Tôi biết đến tác giả Hoàng Mạnh Hải từ cuốn “Nửa gánh suy tư”. Trong cuốn này, ông tập trung nhấn mạnh ý tưởng mỗi một người, để sống tử tế với bản thân và với người khác, phải có một nhân sinh quan lành mạnh. Kể từ khi ra sách, ông đã dành nhiều thời gian đi nhiều nơi nói chuyện về chủ đề này. Cũng trong hành trình này, ông nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh việc xây dựng nhân sinh quan lành mạnh; tất cả những điều đó – câu hỏi từ độc giả và câu trả lời của riêng ông – được ông tổng hợp lại và biên thành cuốn “50 Câu Hỏi Về Nhân Sinh Quan”.
Tôi biết đến tác giả Hoàng Mạnh Hải từ cuốn “Nửa gánh suy tư”. Trong cuốn này, ông tập trung nhấn mạnh ý tưởng mỗi một người, để sống tử tế với bản thân và với người khác, phải có một nhân sinh quan lành mạnh. Kể từ khi ra sách, ông đã dành nhiều thời gian đi nhiều nơi nói chuyện về chủ đề này. Cũng trong hành trình này, ông nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh việc xây dựng nhân sinh quan lành mạnh; tất cả những điều đó – câu hỏi từ độc giả và câu trả lời của riêng ông – được ông tổng hợp lại và biên thành cuốn “50 Câu Hỏi Về Nhân Sinh Quan”.
Hình tôi chụp
Hình tôi chụp
Bạn thử hình dung quá trình cuốn sách này được hình thành thế nào: tác giả chia sẻ – độc giả nghe, suy nghĩ và đặt câu hỏi – tác giả trả lời, ghi chú lại, suy nghĩ thêm – độc giả nghe, suy nghĩ, tiếp tục gửi mail, tin nhắn để hỏi tiếp – tác giả tiếp tục trả lời, ghi chú lại, suy nghĩ thêm. Trong quá trình này, tác giả cũng đặt câu hỏi ngược lại cho độc giả để độc giả tự suy xét. Đây là một vòng lặp hỏi-đáp giữa tác giả và độc giả; và vòng lặp này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi cuốn sách ra đời. Và chắc chắn vòng lặp đó vẫn chưa kết thúc.
Vòng lặp đó chính là sự đối thoại. Khi bạn đọc cuốn sách này là bạn đang ở trong tư thế đặt câu hỏi cho tác giả, nghe tác giả trả lời, và rồi cũng nhận được những chất vấn từ chính tác giả. Vì vậy mà cách nào đó cuốn sách này sẽ không dành cho bạn nếu bạn không đọc với tinh thần đối thoại.
Đối thoại là sự đối đáp qua lại giữa hai hoặc nhiều bên, không nhằm chứng minh bên nào đúng bên nào sai, mà để đi tìm những cái tốt và cái tốt nhất. Nói theo Aristotle thì đối thoại (có biện luận) sẽ giúp đôi bên tiến gần hơn đến các sự thiện và nhất là tiến gần nhất đến sự thiện tối hảo. Sự thiện này không thuộc sở hữu của bất kỳ ai. Cứ hễ ai đứng ra tuyên bố họ đã thấu đạt được sự thiện tối hảo thì chắc chắn kẻ đó chẳng biết gì. Sự thiện tối hảo sẽ dần được tỏ lộ trong đối thoại.
Cuốn sách “50 Câu Hỏi Về Nhân Sinh Quan” mà bạn sẽ đọc cũng đòi hỏi tinh thần đối thoại ấy, trước hết là nơi tác giả - ông không trình bày mọi điều như chân lý tối thượng, là khuôn mẫu chung cho mọi việc, nhưng chỉ là một tham khảo, dường như ở mỗi câu hỏi ông đều nhấn mạnh ý này; sau là nơi độc giả - vì tác giả để mở một khả năng tham khảo nên độc giả được đòi buộc không được tin tưởng hoàn toàn những gì đã được biên ra. “Tận tín thư bất như vô thư” – Đọc sách mà tin hết vào sách thì thà không đọc còn hơn. Với tinh thần đối thoại, bạn không được tin hoàn toàn mọi câu trả lời của tác giả.
Tác giả Hoàng Mạnh Hải còn nhắc bạn thêm một ý nữa, mà bây giờ tôi sẽ diễn lại cách hiểu của mình. Bạn không được “đọc vẹt”, “đọc nhi bất tư tắc võng” - đọc mà không suy nghĩ thì vô ích (thật ra câu này đúng sẽ là “học nhi bất tư tắc võng”). Đây là hậu quả của lối học vẹt từ chương mà cách nào đó bạn và tôi cũng là nạn nhân. Chúng ta quen hưởng cái gì đó đã được dọn sẵn, và việc của chúng ta là nuốt vào – là cố nhớ - những gì đã được bày dọn. Cái tai hại khác nữa là ta cố nuốt cho xong, là lướt đọc cho qua. Ở tiểu thuyết, bạn có thể đọc lướt đôi chỗ; ở sách kỹ năng, bạn có thể đọc lướt nhiều hơn; nhưng ở những trang sách, bạn lướt một chỗ là mất cả một đoạn. Vì đó là một mạch tư duy thông suốt, không thể cắt ngang, không thể lướt qua, không thể trích dẫn ngang hông.
Nếu bạn không vướng phải hai điều trên thì bạn hẳn là một người đọc tỉnh táo, hẳn bước đầu đã có tư duy độc lập và tư duy phản biện. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cuốn sách này cũng sẽ không dành cho bạn nếu bạn thiếu sự cởi mở đón nhận các khác biệt. Ở trên là hai lời nhắc về thái độ dễ dãi tiếp nhận, còn đây là lưu ý về thái độ dễ dàng bác bỏ, nhất là bác bỏ những điều mà bản thân không đồng ý hoặc thấy chưa được rõ ràng.
Chẳng hạn, trong vấn đề làm sao phân biệt được Đúng – Sai trong các hoàn cảnh cuộc sống, tác giả có liệt kê ba cơ sở giúp mình phân biệt. Cơ sở thứ ba là lương tri – theo cách giải thích của tác giả là lẽ phải, lẽ thường tình. Nhưng ông cũng cho rằng lương tri đồng nhất với EQ (trí tuệ cảm xúc). Hai chữ “đồng nhất” là từ của tôi, dùng để diễn tả lại cách hiểu về những gì tác giả đã viết trong phần này. Sau đó, ông tiếp tục gọi ra từ “trực giác”, rồi “trí”. Nếu tôi có dịp trao đổi với tác giả, tôi sẽ gặng xét ông đoạn này.
Nhưng hiện tại, tôi tạm ghi nhận lại để tự mình kiểm tra thêm. Thật ra, với dòng sách tri thức thế này hoặc dòng sách tri thức cao hơn, việc bất đồng ý kiến với tác giả là chuyện thường tình. Cái bất thường là từ cái bất đồng mà tự sinh ra thái độ bác bỏ hoàn toàn. Nếu bạn muốn đọc sách này, bạn cần cho bản thân cơ hội suy nghĩ thêm. Tác giả Giản Tư Trung gần đây cũng đã chia sẻ chuyện tinh thần chủ động suy nghĩ này. Ở đây, tôi trích lại một đoạn ngắn chia sẻ của thầy Trung:
“Khi nãy tôi thấy em không quan tâm những gì ‘nhức đầu’, không quan tâm những gì tôi suy nghĩ. Có nghĩa là em đã chối bỏ cơ hội đào luyện đời sống tinh thần của mình. Mà khi em đã chối bỏ cơ hội đào luyện tinh thần của mình thì em cũng không thể có cái đầu độc lập, không có cái đầu tự do. Và do đó rất khó có được cái đầu sáng tạo. Mà không có casid dầu sáng tạo thì rất khó tạo ra giá trị lớn. Mà không tạo ra giá trị lớn thì rất khó làm giàu, khó kiếm được nhiều tiền theo chính đạo.”
Giản Tư Trung
Bạn hiểu ý tôi chứ? Thiếu cởi mở với các khác biệt là bạn tự đóng cánh cửa cơ hội được suy nghĩ thêm, được biết thêm, được làm cho mình thêm phong phú. Tác giả Hoàng Mạnh Hải nói: “Nếu vô tình phát hiện ra có người hiểu khác mình thì càng thú vị. Điều đó giúp ta học thêm nhiều điều hay …”
Hình mượn từ Sách Khai Tâm
Hình mượn từ Sách Khai Tâm
Đoạn tôi vừa viết, nhấn mạnh vào “cởi mở” và “suy nghĩ thêm”. Bạn đọc lại đoạn số hai, tôi cũng nhấn mạnh điều này. Và tôi có gọi ra từ “vòng lặp”. Đây là cái vòng lặp đi lên, càng cởi mở và càng suy nghĩ thêm nhiều bao nhiêu thì lại càng có thêm nhiều điều để trao đổi; càng có thêm nhiều điều cần trao đổi thì càng phải cởi mở và suy nghĩ nhiều hơn nữa; cứ thế và cứ thế cho đến khi đôi bên đạt đến sự thiện tối hảo.
Mỗi người có một nhân sinh quan khác nhau. Chắc chắn là thế! Bạn có thể đọc cuốn “Nửa Gánh Suy Tư” để suy nghĩ thêm về con đường hình thành nhân sinh quan. Nhưng có lẽ thông điệp chính của cuốn “50 Câu Hỏi Về Nhân Sinh Quan” này là ở chỗ: đối thoại là điều kiện cốt yếu hình thành một nhân sinh quan lành mạnh; và chính tinh thần chuộng đối thoại tự nó đã là một nhân sinh quan lành mạnh rồi.
Bạn có được tinh thần ấy thì cuốn sách này dành cho bạn.