7 Năm Đi Du Học, Đây Là 3 Bài Học Mình Nhận Ra
Sau 7 năm đi du học và làm việc ở đất khách, đây là 3 điều mình nhận ra.
1. Tiền rất quan trọng
Tiền thật sự rất quan trọng khi đi du học. Bạn của mình vì gia đình không đủ tài chính đã phải bỏ học giữa chừng.
Bạn ấy xuất thân từ gia đình trung lưu (middle class). Để qua được đây, bố mẹ bạn đã phải vay mượn một khoảng tiền không nhỏ để trả học phí cho năm đầu tiên. Chi phí sinh hoạt và học phí các năm học sau phải bạn do tự lo liệu. Bạn kể ngày đầu tiên bước chân qua Canada, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là kiếm một công việc làm thêm. Rồi bạn cũng xin được một chân phụ bếp ở nhà hàng, làm hơn 30 tiếng mỗi tuần mặc dù du học sinh chỉ được phép làm tối đa 20 tiếng. Một phần là vì bạn cần tiền để sinh hoạt, phần khác là bạn muốn phụ giúp bố mẹ trả nợ. Công việc cực nhọc cộng với thời gian làm việc dài đã làm bạn kiệt sức khi về đến nhà, và những buổi bỏ tiết học cũng nhiều hơn. Bạn như thế trong một năm thì quyết định bỏ học và làm full-time. Bây giờ bạn cũng ổn rồi, được chủ nhà hàng bảo lãnh ở lại để làm việc cho họ.
Bài học thứ nhất, hãy chuẩn bị tài chính thật tốt trước khi bạn đi du học. Ở một đất nước xa lạ nơi mà khí hậu, thời tiết và ngôn ngữ đều khác biệt, áp lực phải thích nghi và học tập thật tốt đã đủ làm bạn mệt mỏi rồi. Nếu phải có thêm gánh nặng tài chính nữa thì bạn thật sự sẽ kiệt sức.
2. Ngoại ngữ là cần thiết, nhưng không phải thiết yếu để thành công
Tùy vào tính chất công việc và môi trường làm việc mà ngoại ngữ đóng vai trò thế nào trong đời sống của bạn.
Mình từng rất buồn và tự ti về tiếng anh của mình, mặt dù đã có IELTS 7.5. Bạn mình sau đó đã nói: "language is just a tool" - ngôn ngữ chỉ là một công cụ thôi. Thật vậy, thợ may đồ thì không cần phải biết cầm búa, và thợ sửa điện thì không cần phải biết cầm kim. Tùy thuộc vào ngành nghề và tính chất công việc mà ngoại ngữ có vai trò thế nào đối với bạn.
Mình từng sống trong cộng đồng người Hoa, nơi mà phần lớn là những người nhập cư từ 10 - 15 năm đổ lại. Không phải ai trong số họ cũng giỏi tiếng Anh, và chủ nhà của mình cũng vậy. Nhưng điều đó không ngăn cản ông kiếm được hai mươi, ba mươi ngàn đô mỗi tháng. Ông xây dựng và sở hữu một phần mềm dành riêng cho cộng đồng người Hoa ở Toronto, cũng như tham gia vào việc mua bán bất động sản. Ông không giỏi tiếng Anh, và nó cũng không quan trọng, vì phần lớn công việc của ông là tiếp xúc với người Trung Quốc trong cộng đồng của mình.
Bài học thứ hai, hãy biết ngoại ngữ vì đó sẽ là một lợi thế lớn, nhưng đừng quá buồn nếu bạn không giỏi. Hãy xem xét công việc của mình là gì, yêu cầu ra sao, và ngoại ngữ đóng vai trò như thế nào. Tùy thuộc vào mức độ quan trọng của ngoại ngữ mà bạn trau dồi nó.
3. Bạn bè rất quan trọng
Mình còn nhớ năm 2021 khi cả thành phố Toronto bị đóng băng bởi Covid, và roomate của mình chẳng may bị nhiễm nặng. Bạn ấy sốt rất cao, tận 40 độ và ho rất nhiều. Bố mẹ bạn ấy, hiện đang ở cách xa nửa vòng trái đất, gọi video call với bạn mỗi đêm và họ để điện thoại như vậy cho tới sáng. Họ lo lắng điều chẳng may sẽ xảy ra lúc nửa đêm. Trong khoảng thời gian đó, mình và cô chủ nhà đã lo liệu thuốc than, nấu cho bạn những bát cháo nóng và kiểm tra bạn mỗi vài giờ đồng hồ. Rồi khoảng thời gian khó khăn đó cũng qua và tụi mình trở nên khắng khít hơn.
Ông bà ta có câu "bán anh em xa mua láng giềng gần". Thoạt nghe thì có vẻ hơi thực dụng, nhưng nó thật sự rất đúng đối với những người xa xứ như chúng mình. Khi bạn gặp những chuyện chẳng may, bố mẹ dù muốn thế nào cũng không thể giúp bạn ngay được. Những lúc thế này có những người bạn ở bên cạnh sẽ là nguồn an ủi và giúp đỡ rất lớn.
Bài học cuối cùng, hãy có vài người bạn thân thiết khi ở xa quê. Kết bạn không vì mục đích tư lợi, nhưng chúng ta thật lòng đối xử với nhau, và đó sẽ là điều tuyệt vời giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất