm xương với sả, mắm ruốc. Bún được ăn kèm với giò heo mềm, chả cua và huyết. Sau đó bày trí trêm miếng chanh, rau mùi, hành lá, tương ớt, bắp chuối thái sợi và giá. Đây là một kiệt tác của mùi vị và giác quan. Món nước lèo ngon nhất thế giới là đây!” Anthony Bourdain nhận xét rằng Việt Nam là một đất nước có siêu sức mạnh vì đã tạo ra một món ăn như bún bò Huế.
Cái chết của Anthony Bourdain là một mất mát lớn đối với nền đam mê ẩm thực trên toàn cầu lẫn Việt Nam. Vẫn còn quá nhiều món mì, bún, và cơm nước Việt mà ông chưa được thưởng thức. Đối với ông, ẩm thực là cầu nối dẫn ta tiếp cận nền văn hóa, lịch sử, và lối sống đặc trưng của từng đất nước. Lịch sử của cả thế giới hóa thành món ăn được bày biện trên chiếc đĩa, từng món ăn là sự hiện thân của mọi khó khăn, tình yêu, tinh hoa của cả chiều dài phát triển của nhân loại.
Từng cánh cửa, ô cửa sổ hé ra từng lát chuyện của cuộc đời. Một câu chuyện, một cuộc đời đã và đang được sống hiện lên trong một khoảnh khắc nhỏ rồi trôi qua.” – Anthony Bourdain