CEO Linkedin Jeff Weiner – ông chủ trang mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới, từng chia sẻ bài học quý báu để tìm được nhân sự tốt. Bài học đó chỉ vọn vẹn 3 từ: “Skills, not degrees.”
3 chữ thôi nhưng tạo sự khác biệt lớn trong ngành tuyển dụng.
Mọi người đang thần thánh hoá việc học Đại Học và đặc biệt là bằng cấp.
Kỹ năng là việc vận dụng kiến thức để thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp. Đơn giản vậy thôi nhưng cực kỳ rõ ràng. Có kỹ năng thì sẽ có khả năng thực hiện. Nhưng có bằng cấp thì không hẳn.
Cái doanh nghiệp cần thật sự ở một ứng viên là kỹ năng. Họ có thể hoàn thành công việc gì, ở mức độ như thế nào. Học trên giảng đường không bao giờ là đủ, hãy học thêm, bởi các bạn có thời gian.
Bài viết tập trung những kỹ năng cứng mà có thể vận dụng được cho công việc Freelance, công việc kinh doanh online, công việc marketing… Nói chung nếu học hết từng này thì tự tin làm những dự án kinh doanh nhỏ. Bởi thời gian đầu thì TỰ MÌNH làm rất nhiều, tiền đâu mà thuê. Tự làm thì học được nhiều, nhưng hơi vất. Làm rồi biết quy trình, mức độ công việc… thì sau này thuê nhân viên sẽ biết cách chọn người và giao chỉ tiêu.
Vậy kỹ năng sinh viên nên học là gì?
Quy trình học không theo thứ tự, các bạn hứng thú với cái gì thì học cái đó trước. Mỗi thời điểm học một kỹ năng, không nên ôm đồm nhiều một lúc, tránh tẩu hoả nhập ma.

1. Thiết kế, design.

Học Photoshop, học Illustrator, học Indesign. Là một graphic designer thì nên sử dụng tốt ít nhất một trong ba phần mềm trên. Các bạn không cần học chuyên như một designer chuyên nghiệp. Photoshop chỉ cho bạn biết chỉnh sửa ảnh, làm bộ ấn phẩm truyền thông, Illustrtor thì là thiết kế logo, sản phẩm in ấn, infographic, bộ nhận diện thương hiệu, InDesign thì là dàn trang sách, tạp chí… Dành mỗi tháng học một phần mềm. Các bạn không phải chạy Grab để kiếm sống nữa.

2. Kỹ năng viết

Đây là kỹ năng khó, vì là khó nên nó đáng giá. Yên tâm là rèn được. Cứ đọc nhiều, thì sẽ viết được. Các bạn cứ hình dung việc tiếp nhận thông tin hàng ngày như là “nhặt sỏi”. Cứ từng ngày, từng ngày, các bạn sẽ học được cách viết từ tác giả sách, blogger, nhà báo, bạn bè… Trong marketing người ta gọi đó là Copywriter. Lương cao đó nha.

3. Lập website

Nghe qua thì khó, nhưng giờ có video hướng dẫn từng li từng tí. Việc lập blog chia sẻ, website bán hàng, website thông tin… nếu chăm chỉ, không quá một tuần các bạn làm được. Khi có website rồi thì bạn có thể triển khai được nhiều thứ trên đó. Nếu không làm được thì các bạn phải thuê, thuê thì giá cao, nhờ thì phiền, cố gắng tự học.

4. SEO – tối ưu kết quả tìm kiếm

Tui thấy cái này rất hay và cực kỳ cần thiết. SEO là gì? Hiểu đơn giản, bạn bán giày online, bạn có website, người mua search google: giày nam tốt mua ở đâu? Thì kết quả tìm kiếm của google nó sẽ show ra 10 trang website. Bạn nghĩ xem? Người mua sẽ vào những trang nào? Đương nhiên là mấy trang top đầu rồi. Vậy web của bạn có ở đó không? Hay trôi dạt nơi nào. SEO cần sự kỷ luật, chăm chỉ, liên quan đến việc tạo nội dung nên kỹ năng viết tốt sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều.

5. Google Adwords

Như design đã biết PS thì nên biết cả Ai. Bởi nó hỗ trợ nhau nhiều. Google Adwords cũng vậy. Khi các bạn tìm kiếm điều gì đó trên Google thì bạn sẽ nhận được kết quả tìm kiếm tự nhiên và quảng cáo trả phí. Ở đây kết quả tìm kiếm tự nhiên là SEO, còn quảng cáo trả phí là Google Adwords. Và nó được đặt ở vị trí trên top 1,  dưới top 10.
Đến đây thì kha khá kỹ năng rồi. Có thể có nhiều kỹ năng cứng các bạn chưa dùng nhiều. Nhưng yên tâm là khi cần đến nó thì các bạn sẽ không còn bỡ ngỡ. Việc học lại nó nhanh hơn là việc bắt đầu mọi thứ từ đầu.

6. Facebook Marketing

Giờ kinh doanh online, không ông nào không chạy Facebook Ads. Không kể phục vụ cho kinh doanh mà còn việc quảng bá thông tin nữa. Nhìn vào tuyển dụng các bạn có thể thấy ngày nào cũng có đơn vị, doanh nghiệp tìm người làm Facebook Marketing. Nhu cầu tuyển dụng cao như vậy, tại sao các bạn lại bỏ qua?
Đại Học đào tạo không có sai nhưng rất tiếc doanh nghiệp không cần nhiều kiến thức đó. Đến 98% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ cần người giải quyết công việc cụ thể, kiểu người Doer – người làm hơn là Thinker – người suy nghĩ. Thị trường cần ông Doer nhiều hơn nhưng hệ thống Đào Tạo thì quá lại tập trung quá nhiều trường Đại Học, nơi đào tạo Thinker, nơi học tư duy nghiên cứu hàn lâm. Trong khi đó trường dạy Nghề, Cao Đẳng lại ít. Chưa kể định kiến học Cao Đẳng, học Nghề là bằng cấp không có giá trị.
Ông học Đại Học Điện Lực có đi sửa nồi cơm điện được không? Chắc chắn là không, bởi ông có được đào tạo cái đó đâu. Cái đó dành cho ông học Nghề Điện. Ông học Điện Lực thì ra làm gì? Nghiên cứu hệ thống điện quốc gia à. Việc đó chắc có tập đoàn lớn họ làm.
Chốt lại những kỹ năng cứng sinh viên nên học, để tránh ra trường với CV – phần kỹ năng trống trơn. Hay chỉ được tô vẽ bằng những thứ mơ hồ.
Các bạn học Đại Học thì có ít nhất là 4 năm học, tính ra là 48 tháng. Học hết 6 kỹ năng trên chắc tầm 18 tháng, chăm chỉ học, đi học ngoài lấy định hướng, về nhà học thêm. Trong việc lĩnh hội thì có nhiều tầng: Biết, Hiểu, Ngộ, Hành, Thông. Cố gắng tất cả ở trên tầng Hiểu, tầng Ngộ. Ai chuyên phần nào thì cố gắng lên tầng Hành, tầng Thông.
Cảm ơn các bạn đã đọc!