Ảnh: unsplash.com
Ảnh: unsplash.com
Bạn muốn luỵện nghe tiếng Anh thật hiệu quả nhưng bạn không biết học ở đâu? Bạn không có môi trường và cũng không có điều kiện đi học lớp tiếng Anh bên ngoài? Bạn muốn tận dụng các nguồn luyện nghe tiếng Anh sẵn có để tối ưu hoá việc học? Sau đây là 7 cách luyện nghe tiếng Anh đơn giản mà siêu hiệu quả. Bạn đã sẵn sàng chưa?

1. Phát âm đúng ngay từ đầu

Tại sao điều này lại liên quan đến việc nghe tiếng Anh tốt? Hãy thử tưởng tượng, bạn gặp một người nước ngoài biết nói tiếng Việt (wow…). Anh chàng nói rất tự tin, trôi chảy nhưng khổ nỗi, bạn… chả hiểu anh ấy nói gì. Cho đến khi nhìn mặt chữ thì bạn mới nhận ra là chàng ta phát âm sai bét. Vậy hỏi làm sao người nghe có thể hiểu được những gì người nói muốn truyền tải? 
Như vậy khi học từ mới, bạn cần luyện cách phát âm từ vựng sao cho chuẩn, ngoài việc hiểu nghĩa, nhận biết mặt chữ và cách sử dụng từ đó trong câu. Đơn giản nhất, bạn có thể lên Google dịch hoặc dùng từ điển online như từ điển Cambridge để nghe cách phát âm (hoặc đọc phiên âm) rồi tập đọc theo. Ở đây, phát âm bao gồm các quy tắc phát âm nguyên âm, phụ âm, việc nhấn đúng trọng âm và sử dụng nối âm khi cần (mình sẽ đề cập chi tiết hơn ở bài viết khác). 
Bạn cũng cần lưu ý là giọng (“accent”) của người Anh sẽ khác người Mỹ, người Úc, người Canada (và người Ấn Độ, người Singapore…) vì vậy không có giọng nào là tuyệt đối cả. Ví dụ, cùng là từ “tomato” nhưng người Anh sẽ nói khác người Mỹ. Nắm được những quy tắc này, bạn sẽ chủ động và thoải mái hơn trong việc nhận biết các âm và từ vựng, từ đó bạn sẽ tự tin hơn trong kỹ năng nghe (và tất nhiên cả kỹ năng nói) trong tiếng Anh.

2. Hát bài hát tiếng Anh yêu thích

Chắc hẳn bạn cũng thích nghe nhạc những lúc rảnh rỗi, đúng không? Có khi nào bạn nghe một bài hát nhiều đến nỗi bạn thuộc cả lời và nghêu ngao hát theo không? Nếu có, hãy phát huy nhé! Hãy tìm cho mình những ca khúc yêu thích bằng tiếng Anh và chìm đắm tâm hồn vào đó. Bạn sẽ thêm được vốn từ mới này, lại được nghe và học cách phát âm qua giai điệu của bài hát (được luyện thanh nè, hehe). 
Tuy nhiên, hãy luôn nhớ là ca từ khi hát thì sẽ không thể y xì như nói được (tiếng Việt cũng vậy thôi). Giai điệu bài hát chậm quá hay nhanh quá cũng có thể ảnh hưởng tới cách phát âm và khác lúc chúng ta nói chuyện bình thường. Vì vậy, bạn hãy thư giãn và tận hưởng cả ca từ lẫn giai điệu của âm nhạc nhé. Càng nghe nhiều, bạn càng dễ thuộc lời và có xu hướng bắt chước cách nói (đúng) của ca sĩ. Như vậy, kỹ năng nghe (và nói) của bạn cũng sẽ lên theo. Lợi ghê ha!

3. Xem phim hoặc chương trình yêu thích

Một cách để luyện nghe tiếng Anh một cách “tự nhiên” là xem phim, xem chương trình truyền hình nào đó mà bạn yêu thích. Nếu là dân “cày” phim, bạn có thể xem các bộ phim rạp hay phim truyền hình của Mỹ như bộ phim hài FRIENDS rất nổi tiếng. Nếu không, bạn có thể theo sở thích xem các chương trình về âm nhạc như America’s Got Talent, các bài diễn thuyết về nhiều lĩnh vực khác nhau như TED Talks hay chương trình thi nấu ăn như Master Chef…vv 
Bạn có nên bật phụ đề tiếng Anh khi xem phim không? Điều này phụ thuộc vào trình độ của bạn. Nếu bạn xem lần đầu tiên và gặp khó khăn trong việc nghe hiểu, hãy bật phụ đề lên và xem mình đang vướng mắc cái gì. Nếu bạn gặp quá nhiều từ mới thì điều bạn cần làm là bổ sung vốn từ vựng (chính là mục kế tiếp mình sẽ nhắc tới). Còn nếu bạn đọc hiểu phần lớn nội dung nhưng lại không sao nghe được nếu không có phụ đề, hãy luyện lại cách phát âm. Hãy “nghiền” bộ phim ấy thành “cám” cho đến khi bạn không cần tới phụ đề nữa nhé.

4. Bổ sung từ vựng

Có lẽ không phải nói thì bạn cũng biết việc sở hữu vốn từ vựng nhất định trong tầm tay quan trọng như thế nào. Nó giống như một mâm cỗ vậy. Làm sao bạn có thể nấu một bữa tiệc thịnh soạn nếu không có các nguyên liệu tươi ngon như thịt bò, thịt gà, cá mú, các loại rau và hoa quả, đúng không nào? Biết nhiều từ vựng sẽ giúp bạn nghe tiếng Anh dễ dàng hơn. 
Vậy làm sao để học được nhiều từ vựng mà nhớ lâu? Chúng mình đã cùng điểm qua hai phương pháp đơn giản sử dụng thính giác (nghe) và thị giác (nhìn) giúp việc học trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Vậy khi học từ mới, hãy tận dụng cả bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) để bạn được “tương tác” nhiều lần. Hãy đọc to lên, xem các ví dụ đặt câu. Sau đó bạn đặt câu mới, có thể là vài dòng trạng trên Facebook. Hãy đọc và thu âm để nghe lại. Nhớ là bạn nên “gặp lại” từ mới (giờ đã “cũ”) thường xuyên nha, không là “đường ai nấy đi” ngay. 

5. Đoán nghĩa qua ngữ cảnh

Có một điều mình buộc phải công nhận. Đó là cho dù bạn có luyện nghe chăm chỉ đến đâu thì kiểu gì cũng có lúc bạn thể không nghe được hết những gì người khác nói. Ngay như tiếng Việt nè, liệu bạn có dám tự tin vỗ ngực khẳng định rằng chỉ cần họ nói tiếng Việt là bạn sẽ hiểu hết các từ, cho dù họ đến từ miền Bắc, miền Trung hay miền Nam? 
Đôi khi chúng ta sẽ phải linh hoạt và tập phán đoán ý nghĩa của một từ hay cụm từ dựa vào ngữ cảnh. Điều đó có nghĩa là bạn phải để ý đến những cụm từ khoá đứng trước và sau nó. Đôi khi họ sẽ dùng từ đồng nghĩa khác âm. Bạn cũng cần quan sát ngôn ngữ hình thể của người nói (nếu có) như biểu hiện khuôn mặt, tay chân… Kể cả giọng nói, ngữ điệu cũng thể hiện cảm xúc của người nói và cho bạn biết thêm thông tin mới. Luyện được cách đoán nghĩa chắc chắn sẽ giúp bạn thoải mái và tự tin hơn khi nghe tiếng Anh đấy. 

6. Năm bắt ý chính qua từ khóa

Khi hay tin bài thi Nghe IELTS của mình đạt điểm 9.0, mình vui nhưng không quá bất ngờ. Mình biết lý do không phải là mình hiểu 100% những gì mình nghe thấy. Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có một phương pháp đã giúp mình chạm đến điểm tuyệt đối: mình biết “nhặt” các từ khoá trong câu và “xâu chuỗi” chúng lại để hiểu được ý chính của đoạn mình cần nghe và bỏ qua những từ không cần thiết (dù mình có hiểu chúng hay không). 
Để làm được điều này, lẽ dĩ nhiên bạn nên có được một khối lượng từ vựng nhất định. Chúng có thể ở dạng danh từ, động từ và có thể là một cụm từ. Bạn cũng nên để ý đến những từ nối (“linking words”) để hiểu được mối liên hệ giữa các câu văn. Tất nhiên, phương pháp này mang tính “học thuật” và cần nhiều thời gian để luyện tập nghiêm túc hơn. Nếu bạn không chỉ luyện nghe tiếng Anh để giao tiếp thông thường mà muốn đi thi IELTS hoặc TOEIC đạt điểm cao, hãy chú ý đến phương pháp này trong quá trình học nhé.

7. Nghe nhiều giọng nói khác nhau

Xưa kia, mình chỉ nghĩ có mấy nước Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand nói tiếng Anh. Giờ thì mình hiểu tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, được nói nhiều nhất sau tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha. Điều đó có nghĩa là rất nhiều người sinh ra đã nói tiếng Anh và họ đến từ muôn nơi. Ước tính trên thế giới có hơn 50 quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức. 
Vì vậy, đừng tự giới hạn đôi tai của mình ở tiếng Anh của người Anh hay người Mỹ. Bạn có thể học nói theo họ, nhưng hãy thử nghe giọng nói của người Úc, người Canada, thậm chí là người Singapore, người Ấn Độ (để tránh bị sốc như mình hồi xưa). Mỗi giọng nói (“accent”) của một đất nước sẽ có những âm điệu đặc trưng riêng biệt, giống như tiếng Việt mình qua giọng người miền Bắc sẽ khác người miền Nam hay miền Trung vậy đó. Tất nhiên, bạn vẫn nên tập trung vào tiếng Anh “chuẩn” khi luyện nói nhé. Còn khi luyện nghe, bạn có thể “giãn” đôi tai ra xíu xiu hihi.
Mình hi vọng 7 cách luyện nghe tiếng Anh trên đây sẽ giúp bạn thật nhiều trong quá trình học tập ngoại ngữ nha. Good Luck!