(Disney Wiki)
ebay.co.uk
Disney Movies
Những bộ phim hoạt hình của Pixar không chỉ thích hợp cho trẻ em mà cả ở người lớn, và đặc biệt, khi càng lớn, bạn sẽ dễ dàng thấm thía giá trị thực sự của Pixar. Với một đứa trẻ, Pixar đơn giản chỉ mang lại sự vui nhộn, còn với người lớn, có thể là những hồi tưởng, ký ức, hay thậm chí hiểu được tâm lý con trẻ và người lớn tuổi.
Cả ba bộ phim này đều đạt giải thưởng Oscar, và đều có nhân vật chính là con người, và đều lấy đi nhiều nước mắt từ người xem. Sau đây, chúng ta cùng khám phá 7 điểm tương đồng của 3 phim hoạt hình này nhé!

1) Nhân vật cô/cậu bé 11- 12 tuổi

Việc chọn những nhân vật chủ đạo ở độ tuổi này không phải do sự tình cờ. Trong Up, cậu bé Russell 11 tuổi có cha mẹ ly dị, em sống với mẹ kế và người cha hay vắng nhà. Trong Inside Out, cô bé Riley 11 tuổi trải qua cú sốc đầu đời khi rời khỏi căn nhà dấu yêu để đến một nơi khác. Trong Coco, cậu bé Miguel 12 tuổi chống đối gia đình để theo đuổi âm nhạc dù bị gia đình ngăn cấm. Tại sao nhà sản xuất lại giáng những biến cố này lên những đứa trẻ?
11, 12 tuổi ở phương Tây được gọi là tuổi “tween”, tức ranh giới giữa trẻ em và trẻ vị thành niên. Ở tuổi này, trẻ bắt đầu ý thức được sự mất mát của niềm vui, cũng như lòng tự trọng và niềm tự tôn của chính mình. Và trong chúng dễ hình thành sự nổi loạn chống đối.
Ở Up, Russell cương quyết bảo vệ chú chim đầy màu sắc, cãi nhau với Carl và bỏ đi, bất kể điều ấy ảnh hưởng đến tính mạng của cậu như thế nào.
Và xuyên suốt ba bộ phim chính là hành trình để làm chủ cảm xúc của những cô cậu bé 11-12 tuổi. Nó để lại một bài học lớn trong lòng người lớn.

2) Nhân vật người già đi cùng cô cậu bé 11-12 tuổi

Ở Up, chính là Carl, cụ ông vừa mới mất đi người vợ thân yêu và có nguy cơ bị đưa vào nhà dưỡng lão. Trong Inside Out, đó không phải là con người, mà là nhân vật Bing Bong, nhân vật trong trí tưởng tượng của Riley, là nhân vật già dặn nhất. Trong Coco là hai người, bà cố Coco ở trên trần thế, ở hạ thế là cụ cố Hector Rivera. Sự xuất hiện của những nhân vật này giúp chúng ta hiểu thêm về cảm giác khó khăn khi rời xa khỏi sự thân thuộc và ý thức về việc mình sẽ qua đời.
Carl cùng chùm bóng bay vút lên
Khi rơi xuống bãi ký ức bị lãng quên và thấy thân thể mình dần hóa vào thinh không, Bing Bong cố gắng thúc đẩy Joy bằng mọi giá đem lại niềm vui cho Riley.
Trong Coco, Bà cố Coco khi nghe Miguel nhắc đến Hector ở khúc cuối bài hát “Remember Me”, bà mới cất tiếng nói.

3) Bất đồng giao tiếp giữa hai người dẫn đến cao trào của bộ phim

“In any relationship, communication is key” - Trong bất kỳ mối quan hệ nào, giao tiếp là vấn đề chủ chốt.
Trong Up, Carl với Russell tranh cãi về việc bảo vệ chú chim đủ sắc màu dẫn đến việc Carl phải một mình chiến đấu với kẻ ác nhân Charles Muntz, người từng là thần tượng của vợ chồng ông thời thơ ấu nhằm bảo vệ tính mạng của chính mình và Russell.
Trong Inside Out, việc giành quả cầu lõi trí nhớ giữa Vui vẻ và Buồn bã đẩy cả Trung tâm điều khiển vào sự tê liệt.
Trong Coco, việc cả gia đình không tôn trọng ý muốn của Miguel khiến cậu phải bước vào ranh giới giữa sự sống và cái chết.

4) Thay đổi hình mẫu thần tượng: khi nhân vật thần tượng thành kẻ ác

Điều này không có trong Inside Out, chỉ có ở Up và Coco.
Nguồn ảnh: Pixar Wiki
Trong Up, Charles Muntz đã luôn là thần tượng của Carl và Ellie khi còn thơ bé, nhưng mãi sau này khi gặp được, chính hắn ta là kẻ tìm cách giết hại Carl và Russell, vì cả hai người có được chú chim dẽ giun, thứ mà cả đời hắn cố tìm kiếm để hồi phục danh dự.
Nguồn ảnh: Pixar Wiki
Trong Coco, Ernesto de la Cruz, thần tượng của Miguel, người mà Miguel cố gắng sống chết để xin được chúc phúc về trần thế, hóa ra là một kẻ giết người, “Tìm mọi thủ đoạn để nắm giữ những khoảnh khắc”.
Việc khắc họa nhân vật cũng một phần cho thấy tuổi trẻ có một phần sai lầm trong việc nhận thức về thần tượng của chính mình.

5) Vai trò của các con vật trung thành

Đó chính là loài chó, trong Up và Coco.
(Nguồn ảnh: Moviefone)
Trong Up, chú chó Dug, đáng ra là tay sai bị thất sủng của Charles Muntz, là chú chó luôn tìm cách để Carl thực sự là ông chủ của mình. Dug cũng tự tay mình chống chọi lũ chó bầy tớ của Charles Muntz và tự tay lái khinh khí cầu để giúp Carl và Russell an toàn.
(Nguồn ảnh: Bowdoin College Research)
Trong Coco, Dante là một con chó hoang, luôn nhảy cẫng đến mức quắn lưỡi khi thấy Miguel hát, và dù có lúc bị Miguel hắt hủi, Dante vẫn quay lại để tìm cách cứu cậu.

6) Màu sắc làm nên chất thơ của bộ phim

Trong Up, đó là dàn bóng bay đủ màu sắc. Trong Inside Out, đó là Trung tâm điều khiển cảm xúc gồm 5 sắc màu. Trong Coco, là không khí hóa trang và ngập tràn cờ hoa của Lễ hội người chết, cũng như màu sắc sân khấu ở thế giới người chết.

7) Yêu thương vô điều kiện

Đó là thông điệp cuối cùng mà cả ba bộ phim đều nhắm đến. Việc yêu thương một người có điểm tương đồng với mình là điều vô cùng dễ dàng, nhưng để yêu thương một ai đó khác với mình đòi hỏi sự thấu hiểu và thử thách. Yêu thương vô điều kiện chính là cách gỡ thắt tất cả những mâu thuẫn cao trào ở những bộ phim.
(Nguồn: The Pixar Times)
Ở khúc cuối Up, Carl đã tự tay đeo chiếc huy hiệu được làm từ nắp chai soda của vợ ông lên ngực áo Russell cho việc giúp đỡ người già.
(Nguồn ảnh: Disney Wiki)
Trong Inside Out, hình ảnh cả gia đình Riley cùng ôm nhau trong nước mắt và việc Joy cùng Sadness cùng hạnh phúc trước không khí này chính là gỡ nút của những mâu thuẫn cao trào.
(Nguồn ảnh: Pinterest)
Trong Coco, việc cuối cùng bà cụ cố, vợ của Hector Rivera chúc phúc Miguel: “Và hứa với bà, không được quên gia đình cháu yêu thương cháu đến nhường nào”, thay cho lời cấm cản không được chơi nhạc, là lời hóa giải hết những oán hận giữa bà và người chồng, và sau đó giữa Miguel và gia đình.
Còn điểm tương đồng nào giữa 3 bộ phim trên mà bạn có thể phát hiện nữa không? Hãy comment ở dưới cho người viết biết nhé <3