7 giải pháp Game hóa tinh gọn cho Doanh nghiệp
Qua trao đổi với rất nhiều các anh chị em doanh nghiệp, một điều mà tôi nhận thấy rất rõ là Game hóa vẫn còn là một khái niệm khá mới...
Qua trao đổi với rất nhiều các anh chị em doanh nghiệp, một điều mà tôi nhận thấy rất rõ là Game hóa vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam và các doanh nghiệp vẫn còn rất rụt rè trong việc áp dụng các phương pháp, công cụ hay giải pháp Game hóa vào doanh nghiệp của mình.
Vậy thì trong bài viết này, tôi xin được chia sẻ 8 gợi ý giải pháp nhỏ cho các anh chị em doanh nghiệp, dựa trên các tiêu chí như sau:
1. Chi phí implementation thấp, có thể dễ dàng áp dụng mà không cần hoặc cần ít nghiệp vụ kỹ thuật.
2. Hiệu suất trên chi phí (ROI) cao.
3. Chỉ áp dụng cho nội bộ và không yêu cầu công ty phải có sự thay đổi lớn trong chính sách nội bộ.
Mục tiêu chính của bài viết này là giới thiệu qua các công cụ hoặc phương pháp Game hóa để áp dụng. Nếu anh chị cần thêm thông tin về khái niệm Game hóa cũng như mức độ hiệu quả của Game hóa, tôi xin đề xuất theo dõi trang Ludo Lab cũng như bài viết dưới đây.
1. QuizUp
QuizUp là một game app với core gameplay thuộc dạng trivia challenge. Mỗi một ván chơi trong QuizUp sẽ là một cuộc thi giữa hai người chơi xem ai là người có thể trả lời được một bộ câu hỏi trắc nghiệm chung nhanh hơn và chính xác hơn.
Ngoài ra, QuizUp còn có một số các cơ chế phụ trợ mang tính game khác giúp tăng cường trải nghiệm như cá nhân hóa profile của người chơi, bảng xếp hạng, điểm kinh nghiệm, buff chỉ số, v.v.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là QuizUp cho phép người chơi tự tạo ra một chủ đề (topic) của riêng mình để thử thách những người chơi khác. Mỗi chủ đề sẽ bao gồm một tập các câu hỏi trắc nghiệm do chính bạn tạo ra, hoặc bạn cũng có thể assign cho một vài người khác cùng đóng góp xây dựng chủ đề. Bạn chỉ cần đăng nhập vào QuizUp trên máy tính, sau đó chọn Create Your Own Topic ở sidebar bên trái để tạo một topic riêng cho doanh nghiệp của mình. Chủ đề bạn tạo ra có thể là bất cứ thứ gì liên quan đến doanh nghiệp như đặc tính sản phẩm, văn hóa & lịch sử công ty, hoặc đôi khi là những câu hỏi mang tính cá nhân hơn để cho vui cửa vui nhà.
QuizUp là một công cụ game dễ sử dụng và khá hiệu quả trong việc đào tạo, tăng gắn kết của nhân sự cũng như teambuilding.
2. Kahoot
Kahoot là một công cụ mà có thể một số anh chị chuyên làm đào tạo hoặc trong ngành giáo dục sẽ thấy rất quen thuộc. Nhưng tất nhiên là bởi vì nó hiệu quả nên vẫn xứng đáng được nhắc đến tại đây.
Về cơ bản, Kahoot cũng là một trò chơi với core gameplay xoay quanh trivia challenge. Nhưng khác với QuizUp vốn là một game đối kháng giữa hai người chơi và có thể chơi thuần túy từ xa (remote), thì Kahoot là game dành cho nhiều người chơi và bắt buộc những người chơi phải hiện diện cùng nhau. Do vậy, Kahoot sẽ phù hợp hơn với những buổi meeting, đào tạo với số lượng lớn, những buổi teambuilding đông đủ nhân sự, v.v.
Cách hoạt động của Kahoot như sau: Người tổ chức sự kiện sẽ tạo một phòng chơi Kahoot, trong đó bao gồm một bộ những câu hỏi trắc nghiệm bất kỳ. Sau khi hoàn thành, người tổ chức sẽ có thể cho chiếu URL của phòng chơi Kahoot lên màn hình lớn hoặc màn chiếu để những người tham gia sự kiện có thể nhìn thấy. Người tham gia vào phòng chơi bằng cách mở trình duyệt web trên điện thoại và truy cập vào URL đó. Khi số lượng người tham gia đã đủ, trò chơi có thể bắt đầu. Người tham gia sẽ thi nhau xem ai trả lời các câu hỏi đúng và nhanh nhất. Khi trò chơi kết thúc, các thông số của tất cả những người chơi cũng như người thắng cuộc sẽ được công bố trên màn hình.
Kahoot là một công cụ rất hữu ích để "break the ice," giúp cho những người tham gia cuộc họp hay sự kiện có thể thả lỏng, giảm bớt căng thẳng, cảm thấy thoải mái hơn và qua đó gia tăng tính gắn kết và tương tác với chương trình hơn. Rất phù hợp với các cuộc họp quan trọng và các buổi đào tạo nhân sự mới.
3. Forest
Forest là một app thuộc phân khúc hỗ trợ tăng hiệu suất làm việc (productivity), giúp tăng khả năng tập trung cao độ của bạn bằng cách khuyến khích bạn không được động vào điện thoại của mình trong một khoảng thời gian nhất định (25 phút theo phương pháp PoMoDoRo.)
Khởi đầu trong Forest, bạn sẽ được giao một mảnh đất ảo, và việc bạn cần làm là... để yên nó đấy và tập trung vào công việc củab ạn. Cứ mỗi khoảng 25 phút tập trung cao độ của bạn, Forest sẽ mọc thêm một cái cây xanh trên mảnh đất ảo đó. Sau một thời gian với nhiều phiên 25 phút tập trung cao độ, bạn sẽ nhận thấy rằng mình đã trồng được cả một khu rừng ảo của riêng mình.
Chưa hết, bằng cách chơi Forest, bạn cũng có thể thu thập được một loại tiền ảo. Loại tiền ảo này cũng có thể được sử dụng để giúp trồng những cái cây có thật ngoài đời ở năm quốc gia Nam Phi, bao gồm Cameroon, Kenya, Senegal, Uganda và Tanzania. Dựa trên biểu đồ phân tích Octalysis Framework, cách làm này của Forest đánh vào động lực muốn được đóng góp, muốn được trở thành một phần của một hoạt động xã hội cao cả nào đó của người dùng. Và đó cũng là lý do mà Forest được giới chuyên môn cũng như các doanh nghiệp sử dụng phổ biến và đánh giá rất cao.
Mặc dù yếu tố tương tác xã hội giữa những người dùng trong Forest là không cao như QuizUp hay Kahoot, vì dù sao Forest cũng là productivity app, thì Forest cũng vẫn có Leaderboard để người dùng và bạn bè có thể so sánh với nhau xem ai có hiệu suất làm việc cao hơn. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ chế này để dễ dàng phổ biến Forest với các nhân sự công ty.
4. Xổ số chấm công
Nếu doanh nghiệp của bạn có sử dụng một hệ thống chấm công và có chính sách thưởng phạt đối với việc chấm công, thì đây là một phương pháp game hóa cực kỳ hiệu quả giúp nâng cao ý thức của nhân sự.
Cách thực hiện rất đơn giản: nhân sự nào chấm công muộn giờ sẽ bị phạt một khoản tiền hoặc thứ gì đó tương tự do doanh nghiệp tự đánh giá. Các nhân sự chấm công đúng giờ tất cả các ngày trong tuần (hoặc tháng) sẽ được một suất vé xổ số vào cuối tuần (hoặc tháng), với giải thưởng chính là số tiền phạt của tất cả những người chấm công muộn trong tuần (hoặc tháng) đó.
Lý do mà kỹ thuật này hiệu quả cũng tương tự như lý do mà các sòng bạc, các casino lại cuốn hút những người chơi đến thế. Con người chúng ta hầu như khó có thể chối từ những lợi ích xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong tương lai. Và chỉ cần có được một cơ hội để giành được một giải thưởng lớn, thì chừng đó đã đủ để não bộ chúng ta giải phóng một lượng dopamine lớn để kích thích và thúc đẩy hành vi của mình. Đó là cách mà các loại máy slot machine tại các sòng bạc giữ chân người chơi của mình.
Kỹ thuật này được dựa trên thử nghiệm xã hội xổ số bắn tốc độ đã được thực hiện và thành công ở Thụy Điển.
5. Hack Day
Hack Day là một chính sách vốn khởi nguồn từ Yahoo! tới nay đã được rất nhiều các doanh nghiệp trên thế giới áp dụng. Hack Day là một sự kiện tổ chức cho một số key department trong doanh nghiệp, giúp thúc đẩy tính sáng tạo, đột phá và đồng thời cũng giúp tăng hiệu suất làm việc của nhân sự theo một cách có tổ chức hơn. Các anh em thuộc mảng tech hay mảng game có thể đã quen thuộc với khái niệm Hack Jam hoặc Game Jam, thì Hack Day cũng tương tự như vậy nhưng sẽ áp dụng với nhiều những phòng ban với những chuyên môn khác.
Cách thực hiện: Sự kiện sẽ kéo dài trong vòng 01 ngày, cụ thể là 24 giờ. Trong thời gian đó, những người tham gia có thể tham gia theo cá nhân hoặc them nhóm và được phép làm và thử nghiệm bất cứ ý tưởng nào mà họ muốn, dù là ý tưởng điên rồ nhất. Điều quan trọng hơn nữa là các nhân sự tham gia cũng không nhất thiết phải làm những gì liên quan đến chuyên môn chính thường ngày của họ ở công ty. Ví dụ đội product nếu có ý tưởng marketing nào đó cảm thấy hay ho thì họ cứ thế mà làm thử. Hay ví dụ như bên tài chính cảm thấy HR cần phải có những chính sách như thế này mới tốt hơn thì cứ thoải mái thử một phen. Sau 24 giờ, các cá nhân hoặc các đội sẽ cùng nhau ngồi lại và review xem mọi người đã làm được những gì và có gì hữu ích.
Lợi ích của Hack Day như đã nói, ngoài việc thúc đẩy sáng tạo và đột phá, còn là một cách hữu hiệu để làm động lực tăng hiệu suất của các nhân sự doanh nghiệp. Có lẽ ai biết đến tháp nhu cầu của Maslow cũng biết rằng nhu cầu được thể hiện bản thân cũng là một nhu cầu quan trọng. Và hơn nữa, Hack Day cũng giúp cho các nhân sự giữa các phòng ban hiểu được những công việc, những khó khăn thường ngày của nhau là gì. Qua đó tạo nên sự cảm thông và gắn kết chặt chẽ hơn.
6. Huy chương
Với một số anh chị em đã tìm hiểu sơ qua về Game hóa thì có lẽ khái niệm huy chương (badge) sẽ không quá xa lạ. Huy chương là một cách rất đơn giản và hiệu quả để công nhận năng lực hay một thành quả nào đó của một đối tượng.
Mặc dù các anh chị em có biết về cơ chế này thường thấy nó được integrate trong các sản phẩm hay các hệ thống quản trị doanh nghiệp, thì trên thực tế cơ chế này hoàn toàn có thể thực hiện được một cách thủ công rất đơn giản và không quá tốn kém. Các doanh nghiệp chỉ cần chọn một vật dụng số lượng lớn nào đó—có thể là móc chìa khóa, ghim áo, tấm huy chương cao su có dán băng dính hoặc nam châm, hay thậm chí là một tấm bìa dày in hai mặt—dùng để làm token, thay cho sự thừa nhận của người quản lý cho một thành quả nào đó của nhân sự.
Mỗi khi một nhân sự nào đó đạt được một thành quả nào đó, họ sẽ được thưởng một token nêu trên để tương ứng với sự thừa nhận của quản lý. Việc này thực hiện rất đơn giản, nhưng lợi ích nó đem lại là rất lớn:
- Giúp hiện thực hóa ngay lập tức sự thừa nhận (instant recognition) cho thành quả họ đạt được, thay vì phải đợi đến performance review cuối tháng hoặc cuối năm. Bởi nếu phải đợi đến performance review, thì sự đánh giá của quản lý đối với nhân sự sẽ mang tính tổng quan hơn, cảm tính hơn. Chưa kể, sự thừa nhận ngay lập tức cũng sẽ giúp cho nhân sự có thêm động lực phấn đấu.
- Giúp định mức (quantify) những thành quả của nhân sự một cách rõ ràng hơn. Nhiều huy chương hơn thì rõ ràng là làm việc đang hiệu quả hơn.
- Tấm huy chương cũng sẽ giúp những nhân sự xung quanh nhìn thấy rõ ràng sự thừa nhận đó, dù cho tại thời điểm nhân sự đó nhận huy chương thì họ có mặt hay không. Chỉ đơn giản là khi nhìn vào bàn làm việc của đồng nghiệp, thấy trên bàn họ có nhiều hay có ít huy chương, là đã phần nào hiểu được năng lực của họ.
Hiệu quả của những tấm huy chương là thế nào thì có lẽ chúng ta nhìn các bác các cụ đã từng phục vụ trong quân đội họ tự hào thế nào với những tấm huy chương của mình là thấy rõ.
7. Có thể thưởng gì nếu không phải là tiền?
OK vậy là các anh chị quyết định sẽ áp dụng một phương pháp hay một công cụ game hóa nào đó để giúp tăng năng suất cho anh em trong công ty. Nhưng có chơi thì chắc chắn phải có thưởng, và câu hỏi ở đây là thưởng gì nếu không phải là tiền?
Cần nói rõ quan điểm ở đây không phải là doanh nghiệp không cần có chính sách bồi dưỡng đầy đủ cho nhân sự, mà quan điểm ở đây là tiền không hoàn toàn là thứ duy nhất giúp tạo động lực cho nhân sự. Nhưng điều này thì có lẽ các anh chị doanh nghiệp đã quá hiểu rồi.
Còn rất nhiều những lợi ích thú vị khác mà chúng ta có thể tận dụng để làm phần thưởng cho các chương trình game hóa chúng ta áp dụng, ví dụ như:
- Quyền được chọn mẫu thiết kế áo đồng phục của team.
- Quyền được chọn ngày trong tuần để cả team cùng mặc đồng phục.
- Quyền được mặc bất cứ thứ gì đi làm trong khi cả team phải mặc đồng phục.
- Quyền được làm DJ chọn playlist cho cái loa phường để cả team cùng nghe trong giờ nghỉ trưa.
- Quyền được đề xuất hoạt động teambuilding.
Bonus
Một điều mà các doanh nghiệp cần nắm bắt được về tâm lý học trong game hóa, đó là con người chúng ta không phải chỉ thích mỗi sự sung sướng tiêu khiển (pleasure), mà đôi khi quan trọng hơn cả đó là chúng ta muốn có sự thừa nhận (recognition) và cũng như cảm thấy mình được đóng góp, được là một phần của một thứ gì đó mà chúng ta cảm thấy có giá trị.
Ngày trước ở một công ty cũ, tôi được công ty hỏi ý kiến về bản thiết kế của chiếc logo mới của công ty. Công ty lúc đó mới đổi tên và đổi thương hiệu, vì theo ý sếp thì "đổi tên là đổi vận." Khi được sếp hỏi ý kiến của mình về bản thiết kế, mặc dù tôi không phải là chuyên môn thiết kế, tôi cảm thấy mình được vô cùng tôn trọng, và tôi cũng đưa ra những ý kiến của mình một cách nghiêm túc. Tất nhiên sau đó cái logo cuối cùng hầu như không làm theo góp ý nào của tôi cả, nhưng cá nhân tôi cảm thấy rằng mình vẫn có sự đóng góp trong đó để sản phẩm cuối cùng của tập thể có thể đạt được kết quả và sự đồng thuận.
Hay như có một bức ảnh viral khá gây cười trên mạng, chụp một bảng giá một dịch vụ thiết kế biển quảng cáo. Trên tấm bảng giá đó cho thấy giá dịch vụ thiết kế là 500EUR, và giá dịch vụ sẽ tăng dần phụ thuộc vào mức độ mà khách hàng muốn tham gia vào quá trình thiết kế, cho tới mức giá cuối cùng cho việc khách hàng tự tay thiết kế hết từ A đến Z là 8000 EUR. Chỉ là một tấm ảnh vui, nhưng phần nào nó cũng nói lên rằng chúng ta luôn muốn mình phải có một cái input gì đó, không cần biết là cái gì, trong tất cả những thứ mà chúng ta cảm thấy có giá trị.
Đây cũng là phương pháp mà rất nhiều các campaign gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter sử dụng để thu hút đầu tư, đặc biết là các dự án làm sản phẩm media hoặc văn hóa như sách, truyện, phim hay game. Dạo qua các campaign thành công trên Kickstarter, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các campaign có bao gồm các mức đầu tư (pledge) có giá rất cao, ví dụ như "Đóng góp $1000 và bạn sẽ được quyền giúp chúng tôi thiết kế một mẫu áo của riêng bạn," hay là "Đóng góp $2000 và bạn sẽ được quyền xây dựng một nhân vật của riêng bạn trong tựa game này." Đó đều là những "lợi ích," để "cho phép" nhà đầu tư được làm thay các công việc mà đáng lẽ ra đội ngũ sản xuất phải làm. Đó đều là những chiến thuật cực kỳ hiệu quả mà Jamey Stegmeier đã viết trong cuốn Chiến lược gọi vốn cộng đồng mà mọi người có thể tìm đọc.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hoá:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất