Tập 6: Lời kết
Công việc kaigo như thế này hiện đang hot ở Nhật (ở nước khác mình chưa tìm hiểu nên không biết thực trạng như thế nào). Hiện tại, ở các cơ sở viện dưỡng lão vừa có nhân viên người Nhật và người nước ngoài cùng làm việc chung, nhưng người ta vẫn than thiếu nhân viên. Người nước ngoài cũng muôn màu muôn vẻ, ở đâu cũng có người này người kia, sự phân biệt đối xử hay bắt nạt hay chèn ép là điều không thể tránh khỏi, vậy nên chính mỗi người phải trang bị cho bản thân các kiến thức lao động tại nước ngoài và các kỹ năng khi làm việc để tránh phát sinh rắc rối liên quan pháp luật.
Nhiều người cũng cho rằng công việc này là công việc “đen, bẩn”, mang tính chân tay, nên người Nhật bây giờ “không thèm làm” mà “nhường suất” cho người nước ngoài đến phục vụ người Nhật. Nghe ngộ ngộ nhưng mà cũng không phải sai đâu. Thì bạn cứ nghĩ xem, hàng ngày phải đi thay tã cả chục người xem sao, chỉ mỗi việc “đầy mùi” như vậy cũng đủ chóng mặt rồi, chứ đừng nói thêm những việc lặt vặt khác. Vậy bạn hỏi công việc này có đáng làm không? Thực ra không có công việc nào là đáng hay không đáng cả. Nó nằm ở cách suy nghĩ của mỗi người. Cách bạn nhìn nhận tính chất công việc, và cách bạn tiếp nhận mỗi ngày, đó mới chính là giá trị tạo nên bản thân bạn, và mang lại niềm vui cho các cụ. Cũng tình cờ khi mình “được” tiếp xúc với công việc này đủ 8 tháng, trong khi trước đó mình chỉ làm dịch thuật ở văn phòng. Lúc đó mình chỉ được đọc các kiến thức hướng dẫn kaigo (chăm sóc) các cụ qua giáo trình sẵn có bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt. Và các tài liệu đều phơi ra những ngôn ngữ hình ảnh rất “hồng hào” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Từ kiến thức sách vở đó đến lúc được thực hành, được “dấn thân” vào hiện trường, mình mới thấy khoảng cách nó xa còn hơn cả từ Sa Pa đến Cà Mau luôn á.
Tháng đầu tiên mình khóc lên khóc xuống vì quá tủi thân và chỉ muốn bỏ ngang xương, nhưng vì mưu sinh nên mình học cách chấp nhận và học hỏi nhiều hơn để mở rộng tri thức, chứ không chỉ dừng lại ở việc thay tã nữa. Lúc mới làm, thì chả hiểu các cụ nói gì đâu. Ngôn ngữ người già, nói tắt, dùng tiếng địa phương, dùng từ cổ, điều kiện hoàn cảnh khác nhau, và họ cứ lẫn lẫn quên quên, nên những đoạn hội thoại giữa mình với các cụ hay đi vào ngõ cụt từ câu thứ ba rồi. Còn bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi, tuy cũng có vài cụ mình không nghe được hết 100% câu, vì cơ hàm răng họ trẹo trọ cùng mớ nước bọt, giọng ồm ồm như đang nhai cà rốt ý, nên chỉ bắt được từ khoá và nói những câu đồng tình với các cụ thì các cụ khoái lắm, cười tít mắt! Có lần bất chợt bị cụ kia hỏi: “Ê tao hỏi mày nhá, hồi xưa tại sao nước Việt Nam mày có thể đánh thắng được nước Mỹ vậy?”. Ôi, mình vừa khóc trong lòng vừa tán dóc luôn với cụ. Thực sự là một kỷ niệm khó quên! Bây giờ mỗi lần nói chuyện với các cụ, mình rất hay được các cụ khen, đến phát ngại luôn, vì mấy bạn xung quanh cùng làm chung mà hổng được khen. Nhiều khi phải tém lại vì sợ mấy bạn ý ganh tị mà lôi mình ra quýnh hội đồng luôn á.
Các bạn nào còn đang nghĩ kaigo là công việc đơn giản chỉ cần tiếng Nhật trình độ N4 (sơ cấp) thì nên nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề của bản thân đi. Liệu bạn có thực sự đủ kiên nhẫn với nghề không? Bạn có đủ kiên nhẫn với các cụ không? Bạn có đủ bình tĩnh để giúp đỡ các cụ không hay vô tình những hành động tưởng chừng như bình thường đối với bạn lại là những câu nói hay những việc làm tổn thương đến các cụ? Những người xung quanh có thể quy bạn vào tội ngược đãi theo quy định của công ty đấy! Đối với các bạn nhân viên người nước ngoài hiện nay, có lẽ ngôn ngữ vẫn là rào cản, là trở ngại lớn nhất, nhưng ở góc nhìn của mình, khó khăn nhất vẫn là đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để có thể thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ đối phương phù hợp nhất. Và công việc kaigo là một công việc có thể giúp bạn hoàn thiện những điểm còn thiếu sót này.
Câu chuyện đến đây xin tạm dừng. Chúc các bạn luôn lạc quan, luôn nhìn nhận những mặt tích cực của công việc và thu được cho mình thật nhiều trải nghiệm nhé!
 Kawasaki, tháng 5 năm 2021