Dù cho bạn có đang là một học sinh hay giảng viên, người đi làm hay là người chưa đi làm, thì mình tin rằng tất cả chúng ta đều có thể đã không ít lần gặp phải khó khăn trong việc giữ tập trung một cách hiệu quả, trong suốt quá trình học tập và làm việc.
Cũng đúng thôi, người trẻ chúng ta cũng đang sống trong một thời kỳ mà mọi thứ dường như đều có thể trở thành nguồn cơn của sự phân tâm và mất tập trung. Chúng ta có những món đồ công nghệ liên tục phát ra những âm thanh mời gọi sử dụng chúng, cùng với một cuộc sống toàn cầu hóa luôn tấp nập người qua lại được kết nối bởi các loại hình mạng xã hội.
Sau đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn 8 tips nhỏ đã luôn giúp mình duy trì sự tập trung trong quá trình mình học tập và làm việc.

1. Hãy lên kế hoạch sử dụng thời gian cụ thể

Phương pháp quản lý thời gian đơn giản mà hữu hiệu nhất mình vẫn luôn sử dụng đó chính là Time Blocking. Mình sử dụng phương pháp này kết hợp giữa cả sổ tay cá nhân và ứng dụng Google Calendar. 
Các bạn có thể dành thêm chút thời gian để chuẩn bị cho cả sự cụ thể của các đầu việc, phương pháp thực hiện và mình cũng khuyến khích các bạn nghĩ về cả độ phức tạp của nó nữa.
Để có thể lên kế hoạch sử dụng thời gian hiệu quả, mình khuyên các bạn nên chú ý tới nhịp sinh hoạt của bản thân một chút. Bởi lẽ mình tin rằng ai cũng có một khoảng thời gian “siêu tập trung” trong ngày. Đó là khoảng thời gian mà bạn có thể duy trì sự tập trung ở mức cao nhất và lâu nhất.
Với mình, đó là vào lúc sáng sớm, khi mình vừa ăn sáng và uống cà phê xong. Một số bạn bè của mình thì lại thích làm việc vào buổi tối hơn. Bạn cũng hay chú ý tìm kiếm khoảng “siêu tập trung” của bản thân xem sao nhé.

2. Hãy tránh xa các đối tượng gây xao nhãng

Mình tin rằng đối tượng gây xao nhãng phổ biến nhất mà tất cả chúng ta đều sở hữu chính là chiếc điện thoại thông minh. Vậy nên mình có lời khuyên là nếu bạn muốn làm xong việc, thì hãy bỏ điện thoại ra đằng xa.
Một số đối tượng gây xao nhãng phổ biến khác trong cuộc sống mà mình có thể kể ra đó là TV, video game, bạn bè, người thân, vật nuôi, đồ ăn vặt.
Thực ra thì đối với trường hợp người thân hoặc bạn bè trực tiếp đến tìm gặp mình thì mình cũng thường du di chút chút. Mình thực ra là kiểu người khá là dễ mềm lòng khi nói chuyện mặt đối mặt, haha. 

3. Hãy rèn luyện não bộ

Một trong những thói quen làm việc kém hiệu quả nhất đối với mình là Multi-tasking, kiểu làm nhiều việc cùng một lúc. Mình tin rằng người trẻ chúng ta nên rèn luyện não bộ để cho bộ phận quan trọng này chỉ tập trung vào một đầu việc duy nhất vào mỗi một khoảng thời gian nhất định mà thôi.
Phương pháp làm việc hiệu quả mà mình vẫn đang áp dụng mỗi ngày là Pomodoro, 25 phút làm việc tập trung + 5 phút nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần, sức khỏe.

4. Hãy ăn no, ngủ đủ

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đều đã chỉ ra rằng khả năng tập trung và làm việc hiệu quả sẽ được cải thiện vượt trội nếu chúng ta ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày.
Và mình tin rằng chẳng cần phải khoa học chứng minh, chúng ta đều đã biết là rất khó để tập trung nếu cái bụng nó cứ réo liên hồi.
Mình thà có 15 phút làm việc trong trạng thái tập trung cao độ và tràn trề năng lượng, còn hơn là có 2 tiếng làm việc trong sự mệt mỏi và kiệt quệ.

5. Hãy dọn dẹp

Từ khi tập được thói quen quét nhà và hút bụi mỗi ngày, mình nhận ra rằng nhà sạch không chỉ mát, mà nhà sạch còn truyền cảm hứng nữa.
Khi nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mình sẽ không còn lo bị phân tâm bởi bất cứ thứ gì ở môi trường xung quanh nữa.
Ngoài ra, mình cũng khuyên các bạn nên thường xuyên dọn dẹp bàn học hoặc bàn làm việc của các bạn.
Mình luôn dọn bàn sau khi hoàn thành được một đầu việc lớn và chuẩn bị chuyển sang một đầu việc lớn khác. Mình không muốn những thứ như bút chì, thước kẻ, máy tính, sổ vẽ của công việc thiết kế làm ảnh hưởng đến sự tập trung mình chuẩn bị dành cho việc viết lách chẳng hạn.
Mục tiêu của việc dọn dẹp mà mình muốn hướng tới đó là sự "sẵn sàng", chứ không phải là "hoàn hảo". Mình muốn mọi thứ phải ở đúng vị trí của nó và sẽ luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc cùng mình. 
Trong cuốn sách Cứ làm đi, tác giả Austin Kleon có chia sẻ rằng:
Dọn dẹp với mục tiêu đạt được trật tự hoàn hảo là một công việc căng thẳng. Dọn dẹp mà không đặt nặng kết quả có thể trở thành một trò chơi vui vẻ.
Ồ, và bạn cũng đừng quên dọn dẹp cả bộ nhớ trong máy tính cá nhân và điện thoại nữa nhé. Hãy dọn dẹp để luôn có thể tập trung và sẵn sàng làm việc. 

6. Hãy tự đặt ra deadline

Bằng việc tự đặt ra deadline cho bản thân, mình đã nhận ra rằng mình không cần phải hoàn thành 100% công việc thì mới được phép nghỉ ngơi. Nghe có vẻ hơi nghịch lý đúng không nào, nhưng đó lại chính xác là những gì mà mình cảm nhận được đấy.
Đây cũng là lúc mà phương pháp làm việc Pomodoro lại trở nên hữu dụng. Mình thường tự gắn các deadline với chính các chu kỳ 25 phút của Pomodoro luôn, nhờ đó mà mình được cổ vũ tinh thần để tập trung làm việc hiệu quả hơn.

7. Hãy tách biệt chỗ làm và chỗ sinh hoạt

Các bạn hãy thử hình dung nhé. Trong nhà chúng ta có những căn phòng được thiết kế để dành riêng cho 1 hoạt động cụ thể nào đó, khi nghĩ đến cái phòng đó thì chúng ta sẽ chỉ có cảm giác muốn làm 1 số việc cụ thể duy nhất mà thôi. 
Ví dụ như nhà tắm là để tắm, nhà vệ sinh là để đi vệ sinh, phòng ngủ là để ngủ,...
Phương pháp tăng cường sự tập trung mà mình đang áp dụng cũng dựa trên nguyên lý tương tự. 
Mình thiết kế ra 1 góc làm việc, nơi mà mình chỉ tuyệt đối dùng để làm việc mà thôi. Mình không cho phép bản thân làm bất cứ thứ gì khác ở góc làm việc đó, về lâu về dài thì não bộ của mình cũng sẽ hình thành nên mối liên hệ tương tự như giữa việc đi tắm và nhà tắm vậy, nhờ đó mà tại góc làm việc này, mình sẽ không phải mất nhiều thời gian để lấy động lực làm việc nữa, sự tập trung cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Dù vậy, thỉnh thoảng mình cũng thích được thay đổi không khí làm việc. Cá nhân mình thường lựa chọn quán cà phê quen hoặc sang nhà đứa bạn để tận dụng góc làm việc của nó, hehe. 

8. Hãy kết thúc trong vui vẻ

Đây có thể chính là lời khuyên mang tính cá nhân nhất mà các bạn đọc được trong bài viết này.
Mình luôn kết thúc mọi đầu việc trong sự vui vẻ, mặc dù đương nhiên là không phải lúc nào mình cũng làm tốt hoặc hoàn thành được 100% tất cả mọi việc như ý muốn. Nhưng mỗi khi nhìn lại 25 phút vừa qua, hoặc 1 tiếng vừa qua, hoặc 2 tiếng vừa qua, mình nhìn lại và nhận ra bản thân đã tập trung cao độ đến thế nào, đã cố gắng thế nào, thì bên trong mình đều dậy lên cảm giác mãn nguyện và vui vẻ.
Mình cũng nhận ra rằng nhờ việc kết thúc trong trạng thái tích cực, mình cũng sẽ có thể dễ dàng lấy động lực để bắt tay vào làm phần việc tiếp theo hơn.
Ngoài ra, mình nghĩ là có nhiều bạn sau khi hoàn thành các đầu việc trong ngày thì sẽ ngay lập tức lên giường và tìm cách ngủ ngay.
Cá nhân mình thì dù cho mệt mỏi, cũng thường sẽ không thể ngủ ngay được sau khi vừa mới làm việc xong, nếu có ngủ được thì mình cũng rất hay bị tỉnh giấc giữa đêm.
Vậy nên mình thường nán lại bàn làm việc thêm khoảng 5 phút nữa, mở một video thú cưng cute vui nhộn nào đó ra xem cho bộ não được thư giãn, rồi sau đó mới lên giường đi ngủ.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.