Quá khứ đẹp sẽ trở thành kỷ niệm nhưng ngược lại, nó sẽ chuyển biến thành những vết thương trong tâm hồn nếu nó là những hồi ức đau thương. Chúng đè chặt và ám ảnh vào tâm trí, dần dà ta trở thành một người mang nhiều nỗi đau. Sẽ ra sao khi ta không những chối bỏ mà còn phủ nhận quá khứ? Và sẽ thế nào khi nguyên do của những vết thương đó lại đến từ chính người thân của mình?
Lloyde Vogel của A BEAUTIFUL DAY IN THE NEIGHBORHOOD là như vậy, một người đàn ông với tổn thương đến từ mối quan hệ trong gia đình, nhưng anh chọn giải quyết chúng bằng sự hận thù. “Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng” như để nói về Lloyde, che lấp vết thương tâm hồn bằng sự giận dữ khi quá khứ đau thương tìm lại về với anh. Mối quan hệ của Lloyde với cha đi vào ngõ cụt chỉ vì cả hai chẳng ai nhường ai, nói ra một lời xin lỗi hay giãi bày những bức xúc trong lòng là điều khó hơn tất thảy. Hai cha con cứ như vậy cho tới khi Lloyde gặp gỡ Fred Rogers, một người dẫn chương trình truyền hình cho trẻ em nổi tiếng khắp nước Mỹ. 
Hai người đàn ông, hai chân dung với quan điểm về cuộc sống khác nhau, Fred Rogers và Lloyde Vogel đã cùng nhau xây dựng nên một tình bạn tri kỷ. Tình bạn đó khởi đầu từ khi Lloyde đứng sau cánh gà quan sát Fred dẫn chương trình cho tới những cuộc đối thoại chân thành về giá trị của cuộc sống, đặc biệt là lòng vị tha, sự tử tế giữa con người với nhau. Nhờ có Fred, Lloyde đã dũng cảm đối mặt với quá khứ, tha thứ cho người làm tổn thương mình và vượt qua những cảm xúc tiêu cực. 

 A BEAUTIFUL DAY IN THE NEIGHBORHOOD dựa trên câu chuyện có thật giữa tình bạn của Fred Rogers và nhà văn Tom Junod. Nếu dành lời khen cho diễn xuất của Tom Hanks cho vai Fred Rogers trong phim thì có lẽ nó hơi thừa thãi vì đó là điều hiển nhiên. Cũng chính từ sự cảm mến Tom Hanks mà mình mới xem bộ phim này và hơn cả mong đợi. Bộ phim đó làm mình khóc và qua phim, mình được biết đến Mr. Rogers, một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới xã hội bằng lòng vị tha và trái tim nhân hậu. 
Đây là một bộ phim nhẹ nhàng về tình tiết nhưng sự dữ dội trong tâm lý nhân vật trong phim mới thực sự là điều đáng nói. Cả Lloyde và Fred, hai con người với nhiều tâm tư, diễn biến nội tâm phức tạp được thể hiện qua những góc máy tập trung vào ánh mắt nhân vật. Đối với cá nhân mình, phân đoạn tâm đắc nhất đó là lúc cả Fred và Lloyde ngồi cùng nhau trong quán ăn, im lặng và suy tư. Khi đó, giống như nhân vật trong phim, yes, mình đã thở một hơi thật dài và  khóc.

QUÁ KHỨ là một thứ gì đó chẳng tồn tại dưới dạng vật lý nhưng nó lại mang theo sức nặng. Là sức nặng vô hình, có thể dìm tâm trạng con người ta trùng xuống mỗi khi nghĩ về nó. Đúng! Ta hãy cứ buồn, thành thật với cảm xúc của bản thân và đừng cố gắng vùi lấp nó đi. Như một căn phòng với chiếc cửa sổ, người khác có thể nhìn thấy nhưng họ sẽ không thể nghe được ta đang nói gì nếu nó cứ bị đóng chặt. Khi sẵn sàng, hãy mở lòng cũng như chiếc cửa sổ của căn phòng ký ức ấy ra, nói lên những điều bấy lâu nay bị giấu kín cho người có thể lắng nghe ta một cách thật tâm nhất. Phải chăng giữa cuộc sống bộn bề đầy hối hả như bây giờ, cái ta cần là một phút mỗi ngày để suy niệm về những người ta gặp, thầm cảm ơn họ vì đã hiện diện trong cuộc đời và cứu ta khỏi những ám ảnh về quá khứ đau thương? 
dee.