AD - nghề vui lắm gian nan
Mình đặt tiêu đề bài viết này không phải là những nhiệm vụ của AD bởi bất kỳ công việc nào đi chăng nữa, điểm đầu là quy trình nhưng...
Mình đặt tiêu đề bài viết này không phải là những nhiệm vụ của AD bởi bất kỳ công việc nào đi chăng nữa, điểm đầu là quy trình nhưng điểm cuối vẫn luôn là trải nghiệm.
Trong suốt thời gian đảm nhận vị trí AD, mình đã không ít lần nhận được những câu hỏi kiểu như “chả làm cái đ** gì chỉ sai bảo”. Nhưng, như cánh chi của đạo diễn (cả chi trái lẫn chi phải), mình không thể để cho giọt nước mắt nào rơi trên set quay này được.
AD – viết tắt của cụm từ Assistant of Director, dịch thuần Việt nghĩa là Trợ lý đạo diễn. Trợ lý đạo diễn nhưng không phải trợ lý của đạo diễn, tức là chúng mình sẽ không phải là người hầu cơm bưng nước rót. AD được trả tiền để giúp đạo diễn thực hiện bộ phim/video của mình một cách trôi chảy nhất!
Mình vẫn luôn rất thích một khái niệm như thế này về công việc của AD: “giúp đạo diễn lấy được tối đa số lượng cảnh quay mong muốn trong một giới hạn thời gian”. Vậy để lấy tối đa số lượng cảnh này, AD phải làm những nhiệm vụ gì?
Người đưa tin
Key-note bằng từ ngữ này để bạn nắm được những công việc chính của một AD thì người đưa tin là một trong số những cụm từ mình thường dùng nhiều nhất.
Cụ thể, một đoàn phim được cấu thành từ nhiều tổ: tổ đạo diễn làm nhiệm vụ về nội dung, cảnh quay; tổ sản xuất chủ trì mấy vụ thiết bị, sắp xếp di chuyển, ăn uống; tổ ánh sáng thì làm đèn; tổ mỹ thuật thì lo bối cảnh, thiết kế, đạo cụ; tổ diễn viên; tổ âm thanh; tổ phục trang… tuỳ vào quy mô của job mà đoàn phim được tinh gọn hoặc bành trướng ví dụ như một số job nhỏ, tổ mỹ thuật có thể sẽ lo luôn phần phục trang và tổ đạo diễn sẽ chủ động chỉ đạo ánh sáng luôn.
Nhiệm vụ của AD chính là làm việc với từng tổ này để đảm bảo truyền đạt chính xác nhất những yêu cầu và mong muốn của đạo diễn. Để làm được việc này thì công việc đầu tiên khi bắt đầu một job luôn là breakdown. Breakdown là một bản vạch ra đích xác các yêu cầu của đạo diễn trong từng scene về bối cảnh, diễn viên, phục trang, make up, thiết kế mỹ thuật, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng. Từ đó, AD sẽ gửi lại yêu cầu cho từng tổ để bắt đầu tiền kỳ. Cũng giống như người đưa tin, AD phải là người giao liên nhanh nhất và chính xác nhất!
Người giám sát
Tiền kỳ quyết định tới 80% chất lượng buổi onset – đây là một trong những bài học mình được sếp bump vào đầu từ những ngày chân ướt chân ráo vào nghề.
Hoàn thành mọi thứ chuẩn chỉ đúng deadline không chỉ giúp đạo diễn có đủ nguyên liệu để vẽ hình cho kịch bản mà hơn hết, đó còn là chìa khoá để đạo diễn có thời gian sáng tạo trên set. Chính vì vậy, đảm bảo công việc tiền kỳ hoàn thành trước ngày quay là nhiệm vụ tiên quyết của AD.
Giai đoạn tiền kỳ của job nào mình cũng sẽ có một buổi muốn-nổ-tung-đầu và rơi vào trạng thái stress cực điểm, đặc biệt khi các tổ nháo nhác vì chưa thể xử lý một task nào đó. Nhưng tất cả những gì bạn cần lúc này không phải là nước mắt hay một cái ôm mà là tìm cách xử lý thay thế hoặc giải quyết vấn đề.
Người điều phối
Điều phối là một cụm từ mà mình rất thích để nói về công việc của AD, vì nó cho chúng ta một khái niệm bao quát tuyệt vời. AD không phải công việc ra nói chuyện với tổ Camera hôm nay quay gì, cũng không phải lo tổ ánh sáng làm đèn ra sao, AD càng không phải nói chuyện với diễn viên hay hò hét mọi người khẩn trương. AD là tất cả những công việc đó gộp lại thành.
Một đoàn phim 30 con người là 30 mảnh ghép mỗi người một việc. Công việc của một AD là lắp ghép 30 mảnh ghép lại với nhau để tạo thành một cỗ máy khổng lồ thực hiện trôi chảy. Điều này đặt ra một yêu cầu dành cho những người ở vị trí 1st AD:
Khả năng sắp xếp:
Sắp xếp ở đây không đơn thuần là sắp xếp lịch quay, timeline cho một buổi shoot, sắp xếp ở đây còn là sắp xếp từng bộ phận để ai làm việc người nấy và làm tốt nhất có thể. Tất cả các công việc này cần được diễn ra song song để đúng 7h bấm máy, các tổ đã vào vị trí sẵn sàng.
Khả năng giao tiếp:
AD luôn là người có tiếng nói quyền lực bậc nhất trên set. Đôi khi, bạn sẽ thấy trên set đạo diễn chỉ trao đổi với AD để AD ra mặt phát ngôn. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn được trở thành bố mẹ thiên hạ ở đây.
Trong tất cả các set của mình, mình luôn quan niệm mọi tranh luận, ý kiến đều đi đến mục đích giúp đạo diễn hoàn thành buổi quay thật tốt. Chính vì vậy, một AD biết cách giao tiếp với từng thành phần đoàn sẽ là lợi thế khiến mọi người hợp tác trong tinh thần thoải mái nhất.
Điều này yêu cầu bạn – một AD vô cùng căng não trước hàng tỷ vấn đề trôi giờ-bù tiền-OT – sẽ phải hiểu rằng sức người có hạn. Bạn không thể ép mọi người không được mệt sau 12 tiếng làm việc chầy chật. Bạn không thể ép mọi người không được khó chịu khi mà một đứa ở đâu tự xưng AD rồi quát ông ổng cả set. Điều bạn có thể ép chính là năng lượng và sự tinh tế của chính bạn!
Mình thường cố gắng uống nhiều nước để duy trì lượng oxy lên não. Mình thường hỏi tên và cố gắng nhớ tên từng người tham gia buổi quay. Mình thường cố gắng nở một nụ cười thật tươi mỗi khi có một yêu cầu phát sinh từ phía đạo diễn.
“Chú chú, chú sửa lại con cái ánh sáng cảnh này nha chú”
“Hoàng ơi, Hoàng chạy đi lấy băng dính block vị trí cho diễn viên nhaaaa”
“Alo alo tổ cam ơi, các bác đã ready chưa?”
“Xẩu đi anh em eiiii”
“Nhanh lên nào các bạn eii”
5 tháng trở lại đây, mình cân bằng giữa sự khó tính và vui vẻ lạc quan trên set và mình nghĩ kết quả không hề tồi chút nào. Offset đúng giờ và mọi người không muốn đấm nữa.
Sẵn sàng cho những điều bất ngờ
Là một người điều phối, bạn luôn trong một tình trạng sẵn sàng cho những điều không ngờ sẽ xảy đến. Điều này không có nghĩa bạn luôn mỉm cười cho mọi tình huống xấu. Điều này có nghĩa là bạn luôn có plan B, thậm chí là plan C, D cho những trường hợp đặc biệt.
Có một kỷ niệm đáng nhớ là hồi đầu năm, chúng mình có shoot một buổi tại một ngôi nhà bỏ hoang. Một điều không ngờ là chúng mình bị đuổi sau khi set up bối cảnh 1 tuần và quay được vỏn vẹn 4 tiếng. Không nghĩ được nhiều hơn, mình báo tổ sản xuất lấy contact một bối cảnh tương tự của người quen, trong khi đó, tổ đạo diễn vác máy cơ động đi quay một cảnh nam chính chạy từ bối cảnh nội ra bối cảnh ngoại. Như vậy, trong trường hợp không tìm được option bối cảnh thay thế, kịch bản vẫn có thể đổi ra quay ở các bối cảnh ngoại như đường phố hoặc bãi cỏ.
Chấp nhận những cảm xúc
Sẽ có đôi lúc, công việc AD cho bạn cảm giác như bạn đang hốt shit cho một đoàn phim. Người này bầy, người kia phá, mọi thứ tanh bành và bạn luôn là cái tên xướng lên đầu tiên để sắp xếp lại mọi thứ cho ngăn nắp.
Sẽ có đôi lúc, công việc AD cho bạn cảm gíac cô đơn, một chút tủi thân khi…không ai biết bạn làm cái đ** gì mà chỉ đứng sai vặt…
Sẽ có đôi lúc, công việc AD cho bạn cảm giác muốn biến mất khỏi cuộc đời để thôi nhận job chứ xì trít quá sống sao
Nhưng vượt qua tất cả những cảm xúc đó, bạn chính xác đã trở thành người trong giang hồ và set quay này là của bạn!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất