9 mẹo “nâng cấp” kỹ năng nghiên cứu để phục vụ viết lách
Nghiên cứu là một kỹ năng cực kỳ quan trọng của người viết, cũng là một bước không thể thiếu khi thực hiện bất kỳ công việc sáng tạo...
Nghiên cứu là một kỹ năng cực kỳ quan trọng của người viết, cũng là một bước không thể thiếu khi thực hiện bất kỳ công việc sáng tạo nội dung nào. Để có thể tìm kiếm được chủ đề hấp dẫn độc giả, người viết cần biết tìm kiếm thông tin đúng nơi, đúng chỗ và đúng cách. Tuy nhiên, không phải cây viết nào cũng có thể làm tốt công việc này.
Để giúp bạn có thể nâng cao kỹ năng nghiên cứu thông tin trước khi viết, mình sẽ mang đến 9 mẹo vô cùng hữu ích mà bạn có thế áp dụng bất cứ lúc nào.
1. Tận dụng phương tiện truyền thông xã hội và công cụ nghiên cứu từ khóa
Phương tiện truyền thông chính là mỏ vàng thông tin để bạn khai thác. Các bình luận, câu hỏi, chủ đề trên các fanpage, group ở Facebook phản ánh sự quan tâm, nhu cầu, thắc mắc của người dùng trong thời điểm hiện tại. Nhiệm vụ của bạn là "nằm vùng" ở các trang, hội nhóm có khách hàng mục tiêu để xem họ đang thảo luận về vấn đề gì để từ đó tìm ra ý tưởng, chủ đề "chạm" đúng nhu cầu và nỗi đau của họ.
Ví dụ, bạn đang viết về lĩnh vực làm đẹp. Bạn "lượn" vào các hội nhóm mỹ phẩm, tip làm đẹp thì thấy các chị em trong mùa dịch đang gặp tình trạng tóc nhuộm bị phai màu nhưng lại không thể ra salon để nhuộm lại. Vì vậy, họ hỏi nhau các sản phẩm tự nhuộm tóc tại nhà. Nắm được "insight" này, bạn nghĩ ra ý tưởng viết về chủ đề "cách nhuộm tóc tại nhà và những lưu ý cần biết".
Ngoài việc dành thời gian theo dõi trên các phương tiện truyền thông, bạn cũng cần tận dụng công cụ nghiên cứu từ khóa.
Hiện nay, có một số công cụ hỗ trợ tìm kiếm nội dung cũng như từ khóa đang được nhiều người viết áp dụng trong quá trình viết như:
ContentGems là trang web rất hữu ích trong việc tìm kiếm chủ đề viết. Gõ từ khóa về chủ đề bạn muốn viết lên ô tìm kiếm, ContentGems sẽ đưa ra danh sách các bài viết có nội dung liên quan. Ví dụ, mình đang muốn viết các chủ đề xoay quanh sự biết ơn nhưng vẫn chưa xác định được nội dung, mình nhập #gratitude ở ô từ khóa.
Ở phía dưới là hình ảnh những bài viết liên quan đến chủ đề biết ơn. Những bài viết đó không chỉ chứa từ khóa mình lựa chọn mà còn cập nhật thông tin nóng hổi nhất hiện nay liên quan đến Afghanistan. Nếu mình vẫn tiếp tục lựa chọn chủ đề biết ơn và tìm hiểu thông tin về đất nước này thì chắc chắn bài viết của mình sẽ được nhiều người đón đọc.
Một công cụ khác cũng rất hữu ích để tìm kiếm những chủ đề hot hiện nay là BuzzSumo. Với công cụ này, bạn dễ dàng tìm kiếm chủ đề theo “trend” hoặc dựa vào từ khóa. Ví dụ, cũng với từ khóa “sự biết ơn”, mình sẽ biết được mức độ phổ biến trên các trang mạng thông qua con số mà phần mềm cung cấp.
Hashtag rất phổ biết ở Instagram, Facebook, Twitter... Người ta thường sử dụng hashtag để gắn với từ khóa liên quan đến chủ đề mà họ đang nhắc đến. Khi đó, bạn có thể sử dụng hashtag để tìm kiếm bất cứ từ khóa nào đang thịnh hành ở Instagram, Facebook và Twitter.
Ví dụ, nếu bạn tìm kiếm chủ đề liên quan đến biết ơn, bạn gõ #subieton lên ô tìm kiếm, khi đó bạn sẽ thấy xuất hiện hàng loạt bài viết có liên quan đến chủ đề này.
2. Tận dụng tính năng tìm kiếm của Google
Google là một công cụ tìm kiếm rất phổ biến với mọi người. Nhưng không phải ai cũng có thể khai thác triệt để tính năng tìm kiếm của Google. Dưới đây là một số mẹo sử dụng Google một cách thông minh hơn, giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu:
Sử dụng dấu trừ để thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Ví dụ, mình muốn tìm kiếm chủ đề biết ơn nhưng không muốn có những bài viết liên quan đến thực hành biết ơn, mình sẽ gõ lên ô tìm kiếm như sau: sự biết ơn -thực hành. Như vậy, những bài viết có chứa cụm từ thực hành sẽ bị loại bỏ khỏi trang kết quả. (Lưu ý giữa dấu trừ và cụm từ muốn loại bỏ không có dấu cách).
Tìm kiếm website qua Google. Nếu muốn tìm kiếm chủ đề liên quan đến một trang web cụ thể, bạn sử dụng cấu trúc “từ khóa site:website”. Ví dụ, mình muốn tìm kiếm bài viết về trà trên trang maotruc.com, mình sẽ viết: trà site:maotruc.com. Khi đó trang kết quả của Google sẽ xuất hiện tất cả bài viết chứa từ khóa trà trên mỗi trang maotruc.
Tìm kiếm các trang web tương tự. Nếu muốn tìm kiếm những trang web có chủ đề, cấu trúc tương tự một trang web nào đó, bạn sử dụng công thức “related:tên trang web”. Ví dụ, mình muốn tìm kiếm những trang tương tự như tiki, mình sẽ viết như sau: related:tiki.vn. Khi đó, Google sẽ trả kết quả những trang tương tự như tiki, ví dụ sendo, vinabook, thegioididong....
Sử dụng dấu ngoặc kép để tìm kiếm các cụm từ cụ thể. Ví dụ bạn gõ “matcha”, khi đó trang kết quả của Google sẽ chỉ hiện ra những bài viết có chứa từ khóa matcha.
3. Học hỏi các bài viết chất lượng từ đối thủ
Những chủ đề bạn chọn có thể đã được những cây viết khác triển khai và lên bài trước bạn. Tuy nhiên, đừng bỏ qua những bài viết đó mà hãy đọc thật kỹ. Bạn sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị, đôi khi còn nảy sinh ý tưởng mới sau khi đọc. Bạn có thể phát hiện những khía cạnh mà bài viết chưa đề cập đến, từ đó biết cách phát triển chủ đề sâu rộng hơn đối thủ.
Ngoài ra, nếu bạn chưa có nhiều kiến thức để tự mình viết một bài hoàn chỉnh thì những bài viết chất lượng từ đối thủ chính là nguồn tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích. Bạn sẽ học được cách xây dựng nội dung, đặt vấn đề, những ý nào tác giả đang đề cập... từ những bài viết đó.
4. Khi đã xác định chủ đề cần viết, hãy tra Google và xem 10 kết quả hàng đầu về chủ đề đó
10 kết quả tìm kiếm xuất hiện đầu tiên trên Google chính là những bài viết có nhiều lượt click nhất và trả lời đúng nhất về câu hỏi mà người tìm kiếm đưa ra. Hãy đọc và so sánh với bài viết của bạn, xem thử có gì giống và khác với nội dung bạn đang muốn mang tới cho độc giả. Nhờ vậy, bạn có thể bổ sung vào bài viết để giúp nội dung của bạn trở nên đầy đủ, chi tiết và trả lời thêm nhiều câu hỏi từ độc giả.
Ví dụ, mình muốn viết chủ đề tự chăm sóc sức khỏe tại nhà nếu bị nhiễm covid, thì 10 bài đầu tiên xuất hiện trên Google sẽ có nội dung là đối tượng người bệnh, tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng... Do đó, bài viết của mình bắt buộc chứa đầy đủ những thông tin trên theo dạng ultimate guide (hướng dẫn chi tiết) thì mới đủ sức cạnh tranh với những bài viết khác.
5. Trò chuyện với các chuyên gia trong ngành
Hỏi các chuyên gia trong thị trường ngách chính là cách tiếp cận thông tin hiệu quả nhất. Họ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc, cung cấp thông tin chính xác về lĩnh vực bạn muốn tìm kiếm. Thậm chí họ sẽ chia sẻ thêm nhiều nguồn khai thác thông tin để bạn có thêm sự lựa chọn khi tìm kiếm.
Nếu ở Việt Nam không có nhiều chuyên gia về lĩnh vực đó thì bạn có thể tìm và hỏi các blogger nước ngoài. Việc tìm và trích dẫn thông tin từ các chuyên gia sẽ giúp bài viết của bạn trở nên đáng tin cậy hơn so với những bài khác.
Để làm được điều đó, bạn cần phải xác định được chuyên gia trong lĩnh vực này là ai. Khi tìm được, bạn đừng ngần ngại gửi email để hỏi họ về những chủ đề bạn đang viết, nhưng đừng quên giới thiệu bản thân trước khi đặt câu hỏi và lý do vì sao bạn cần đến họ.
6. Mở các cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến
Nếu để ý, bạn sẽ thấy các youtuber thường nhắc nhở khán giả sau khi xem gần hết video là bình luận những chủ đề họ muốn xem ở những video tiếp theo. Bằng cách đọc những lời bình luận đó, họ sẽ biết được nội dung nào mà mọi người đang quan tâm. Nhờ vậy mà họ tiết kiệm được thời gian tìm kiếm chủ đề khi làm nội dung.
Tương tự đối với người viết, để tìm hiểu đề tài và nhu cầu của độc giả, bạn hoàn toàn có thể mở một cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến trên các hội nhóm Facebook. Ví dụ, để khảo sát mức độ quan tâm của độc giả về bài viết liên quan đến “Yêu thương bản thân”, bạn có thể đưa ra cuộc thăm dò ý kiến với những sự lựa chọn như:
Cách nói "Không" khi người nào đó đưa ra lời đề nghị hoặc yêu cầu
Phân biệt giữa yêu thương bản thân và sự ích kỷ
Nếu muốn yêu thương bản thân thì hãy ngừng so sánh với người khác
Khi mở cuộc khảo sát như vậy, bạn có thể biết được độc giả của mình đang quan tâm về nội dung nào trong chủ đề yêu thương bản thân, từ đó có thể đưa ra chủ đề phù hợp.
7. Xem các website dạng Hỏi & Đáp như Quora, Reddit
Các website dạng Hỏi & Đáp như Quora, Reddit cũng chứa một nguồn thông tin rộng lớn về các vấn đề mà nhiều người đang quan tâm, thắc mắc. Nếu chịu khó tìm kiếm, bạn sẽ bắt gặp các ý tưởng hay ho. Ngoài ra, bạn có thể chủ động hơn bằng cách đăng ký tài khoản và đặt câu hỏi liên quan đến chủ đề muốn viết. Những câu trả lời từ các bạn ở Quora, Reddit khá hay và đặc biệt, bạn có thể chắt lọc và viết bài từ những ý tưởng đó.
Ví dụ, khi mình đặt câu hỏi “Làm thế nào để đọc sách hiệu quả”, ngoài câu hỏi này, mình còn có thể tìm thấy một số gợi ý khác như cách đọc sách vừa nhanh vừa hiệu quả, những mẹo đọc sách, cách đọc 3 cuốn sách mỗi tuần....
Một điều tiện lợi khác là ở Quora còn có mục Related Questions (những câu hỏi liên quan) giúp bạn mở rộng phạm vi tìm kiếm thông tin. Vì vậy, có thể bạn sẽ không nhận được nhiều câu trả lời cho câu hỏi về chủ đề mình muốn viết, nhưng bạn vẫn có thể khai thác thêm thông tin cũng như tìm kiếm ý tưởng từ mục Related Questions.
8. Đọc các nguồn liên quan đến chủ đề
Ngoài những thông tin bạn tìm kiếm được từ các trang web, mạng xã hội, bạn có thể tìm từ các nguồn khác như sách, báo, tạp chí về chủ đề bạn quan tâm. Đó cũng là những nguồn cung cấp kiến thức có tính xác thực và đáng tin cậy hơn, phù hợp với những bạn chưa có khả năng chọn lọc thông tin khi tìm kiếm trên mạng.
Ngoài ra, bạn có thể tìm đến các bài báo nghiên cứu khoa học. Đây là nơi cung cấp những thông tin mới nhất về lĩnh vực ngách. Khi viết bài về matcha và tác dụng của nó với sức khỏe, ngoài tham khảo thông tin từ các website, mình đã đọc không ít bài nghiên cứu về tác dụng của matcha để mang đến cho độc giả bài viết chất lượng và có độ tin cậy lớn.
9. Hỏi team sale và chăm sóc khách hàng về chủ đề này
Team Sale và chăm sóc khách hàng chính là những người luôn nắm nhu cầu của khách hàng. Không những thế, họ còn cập nhật rất nhanh các xu hướng mới nhất hiện nay vì mục tiêu đạt doanh số bán hàng.
Họ nắm rất rõ tâm lý của những vị khách mà mình đang nhắm tới. Mình từng nghe một người bạn kể về công việc bán hàng của bạn ấy. Để bán được một sản phẩm, bạn ấy không những biết về sản phẩm khách hàng đang sử dụng mà còn phải tìm hiểu ưu và nhược điểm để thuyết phục khách lựa chọn sản phẩm của mình. Và nghiên cứu thị trường cũng là công việc không thể thiếu của những người nằm trong đội ngũ này. Do đó, khi nói chuyện với họ, bạn sẽ biết được nhu cầu, của khách hàng là gì, nội dung nào họ muốn biết, nội dung nào không.
Nghiên cứu là một việc rất quan trọng đối với người viết. Đôi khi thời gian bạn dành cho việc nghiên cứu còn nhiều hơn là viết và biên tập. Tuy nhiên, bạn cũng không nên sa đà quá vì dễ rơi vào tình trạng đuối sức khi chìm trong biển lớn thông tin, để rồi cuối cùng không biết nên đưa cái nào vào bài.
Hy vọng với 9 mẹo của mình, bạn sẽ "nâng cấp" kỹ nghiên cứu để phục vụ cho việc viết lách. Nếu bạn có mẹo nào hay hơn thì đừng ngại chia sẻ với mình nhé.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất