A beautiful mind (2001): Sự nhân hậu của trí tuệ đỉnh cao
Một cách nhìn khác về những bộ óc siêu phàm
* Lưu ý: Bài viết dựa trên những tình tiết của phim “A beautiful mind” - bộ phim tiểu sử năm 2001 của Mỹ kể về cuộc đời của nhà toán học John Nash, được đạo diễn bởi Ron Howard và biên kịch bởi Akiva Goldsman. Tình tiết trong phim phân biệt với những gì được viết trong cuốn sách nổi tiếng cùng tên của Sylvia Nasar (cuốn sách tạo cảm hứng cho bộ phim) và sự thật lịch sử cuộc đời của nhà toán học.
Nội dung phim
“A beautiful mind” kể về cuộc đời dị thường và phi thường của nhà toán học John Nash (Russel Crowe thủ vai) từ khi còn là sinh viên của Đại học Princeton (Mỹ) năm 1947 cho tới khi được vinh danh với giải Nobel Kinh tế năm 1994 do những phát kiến (nổi tiếng nhất với Cân bằng Nash, một định lí trong lí thuyết trò chơi) có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.
John Nash sớm được ghi nhận như một thiên tài toán học. Tại Princeton, Nash là kẻ kiệm lời thế nhưng anh sớm kết thân với một nhóm bạn đầy tài năng là Hansen (kì phùng địch thủ, người cùng nhận học bổng Carnegie danh giá với Nash), cùng với Sol, Blender, hai người sau này hợp tác rất nhiều với Nash trong nghiên cứu cũng như tâm sự, trao đổi trong cuộc sống… Nash thường không mặn mà với những bài giảng trên lớp mà hay lang thang trong thư viện, khuôn viên trường để nghĩ về những ý tưởng toán học mà Nash cho là thú vị.
Sự thiên tài trong toán học của ông cũng nảy nở cùng mầm mống của bệnh tâm thần phân liệt - căn bệnh khiến cho Nash có những hoang tưởng về nhân vật, sự kiện không có thật. Nash tự tạo cho mình trong tưởng tượng về người bạn cùng phòng tại kí túc xá trường đại học là Charles (Paul Bettany) cùng cháu gái của anh ta - Marcee; anh tưởng tượng ra người của Bộ Quốc phòng Hoa Kì - Parcher (Ed Harris) và công cuộc tình báo tuyệt mật mà anh được Chính phủ Hoa Kì giao phó để phá triệt đường dây viễn thông của quân đội Liên Xô qua các ấn phẩm báo chí.
John Nash gặp và kết hôn với cô sinh viên đại học MIT tên Alicia (Jennifer Connelly) trong thời gian giảng dạy tại đây. Cùng với đó, căn bệnh tâm thần phân liệt của Nash càng trở nặng khiến Nash không thể đảm bảo công việc giảng dạy và nghiên cứu trong khuôn khổ trường lớp.
John Nash buộc phải nghỉ công việc giảng dạy để điều trị bệnh và tiếp tục nghiên cứu tại nhà, song song với cuộc sống gia đình cùng vợ và con trai. Công việc, cuộc sống của Nash trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi Nash không thể cùng lúc cân bằng giữa việc nghiên cứu toán học và chăm lo cho cuộc sống hôn nhân, gia đình. Căn bệnh trở đi trở lại hành hạ Nash, gia đình và những người bạn chí cốt từ thời sinh viên của Nash.
Cùng với sự chăm lo nhẫn nại của người vợ, sự động viên bảo vệ và giúp đỡ tận tình của những người bạn và sự bao dung trời bể của Đại học Princeton, Nash dần lấy lại sự tỉnh táo trong tinh thần, trở lại trường đại học xưa và tiếp tục công cuộc nghiên cứu tại thư viện trường - văn phòng làm việc đặc biệt của Nash. John Nash nhận mọi sự kì thị và châm chọc của sinh viên và những người không hiểu nhiều về công việc nghiên cứu của ông. Sau cùng, Nash được phép trở lại giảng dạy, nhận được sự vinh danh của đồng nghiệp cho cống hiến cả đời của ông và được trao giải Nobel Kinh tế năm 1994.
Sự nhân hậu của trí tuệ đỉnh cao
Sự nhân hậu của gia đình - bạn bè
Vợ, bạn bè, đồng nghiệp,... tất cả những người xung quanh John Nash đều là những trí thức ưu tú - họ là sinh viên, giảng viên, nhà khoa học tại những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ - họ chính là những “beautiful mind(s)”. Có lẽ chính điều này đã khiến họ có niềm cảm thông sâu sắc với John Nash cùng chứng bệnh đầy phiền toái của Nash.
Với gia đình, John là người chồng, người cha đầy tì vết khi anh không thể đỡ đần cuộc sống cùng vợ, thậm chí không thể trông con, có lần suýt chút nữa đã khiến con trai nhỏ ch.ết đuối trong bồn tắm.
Trong phim có những phân đoạn đầy xúc động giữa Nash và vợ, điển hình như phân đoạn này:
Nash và vợ ngồi đối diện nhau sau khi Alicia quyết định ở lại bên chồng mặc dù Rosen (bác sĩ tâm lí của Nash) hết mực khuyên cô phải rời khỏi nhà để bảo vệ mình trước những cơn bạo bệnh nguy hiểm của Nash. Mặt đối mặt, Alicia âu yếm đặt tay anh và tay mình lên nhau:
- Anh có biết điều gì là thật không? Chính là đây. Và đây. Có lẽ thứ giúp anh tỉnh dậy khỏi những giấc mơ không phải là đây (Alicia áp tay bên đầu Nash) mà là ở đây (Alicia đặt tay lên trên ngực trái của chồng).
Một cách dịu dàng mà chắc nịch, Alicia nói rằng: “Em cần tin rằng, điều gì đó phi thường sẽ xảy ra”.
Alicia đã luôn sát cánh bên Nash trong những tháng năm khốn khó nhất của cuộc đời hai người, bao dung, hiền từ như một Đức mẹ, cho Nash thấy hơi ấm của tình yêu thực sự. Trong lễ trao giải Nobel năm 1994, một cách ngắn gọn mà cảm động, Nash hướng về phía người vợ tào khang - người vẫn đang dõi về ông với ánh mắt trìu mến hệt như thuở ban đầu:
- Sau cả một đời theo đuổi, tôi tự hỏi cái gì là logic thật sự? Ai quyết định lẽ phải? Câu hỏi của tôi đã đưa tôi vào một trạng thái hoang tưởng siêu vật lí. Và tôi đã có được khám phá quan trọng nhất trong cuộc đời của mình. Nó chỉ có thể tồn tại trong phương trình kì diệu của tình yêu. Tất cả lẽ phải đều có thể được tìm thấy… Tôi đến đây hôm nay vì em. Em là lí do để tôi tồn tại. Em là lẽ phải của đời tôi. Cảm ơn em.
Về những người bạn của John Nash (và cả gia đình Nash nói chung), họ đều là những con người tuyệt diệu. Họ là những sinh viên tài năng sát cánh cùng John trong cả cuộc đời. Đó là Sol, Blender, những cộng sự trong nhóm nghiên cứu của Nash tại MIT - những người mà sự can thiệp của họ vào cuộc sống của Nash khiến họ trông giống như những người nhà. Sol và Blender hỏi han tình hình sức khỏe của cả Nash và vợ, bám theo người cộng sự trong những đêm hoang tưởng mà Nash lén gửi mật báo vào những hòm thư tại những ngôi biệt thự bỏ hoang; tìm đến nhà thăm anh khi anh không thể đến công tác tại trường đại học,... Đặc biệt hơn cả, Hansen - người luôn cạnh tranh với Nash từ hồi còn đại học đến tận khi Hansen trở thành trưởng khoa Toán tại Princeton còn Nash vẫn đấu chọi với bệnh tật - đã bao dung dang rộng vòng tay chào đón Nash trở lại trường như một nhân vật đặc biệt cần được hoan nghênh. Hansen luôn bình tĩnh bảo vệ Nash trong những lần phát bệnh của bạn, sắp xếp cho bạn nơi làm việc tại thư viện trường mà bạn mong ước, cho bạn lang thang trong khuôn viên trường để nghiên cứu toán học,...
Sự nhân hậu của trường đại học
Có lẽ là rất khó cho bất kì trường đại học nào dung thứ cho một người mắc bệnh tâm thần phân liệt lang thang và lên cơn bạo bệnh trong khuôn viên của trường mình. Cũng rất khó cho bất kì trường đại học nào dung thứ cho một bệnh nhân lấy thư viện làm văn phòng làm việc và ô cửa kính làm bảng đen. Vậy mà sự khó khăn đó lại có được khi bệnh nhân tâm thần phân liệt đó là nhà toán học đại tài - John Nash và ngôi trường đó là Princeton, cái nôi của những bộ óc kiệt xuất nhất của nhân loại.
Điều này nói lên triết lí đáng khâm phục của giáo dục đại học tiên tiến: trung tâm của giáo dục đại học là tri thức - điều đó nhiều khi đòi hỏi sự phá vỡ của những quy tắc tưởng chừng như bất di bất dịch trong xã hội dân sự. Môi trường đỉnh cao của tri thức luôn tôn vinh và độ lượng với những bộ óc kiệt xuất - bất chấp những bộ óc ấy có điên rồ đến đâu.
Trong nửa sau của bộ phim, khi mà John Nash có thể giảng dạy tại trường học, Nash vẫn lấy thư viện làm phòng làm việc. Khi có một cậu sinh viên nhận ra Nash và chủ động bàn luận về những vấn đề toán học, ông lão già lẩm cẩm ấy hiện ra một niềm say mê hệt như thuở còn là sinh viên đại học. John Nash nhiệt tình giảng giải cho sinh viên những điều diệu kì, chia sẻ cho họ những bữa ăn nhẹ mà vợ ông chuẩn bị cho ông. Đó thực là cảnh tượng tuyệt diệu nhất của sự tiếp nối nhân hậu trong giáo dục. Vì giáo dục không chỉ đơn thuần là sự truyền đạt kiến thức từ người này sang người khác - đó là một quá trình đối thoại giữa những tâm trí tuyệt đẹp - những “beautiful mind(s)”.
Sự nhân hậu của nhà toán học
Tâm hồn đẹp của John Nash thật dễ thấy: nó xuất phát từ trí óc tinh anh của một nhà toán học lừng danh và niềm say mê đến cuồng dại của ông với thứ ngôn ngữ vũ trụ mà ông theo đuổi suốt cuộc đời.
Trong tiểu thuyết cùng tên, Sylvia Nasar dẫn lời một đồng nghiệp của Nash:
"Tất cả các nhà toán học đều đồng thời sống trong hai thế giới khác hẳn nhau, một thế giới thanh cao thuần khiết kiểu triết gia Plato và một thế giới với cuộc đời hiện thực ngắn ngủi, hỗn độn, đòi hỏi phải luôn luôn thích ứng mọi biến đổi".
Riêng Nash thì ông còn sống 30 năm trong một thế giới đặc biệt nữa, đó là thế giới hoang tưởng của người điên dại.
Cái nhân hậu của Nash thể hiện ở niềm hăng say thuần túy của ông đến toán học - niềm hăng say của một nhà hiền triết luôn canh cánh trong lòng câu trả lời cho những băn khoăn về cuộc sống. Niềm hăng say ấy thanh cao, thuần khiết đến độ, Nash gạt bỏ đi hẳn hiện thực cuộc sống đầy hỗn độn mà ông đang sống, cắt đứt mọi sự tham gia vào cuộc sống sinh hoạt thông thường của một con người xã hội. Sự hăng say ấy làm cho ông phát điên - chính Nash cũng biết điều đó.
Ngay trong chính sự hoang tưởng của mình, Nash cũng là một người nhân hậu: Nash tưởng tượng mình tham gia vào một chương trình mật của chính phủ Hoa Kì - nơi mà Nash có nhiệm vụ giải mã thông tin của Liên Xô qua báo chí - thứ vốn là một công việc đầy tính anh hùng. Hoang tưởng của Nash phóng chiếu khao khát thầm kín được làm điều có ích cho quốc gia, dân tộc.
Nhưng hoang tưởng cũng chứng tỏ Nash là kẻ kiêu ngạo, luôn luôn mong cầu sự chú ý và thành tựu. Nash luôn tưởng tưởng có đặc vụ dõi theo mình, luôn cảm thấy Charles xuất hiện để đưa ra những lời động viên, khen ngợi mình như một nhà toán học không ai sánh bằng.
Hay có lẽ chính những tưởng tượng của Nash là sự hiện hình hóa bạn đồng hành của Nash trong công cuộc đi tìm lẽ phải qua những công thức toán học. Quá trình truy tìm lẽ phải là một quá trình đầy lao lực. Quan trọng hơn hết, quá trình ấy phải hết sức cô độc. Không một ai thấu hiểu hay sẻ chia, Nash tự tạo cho những những người bạn, những nhiệm vụ để tự giao tiếp với chính mình. Những hoang tưởng không bao giờ biến mất do quá trình đi tìm lẽ phải không bao giờ chấm dứt. Những hoang tưởng đó do vậy vừa tượng trưng cho cái tôi ích kỉ, luôn mong ngóng nhận được sự chú ý và tôn vinh, vừa là bản ngã phân thân, vừa là những người đồng hành trong chuyến phiêu lưu cô độc của nhà toán học.
Không thể gạt đi tất cả những tưởng tượng hoang đường đó, Nash buộc phải lờ chúng đi. Nash từ chối giao tiếp với những nhân vật trong tưởng tượng - Marcee, Charles, Parcher, từ chối tham gia những nhiệm vụ cao cả mà Nash tự tạo ra cho chính mình. Điều đó đau khổ và khó khăn vô cùng, vì đó từng là những gì mà Nash tin tưởng và thương yêu vô cùng. Phớt lờ đi những tưởng tượng, Nash đoạn tuyệt với một phần cái tôi, một phần bản ngã. Nash đã vượt lên trên chính bản thân mình: trong chính những phút quay cuồng của cơn bạo bệnh, Nash vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra sự vô lí trong tưởng tượng của mình:
“Con bé (Marcee) không bao giờ già đi. Con bé không phải là thực”.
Nash đã lí giải được vấn đề lớn nhất của cuộc đời mình: Đi tìm sự hợp lí trong hiện thực đầy phi lí mà mình tạo ra. Nếu việc tha thứ cho bản thân, cố gắng lờ đi chính bản thân để hòa nhập với cuộc sống dân sự không là biểu hiện của sự nhân hậu thì có lẽ ta nên suy nghĩ lại về cách ta đối xử với chính mình.
Lời kết
“A beautiful mind” phá vỡ quan niệm cố hữu về sự lạnh lẽo vô cảm của những bộ óc thiên tài. Điều kì diệu của phim là ở chỗ, phim không hạ thấp sự quan trọng của trí tuệ đỉnh cao theo kiểu: “Thông minh xuất chúng cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là một trái tim nhân hậu”. Thay vào đó, phim đặt trí tuệ đỉnh cao trong tương quan đầy hữu cơ và công bằng với sự nhân hậu. Trí tuệ đỉnh cao bản thân nó cũng là sự nhân hậu. Thậm chí chỉ ở những bộ óc thông minh mẫn tiệp, sự nhân hậu mới được nhìn nhận đúng mực. Nếu Nash không thông minh và logic, có lẽ Nash sẽ không thể nào tìm ra được sự phi lí của chính mình, không đủ sức vượt qua cơn bạo bệnh và tìm ra chân lí của cuộc đời. Nếu không thông minh và logic, có lẽ vợ con, bạn bè, trường học của Nash không thể nào dung thứ cho những phiền toái mà căn bệnh quái ác mà Nash mắc phải. Quá trình đi tìm lẽ phải là quá trình phá vỡ những tường thành cố hữu ngăn chặn sự song hành của trí tuệ và con tim.
Mikodmi.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Myhangu
Tớ thích phim này lắm.
Và tớ thích chị vợ Alicia ghê gớm. Chắc ông Nash giải cứu thế giới mấy kiếp liên tiếp mới có người vợ như thế.
Hình như ngoài đời, năm 2015 John Nash và Alicia cùng chết do tai nạn giao thông. Hơi buồn thảm nhưng dù sao hai cụ cũng đã bên nhau đến cuối đời. Vẫn là happy ending thật nhỉ? ^^
- Báo cáo
Diệu Thảo
Cảm ơn bạn chia sẻ nha. Bài rất hay.
- Báo cáo