Từ nhỏ mình lớn lên trong hẻm, hẻm nhỏ, nhà nhỏ, mọi người chen nhau trong những căn nhà san sát nhau, thậm chí mái nhà của người này chồng lên ban công của người kia, đường đi cũng là sân trước nhà, xe chạy ngang phải luồn lách né chậu cây, sàn phơi đồ, thậm chí là cái bếp lò đang bập bùng cháy.
 
Dù nhiều lần dời đổi nhưng quanh đi quẩn lại mình vẫn ngủ trên gác xép, giường kê cạnh cửa sổ nên mỗi sáng sau hồi chuông báo thức là muôn vàn thanh âm sinh hoạt của hẻm dội vào, nhắc mình đã là một ngày mới. Xóm vẫn vậy, nhưng người cũ không còn nhiều, hẻm nhỏ giờ chủ yếu là nhà trọ cho thuê, cư dân xóm trọ chủ yếu làm đêm, nên những buổi sáng dạo gần đây im ắng hơn hẳn. Mình cũng không đặt chuông báo thức, đồng hồ sinh học đã quen nếp, cứ nghe tiếng chim hót của ông anh nhà bên vang dội là biết mặt trời đã lên. 

Khi dùng từ quen nếp, là mình khỏi chối cãi cái sự già ngắt của mình, thức dậy, mở cửa ban công để ngó mấy chậu cây rung rinh trong gió sớm, thở vài hơi rồi xuống bếp, xoa đầu 2 đứa chó đang nghoe nguẩy đuôi chờ đợi, bắt nồi cơm, đun ấm nước, vệ sinh xong là pha ly trà, rồi đứng thừ người ở đó nhìn ra cửa sổ của gian bếp nhỏ, thấy thời gian ngưng đọng lại trong giây phút nắng xuyên qua ô cửa và tiếng “cạch” báo hiệu cơm chín, mùi cơm mới nấu len lỏi đánh thức từng nhóc ngách trong nhà, gọi mình dậy thực sự khỏi cơn ngái ngủ còn váng vất trên mặt. 

Hít một hơi thật dài, tự thấy mình như phiên bản thu nhỏ của mẹ mình khi xưa dậy sớm nấu cơm chắt nước để bón cho em mình, thấy hình bóng của ngoại mình lui cui trong chái bếp mù khói, nấu vội bữa sáng kiêm bữa trưa để mang ra đồng…thấy cả một sợi dây liên kết thiêng liêng nối dài thế hệ gói gọn giản đơn qua làn khói mỏng manh thơm mùi gạo nếp, thấy thương sao mà thương cái khoảnh khắc riêng tư nhưng đầy sẻ chia này, của những người phụ nữ - những người ấp ôm giữ ngọn lửa ấm trong gia đình, chắt chiu tấm lòng qua những bữa ăn cho những người yêu dấu. Những buổi sáng như vầy, mình bới 1 chén cơm còn bốc khói, chiên giòn 1 lát cá muối từ đêm qua, mang cho ngoại, không cần muỗng đũa, ngoại xé miếng cá, bốc nhúm cơm và ăn ngon lành, và 10 lần như một, lần nào ngoại cũng sẽ nói câu mà mình đã thuộc làu “Không có gì bằng cơm với cá, không có tình thương nào như má với con”

Đôi khi mình tỉnh dậy vì mùi nhang trầm bay lên từ nhà dưới, nếu như lúc trước mình sẽ trùm mền nhăn mũi khó chịu vì cái mùi nồng sực cứ vương vất, xua mãi không đi, suốt những tháng ngày nhà vắng lạnh vì ngoại bệnh, không ai đốt nhang, cái nồng nàn này, là tín hiệu để mình thức dậy với sự biết ơn ngập tràn, biết ơn vì ngoại đủ khoẻ, dù chỉ đủ để đốt nhang và cầu những lời suốt đời bà vẫn nguyện: bà đọc tên từng người con, cháu trong nhà, dù đôi khi chẳng nhớ đúng, rồi cúi đầu thì thầm, cho chúng nó sức khoẻ, gia đình chúng nó bình an. 

Ngày trẻ mình chỉ ước được đi thật xa, thoát khỏi cái hẻm cụt nhỏ xíu ngột ngạt, bay thật cao khỏi cái ban công thấp tè chẳng thấy trời xanh, vươn thật lớn để che đi con bé nhỏ yếu đuối mộng mơ cứ mãi tự hỏi sao mình không giống những đứa trẻ khác. 

Giờ đây, mỗi ngày khi mở mắt, mình chỉ thầm nhủ lời cảm ơn
Người ta thức dậy vì những điều vĩ đại lớn lao.
Còn mình, chỉ mong mỗi sáng thức dậy, còn được nghe mùi cơm chín và mùi nhang thơm, để biết mình vừa được ban thêm 1 ngày để sống.