8 tháng làm việc tại viện dưỡng lão Nhật Bản - 5
Tập 5: Các cụ và các biệt tài-tật đi kèm. Có lẽ chọc cười những người làm nhân viên kaigo là biệt tài số 1 của các cụ ở đây. Mặc...
Tập 5: Các cụ và các biệt tài-tật đi kèm.
Có lẽ chọc cười những người làm nhân viên kaigo là biệt tài số 1 của các cụ ở đây. Mặc dù lắm lúc cũng “chọc quạu” với một số nhân viên khó tính, không thân thiện. Thực ra người già dễ cười lắm cơ. Hệt như con nít 1-2-3 tuổi bạn làm trò mèo với chúng nó là chúng nó có thể cười cả ngày.
Mình nhớ có lần nọ, một buổi chiều đầu mùa hè nóng oi bức. Có 3 cụ không về phòng riêng mà ngồi nán lại ở tầng 6, và khi đó mình (tự nhiên) vào thế cuộc vừa xếp origami hộp đựng rác vừa trông giữ 3 cụ ngồi xung quanh. Khung cảnh làm mình nhớ tới cô giáo đang trông 3 đứa trẻ ở lớp mẫu giáo. Có điều không phải đút cơm hay tán bốp bốp vô mặt đâu nhé. Một cụ ông than nóng vừa cầm quạt phe phẩy vừa năn nỉ mở máy lạnh. Vì lúc đấy chưa lắp máy lạnh nên không thể đáp ứng nguyện vọng được, chỉ có thể mở cửa sổ, mà hỡi ôi hôm đó gió nóng thôi rồi, cụ đành cười trừ, vừa uống ly cacao vừa chép miệng: “Ôi uống xong cũng không thấy mát tí nào. Giá mà mở máy lạnh nhỉ...”
Hai cụ bà còn lại gồm một cụ chân tay yếu ngồi xe lăn và một cụ đi đứng được nhưng hay ngủ gà ngủ gật, ngủ mọi lúc mọi nơi. Chắc thấy mình xếp giấy vui vui nên cũng muốn xếp chung. 93 tuổi rồi vẫn còn biết xếp nha, bạn đừng có mà coi thường cụ. Trò xếp giấy thực sự đòi hỏi kỹ năng khéo léo của các ngón tay và cái đầu ghi nhớ thứ tự, nên không phải ai cũng làm được. Không biết cụ bà 93 tuổi này lúc trẻ có làm nhân viên bộ phận đóng mộc hay không mà cứ sau mỗi nếp gấp hay mỗi thao tác, cụ đều nắm tay lại dọng cái cộp lên giấy, hệt như đang cầm con dấu đóng vậy. Chỉ vậy thôi đó mà cụ bà ngồi xe lăn đối diện cười nắc nẻ suốt buổi gần cả tiếng luôn. Cười đến sặc, ra nước mắt. Tự hỏi ủa vui đến độ có thể cười suốt luôn, mỏi cả quai hàm.
Lần khác, khi mình đang rãnh rỗi nên lân la lại bắt chuyện với cụ ông than nóng nọ, năm nay 83 tuổi. Thiệt ra hồi xưa cụ có nghề tay trái là bói tay á, nên mình muốn hỏi xem sự nghiệp tiền bạc tình yêu thế nào đây. Lần đầu tiên nghe, mình đã không hiểu được “ngôn ngữ bói toán” của cụ, lần thứ hai mình nghe và hiểu được chút chút nhờ có bà vợ của cụ ngồi kế bên “dịch” lại bằng từ ngữ dễ hiểu hơn, và những lần sau đó mình tự nghe rồi tự hỏi lại để xác nhận. Mà hầu như lần nào cũng nói giống nhau, đời mình vẫn chưa đổi vận, càng về sau mới càng thịnh vượng. À cụ ông 83 tuổi này lười lắm cơ, hay lý do lý trấu để trốn các giờ tập thể dục, đánh răng. Gọi mãi như gọi đò mới lò mò ra đánh răng nên thỉnh thoảng hay bị mấy bạn nhân viên nổi nóng quát như con nít.
Có cụ kia vừa đón sinh nhật lần thứ 95, được mệnh danh vui là “đại ca” ở viện này. Vì tính cụ dễ nổi nóng, muốn gì đòi gì thì phải được đáp ứng liền ngay và luôn! Thích uống cà phê nóng hổi và ngọt. Chỉ cần uống được nửa tách thấy hơi nguội xíu là bỏ, nói rằng: “Dở ẹc vậy mà kêu tao uống hả, hổng thèm, tao đi về phòng đây”. Một ngày không biết cụ sẽ hỏi các nhân viên biết bao nhiêu lần rằng: “Bây giờ là mấy giờ? / Tao ăn chưa?” trong khi mới vừa ăn xong trước đó 15 phút. “Ủa bây giờ là ban ngày hả? Vậy mà tao cứ tưởng chiều tối rồi chứ, sao ngày dài quá vậy, người già như tao cả ngày không có gì để làm, chờ đợi hết ngày thiệt là khổ sở... he he he.”, nghe xong thấy thương quá… À cụ này có vẻ không thích người Việt mình lắm, hình như hồi xưa đi chiến tranh loạn lạc sao đó đâm ra lòng tự tôn hơi bị cao. Nên mỗi khi cụ hỏi mình rằng: “Mày từ đâu tới? Mày là người nước nào?” thì mình hay “lấy lòng” cụ bằng cách trả lời: “Tui tới từ Mỹ nè. Ông đến Mỹ bao giờ chưa?”. Ổng kinh ngạc hú hồn ra vẻ thích thú lắm rồi khoe hồi xưa được đi du lịch bên Mỹ thích lắm. Rồi còn hỏi mình ở đâu bên Mỹ. Lúc thì mình trả lời là Los Angeles, lúc thì mình nói California. Thực ra không phải mình muốn làm người Mỹ đâu, chỉ là để giao tiếp cho vui với cụ thôi, trong khi mấy nhân viên người Việt khác có thể giới thiệu họ tới từ Lào hay Campuchia. Nghe có vẻ hơi “phèn”... nhưng mà các bạn ấy thích vậy chăng. Thực ra các cụ Nhật ở đây còn không biết đến Lào là gì, Campuchia có ăn được không, nói chi là ở đâu trên bản đồ.
Có cụ bà năm nay cũng hơn 90 rồi. Khác với các cụ ở đây, bà đặc biệt quan tâm tới những lần đi đại tiện của bà. Dù là lúc đi trực tiếp vào cầu hay lúc lỡ ị đùn vão tã, hay là lúc đang ngồi rặn hết sức trong toilet, bà vẫn không ngại ngùng, vẫn liên tục cập nhật tình hình tiêu tiểu cho người đang đứng kế bên. Mà thỉnh thoảng là mình đó! Mình nhớ có một lần bà đang ngồi rặn trong toilet, mặt đau đớn, mình đã động viên bà bình tĩnh, hít thở đều đặn (trong khi toilet đang bốc mùi nặng) hệt như trong clip đang khuyên mấy bà đẻ vậy. Rồi bà kêu là: “Úi nó (phân) dừng lại giữa chừng mất rồi. À nó ra tiếp rồi nè. À hình như là phân mềm, quá trời luôn. Nước tiểu ra rồi, chắc sắp xong rồi.”, mình đứng chờ ngoài cửa mà mắc cười quá trời quá đất. À mà các cụ bên này sử dụng giấy vệ sinh tiết kiệm lắm. Điển hình là cụ bà này, sau khi nhấn nút rửa mông xong xuôi thì xé giấy lau. Có mỗi một lần xé 4-5 khấc giấy thôi mà cụ lau tới lau lui, thấy vậy, mình bèn xé thêm 5-6 khấc giúp cụ rồi bảo cụ lau đi. Cụ lau xong thấy không dính phân nữa nên kêu là: “Sạch rồi, để lại lần sau sử dụng tiếp ha.”. Úi chao, mình vừa cười vừa nói: “Không, không, vứt đi, đã lau rồi thì dính vi khuẩn rồi á.”
Cũng bởi vì sa sút trí tuệ ảnh hưởng trí nhớ nên các cụ dần dần quên trước quên sau, nói năng không mạch lạc, hành động cũng không kiểm soát được hết, vậy nên mới có nhiều tình huống dở khóc dở cười hàng ngày. Trên đây chỉ là vài mẩu chuyện nhỏ để mọi người có thể hình dung được con người ta càng già đi thì sẽ càng có nhiều biểu hiện khác nhau như thế nào, để sau này ông bà chúng ta, hay bố mẹ chúng ta, những người thân xung quanh chúng ta có rơi vào hoàn cảnh như thế, thì bạn cũng hãy nghĩ lạc quan và giúp đỡ họ nhé.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất