"Một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật!"
Để lôi kéo khách hàng, rất nhiều tư vấn viên bảo hiểm (TVVBH) quảng cáo bằng những câu nói nửa vời. Những điều họ nói không chắc đã sai, nhưng việc tư vấn nửa chừng rất dễ khiến khách hàng hiểu nhầm và mua phải sản phẩm không tối ưu hoặc không đúng với nhu cầu của họ. Dưới đây là một số câu nói quen thuộc mà mình tổng hợp được. Nếu bạn đang muốn tìm mua bảo hiểm, hãy ghé qua blog của mình để biết cách chọn sản phẩm đúng và đủ nhé.
1. Bảo hiểm bên em bảo vệ đến 99 tuổi!
Phần lớn các công ty đều có sản phẩm bảo vệ nhân thọ đến 99 tuổi, hiểu đơn giản là ở bất kì 1 thời điểm nào trong đời, nếu khách hàng chẳng may qua đời thì gia đình anh đều được công ty bảo hiểm bồi thường. Bởi vậy, nếu khách hàng đang hỏi về sản phẩm nhân thọ thì TVVBH quảng cáo như vậy không sai.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp khách hàng đang hỏi về sản phẩm sức khỏe của công ty A thì TVVBH của công ty B liền quảng cáo "bên đấy bảo vệ ngắn, bên em bảo vệ đến tận 99 tuổi". Khách hàng sẽ hiểu nhầm là sản phẩm sức khỏe của công ty B cũng kéo dài đến tận tuổi đó. Đây là một hiểu lầm tai hại. Thực tế, hầu hết sản phẩm bổ sung kết thúc khi khách hàng 65, 70, 75 hoặc 80 tuổi tùy sản phẩm.
2. Sản phẩm bổ sung bên em được tích lũy (1 phần hoặc toàn bộ)
Sự thật: Bất cứ bảo hiểm nào cũng phải chịu phí bảo hiểm rủi ro. Cái gì cũng có cái giá của nó, bạn muốn được bảo vệ thì bạn phải bỏ tiền ra mua sự bảo vệ đó. Trên đời không có bữa ăn miễn phí nên cũng không có chuyện sản phẩm bổ sung được tích lũy toàn bộ.
Vậy tích lũy 1 phần thì như thế nào? Hiểu đơn giản là thay vì khách hàng mua gói bảo hiểm 10 bệnh với giá 6 đồng thì khách hàng mua gói bảo hiểm tương tự với giá 10 đồng, trong đó vẫn mất đi 6 đồng phí bảo hiểm, còn lại 4 đồng công ty đem đầu tư được 7 đồng đem trả lại khách.
Nếu là khách hàng, bạn chọn mua gói bảo hiểm 6 đồng - không tích lũy hay gói 10 đồng - có tích lũy?
3. Bảo hiểm sức khỏe của công ty em thanh toán 100% viện phí.
Sự thật: Đúng nhưng chưa đủ.
Cũng như voucher ăn uống, bảo hiểm sức khỏe có hạn mức chi trả tối đa cho từng đầu mục khách nhau. Ví dụ với voucher 300k ăn lẩu ở nhà hàng A, nếu khách hàng ăn dưới 300k thì được miễn phí, ăn trên 300k khách phải bù thêm tiền. Nếu khách hàng không ăn lẩu mà ăn nướng, hoặc không ăn lẩu ở nhà hàng A mà ở nhà hàng B thì voucher không có hiệu lực.
Bảo hiểm sức khỏe cũng vậy, các hạn mức được chia nhỏ ra thành từng đầu mục như viện phí nội trú, viện phí ngoại trú; tiền giường - phòng, tiền khám, tiền thuốc, v.v... Nếu quá hạn mức chi trả ở mục nào khách hàng phải thanh toán viện phí còn thiếu ở mục đó.
Ngoài ra khách hàng cần lưu ý một số yếu tố khác như: Danh sách bệnh/tai nạn được bảo hiểm, điều khoản loại trừ chung và danh sách các bệnh đặc biệt bị loại trừ riêng, danh sách bệnh viện được sử dụng bảo hiểm cũng như các điều kiện thanh toán khác.
4. Tiền anh chị đóng vào bảo hiểm được tích lũy với lãi suất kép x%
Khi TVVBH nói như vậy, khách hàng sẽ tưởng rằng "toàn bộ tiền đóng bảo hiểm đều sinh lời". Lãi suất bảo hiểm không chênh lệch lớn với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Nếu vừa được bảo vệ, vừa nhận về nhiều tiền, phải chăng người dân nên rút hết tiền gửi ngân hàng chuyển sang tham gia bảo hiểm?
Sự thật là tiền khách hàng tham gia bảo hiểm chỉ được đem đầu tư sau khi trừ đi rất nhiều loại phí như phí rủi ro, phí ban đầu, phí quản lý quỹ, phí quản lý hợp đồng. Tổng các khoản phí này bị trừ nhiều nhất trong năm đầu, giảm dần trong các năm tiếp theo và được ghi rõ trong bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm.
Phí ban đầu là khoản phí bị trừ nhiều nhất. Năm đầu tiên các công ty thường trừ khoảng 70 - 90% phí ban đầu từ phí bảo hiểm khách hàng đóng vào. Giả sử anh A tham gia gói bảo hiểm 20 triệu và chỉ chịu duy nhất phí ban đầu thì năm thứ nhất anh bị trừ khoảng 20 triệu x 80% = 16 triệu, còn dư 4 triệu mới được đem đầu tư sinh lời. Bởi vậy, số tiền thực tế khách hàng thu về khi đáo hạn thường khá nhỏ chứ không thể được như kì vọng.
5. Tiền của anh chị được tích lũy với lãi suất kép x%
Vẫn là câu nói này nhưng dễ bị hiểu sai ở một tình huống khác. Đó là khi TVVBH tư vấn cho khách hàng trên bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm.
Trong bảng minh họa quyền lợi, bao giờ cũng có 2 trang là "Lãi suất minh họa" và "Lãi suất cam kết".
Lãi suất minh họa là lãi suất (giả định rằng luôn) cố định bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại. Vì lãi suất không đổi nên nhìn trong bảng minh họa, dòng tiền của khách hàng rất đẹp.
Lãi suất cam kết là lãi suất tối thiểu công ty bảo hiểm cam kết trả cho khách hàng mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty tốt hay xấu. Lãi suất này giảm dần qua các năm và rất thấp về sau.
Trong một số trường hợp, do lãi suất quá thấp nên số tiền tiết kiệm của khách hàng không những không nhiều mà còn không đủ bù đắp các chi phí dẫn tới hợp đồng mất hiệu lực. Bởi vậy, khách hàng cần xem xét cả 2 bảng lãi suất và quan sát sự biến động của tài khoản bảo hiểm của mình qua từng năm để có sự điều chỉnh phù hợp.
6. Anh chỉ cần đưa giấy tờ + phí bảo hiểm. Em sẽ làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho anh từ A - Z
Sự thật là: Khách hàng luôn phải tìm hiểu và giám sát sát sao mọi giấy tờ, thủ tục liên quan đến hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của mình. Sự cẩn thận này không thừa bởi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 1 hợp đồng dài hạn. Nếu hợp đồng này có sai sót sẽ rất khó sửa chữa và khách hàng chính là người chịu thiệt. Nhiều khách hàng chủ quan khi được TVVBH hỗ trợ làm hồ sơ quá nhiệt tình dẫn tới việc thông tin bảo hiểm bị điền ẩu, từ có bệnh thành không có bệnh để rồi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì vừa không được thanh toán, vừa không lấy lại được phí bảo hiểm đã đóng. Trường hợp khác, sau khi đưa tiền cho TVVBH xong, người này lặn mất tăm không bao giờ trở lại.
7. Khi đáo hạn hợp đồng chị sẽ nhận lại số tiền gốc
Trừ trường hợp khi tham gia bảo hiểm, công ty cam kết khi đáo hạn khách hàng nhận về đúng số tiền gốc, còn nếu số tiền khách hàng nhận về dựa vào lãi suất, thì không ai có thể cam kết được chính xác số tiền khách hàng nhận về sau này vì nó phụ thuộc vào tình hình kinh tế từng năm của quốc gia nói chung và công ty bảo hiểm nói riêng. Ngoài ra, số tiền nhận về còn phụ thuộc vào độ lớn của gói bảo hiểm, tỉ lệ phí sản phẩm chính/phí sản phẩm bổ sung/phí bảo hiểm đầu tư thêm, số năm tham gia bảo hiểm, v.v... Nhìn chung, giá trị bảo vệ càng nhiều thì tiền nhận về càng ít và ngược lại.
8. Bên em bảo vệ những trường hợp này, công ty bạn thì không
Sự thật là: Đúng về hình thức nhưng sai về bản chất.
Mỗi sản phẩm bảo hiểm đều có các quyền lợi ưu việt khác nhau. Nó được thiết kế tối ưu cho từng độ tuổi, từng nhu cầu và tương xứng với phí bảo hiểm. Sản phẩm bảo hiểm của công ty A ưu việt ở khoản này nhưng sản phẩm của công ty B vượt trội ở khoản khác mà công ty A không có. Vì vậy, nếu TVVBH muốn so sánh 2 sản phẩm thì cần so sánh tất cả yếu tố liên quan như quyền lợi, mức phí, quy tắc & điều khoản... chứ không nên chỉ nêu ra ưu điểm của mình và dìm hàng đối thủ.
Ở phía ngược lại, khách hàng cần nhận định xem quyền lợi nào phù hợp với nhu cầu của mình. Ví dụ khách hàng là tài xế taxi vậy nên tham gia bảo hiểm của công ty có sản phẩm Bảo hiểm tai nạn vượt trội.
Ví dụ khác, công ty A chi trả từ những bệnh nhỏ nhất với số tiền lớn nhưng không chi trả bệnh ung thư. Ngược lại, công ty B chi trả số tiền nhỏ cho các bệnh thông thường nhưng chi trả cả bệnh ung thư. Nếu là khách hàng, bạn sẽ chọn sản phẩm nào?
9. Bài quảng cáo bảo hiểm với motip: Sản phẩm công ty tôi rất ưu việt phí chỉ x triệu mà có hàng chục quyền lợi ưu việt
Quảng cáo là hình thức tuyên truyền để giới thiệu thông tin về sản phẩm dịch vụ. Mà thường thì công ty nào cũng quảng cáo cái hay, cái tốt chứ không ai vạch áo cho người xem lưng.
Quảng cáo bảo hiểm cũng vậy. Mặc dù công ty bảo hiểm nào cũng tốt nhưng không có ai hoàn hảo! Những quyền lợi mà TVVBH quảng cáo không sai nhưng tất nhiên họ không đề cập đến nhược điểm cũng như quy tắc & điều khoản loại trừ của công ty mình. Là khách hàng, bạn chớ vội đặt bút kí yêu cầu tham gia bảo hiểm ngay mà hãy hỏi kĩ về các quy tắc & điều khoản bảo hiểm cũng như yêu cầu TVVBH tư vấn thật trung thực về sản phẩm mình đang giới thiệu.
10. Chị chỉ cần đóng x năm sẽ được bảo vệ trọn đời
Hôm nay mình đã nghĩ ra được cái để viết tiếp. Câu này là các tư vấn hay nói lắm. Sự thật là nó sai trong hầu hết các trường hợp nhé.
Ta có các biến số sau:
Phí bảo hiểm đóng vào = A
Phí bảo hiểm rủi ro = B
Số tiền trong tài khoản hợp đồng là C
Lãi suất tạm gọi là X
Ta có C = (A-B).X
Như vậy, nếu đóng ngắn hạn thì C rất nhỏ, do B tăng dần, X giảm dần, A coi như không đổi.
Tại một năm nào đó trong thời hạn hợp đồng, khách hàng không đóng phí nữa. Vậy A = 0, B vẫn tăng dần trong khi X vẫn nhỏ dần.
Như vậy có nghĩa là tiền lãi sinh ra không đủ bù đắp các khoản chi phí, trong khi C rất nhỏ. Vì vậy, phải rút tiền từ C ra để bù đắp vào chi phí nên C sẽ "teo" dần. Đến một thời điểm, C có thể sẽ teo lại = 0, lúc đó hợp đồng mất hiệu lực mà khách hàng cũng không thu được tiền về nữa.
Tất nhiên cũng có những trường hợp khách tham gia từ khi còn rất trẻ và tham gia ít quyền lợi bảo hiểm nên B không quá lớn, nghĩa là tiền lãi vẫn đủ bù đắp chi phát sinh song những trường hợp này không nhiều và cũng không có gì đảm bảo chắc chắn 100% rằng khách hàng được bảo vệ trọn đời. Nguyên nhân là do X biến động theo tình hình kinh tế. Mà kinh tế là chuyện của tương lai không thể dự đoán xa và cam kết được.