9 Năm Chỉ Có Tính Với Toán
Mình đi du học chính xác thì từ năm 2011. Khi đó mình học ở Sing, được 1 năm thấy Sing buồn quá nên mới qua Úc học tiếp. ...
Mình đi du học chính xác thì từ năm 2011. Khi đó mình học ở Sing, được 1 năm thấy Sing buồn quá nên mới qua Úc học tiếp.
Thời gian ở Sing thì mình còn trẻ, có 19 20. Sing lại gần nên cứ đi đi về về suốt, cũng chẳng được đi làm thêm nên mình lúc đó cứ hưởng thụ những ngày tháng vô tư (lúc đó mình cũng không biết đó là những tháng ngày vô tư cuối cùng) trước khi mình sang Úc. Cụ thể là cứ đi học, về đi ăn, tối ra công viên chém gió với lũ bạn rồi về.
23/2/2013, ngày đầu tiên mình đặt chân tới nước Úc, cũng là ngày mình bắt đầu những chuỗi ngày phải tự thân tự lực tính toán nhiều thứ.
Các bạn biết đấy. Khi bạn phải sang nơi xứ người không quen biết ai, phải tự mình gây dựng mọi thứ từ con số 0, thì bạn phải tính toán rất nhiều.
Đầu tiên là tính toán chi phí sinh hoạt. Nhà trọ thì trọ ở đâu? Thời gian + tiền đi lại giữa trường và nhà, rồi nhà tới chỗ làm hết bao nhiêu? Đi làm thì đi làm ở đâu? Mình làm được công việc gì? Mình thiếu kĩ năng gì để dễ xin việc làm thêm nhất? Học kỹ năng đó ở đâu, nhiều tiền không, trong bao lâu? Sắp xếp thời khóa biểu thế nào để đi làm được nhiều nhất? Có thể tiết kiệm được những khoản gì? Mua xe có đáng không? Các chi phí đi kèm việc mua xe là gì? Tìm công việc tốt hơn ở đâu? Đi làm thế này có ảnh hưởng tới việc học không? v.v.....
Mà tất cả những cái đó cũng chưa là gì so với việc phải tính đường đi nước bước cho việc định cư. Việc định cư không phải dễ dàng. Không phải đùng phát học xong hay có công ty nhận mình vào làm là có đủ ngay điều kiện định cư. Đây là việc mà bạn phải tính trước tới 4 năm, thậm chí có những bạn phải tính trước tới tận 7 8 năm.
Định cư bên Úc hiểu nôm na là dựa trên hệ thống tích điểm. Bạn càng đạt được nhiều tiêu chí trên thang điểm đó, tổng điểm của bạn càng cao, khả năng được mời ở lại càng cao vì người ta chọn từ trên xuống. Ngay từ đầu, ở bước chọn ngành học, bạn đã phải biết chọn ngành nào được Úc cho phép ở lại. Sau đó bạn phải dự tính xem ngành đó liệu có nguy cơ bị loại khi bạn học xong - tức là khoảng 3-4 năm tới (tùy ngành học) không? Nếu có thì kế hoạch tiếp theo sẽ là gì? Rồi giả như lúc bạn học xong, ngành học của bạn cho phép được ở lại thì tiếp tục sẽ phải tính xem đạt được thêm những tiêu chí gì để được cộng điểm (bao gồm điểm tuổi, bằng IELTS 8.0 đều các kĩ năng hoặc PTE 79 đều các kĩ năng, điểm ngôn ngữ khác-ngoài-tiếng-Anh (trong trường hợp của mình là tiếng Việt) được chứng minh bằng một khóa học dịch thuật và thi đỗ bài kiểm tra cuối v..v..). Tất cả những tiêu chí đó đều có giá được tính bằng tiền và thời gian. Bạn phải tính toán làm sao để thực hiện nhiều tiêu chí cùng một lúc nhất có thể để rút ngắn thời gian đạt điểm cao, vì càng để lâu thì số người đạt điểm cao hơn mình sẽ càng nhiều, đồng thời càng có nguy cơ là ngành học của mình không còn được chấp nhận cho hồ sơ xin định cư nữa. Nếu giả như bạn đang học năm cuối mà đùng một phát bang (state) của bạn rút ngành học của bạn ra khỏi danh sách định cư của bang đó, thì bạn lại phải tính toán tìm bang khác vẫn cho định cư bằng ngành học đó, xem xem điều kiện là gì, rồi lại tính toán chuyển sang bang đó sinh sống, rồi lại lặp lại chuỗi tìm nhà, tìm việc, hoặc thậm chí có thể là học lại một ngành khác từ đầu v..v.. Coi như bắt đầu lại từ số 0 ở một nơi mới.
Mình may mắn hơn nhiều người, đó là chỉ mất 4 năm để xin được thẻ xanh để định cư. Đó là vì sau khi mất 3 năm để hoàn thành khóa học, mình mất 1 năm để hoàn thành các chỉ tiêu khác, cứ chỉ tiêu này gối vào chỉ tiêu kia, tuyệt đối không cho mình lãng phí giây phút nào rảnh. Sau khi được định cư xong, cũng chưa kịp cho mình một khoảng thời gian nào nghỉ ngơi, lại tính toán tiếp là định cư xong rồi, đi học thì được chính phủ cho tiền, thì mình sẽ học ngành gì mà mình thích đây? Mình thích làm nghề gì đây? Rồi ngay sau khi biết tin mình được định cư là bắt đầu khóa học sư phạm. Khi vào học rồi thì lại tính xem làm thế nào để vừa học vừa làm? Học xong thì lại tính tới việc xin việc, phỏng vấn. Khi có việc ổn định rồi thì lại tính chuyện vay tiền ngân hàng mua nhà để mình ở. Có nhà ở rồi thì lại tính xem đầu tư như thế nào, chứ dựa mỗi vào lương cứng thôi thì tuy đủ sống nhưng mãi cũng chẳng khá lên được. Tới lúc mua được nhà đầu tư rồi thì lại phải tính toán trả tiền ngân hàng hàng tháng, tìm người thuê nhà, trả tiền thuế v.v.....
Tính tới bây giờ mình đã (hay là mới?) 30 tuổi. Khách quan mà nói, thì mọi thứ của mình đều đã vào guồng. Nghề nghiệp ổn định, không vất vả, lương đủ dùng, nhà cửa xe cộ có, sống ở 1 trong những thành phố đáng sống nhất thế giới nhiều năm liền (Melbourne. Trước đây thì đứng đầu. Mấy năm gần đây thì nằm trong top 10 thôi). Vậy thì trong mắt mọi người, đặc biệt là người nhà ở VN, thì cuộc sống của mình không cần cố gì thêm cũng vẫn sống tốt, có thể hài lòng được rồi.
Ấy vậy mà thời gian tới mình lại muốn về VN làm việc 1 thời gian. (cụ thể là dạy ở 1 trường quốc tế). Tại sao?
Suốt một thời gian dài, gần 10 năm, mình đã chỉ tính, tính và tính. Mình không cho phép bản thân mắc sai lầm. Một phép tính sai, một quyết định chệch hướng có thể vứt bỏ hoàn toàn công sức của mấy năm liền vào hư vô. Đó là chưa kể, hầu như mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền, tiền đô, thậm chí là nghìn đô. Đành rằng trong 10 năm mình có rất nhiều "lần đầu tiên" trên đất Úc, thử làm rất nhiều cái mới, nhiều nghề mới, nhiều kĩ năng mới, và thực sự mình bây giờ so với mình của 10 năm trước rất khác, nhưng hầu như mọi thứ đều là để phục vụ cho mục đích lớn nhất. Mình nhận ra mình liều lĩnh chưa đủ, chưa dám go with the flow và tùy cơ ứng biến xem dòng đời đưa đẩy mình tới đâu. Nhất là khi tới cái tuổi này rồi, mình cũng đã cảm thấy mệt mỏi sau tất cả những sự tính toán đó, cảm thấy mình chỉ muốn nhảy ngay vào cái guồng quay kia để cảm thấy sự an toàn, sự bình ổn, những giây phút nghỉ ngơi không cần lo nghĩ nhiều.
Nhưng rồi một ngày, mình chợt nhận ra: nếu vậy thì trải nghiệm của đời mình sẽ chỉ dừng lại ở tuổi 30 thôi sao? Liệu bao năm lăn lộn như vậy đã đủ chưa? Liệu mình có đã quá già để có một bước đi trái ngược hoàn toàn với những logic thông thường không?
Và rồi mình dừng lại ở suy nghĩ: Thôi thì cứ thử xem sao.
Dù thi thoảng cái thói quen tính toán kia vẫn cứ nảy lên trong đầu (có lẽ vì bản tính của mình là người cẩn thận), gào lên rằng "Mày bị dở à? Mất bao công sang đây để set up cuộc sống, giờ ổn định rồi lại về???", nhưng có lẽ cứ thử xem. Như cậu bạn thông thái của mình nói: Câu hỏi đáng sợ nhất với bản thân là What if? Thời điểm hiện tại, có điều kiện để làm, có năng lực để hiện thực hóa nó, và cái giá duy nhất phải trả có lẽ là thời gian (và một chút tiền bạc), thì có lẽ cứ thử cho phép mình liều một phen. Chuyến đi có đáng hay không, có lẽ phải đi rồi quay lại thì mới biết được.
Thực ra thì muốn về VN làm thì cũng lại vẫn phải tính. Tính rằng về thì làm gì, ở đâu? Lương lậu thế nào? Có đủ chi trả sinh hoạt phí và trả các chi phí vẫn buộc phải trả ở bên Úc không? Liệu mình sẽ làm ở VN bao năm? Hay là về hẳn? Sau này mà muốn quay lại Úc thì liệu có dễ xin việc không? Rồi sau này quay lại Úc bắt đầu lại từ đầu thì có quá muộn không?
Vụ tiền nong thì rõ ràng là phải tính rồi. Không có tiền lấy gì mà ăn. Nhưng có lẽ những câu hỏi còn lại thì...cứ về đã, làm đã. Tính sau.
Cơ mà rồi cũng lại ngẫm: chắc cả cuộc đời này, có lẽ chúng ta sẽ không ngừng có chuyện để tính toán. Mỗi chặng cuộc đời chúng ta lại có những nỗi lo toan khác nhau. Và rằng sự tính toán này không có gì sai, có khi lại còn là đúng đắn, chứ làm cái gì cũng chẳng tính toán suy nghĩ gì thì chả khác gì con thiêu thân. Chỉ là, tính thì tính, có chăng vẫn nên cho mình một khoảng trống để vùng vẫy, để go wild, để liều.
Bài viết này mang tính chất tâm sự là chính. Có thể là để tìm kiếm sự ủng hộ, động viên. Cũng có thể là một lời chào đón những ý kiến khuyên răn ngược lại. Dù gì thì cũng mong nhận được những phản hồi mang tính xây dựng từ các bạn :D
Kênh Youtube Đàn Ông Học:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất