7 tips đọc sách Tiếng Anh
Mình nghĩ cách tốt nhất để có thể đọc hiểu được sách Tiếng Anh đó là hãy đọc sách Tiếng Việt....
Mình nghĩ cách tốt nhất để có thể đọc hiểu được sách Tiếng Anh đó là hãy đọc sách Tiếng Việt.
Mình là người thích đọc sách và những năm gần đây mình bắt đầu tiếp cận đến sách Tiếng Anh. Vậy thì sau một thời gian đọc và nghiền ngẫm thì mình thấy thực sự là sách Tiếng Anh khá là... khoai nhưng bù lại những lợi ích nó mang lại là không hề nhỏ. Chính vì vậy, trong bài viết này, mình cũng muốn chia sẻ một chút trải nghiệm của bản thân khi đọc sách Tiếng Anh cho các bạn nào còn mới tiếp cận và cũng thấy khoai khoai như mình. Thế nhưng tại sao chúng ta lại nên quan tâm tới những sách Tiếng Anh?
Bất cứ ai hỏi mình nếu đọc sách thì nên đọc sách gì, mình luôn trả lời là: Nếu bạn có điều kiện và khả năng, hãy tìm đọc sách gốc bằng Tiếng Anh. Bởi vì mình tin rằng, những thông tin từ sách rất mới và chuẩn.
Để một cuốn sách được dịch ra thì thực sự nó tốn rất nhiều thời gian và công đoạn, ấy là chưa kể phải có nhà xuất bản nào đó chịu xuất bản dòng sách có chủ để mà bạn yêu thích. Đặc biệt là những sách về chuyên môn, ví dụ như trải nghiệm của bản thân mình, có những cuốn sách về kinh tế, tâm lý học và nhiếp ảnh rất hay, kiến thức rất mới mà mình thấy trên Amazon, nhưng nếu mình mà đợi cho đến khi ai đó dịch nó ra và xuất bản thì chắc là chờ đến thiên thu mất, thế là mình đặt ngay về đọc luôn cho nóng. Đấy là những kiến thức vô cùng mới, thực ra là mới với mình nhưng cũ với thế giới rồi, vì người ta đã trải nghiệm, nghiên cứu đã đời rồi mới viết thành sách mà. Nhưng chí ít, nó đủ mang tính cập nhật để mình có thể góp nhặt kiến thức để phục vụ cho công việc và đời sống
Đấy là tính mới mẻ, thế thì tại sao nó lại chuẩn? Chuẩn ở đây ý mình là bạn có cơ hội được đọc trực tiếp lời văn của tác giả, còn chuẩn theo kiểu khoa học hay không, hay tính chuyên môn chính xác như thế nào thì chúng ta sẽ bàn sau. Nhưng chí ít, bạn hiểu được bối cảnh thực sự những gì tác giả nói ra, thay vì đọc được cũng những ý đó mà nó ở đâu đó trên mạng, hay bản dịch lậu, khi mà câu văn đó đã được dịch qua nhiều bộ lọc, cắt xén hay tệ hơn là một cuốn sách chuyên môn nhưng được dịch bởi người không có chuyên môn.
Nếu bạn có điều kiện và khả năng, hãy tìm đọc sách gốc bằng Tiếng Anh. Bởi vì mình tin rằng, những thông tin từ sách rất mới và chuẩn.
Vậy thì cần điều kiện gì và khả năng gì để đọc được sách Tiếng Anh?
Điều kiện tiên quyết là bạn phải biết Tiếng Anh. Nếu bạn không biết Tiếng Anh, hãy học Tiếng Anh. Thực ra cũng không phải là ý tồi nếu bạn đọc sách Tiếng Anh để học Tiếng Anh. Nhưng cá nhân mình nghĩ rằng việc "học Tiếng Anh" nó khác biệt nhiều lắm so với việc "đọc sách Tiếng Anh để học Tiếng Anh". Thường thì đọc sách Tiếng Anh là để trau dồi thêm Tiếng Anh mà thôi. Còn học Tiếng Anh ở đây là học ngữ pháp, từ vựng cơ bản,...
Mình nghĩ bạn cần thời gian và tiền bạc, vì sách gốc Tiếng Anh thì đúng là khá mắc và để đọc được nó thì tất nhiên là cũng cần kha khá thời gian. Thì tuỳ nhu cầu và nguồn lực của mỗi người mà bạn hãy tinh chỉnh cho phù hợp. Ví dụ với những bạn du học sinh thì sách Tiếng Anh là cơm bữa của các bạn ấy, nhưng với những người đi làm như mình thì việc đọc nó không được thường xuyên như vậy.
Còn bây giờ, mình sẽ chia sẻ vài trải nghiệm của bản thân, hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được đôi chút kỹ năng cho việc đọc sách Tiếng Anh. Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ tập trung vào việc đọc sách để tìm kiếm thông tin, học tập, còn với các bạn đọc sách để giải trí, thưởng thức văn học, chơi chơi,.. thì các bạn cứ đọc sách bình thường như cách bạn đọc sách Tiếng Việt thôi.
0. Chọn sách
Bước này khá đơn giản nhưng cũng không kém phần quan trọng mà cũng không quá nghiêm trọng nhưng mình nghĩ vẫn nên nhắc ở đây nên mình để là bước 0. Chọn một cuốn sách mà bạn thích mà đọc, thế thôi. Nếu bạn có đủ sự quan tâm tới nó, cảm thấy nó hữu ích hay ý nghĩa với bạn thì bạn mới có hứng thú để đọc, còn không, cứ băm sách Tiếng Việt mà đọc, cũng là đủ rồi. Khi mới bắt đầu, bạn cũng không nên chọn sách quá khó và quá hàn lâm, cứ sách dễ dễ mà bắt đầu thôi. Không ai mà trong lần chạy đầu tiên khi chưa luyện tập gì mà có thể chạy ngay 10km cả, hoặc là bạn có thể chạy được nhưng sau đó ngủm luôn. Vì vậy, hãy bắt đầu nhỏ.
1. Hãy đọc sách Tiếng Việt
Nếu bạn đọc những cuốn sách văn học, truyện tranh hay self-help,...thì không có vấn đề nhiều lắm, nhưng nếu nó là sách chuyên môn, mình nghĩ chúng ta nên tìm đọc những cuốn sách chuyên môn bằng Tiếng Việt trước, vì nếu không, bạn sẽ rất bối rối khi gặp từ chuyên môn đó ở Tiếng Anh, thậm chí dẫn đến việc hiểu sai từ chuyên môn. Vậy thì những từ chuyên môn ấy học ở đâu? Cách mình hay làm là hỏi các chuyên gia ở lĩnh vực ấy, họ có thể là người thầy, người cô, người bạn, người anh, người chị, một cộng đồng... Nếu họ không thể trực tiếp trả lời bạn, họ cũng có thể giới thiệu bạn sách nào, nguồn nào để bạn học được nó.
Lấy ví dụ: stock là cái kho nhưng khi ghép nó với Stock market thì ta có Thị trường chứng khoán, share là chia sẻ nhưng khi nó đi cùng Market share thì nó mang nghĩa là thị phần. Mà thậm chí với những bạn mới, nói Tiếng Việt chữ "thị phần" không thôi thì cũng chưa chắc bạn sẽ hiểu nó là cái gì. Nhưng giả sử bạn đã hiểu được ý nghĩa của thị phần là gì, thì khi bạn gặp nó trong sách Tiếng Anh, bạn rất nhanh bắt nhịp với tác giả.
Bạn đừng cứng nhắc nó cứ phải là sách Tiếng Việt, điều mà mình muốn nhấn mạnh ở điều 1 này, là hãy tiếp cận với những khái niệm cơ bản và chuyên môn của lĩnh vực bạn sắp đọc. Nó có thể là sách, tài liệu, bài báo, bài post facebook của một chuyên gia hoặc thậm chí không phải là đọc mà là thông qua làm việc với chuyên gia, khoá học ngắn hạn nào đó,... Có thể nó lâu một chút ở giai đoạn ban đầu, nhưng sau đó thì nó sẽ giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn rất nhiều sau này.
Cái khó khăn nhiều nhất khi các bạn đọc sách Tiếng Anh là các bạn không hiểu nó đang nói gì, dẫn tới việc các bạn bị nản, và nản rồi thì không muốn đọc nữa. Vậy thì đi sâu hơn nữa, các bạn không hiểu nó đang nói gì vì từ mới, ngữ pháp mới, có quá nhiều từ chuyên môn và một phần là do bình thường cũng ít đọc sách nên khả năng đọc hiểu nó cũng không được mượt cho lắm. Vì vậy, nếu bạn xác định khó khăn là gì rồi, thì bạn hãy từng bước giải quyết nó.
2. Bạn không cần phải hiểu hết 100%
Trừ khi bạn làm dịch giả của cuốn sách, còn mình nghĩ đã phần chúng ta đọc sách để giải trí, học cái mới,... đại khái là mang tính thường thức nhiều hơn thì chúng ta không cần hiểu hết 100% mọi từ ngữ trong cuốn sách. Nếu bạn đọc đủ nhiều, sẽ có lúc bạn còn đoán nghĩa được từ mới luôn cơ. Trước khi đọc một cuốn sách, bạn hãy xác định rõ bạn muốn đọc cuốn sách này vì lý do gì? Và chỉ tập trung vào nó, vào những ý chính giúp bạn đạt được mục đích của bạn. Những từ ngữ, những câu lan man, những đoạn không cần thiết thì bạn có thể lược bỏ. Thậm chí, có những cuốn sách mà khi đọc qua mục lục, mình biết ngay chương nào mình cần đọc và mình cũng sẵn sàng bỏ qua các chương mình thấy là không cần thiết lắm với mình.
3. Luôn sẵn sàng từ điển
Chắc chắn là như thế, sẽ có lúc bạn gặp những từ ngữ hay ngữ pháp khó hiểu, thì bạn nên tra ngay, tìm hiểu ngay. Và cũng chính vì bước này nó khá là kỹ và lâu nên bước 2 ở trên giúp bạn tiết kiệm thời gian để làm bước 3 này. Mình hay xài song song từ điển Anh-Anh và Anh- Việt để hiểu rõ từ mới. Tuy nhiên, đối với những bạn mới, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn và nản nếu gặp một cuốn sách quá nhiều từ mới, đó là khi bạn mới bắt đầu và chưa tích luỹ được nhiều từ vựng. Điều này cũng là bình thường thôi, khi mình mới bắt đầu, việc tra từ điển như mưa dù đọc mới 1 trang sách cũng khiến mình khá là nản. Nhưng khi bạn tích luỹ được một thời gian đủ dài, thì việc này sẽ dần bớt lại. Vốn dĩ việc đọc và học là một hành trình dài mà.
Đây cũng là bước giúp bạn giải quyết khó khăn mình nói ở mục 1. Thường mọi người sẽ "lười 1 xíu" và bỏ qua bước này, cứ lướt lướt và nghĩ là mình hiểu rồi, và nhiều lần như thế, là bạn đã thành thạo kỹ năng " nghĩ là mình hiểu rồi" mà thực chất là bạn chưa hiểu.
4. Ghi chú
Hãy ghi chú luôn vào sách, nếu đó là sách mượn, hãy ghi chú vào một quyển sổ. Việc hiểu ỹ nghĩa của một từ trong một bối cảnh nào đó là rất quan trọng, khi bạn ghi chú trực tiếp vào sách tức là bạn sẽ đọc hiểu hơn là đọc vẹt.
5. Tóm tắt ý
Thông thường, các tiêu đề trong sách là các ý chính, bạn nên lưu ý tới các tiêu đề, vì nó sẽ giúp bạn hình dung được tổng thể những gì bạn sẽ đọc sắp tới.
Sau khi đọc hết 1 chương, hay 1 cuốn sách. Bạn hãy thử tóm tắt lại theo ý hiểu của bạn. Đó là cách dễ nhất để bạn kiểm tra khả năng đọc hiểu và tổng hợp thông tin của bản thân, và cũng là cách bạn ôn lại những gì đã học. Nếu bạn đọc xong mà chưa thể tóm tắt lại được, thì một là bạn thiếu kỹ năng tổng hợp thông tin, và hai là bạn thực sự chưa hiểu những gì bạn đọc lắm đâu, hãy tiếp tục đọc lại.
6. Trao đổi
Đừng ngại trao đổi những gì bạn đã học với người thầy, người bạn của bạn, những người cùng đam mê. Đó là một trong những cách nhanh nhất để bạn kiểm tra được kiến thức của bạn. Vì sẽ có những thứ bạn sẽ vỡ lẽ ra rất nhiều khi có thêm một góc nhìn, thay vì bạn chỉ trầm ngâm nghiên cứu một mình bạn. Nhiều khi sai tè le ra đó mà không biết cũng nên.
7. Đừng vội
Bạn không cần phải ngầu lòi 1 năm đọc 24 cuốn sách top 100 từ Amazon. Tất nhiên nếu bạn đủ khả năng làm như thế thì tốt cho bạn. Nhưng nếu bạn mới bắt đầu, thì 1 năm 1 cuốn sách Tiếng Anh cũng là một khởi đầu tốt. Và nếu bạn duy trì được như thế 10 năm thì cũng là một điều khác biệt lớn rồi.
Tổng kết
Trên đây là 7 tips mình nghĩ là sẽ hữu ích với các bạn nào muốn đọc sách Tiếng Anh mà còn nhiều khó khăn. Mình nghĩ đọc sách cũng là một kỹ năng như bao kỹ năng khác mà thôi, và mình cũng đang rèn luyện từng ngày, nhưng quan trọng hơn hết, hãy tận hưởng quá trình rèn luyện này, bạn nhé.
Chúc bạn một ngày cuối tuần vui vẻ.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất