Những năm 1980s đánh dấu một giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong văn hóa địa phương Hồng Kông. Trải qua mười năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, người dân Hồng Kông bắt đầu được hưởng mức sống cao hơn đáng kể. Mặc dù huyền thoại về kinh tế Hồng Kông đã tạo ra một tâm lý tự mãn, nhưng người Hồng Kông cũng tin rằng họ phải phát triển văn hóa địa phương của mình để bổ sung cho sự thiếu hụt về địa vị chính trị và văn hóa. Những năm 1980 là thời điểm mà, ít nhất một phần nhờ vào các cuộc đàm phán Trung-Anh về tương lai của Hồng Kông, đã có những mối quan tâm mới trong việc tìm hiểu văn hóa Hồng Kông là gì. Không lâu trước khi kết thúc những năm 1970s, Crawford Murray MacLehose, khi đó là Thống đốc Hồng Kông, đã thăm chính thức Trung Quốc vào ngày 29 tháng 3 năm 1979 để thảo luận về tương lai của Hồng Kông sau năm 1997. Ông đề xuất với Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng việc thuê đất ở Tân Giới nên được tiếp tục sau ngày 30 tháng 6 năm 1997, nhưng đã bị bác bỏ bởi Đặng Tiểu Bình, khi đó là chủ tịch của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đặng đã nói rất rõ ràng rằng Hồng Kông phải trở lại với Trung Quốc theo khuôn khổ “Một quốc gia, hai chế độ”.
Thatcher gặp Đặng Tiểu Bình năm 1982 tại Bắc Kinh (photo by Pierre-Antoine Donnet/Agence France-Presse)
Thatcher gặp Đặng Tiểu Bình năm 1982 tại Bắc Kinh (photo by Pierre-Antoine Donnet/Agence France-Presse)
Ngày 22 tháng 9 năm 1982, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Margaret Thatcher đã đến Bắc Kinh để thảo luận về tương lai của Hồng Kông với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sau đó họ cùng tuyên bố rằng “vì mục đích chung là duy trì sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông, hai bên đã đồng ý tiếp tục các cuộc đàm phán thông qua các kênh ngoại giao,” và “việc này báo hiệu sự khởi đầu của các cuộc đàm phán về tương lai của Hồng Kông.” Khi bà Thatcher trượt chân trên cầu thang trước Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong chuyến thăm của bà vào năm 1982, nền kinh tế Hồng Kông cũng suy giảm mạnh. Người Hồng Kông bắt đầu nhận ra rằng tương lai của họ gắn liền với các cuộc đàm phán Trung-Anh và họ không thể làm gì khác để tự quyết định số phận của mình. Tương lai của Hồng Kông không còn được đảm bảo một cách đơn giản bằng huyền thoại kinh tế của nó, và sự tái hợp của nó với Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. 
Trong hai năm trước khi Tuyên bố chung Trung-Anh được ký kết vào ngày 26 tháng 9 năm 1984 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Hồng Kông đã trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin khác. Niềm tin của người Hồng Kông vào thời điểm đó đang bị đe dọa, và có một làn sóng di cư mới: “Vào đầu những năm 1980s, theo Tăng Âm Quyền, khi đó là phát ngôn viên của chính quyền Hồng Kông về vấn đề di cư, mỗi năm có khoảng 20.000 người Hồng Kông rời khỏi lãnh thổ; năm 1987 con số này tăng lên 30.000, và năm 1988 và 1989 là hơn 40.000.” Người dân Hồng Kông đã rơi vào tình trạng hoang mang tập thể đến mức các tài xế taxi đình công, hoặc thậm chí khi đội bóng đá Nam Hoa bị xuống Hạng Hai, đã xảy ra các cuộc bạo động sau đó. Đầu những năm 1980s theo một nghĩa nào đó không khác lắm so với năm 1967. Kể từ đó, yếu tố Trung Quốc đã thống trị Hồng Kông. Nhưng như giáo sư Ackbar Abbas đã nhận định trong cuốn Hong Kong: Culture and the Politics of Disappearance, những khát vọng đối với nền kinh tế càng bị cản trở thì các ngành công nghiệp văn hóa càng bùng nổ. Nỗi lo lắng tập thể của người dân Hồng Kông đã được giải tỏa một cách hiệu quả nhờ sự thanh tẩy do văn hóa đại chúng mang lại sau năm 1974. Lịch sử lặp lại vào những năm 1980s. Do sự bế tắc giữa Trung Quốc và Anh trong các cuộc đàm phán chuyển giao, chỉ số chứng khoán Hang Seng đã giảm mạnh vào năm 1982 và chạm đáy ở mức 676 vào tháng 12 trước khi tăng trở lại. Nhưng bất chấp điều này, các ngành công nghiệp văn hóa Hồng Kông vẫn tiếp tục phát triển.
Cantopop, nhờ sức mạnh tổng hợp của nó với điện ảnh và truyền hình Hồng Kông, đã phát triển thành một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao với thị trường mở rộng nhanh chóng vào cuối những năm 1970s. Sau đó, nó phát triển hơn nữa thành một ngành công nghiệp đa phương tiện, trở nên phổ biến đến mức thu hút cả những người không nói được tiếng Quảng Đông. Vào đầu những năm 1980, “Cantopop đã trở nên vững chắc như một sản phẩm văn hóa dành cho phần lớn công chúng nghe và xem.”
Quan trọng hơn, Cantopop và các ngành công nghiệp văn hóa liên quan là những yếu tố không thể thiếu trong lối sống của Hồng Kông vào những năm 1980s, như Hugh Baker ghi nhận; việc này đã dẫn đến sự xuất hiện của một sui generis là “tài tử Hồng Kông.” Trong suốt những năm 1980, các siêu sao như Trương Quốc Vinh, Đàm Vịnh Lân và Mai Diễm Phương đã vượt qua những người đi trước họ bằng cách phát triển Cantopop thành một ngành công nghiệp đa phương tiện trải dài qua biên giới tới các khu vực lân cận. Những siêu sao này đã tổ chức hàng trăm concert tại Hong Kong Coliseum mới được xây dựng, với sức chứa hơn 10.000 chỗ ngồi; do đó, các concert đã trở thành một hoạt động kinh doanh có lãi cao. Đến cuối những năm 1980s, Cantopop đã thành công giúp Hồng Kông thiết lập vai trò dẫn đầu trong ngành kinh doanh thần tượng trị giá hàng tỷ đô la của văn hóa đại chúng.
trích dịch từ sách của giáo sư Chu Diệu Vĩ (朱耀偉) còn nữa mà làm biếng