Xin chào mọi người, vậy là từ ngày mai, 23/08/2021, Sài Gòn sẽ vô 2 tuần cực kì cam go ai ở yên nấy để chống dịch, đối với những người kinh doanh F&B như mình cũng như các thành viên thì thời gian suốt từ cuối tháng 05/2021 tới 15/09/2021 (dự kiến) là một khoảng thời gian dài, đầy cam go, hoặc phải nói là rất stressful. Làn sóng dịch lần thứ 4 này buộc chúng ta phải hạn chế số lượng khách, không cho khách ngồi ăn tại chỗ rồi chuyển dịch qua chỉ bán mang đi, giao hàng theo từng Chỉ thị từ nhà nước. Đi kèm theo đó là gánh nặng về duy trì hoạt động, đàm phán với chủ nhà, hỗ trợ lương cho nhân sự chủ chốt, v.v.
Thời gian sẽ được mở cửa lại hoàn toàn thì chưa xác định được, nhưng khi dịch bệnh từng bước được khống chế và các chỉ thị sẽ dần được nới lỏng, và chúng ta cần bắt đầu lên kế hoạch để mở cửa lại trong trạng thái bình thường mới. Bình xin phép được chia sẻ DANH SÁCH các bước mà bản thân chuẩn bị khi mở cửa lại hoạt động.
I) Vệ sinh và khử trùng cửa hàng
Bước đầu tiên mình cần thực hiện để mở cửa trở lại là dọn dẹp và vệ sinh kỹ lưỡng cửa hàng.
• Đảm bảo dọn dẹp, lau sạch và vệ sinh tất cả các khu vực và ngõ ngách trong Nhà Bếp và Cửa Hàng
• Lau sạch bên dưới và giữa các vật dụng, đặc biệt là bề mặt pha chế, bề mặt quầy và POS.
• Rửa, tráng và khử trùng các dụng cụ chế biến thực phẩm và đồ dùng nhỏ (smallwares) trước khi sử dụng lại.
• Lau sạch và vệ sinh các giá kệ trước khi để hàng lên.
• Lau sạch và khử trùng kỹ lưỡng tất cả các khu vực phòng vệ sinh.
• Quét và lau sàn nhà.
Khi bạn đã hoàn thành việc dọn dẹp kỹ lưỡng tất cả các không gian trong cửahàng của mình, hãy lập một lịch trình dọn dẹp thường xuyên để nhân viên của bạn tuân theo sau khi bạn mở cửa hoạt động.
II) Kiểm tra thiết bị máy móc
Trước khi có thể mở lại, mình cần đảm bảo rằng thiết bị máy móc vẫn còn hoạt động được. Bật và kiểm tra thiết bị trước 3-5 ngày để mình có thời gian thay thế bất kỳ thiết bị nào.
• Bật và đảm bảo rằng tất cả tủ lạnh, tủ mát, tủ trưng bày đều có nhiệt độ từ 2 – 5 độ C.
• Bật tủ đông và đảm bảo rằng chúng có đông bình thường.
• Bật máy pha cà phê để kiểm tra nhiệt độ nước nóng và áp lực nước.
• Bật đường gas và bật các thiết bị nấu như lò nướng, lò Âu, lò khè kiểm tra áp lực ga và nhiệt độ nấu.
III) Kiểm tra hàng hóa trong kho
Để cửa hàng mở cửa hoạt động trở lại, mình cần đảm bảo thực phẩm còn sử dụng được và sẵn sàng đưa trở lại thực đơn của bạn.
• Bỏ bất kỳ thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thực phẩm kiểm tra thấy bị hư hỏng hoặc có vị lạ.
• Kiểm tra số lượng đang có so với thực đơn dự kiến khi mở cửa lại. Lên danh sách mua Nguyên Vật Liệu
• Liên hệ với các nguồn và nhà cung cấp trước để đảm bảo rằng họ có đủ nguồn cung cấp để đáp ứng nhu cầu. Lưu ý là cần hỏi về thời gian sử dụng cũng như kiểm tra khi nhận hàng.
IV) Áp dụng các biện pháp giữ khoảng cách và không tiếp xúc
Trong giai đoạn bình thường mới sau dịch, mình cần thực hiện một số thay đổi so với trước đây, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch để giữ an toàn cho bản thân, nhân viên và khách hàng.
• Đảm bảo rằng khách hàng cần giữ khoảng cách ít nhất 2m khi đứng trong hàng gọi món tại quầy. Thiết lập dải phân cách cần thiết.
• Thay đổi bố trí bàn ghế, giảm số lượng bàn trong khu vực ăn uống. Đảm bảo rằng mỗi bàn được khử trùng bằng cồn xịt 90 độ trước khi cho khách tiếp theo ngồi.
• Thêm vách ngăn giữa nhân viên và khách hàng nếu có thể ( khu vực order và thu ngân).
• Tạo luồng lưu thông cho khách hàng để giảm thiểu tình trạng tiếp xúc gần.
• Nếu có thể, bố trí cửa vào và lối ra cửa hàng khác nhau, dành cho cửa hàng có hai cửa vào khác nhau.
• Cung cấp chất khử trùng tay cho khách hàng ở cửa vào và nơi nhận hàng.
• Sử dụng thực đơn giấy dùng một lần hoặc gọi món bằng màn hình cảm ứng nếu có thể.
• Cài đặt phần cứng và hệ thống thanh toán không tiếp xúc (Ví điện tử, v.v.)
• Sử dụng ống hút có vỏ bọc ngoài riêng cho từng cái.
V) Đào tạo nhân viên (Tham khảo “Danh sách kiểm tra hàng ngày cho Quản lý”)
Để hoạt động trong giai đoạn bình thường mới, điều quan trọng là nhân viên phải được đào tạo để thích ứng với tình huống và thực hành những thay đổi mà mình đặt ra trước khi mở cửa.
• Đào tạo nhân viên về các biện pháp vệ sinh, khử trùng mới và quy tắc hạn chế tiếp xúc.
• Thực hiện rửa tay thường xuyên và đeo găng tay khi cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.
• Khi đeo khẩu trang, cần đảm bảo nhân viên biết cách đeo đúng cách.
• Yêu cầu nhân viên phải đảm bảo sức khỏe khi báo cáo công việc. Hãy chắc chắn rằng họ biết khi nào nên ở nhà và họ phải ở nhà trong bao lâu nếu cảm thấy ốm.
• Thông tin này cũng nên được đưa vào sổ tay nhân viên cũng như quy định cửa hàng để tham khảo.
• Cung cấp bản kiểm tra nhiệt độ trước khi làm việc nếu cần thiết.
• Đào tạo nhân viên về các phương pháp giao hàng không tiếp xúc mới và các phương pháp không tiếp xúc trong cửa hàng để tương tác với khách hàng.
• Đảm bảo rằng các giấy tập huấn VSATPP và giấy khám sức khỏe của nhân viên được cập nhật.
• Yêu cầu nhân viên thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước trong ít nhất 20 giây
- trước và sau khi xử lý thực phẩm
- trước khi rửa sạch dao kéo, bát đĩa, ly, hoặc các vật dụng khác mà khách hàng sử dụng
- sau khi xử lý các vật dụng bẩn hoặc đã qua sử dụng, chẳng hạn như thu thập đồ ăn thừa, rác từ bàn của khách hàng
- sau khi nhận và đếm tiền
- sau khi chạm vào các bề mặt tiếp xúc nhiều, chẳng hạn như tay nắm cửa
- khi di chuyển giữa các khu vực khác nhau của nơi làm việc
- sau khi di chuyển vô nơi công cộng
- sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi
VI) Quảng cáo việc mở lại cửa hàng
Một khi biết ngày mình có thể mở cửa lại, hãy cho khách hàng biết để họ có thể biết được.
• Quảng cáo ngày mở cửa trở lại trên trang truyền thông xã hội bằng hình ảnh hoặc video bắt mắt.
• Lên chương trình khuyến mãi hoặc phiếu giảm giá cho 100 khách hàng đầu tiên đến thăm hoặc đặt hàng để khuyến khích khách hàng tiêu dùng.
• Quảng cáo về hình ảnh cửa hàng đã được vệ sinh và khử trùng sẵn sàng phục vụ khách hàng.
VII) Vận hành khi mở lại
• Bắt đầu với thực đơn hạn chế và thực đơn giao hàng để đảm bảo rằng mình có đủ nguồn cung cấp theo nhu cầu và giữ cho nhà bếp hoạt động hiệu quả.
• Hạn chế số lượng bàn/ chỗ ngồi trong phòng ăn của bạn và giảm số lượng khách hàng dùng bữa bằng cách đặt chỗ trước và gọi trước cho khách hàng. Chấp nhận giảm quy mô hoạt động để duy trì các biện pháp phòng dịch.
• Khuyến khích các phương thức thanh toán không tiếp xúc
• Chuyển dịch qua bán mang đi và giao hàng tận nơi cho khách hàng.
• Thiết lập một hệ thống chăm sóc thông báo cho khách hàng khi bàn của họ đã sẵn sàng thay vì để họ đợi ở khu vực chờ và hành lang.
• Cân nhắc mô hình bếp trung tâm Ảo nếu mình chưa thể mở lại các khu vực chỗ ngồi hoàn toàn giúp thêm doanh thu, tang vòng xoay hàng hóa.
• Mở không gian sân của bạn để tạo điều kiện cho việc ăn uống ngoài trời. Không gian thoáng và mở là một ưu điểm.