“Nhiều người làm vậy nên ta cũng làm theo?!”
Vốn là loài động vật có tính xã hội cao nên con người chúng ta rất coi trọng việc sống theo bầy đàn và thường xuyên phải phụ thuộc...
Vốn là loài động vật có tính xã hội cao nên con người chúng ta rất coi trọng việc sống theo bầy đàn và thường xuyên phải phụ thuộc vào nhau để tồn tại cũng như phát triển. Với trí thông minh vượt trội cùng mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong những xã hội riêng biệt hay thống nhất, loài người đã vươn lên đứng đầu chuỗi thức ăn suốt nhiều giai đoạn tiến hóa của mình cho đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, mọi gắn kết dù là nhỏ nhất đều bắt nguồn từ sự tác động qua lại giữa những cá nhân độc lập với nhau, từ đó, mỗi suy nghĩ, hành động của từng người sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những luồng tư tưởng của một tập thể lớn hơn - xã hội. Qua thời gian, như một lẽ đương nhiên, trong đầu chúng ta dần hình thành lối suy nghĩ “nhiều người làm vậy nên ta cũng phải làm theo” và nó đã cho ta cơ hội được tiếp cận với biết bao điều hay ho, mới mẻ để làm phong phú thêm cuộc đời mình. Nhưng cách nghĩ này cũng tạo ra ảnh hưởng không tốt lên những thói quen, quan điểm sống và cả tư duy làm việc hay giải trí của riêng ta.
Những gì tui nói ở trên nghe có vẻ khá quen phải không? Đúng vậy, bạn có thể gọi đây là “Hiệu ứng đám đông”, một loại xu hướng rất phổ biến trong xã hội hiện nay, nhất là khi Internet đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Và chắc hẳn ai cũng từng rơi vào những tình huống liên quan đến hiệu ứng tâm lý này.
Khi biết được một người bạn nào đó quyết định không làm bài tập về nhà cho môn toán ngày mai, trong thâm tâm, ta sẽ ngầm chê trách đối phương, đồng thời cố gắng hoàn thành các bài tập kia nhằm chứng minh mình chăm chỉ hơn người bạn này. Mặt khác, nếu hay tin phần lớn cả lớp đều ngó lơ bài tập về nhà, khả năng cao ta cũng sẽ buông lơi bản thân mà làm điều tương tự - bỏ qua chúng, bởi lúc ấy, ta biết rõ sẽ có nhiều người cùng chịu phạt chung với mình và điều đó đem lại một sự “đồng cảm” rất lớn, giúp ta ý thức được rằng mình cũng là con người giống họ.
Bạn đang lướt Facebook, vô tình đọc được một bài viết hay và rất muốn bấm LIKE hoặc bình luận điều gì đó nhưng khi nhận thấy bài viết đó có lượt tương tác quá ít dù đã được đăng rất lâu (chỉ vài trăm lượt tương tác) nên bạn nghĩ bụng: “Chắc bài viết này có vấn đề gì đó nên mọi người mới ít quan tâm đến thế!”, rồi cuối cùng bỏ qua nó. Cứ thế, bạn tiếp tục lướt Facebook, bỗng bắt gặp cùng bài viết trước đó nhưng được đăng tải trên một trang mạng xã hội có hàng trăm nghìn người theo dõi với số lượt tương tác vô cùng cao, chỉ mới vài phút trôi qua nhưng bài biết đã nhận về hàng loạt lượt LIKE, tim, hehe,… và bình luận, gấp mấy lần “phiên bản ít tương tác hơn” kia. Trong vô thức, bạn cũng bấm LIKE và bắt đầu gõ vài dòng bình luận về bài viết để “góp vui” với mọi người, vì khi ấy, bạn đã có thể chắc chắn rằng bài viết đó chẳng có vấn đề gì cả nhờ vào “sự an toàn” mà “đồng loại” đã tạo ra cho mình. Và thế là bạn chọn bài viết có lượt tương tác cao hơn để bấm LIKE. Ngoài ra, khi đọc bình luận của người khác, ta thường CẢM THẤY những bình luận nào được tương tác nhiều thì chắc hẳn đó là những quan điểm hay ho, thú vị, sáng tạo, thậm chí là đúng đắn,…, đơn giản vì chúng đã được nhiều người chú ý và “công nhận”…
Mỗi lần bị đám đông thao túng, ít nhiều ta có thể cảm nhận được tính tự chủ của mình giảm đi. Nhưng thực tế cho thấy đa phần mọi người lại không quá để tâm đến nó, họ coi điều đó như một điều hiển nhiên và dần bình thường hóa luôn cả cái tâm lý đám đông đang lớn mạnh không ngừng bên trong. Họ cho rằng việc tuân theo các quy luật của số đông đơn giản chỉ là sự thích nghi vì con người vốn sống phụ thuộc rất nhiều vào đồng loại. Nếu xét theo bản năng thì điều này có vẻ đúng và khá hợp lí với chúng ta. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, khi được sống trong một thời đại tân tiến với mức độ dân trí cao hơn, hầu hết chúng ta đã có thể kiểm soát phần lớn các nhu cầu cơ bản của một loài động vật thông thường, cùng với đó là khả năng tự nhận thức cũng được cải thiện không ngừng qua thời gian. Vì vậy mà lẽ ra ta phải ý thức được điều mà bản thân thật sự cần và hành động theo quan điểm riêng, thay vì cứ quy chụp suy nghĩ, cảm nhận của người khác cũng là của mình.
Đôi lúc chúng ta sẽ cần đến ý kiến của những người xung quanh (quen biết hoặc xa lạ) để đưa ra vài quyết định mang tính định hướng cho chặng đường sắp tới. Và những lời góp ý ấy nên dừng lại ở mức độ tham khảo, đừng cố gắng lục tìm cho bằng được câu trả lời xác đáng từ chúng vì chỉ với một khoảnh khắc chủ quan, những suy nghĩ, hành vi, cảm nhận và cả nhu cầu cá nhân của bản thân đều có thể bị kiểm soát lúc nào không hay.
Vốn rất thích thú với việc giao tiếp bằng tiếng Anh nên khi nghe người ta khen rất nhiều về chất lượng dạy học của ông thầy A thì bạn cũng lò dò đến đăng kí lớp học của thầy; trải qua vài buổi học, bạn nhận ra cách dạy của thầy lại không phù hợp với mình, trong khi bạn thích học về các kỹ năng nói thì thầy lại thường xuyên cho học viên giải đề và hướng dẫn các mẹo làm bài tập; vì đã lỡ đóng học phí nên bạn đành phải lên lớp cho đến hết tháng, bỗng bạn chợt nhận ra cái “chất lượng” mà người ta hay đồn thổi về thầy chỉ là những con điểm cao chót vót mà học viên đạt được trong những bài thi, bài kiểm tra. Bạn vừa xem xong một bộ phim, cảm nhận nó rất hay, cảm xúc và để lại nhiều bài học ý nghĩa; vài phút sau, bạn lướt đọc một bài review cũng về bộ phim đó, nhận thấy xuyên suốt bài viết đa phần là những nhận xét không mấy thiện cảm dành cho bộ phim, rất hiếm những đánh giá tích cực; kéo xuống phần tương tác, bạn đọc được rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của người viết bài review, điều đó khiến bạn thấy hụt hẫng và bắt đầu suy xét lại nhận định của mình về bộ phim; cứ thế, những ấn tượng tốt đẹp ban đầu cũng không thể giúp bộ phim trờ thành một tác phẩm điện ảnh thật sự hay trong mắt bạn vì CÓ QUÁ NHIỀU NGƯỜI CHÊ NÓ. Đặc biệt, ngày nay người ta rất thích xem những video liên quan đến phản ứng, cảm nhận của người khác về một thứ gì đó, hay còn gọi là Reaction; dù chỉ có một hoặc vài cá nhân xuất hiện trước máy quay để thực hiện phần Reaction nhưng người xem vẫn có xu hướng tìm đến những video ấy nhằm thỏa mãn sự tò mò về suy nghĩ cúa người khác, họ muốn biết liệu chúng tương đồng hay khác xa so với quan điểm của mình.
Bản thân những lời khuyên kiểu như “hãy mặc kệ miệng đời”, “bỏ qua lời nói, suy nghĩ của người khác” hay “đạp lên dư luận mà sống và làm chủ cuộc đời mình”,… cũng vì được nhiều người ủng hộ nên mới có cơ hội tiếp cận với chúng ta qua các phương tiện truyền thông, trường lớp, xã hội,… dù thực tế chẳng mấy ai có đủ khả năng thực hiện chúng vì như đã đề cập, con người vốn rất đề cao việc sống phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân trong tập thể. Vì vậy,vấn đề không phải làm thế nào để tránh bị những người xung quanh thao túng mà khi bị cuốn vào “dòng chảy” đám đông, ta có nhận thức được điều ấy hay không và quyết định hành động như thế nào, nương theo, đứng yên hay đi ngược lại với họ. Hãy học hỏi những điều bổ ích, dừng lại cân nhắc với thứ vô bổ và mạnh dạn phản đối sự tiêu cực mà số đông gây ra.
Nếu bạn sợ bị tẩy chay, chỉ trích khi nói lên quan điểm và suy nghĩ của mình với người khác thì chẳng sao cả bởi AI CŨNG NHƯ THẾ. Cứ coi đây là một loại “hiệu ứng đám đông” thông thường để bạn tìm thấy phần nào sự an ủi, đồng thời lấy đó làm động lực cho việc thoát khỏi cái khuôn khổ chung của số đông mà phát biểu ý kiến của riêng mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất