INFP thích giấu mình trong không gian riêng tư không có nghĩa là họ cảm thấy buồn bã ủ dột đâu. 
INFP chiếm một phần nhỏ dân số (khoảng 4,5%). Mặc dù điều này khiến họ trở nên đặc biệt, nhưng nó cũng khiến họ cảm thấy đơn độc hoặc dễ bị hiểu lầm. 
Việc trở thành một INFP cũng có nhiều mặt trái, giống như cách chúng ta thường coi trọng sự hòa hợp, đồng cảm và chân thực hơn. INFP được biết đến với cái tên là “Người hòa giải” (Mediators), đây là nhóm người rất lạc quan và có khả năng giúp đỡ cũng như vực dậy tinh thần của người khác khi họ buồn.
Một trong những điều tuyệt vời về nhóm người mang trong mình tính cách INFP là họ như ánh nắng mặt trời mang đến ánh sáng để xua đi màn đêm tăm tối. Họ thường là những người mang tới lòng tốt, cảm hứng, vẻ đẹp và lòng trắc ẩn ở bất cứ nơi nào họ xuất hiện.
Nhưng nếu bạn là một INFP thì bạn sẽ là những người khá kín đáo. INFP sẽ cất giữ cho riêng mình rất nhiều điều bí mật. Đó cũng là lý do tại sao lại có nhiều người theo đuổi sáng tạo, đơn độc, như viết lách lại nằm ở nhóm này. Chẳng hạn như William Shakespeare, Audrey Hepburn và JRR Tolkien được cho là một số nhà văn và nghệ sĩ giải trí nổi tiếng thuộc INFP.
Tuy nhiên, dù INFP luôn thể hiện sự yêu thương và quan tâm, nhưng tôi cảm thấy mọi người thường không hiểu tôi bởi một số câu hỏi phổ biến mà tôi nhận được khiến bản thân cảm thấy khá khó chịu. Tôi ước mọi người sẽ ngừng nói bảy điều này với mình. 

1. “Mày quảng giao vậy nên không có hướng nội đâu”

INFP được cho là một trong những kiểu tính cách hướng ngoại và thân thiện nhất trong số các kiểu tính cách MBTI hướng nội.
Là những người hướng nội hòa đồng, đôi khi tôi tỏ ra sôi nổi và hoạt bát khi ở cùng với hội bạn thân hoặc một nhóm ít người. Có lẽ bởi vì điều này nên tôi có thể bị nhầm lẫn là những người hướng ngoại chăng?
Tuy nhiên, chúng ta có thể tỏ ra vui vẻ và hòa đồng trước những người bạn thân của mình, nhưng chúng ta lại cảm thấy khó khăn và mệt mỏi khi phải tiếp xúc với những người không có cùng góc nhìn và không thực sự hiểu mình. Hướng nội không có nghĩa là chúng ta không thể hiện khía cạnh bị ức chế của mình, vì thế chúng ta mới cần thời gian ở một mình nạp năng lượng mới, để giúp chúng ta trở thành phiên bản mới hơn của chính mình.

2. “Mày trầm quá à, nói nhiều lên em!”

Tôi hướng nội đâu có nghĩa là tôi ghét nói chuyện với người khác đâu. Chúng tôi có cách giao tiếp xã hội của riêng mình nên chắc là điều này khiến nhiều người khó hiểu đúng không? 
Ví dụ, trong một bữa tiệc, tôi thích quan sát mọi người, cũng như tự giải trí bằng những suy nghĩ như "Những người này đang nghĩ gì ta?" hoặc “Ui cha! Thấy gì hơm? Cô ấy thường vuốt tóc khi lo lắng đó.” 
Vấn đề là, nếu bạn có ý định làm gián đoạn việc quan sát của chúng tôi và giới thiệu chúng tôi với ai đó, thì ít nhất hãy cho chúng tôi biết! Hãy để cho chúng tôi không có cảm giác bị bỏ rơi hoặc không bối rối vì trong thế bị động, bằng cách “nhắc bài” trước về bối cảnh hoặc các nhân vật mà chúng tôi sẽ gặp gỡ. Với cách đó, chúng tôi sẽ thấy thoải mái hơn và chuẩn bị trước các tình huống giao tiếp, thay vì không biết phải nói gì nữa sau câu “Xin chào”. 

3. “Tự giới thiệu về mình đi em!”

Là một người hướng nội, tôi yêu trường học, bởi đây là nơi tôi học được những điều mới và vui chơi với những người bạn thân của mình.
Tuy nhiên, vấn đề xuất hiện khi tôi buộc phải nói chuyện trước một nhóm đông người và tôi thường bị buộc phải nói điều gì đó, giống như phải giới thiệu bản thân trước mặt mọi người. Bản thân INFP không phải là người thích được chú ý nên tôi cảm thấy miễn cưỡng khi phải chia sẻ thông tin cá nhân với những người mà tôi không biết rõ. Đó là điều đáng sợ nhất đối với một người hướng nội như tôi.
Tất nhiên tôi sẽ làm điều đó tốt hơn nếu ở cùng với một vài người mà mình biết. Trong vòng kết nối đó, tôi cảm thấy tự do, thoải mái và sẵn sàng chia sẻ những gì tôi đang nghĩ hoặc cảm giác của mình.

4. “Cuối tuần rồi, ra ngoài và làm điều gì đó đặc biệt đi nào!”

Sau khi dành thời gian cho một số người, INFP chúng tôi thích dành thời gian rảnh rỗi của mình, chẳng hạn như cuối tuần, cho bản thân. Khi ở một mình, tôi có thể đọc sách, viết nhật ký, xem phim hoặc làm mấy món đồ DIY nghệ thuật. Chúng tôi cũng yêu thích những “khu bảo tồn hướng nội” của mình vì bởi chúng tôi tôi có một căn phòng yên tĩnh, có ánh sáng nhẹ nhàng mang lại cho chúng tôi cảm giác ấm cúng, thư thái (so với dành thời gian rảnh rỗi để giao lưu).
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là INFP không thể kết nối. Chúng ta đang sống trong một thế giới bận rộn đòi hỏi nhiều “thời gian của con người”. Vì vậy sau giờ học, làm việc hoặc vào cuối tuần, chúng ta phải dành “thời gian cho mình” để có thể nạp năng lượng đúng cách. Và đó là cách mà một INFP như tôi đang làm. 

5. “Mày ổn không? Sao dạo này im lặng quá vậy?”

Trong chuyến dã ngoại hồi cấp ba, chúng tôi đến một công viên giải trí và đi đu quay. Một vài người bạn cùng lớp hỏi: "Mày không vui à?" và "Mày không thích chuyến đi này hả?"
Tôi đoán họ hỏi điều này bởi vì tôi không nói chuyện, điều đó không có nghĩa là tôi không vui hoặc không thích chuyến đi. Nhưng Những người INFP giống như tôi thường đánh giá cao những khoảnh khắc im lặng như vậy. Vì vậy, đừng cho rằng chúng tôi không hạnh phúc hoặc chán nản chỉ vì một người hướng nội như tôi đang tận dụng và đánh giá cao thời điểm. 

6. “Cậu nên làm cái này nè… cậu nên học theo cái kia nè…”

INFP là một trong những kiểu tính cách MBTI đánh giá cao tính sáng tạo và tự do không gò bó khi làm điều gì đó. Những câu mệnh lệnh mang tính điều khiển như vậy thường cản trở sự sáng tạo của tôi, khiến tôi cảm thấy như mình đang bị giam cầm trong những cái khung… Điều này cũng khiến tôi đánh mất sự hứng thú với bất cứ điều gì mà tôi đang làm.
Là một INFP, tôi thấy làm việc trong giới hạn của sự tự do được thoải mái hơn là tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt. Đó là lý do tại sao, khi làm điều gì đó sáng tạo, chẳng hạn như làm thơ, những người INFP như tôi thường để từ ngữ của tuôn ra một cách tự nhiên. 

7. “Chú em không đủ tốt/ không đủ thông minh/ không đủ hài hước”. 

Có thể bạn chưa biết, INFP là những người nhạy cảm. Vì vậy, khi ai đó xúc phạm chúng tôi hoặc đưa ra những lời chỉ trích mang tính “xây dựng”, điều đó có thể gây tổn thương… rất nhiều. Những nhận xét tiêu cực, ác ý và hạ thấp có thể không ủng hộ điều tôi đang làm, dù tôi đã thực hiện rất tốt công việc này trước đó. Chúng tôi cũng sẽ quán chiếu bản thân thông qua những gì họ đã nói và tiếp tục suy nghĩ (và suy nghĩ rất nhiều) về điều đó.
Thêm nữa, qua hành động tự phê bình nghiêm khắc của INFPs, bạn có thể thấy chúng tôi kỳ vọng rất nhiều về mình. Vì vậy, nếu thiếu sót điều gì, chúng tôi có thể cảm thấy không hoàn hảo và phải tự phê bình mình ngay.
Và vì INFP nói chung hay muốn làm hài lòng mọi người với xu hướng tránh xung đột. Vì thế, bạn có thể thấy chúng tôi không lên tiếng vì sợ làm tổn thương cảm xúc của người khác, ngay cả khi chúng tôi nên đứng lên bảo vệ chính mình.
Các INFP ơi, bạn ước mọi người ngừng nói điều gì với bạn? Hãy cho tôi biết trong các ý kiến ​​dưới đây nhé.
* INFP: Introversion - Intuition - Feeling - Perception, là một trong 16 loại tính cách trong Trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs (MBTI ).
Nguồn: INTROVERT, DEAR  - Tác giả: Angelica Abonita Maturan
Lê Diễm Diễm dịch