8 tháng làm việc tại viện dưỡng lão Nhật Bản - 3
Tập 3: Ai bắt nạt ai. Ai là người bị ngược đãi. Chắc bạn đang nghĩ rằng công việc này nằm trong môi trường thân thiện, yên bình,...
Tập 3: Ai bắt nạt ai. Ai là người bị ngược đãi.
Chắc bạn đang nghĩ rằng công việc này nằm trong môi trường thân thiện, yên bình, không chịu nắng mưa cực khổ? Nhân viên hoà nhã lịch sự vui tươi với nụ cười luôn nở trên môi? Các cụ đều hiền lành ngoan ngoãn như những cục bột?! Gạch những suy nghĩ đó ngay đi. Làm gì có môi trường làm việc nào tốt đẹp như trí tưởng tượng đâu! Viện dưỡng lão cũng không phải là một ngoại lệ.
Này nhé, bạn biết bọn trẻ con quậy đến nhường nào, nhõng nhẽo mít ướt đến đâu, nũng nịu đủ trò biết bao nhiêu, thì con người càng già cũng càng hoá thành trẻ con ngược đấy! Họ là những đứa trẻ trong hình hài bự ơi là bự, với bộ não đã vắt kiệt chất xám và sức lực để làm việc khi còn trẻ, nên bây giờ họ làm trẻ con, đòi cái này cái kia, muốn được quan tâm chăm sóc để mắt tới 24/24, muốn được hỏi han trò chuyện nhiều... Cũng như ông bà mình ở nhà, luôn thích được con cháu sum vầy cho ăn cho uống, cho đi chơi...
Nhưng có phải lúc nào cha mẹ cũng đủ điều kiện vật chất và thời gian để chăm sóc những đứa trẻ đó hay không, rồi họ đành phó mặc cho một bên thứ ba nào đó nhờ trông giữ hộ, chăm sóc hộ... Mâu thuẫn phát sinh khi các cụ đột ngột thay đổi môi trường sống, thay đổi nếp sinh hoạt, thay đổi thực đơn theo tập thể chung ở viện, thay đổi luôn cả về tinh thần, tính cách, do đó có những đòi hỏi hơi vô lý, hoặc bướng bỉnh không nghe lời, khiến cho các “giáo viên” (ở đây gọi là các nhân viên kaigo) nổi giận như mấy clip “bạo hành” mà dân cư mạng nhà ta hay đăng đùng đùng đó. Mình đã từng không dưới 10 lần chứng kiến cái cảnh bọn nhãi ranh mới bước qua tuổi 20 mà lại vênh mặt cãi tay đôi với các cụ hơn chúng nó sáu, bảy chục tuổi gần đất xa trời. Ủa mắc gì phải thể hiện dữ vậy mấy cưng? Các bạn có từng trải qua hai cuộc thế chiến mà còn sống sót ngồi đây hôm nay để “trả lương” vào túi người ta hay không? Chỉ một chi tiết này thôi cũng thấy rằng sự so sánh khập khiễng đến nhường nào...
Cũng có những “đứa trẻ” do sa sút trí tuệ đến độ không biết thốt lên rằng con ị, con tè nè, mà thực ra thì họ đã quá già và cơ thể không còn đủ chức năng nhận thức cho điều đó nữa. Để rồi chuyện tiêu tè trực tiếp vào bỉm cũng không xa lạ gì nữa, và họ cần thay liên tục. Phân con nít chắc chỉ có sữa hoặc bột nên sẽ không nặng mùi bằng đủ thứ loại đồ ăn mà một người trưởng thành ăn mỗi ngày 3 bữa (hoặc hơn) nhỉ. Và bạn nghĩ sao nếu mỗi ngày đều phải thay dọn tã cho họ. Ngày nào ít người đi phân thì còn đỡ, ngày nào “hội tụ” như trẩy hội thì đảm bảo “vàng” lời nhiều lắm luôn khỏi mua vietlot. Bạn có thể thông cảm cho những nhân viên kaigo đó, về sự cực nhọc họ đang phải chịu đựng để làm (hoặc họ không nghĩ đó là chịu đựng, mà là tính chất công việc như vậy), nhưng liệu bạn có thể nhắm mắt làm lơ bỏ qua mấy phân cảnh họ nạt nộ ra vẻ trịch thượng uy quyền với các cụ không? Bạn nghĩ sao nếu người nhà nhìn thấy những cảnh như vậy? Và bạn nghĩ sao khi trong số những người mình đề cập có cả nhân viên người Việt?
Đừng chỉ toàn nói một chiều rằng đi làm ở Nhật bị bắt nạt. Ở đâu chả thế? Suốt ngày than vãn rằng bị sempai (người đi trước) đì, bị đồng nghiệp người Nhật bắt nạt. Quan trọng là bản thân bạn là ai, bạn có gì, để khiến người ta tôn trọng, ngưỡng mộ, khâm phục, chứ không phải một cái đầu còn non nớt, những vốn từ xấu xí ra vẻ hoạt ngôn để nạt nộ sành sõi những người yếu đuối. Nói thẳng ra là cái người có học thức, biết điều, có trước có sau, lễ nghĩa chừng mực, thì người ta cũng không dễ bắt nạt bạn đâu. Có khi còn “nạt” lại người ta ý chứ ha ha!
Sống mà để người ta khinh thì dễ, chứ để người ta tôn lên cần nhiều năm nữa nha.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất