Tai nạn và té ngã là những tình huống thường gặp nhất có thể gây chấn thương tâm lý ở trẻ em. Chúng là một phần bình thường của quá trình trưởng thành. Thực chất, khi trẻ sơ sinh bắt đầu chập chững biết đi, trẻ phải té ngã để học cách bước đi.

Cách sơ cứu cho trẻ khi gặp tai nạn và té ngã

Té ngã là cảm giác chuyển từ trạng thái thăng bằng sang mất thăng bằng rồi lấy lại thăng bằng. Mặc dù té ngã và tai nạn là những phiền toái không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể giúp trẻ tránh được những triệu chứng chấn thương tâm lý sau khi trẻ bị té ngã. Hãy nhớ rằng một việc không có gì đáng chú ý với người lớn nhưng lại có thể gây sốc cho một đứa trẻ, cho dù chúng chẳng bị thương về mặt thể lý. Một đứa trẻ có thể dễ dàng giấu đi cảm xúc của mình nếu chúng tin lời cha mẹ nói rằng “Có gì đau đâu con” hoặc “Con lớn rồi”, nên trẻ không khóc để cha mẹ được vui lòng.
Trong cuốn sách “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý”, tác giả hướng dẫn các cách sơ cứu cho trẻ khi gặp tai nạn và té ngã. 8 bước sơ cứu bao gồm:
+ Chú ý đến phản ứng của chính bạn:
Hãy dành thời gian để chú ý đến mức độ sợ hãi hoặc lo lắng của chính bạn. Tiếp theo, hãy hít một hơi thật sâu, và khi chầm chậm thở ra, bạn hãy cảm nhận cảm giác của chính cơ thể mình cho đến khi bạn đủ ổn định để phản ứng một cách điềm tĩnh.Người lớn quá xúc động hoặc quá lo lắng có thể làm trẻ thấy hoảng sợ nhiều hơn so với việc trẻ hoảng sợ vì bị tai nạn hoặc bị té.
+ Giữ trẻ ở yên và im lặng:
Nếu vì lý do an toàn hoặc tính chất của tổn thương đòi hỏi phải di chuyển trẻ, hãy bảo đảm trẻ được hỗ trợ chắc chắn. Hãy bế hoặc đưa trẻ đi – đừng để trẻ tự đi lại, ngay cả khi trẻ có thể. Hãy nhớ rằng trẻ có thể vẫn đang bị sốc và không nhận biết được mức độ của tổn thương. Bởi vì lúc này cơ thể của trẻ có thể vẫn còn đầy adrenaline nên điều này có thể hơi khó khăn. Hãy dùng một giọng nói chắc chắn, tự tin để nhẹ nhàng thuyết phục trẻ rằng bạn đang chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ và bạn biết đích xác cần phải làm gì. Hãy giữ ấm cho trẻ bằng áo ấm hoặc chăn mền choàng qua vai và thân mình của trẻ. Nếu thấy trẻ có thể bị chấn thương ở đầu, bạn đừng để trẻ ngủ cho đến khi bác sĩ bảo mọi chuyện đã ổn.
+ Khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian giữ an toàn và nghỉ ngơi:
Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ có dấu hiệu bị sốc (mắt đờ đẫn, da tái, thở gấp hoặc nông, mất phương hướng, xúc động quá mức hoặc biểu hiện buồn quá mức hoặc hành xử như thể không có gì xảy ra). Đừng để trẻ chơi đùa trở lại. Hãy giúp trẻ biết cần phải làm gì bằng cách làm mẫu cho trẻ cách thư giãn, im lặng và ở yên. Bạn có thể nói điều gì đó như: “Sau khi bị ngã, điều quan trọng là con phải ngồi (hoặc nằm) yên và chờ tới khi cơn sốc qua đi. Mẹ sẽ ở bên cạnh con cho đến lúc đó”. Hay cho trẻ biết là bạn biết điều gì là tốt nhất bằng cách nói với giọng điềm tĩnh, tự tin.
+ Ôm trẻ:
Nếu con của bạn là trẻ sơ sinh hoặc còn rất nhỏ, bạn nên ôm trẻ vào lòng. Hãy ôm trẻ một cách chắc chắn nhưng nhẹ nhàng. Tránh ôm siết trẻ quá chặt, không vỗ lưng cũng không đung đưa trẻ vì hành động này có thể làm gián đoạn sự hồi phục khi can thiệp vào phản ứng tự nhiên của cơ thể trẻ. Để giao tiếp mang tính hỗ trợ và trấn an trẻ lớn tuổi hơn mà không làm gián đoạn quá trình hồi phục, chúng tôi gợi . bạn h.y đặt tay lên lưng trẻ, ở vị trí ngay sau tim, hoặc đặt tay lên bắp tay của trẻ, chỗ gần vai. Một “bàn tay chữa lành” ấm áp có thể giúp trẻ cảm thấy vững vàng khi sự điềm tĩnh của bạn truyền qua trẻ bằng cái chạm tay như thế, dĩ nhiên việc này chỉ xảy ra khi trẻ chấp nhận để bạn chạm vào trẻ.
+ Khi cơn sốc đã hết, hãy hướng dẫn trẻ chú tâm vào cảm giác của mình:
Ngôn ngữ của quá trình hồi phục là ngôn ngữ của bộ não bản năng – ngôn ngữ của cảm giác, của thời gian và sự kiên nhẫn. Cái chạm tay của bạn vào cơ thể trẻ quan trọng thế nào thì giọng nói của bạn cũng quan trọng thế nấy. Hãy nhẹ nhàng hỏi xem trẻ cảm thấy như thế nào “trong cơ thể của trẻ”. Lặp lại câu trả lời của trẻ dưới dạng câu hỏi – “Con cảm thấy ổn trong cơ thể mình?” – và chờ trẻ gật đầu hoặc có phản ứng nào đó khác. Với câu hỏi tiếp theo, bạn cần cụ thể hơn: “Con cảm thấy thế nào trong bụng (đầu, tay, chân,…)?”. Nếu trẻ đề cập đến một cảm giác nào đó khác, bạn hãy nhẹ nhàng hỏi thêm về cảm giác đó, ví dụ vị trí, độ lớn, hình dáng, “màu sắc”, hoặc “sức nặng”. Đừng lo lắng về ý nghĩa của các cảm giác này; điều quan trọng là trẻ có khả năng chú ý đến cảm giác của mình và chia sẻ điều đó với bạn. Hãy hướng dẫn trẻ chú tâm vào thực tại bằng những câu hỏi như: “Bây giờ, con cảm thấy như thế nào về hòn đá ấy (vật sắc, khối, “cái đó”, vết chích)?”. Nếu trẻ còn quá nhỏ hoặc còn quá hoảng sợ để có thể trả lời thì hãy để trẻ chỉ vào chỗ bị đau.
+ Im lặng trong một đến hai phút giữa các câu hỏi:
Đây có thể là phần khó làm nhất đối với cha mẹ, nhưng lại là việc quan trọng nhất đối với trẻ. Nó cho phép chu trình sinh lý học di chuyển trong cơ thể của trẻ để giải tỏa nguồn năng lượng dư thừa và hướng đến việc hoàn thành chu trình. Hãy chú ý đến các dấu hiệu cho bạn biết là một chu trình để hoàn tất, như: trẻ hít thở tự nhiên, sâu và thư giãn, hết khóc hoặc hết run rẩy, trẻ định hướng được mọi thứ xung quanh hoặc có thể tiếp xúc bằng mắt. Hãy chờ xem có chu trình nào khác bắt đầu hoặc dừng lại không? Nên nhớ rằng lúc này trong hệ thần kinh của trẻ có rất nhiều thứ đang diễn ra một cách vô hình. Đó là lý do tại sao bạn phải chờ một dấu hiệu cho thấy mọi thứ có thay đổi.
+ Không nhắc lại tai nạn hoặc cú té ngã trong suốt giai đoạn sơ cứu ban đầu:
Tốt nhất là không nói gì về tai nạn, đừng hỏi han trẻ để làm dịu bớt nỗi lo âu hoặc tò mò của chính bạn. Lý do là câu chuyện có thể ngắt ngang giai đoạn nghỉ ngơi cần thiết để giải tỏa nguồn năng lượng đã bị khơi lên. Kể về tai nạn có thể làm trẻ bị tổn thương ngay khi trẻ cần được ổn định. Chỉ khi im lặng chờ đợi thì các cảm giác không chủ ý như giật mình, run rẩy và rùng mình mới bắt đầu chu trình của chúng để nhanh chóng đưa tới sự thư giãn bình tĩnh.
+ Tiếp tục chấp nhận các phản ứng thể lý của trẻ:
Hãy kìm lại ý muốn ngăn trẻ khóc lóc hoặc run rẩy. Tiếp tục giao tiếp bằng mắt với trẻ, nhắc nhở trẻ là chuyện gì xảy ra thì cũng đã xong rồi, và trẻ sẽ sớm thấy ổn thôi. Để trở lại trạng thái cân bằng, quá trình giải tỏa năng lượng của trẻ cần phải được tiếp tục cho đến khi nó tự kết thúc. Thông thường, quá trình này mất từ một đến vài phút. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ nào có thể khóc lóc và run rẩy sau khi gặp tai nạn là trẻ sẽ gặp ít vấn đề hơn trong quá trình hồi phục.

Cuốn sách Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý

“Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” là một công cụ quan trọng giúp cha mẹ và người lớn chúng ta biết cách xử sự với những đứa trẻ bị chấn thương tâm lý. Chúng ta phải hiểu rằng chấn thương tâm lý là một phần của cuộc sống và chúng ta cần phải trang bị cho mình kiến thức để ứng phó với nó.
Đây là một cuốn sách xuất sắc. Nó giúp chúng ta hiểu được một đứa trẻ bị chấn thương tâm lý thực chất là như thế nào cũng như thấu hiểu và tận dụng khả năng tự chữa lành của trẻ. Với lòng trắc ẩn và sự uyên bác, tác giả đã mang lại những kiến thức vô cùng dễ hiểu cho những ai quan tâm và chăm sóc trẻ em.
Với một giọng văn giản dị nhưng dùng nhiều thành ngữ thời đại cũng như thuật ngữ riêng của trường phái Thân nghiệm của hai tác giả. Đây không phải là một giáo trình khô khan với những lý thuyết, mô hình, nguyên nhân và triệu chứng. Các ví dụ điển hình sinh động qua những câu chuyện có thực của hai tác giả, cuốn sách cho thấy nạn nhân chấn thương tâm lý không chỉ đến từ các trải nghiệm thảm khốc mà còn từ những sự kiện bình thường trong đời sống hằng ngày như chấn thương thể thao, tai nạn xe cộ, hay chữa bệnh.
Không tự giới hạn trong những cách khắc phục chấn thương ngay từ đầu với những phương pháp sơ cứu cảm xúc hay phòng ngừa từ những dấu hiệu xuất hiện sớm nhất, Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý còn hướng dẫn và mô tả các bước trị liệu cho trẻ từng bị chấn thương từ nhiều năm mà nay biểu hiện qua các triệu chứng như lo âu hay trầm cảm.
Với hành trang như tác phẩm "Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý" này, chúng ta tin rằng bước chân của mình sẽ vững chắc hơn với niềm tự tin hiểu đúng làm đúng.