Mấy hôm trước, mình có xem livestream của một nhà xuất bản, trả lời thắc mắc của độc giả về hoạt động xuất bản sách. Người xuất hiện trước công chúng, không phải là lãnh đạo của tổ chức, mà là hai anh chị trưởng phòng. Điều này là hoàn toàn bình thường, không có gì to tát, nhưng mình phát hiện ra 1 điều thú vị liên quan đến PR mà mình muốn chia sẻ. Đó là tổ chức trao quyền cho các lãnh đạo cấp trung tiếp xúc với công chúng, khách hàng, đối tác (Tất nhiên rồi, lãnh đạo cấp trung là hiểu rõ nhất những hoạt động thực sự đang làm là gì), nhưng họ lại CHƯA HỀ ĐÀO TẠO CHO NHÂN SỰ CẤP TRUNG CÁCH TIẾP XÚC VỚI CÔNG CHÚNG. 
Ảnh: Google - tất nhiên
Ảnh: Google - tất nhiên
Điều này làm mình nhớ lại một việc cách đây khoảng 10 năm. Hồi đó, khi mình đang làm truyền thông, vào một ngày đẹp trời sếp một hôm gọi vào bảo: 
- Mai, mày kiếm cho tao một tổ chức hay một chuyên gia để dạy GẶP GỠ BÁO CHÍ VÀ CÔNG CHÚNG nhé. 
Mình tìm kiếm khắp nơi trên khắp VN và phát hiện ra rằng, tại thời điểm đó chưa có một chuyên gia hay một tổ chức nào chuyên về mảng đào tạo chủ doanh nghiệp, hay lãnh đạo của một tổ chức xuất hiện trước công chúng, hoặc trả lời giới truyền thông (bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh) cả. Không hề có quý zị ạ. Nâu Nâu, không hề có luôn.
Mình làm cho tổ chức quốc tế, và trong tài liệu của tổ chức, đã có hướng dẫn rất cụ thể chi tiết cách làm việc với giới truyền thông, cách giao tiếp với công chúng. Nhưng đó là những hướng dẫn từ Headquarter, và là những hướng dẫn lý thuyết, nguyên tắc chung, chưa có thực tiễn tại Việt Nam. Dù sếp đã trả lời báo chí và công chúng trong hàng trăm sự kiện, mình hiểu là sếp đang muốn tìm kiếm người cố vấn (mentor/ coach) để được thực hành tốt hơn, và hiểu thực tế sử dụng tại Việt Nam như thế nào. 
Cái hay của các bạn Tây là gần như bất cứ cái quỷ gì các bạn ấy cũng có manual (hướng dẫn sử dụng) được văn bản hoá. Gần như bất cứ thứ gì mình vấp trong quá trình làm nghề, thì lục trong kho tư liệu của tổ chức đều có. Điều này mình ít thấy trong tổ chức VN, hoặc là họ chưa kịp làm tài liệu. Một nguyên tắc mình rất thích khi quản trị tổ chức là “con người có thể ra đi, nhưng tri thức ở lại”. 
Quay trở lại chuyện của sếp, tất nhiên sau đó mình cũng đã tìm ra được 1 lớp học, thiết kế riêng cho các sếp, từ một công ty truyền thông, nhưng họ chỉ đáp ứng được mong đợi khoảng 60% thôi. Do họ cũng không phải dân chuyên làm về món này.
Sau 10 năm, mình thấy trên thị trường đã có một số dịch vụ ra đời đáp ứng được nhu cầu trên, có thể kể đến :
- Các lớp học dạy nghi thức (tiếp khách, đi đứng, nói năng, trả lời báo chí, host bữa tiệc, host sự kiện, phát biểu…) dành cho chủ doanh nghiệp và KOL (người ảnh hưởng).
- Các khoá đào tạo phong cách cho đàn ông, phụ nữ, tư vấn phong cách ăn mặc, cư xử nói năng…
- Các khoá học về nói trước công chúng….
Đây là những thứ mình thấy gần nhất với nhu cầu mà sếp mình mong muốn cách đây 10 năm. Thật ra nó vẫn chưa chính xác lắm, nhưng như thế là gần lắm rồi. Nhân tiện, ngách này rất tiềm năng, các bạn hãy khởi nghiệp ngành này nhé :)))
Trở lại câu chuyện với 2 nhân sự cấp trung ngày hôm trước xuất hiện trên livestream, mình thấy các thông tin anh chị ấy đưa ra cho khán giả hoàn toàn đầy đủ và hay. Nhưng bệnh nghề nghiệp khiến mình soi hơi kĩ, sorry anh chị. Mình thấy có rất nhiều điểm không ổn. 
- Chủ doanh nghiệp để người của tổ chức xuất hiện trước công chúng, đại diện tiếng nói cho tổ chức của mình, nhưng lại không hề đào tạo họ về cách giao tiếp với công chúng và cách chuyển tải thông điệp chút nào.
- Không phải cứ nắm vững chuyên môn là được đẩy lên tiền tuyến phát biểu được đâu. 
- Nhiệm vụ đào tạo này của ai? Của ông PR đấy. Người làm PR cần phải tìm thầy, hoặc tự xây dựng khung kiến thức (nếu muốn tiết kiệm tiền, thì trên mạng đầy tài liệu, không nhất thiết phải đi học đâu), kết hợp với yêu cầu của sếp cao nhất, để tạo ra những khoá đào tạo cho nhân sự của mình. 
- Nhiều tổ chức quy định rất rõ ràng, khi ra ngoài hoạt động xã hội, không mang danh nghĩa của tổ chức để phát ngôn. Mọi phát ngôn khi đó là của cá nhân và không được mặc áo có logo, hoặc dùng danh nghĩa tổ chức để phát biểu. Nếu do tổ chức cử đi, khi thay mặt tổ chức để nói trước công chúng, cần được đào tạo và tuân thủ theo quy định branding. Món này liên quan đến quản trị danh tiếng. 
- Ai là người phải học? Từ nhân sự cấp trung (manager) trở lên, những người sẽ xuất hiện nhiều trước công chúng. Thời đại 4.0 rất thú vị ở chỗ, các sự kiện gặp gỡ mang tính casual (bình dân hoá) hơn, và dễ dàng hơn, không nhất thiết là các sự kiện chính thống, hoành tráng mà chỉ có người lãnh đạo cao nhất xuất hiện nữa.  
- Ai được phát biểu cái gì? Người làm PR và lãnh đạo sẽ tạo ra một văn bản hướng dẫn, người nào ở vị trí nào thì được phát biểu vấn đề ở tầm nào, chuyên môn nào. Vấn đề nào cao hơn, khó hơn thì gửi đến Tổng giám đốc. Cái này rất thú vị, khi mình tìm thấy văn bản hướng dẫn này trong kho tài liệu, mình sung sướng vô cùng. Kiểu WOW, đến cái món quỷ này họ cũng có quy định luôn. Thật kì diệu. Và khi có báo chí tiếp cận, mình ngay lập tức tra cứu và biết ngay phải kết nối với người đúng chuyên môn (và đã được phê duyệt thẩm quyền phát biểu), chứ không phải hỏi sếp tổng là “đề tài này thì cho ai gặp gỡ báo chí hả sếp?”. 
Quản trị danh tiếng (Reputation Management) là một môn võ rất hay. Môn này chắc hẳn đã/đang được đưa vào các trường dạy PR chuyên nghiệp. Ngoài lý thuyết, những tình huống thực tế phát sinh cũng khiến người làm nghề không ngừng được trải nghiệm và thử thách. Đó là điều thú vị ở PR, không ngày nào giống ngày nào cả. Have fun!
Mình là Mai Mai, và mình hay viết blog về nghề PR.