Crowdsourcing (tạm dịch: Huy động nguồn lực cộng đồng) là một phương pháp sử dụng tương tác cộng đồng để tìm kiếm thông tin hay kêu gọi hỗ trợ từ một tập thể. Crowdsourcing từ lâu đã được sử dụng để giải quyết những thách thức phức tạp trong cả thế giới thực lẫn thế giới ảo, với biểu hiện đa dạng là:
- Đổi mới và sáng tạo.
- Xây dựng kho tàng kiến thức chính xác và rộng lớn.
- Giải quyết các vấn đề phức tạp nhiều chiều.
- Chinh phục thách thức trong thời gian ngắn.
Crowdsourcing áp dụng một số động lực cốt lõi nhằm giữ cho mọi người hợp tác với nhau và giải quyết vấn đề (đôi khi bằng cách chia thử thách thành các nhiệm vụ tẻ nhạt và dễ quản lý). Wikipedia là một ví dụ điển hình về việc huy động tri thức cộng đồng: họ sử dụng các kĩ thuật trò chơi để lôi kéo người dùng xuất bản nội dung, rồi chính những người dùng đó cũng sẽ quản lí và chịu trách nhiệm cho chất lượng của nội dung đăng tải.
Các ứng dụng Crowdsourcing có thể sử dụng các kĩ thuật Game hóa khác nhau ở các mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung đều dựa trên những hiểu biết căn bản về người dùng, mà cụ thể hơn là những động lực cốt lõi thúc đẩy hành vi người dùng. Việc xác định đúng động lực và áp dụng đúng kĩ thuật sẽ giúp các dự án tạo ra được những trải nghiệm phù hợp và được người dùng đón nhận.
Trong một số trường hợp, mọi người có thể được truyền cảm hứng một cách tự nhiên khi đóng góp thời gian và nỗ lực của mình cho một mục đích cụ thể (ví dụ: Wikipedia). Còn trong các trường hợp khác, việc tích hợp các cơ chế trò chơi lại chính là chìa khóa để nâng cao chất lượng và trải nghiệm của mọi người.
Dưới đây là một số ví dụ (không xếp theo thứ tự cụ thể) về việc Game hóa Crowdsourcing để chinh phục những thử thách vĩ đại.

Tomnod

Tomnod là một sáng kiến kỹ thuật số, sử dụng các hình ảnh có độ nét cao được chụp bởi vệ tinh Digital Globe để xác định các vật thể và địa điểm sau thiên tai hoặc thảm họa nhân tạo. Chương trình hành động gần đây nhất của họ là tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia Airlines, số hiệu MH370 mất tích trên Ấn Độ Dương.
Những người tham gia được yêu cầu đánh dấu lên bản đồ mỗi khi tìm được một manh mối nào đó (như đồ dùng trôi nổi hay mảnh vỡ máy bay). Sau đó, một thuật toán tổng hợp sẽ chọn ra những manh mối tiềm năng, thường là vị trí được nhiều người cùng gắn thẻ. Như vậy, qua việc xác định mật độ các mảnh vỡ, họ có thể tìm được vị trí của chiếc máy bay rơi.
Bản đồ tìm kiếm mà Tomnod tạo ra đã ghi nhận hơn 257 triệu lượt xem, tìm ra hơn 2,9 triệu manh mối đáng tin cậy, là thành quả chung sức của hơn 3 triệu người.
Tomnod được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Động lực cốt lõi số 1: Mục đích và Nghĩa vụ cao cả:. Chính nhờ sứ mệnh quan trọng mà dự án đang theo đuổi (tìm kiếm chiếc máy bay rơi) mà hành động đánh dấu manh mối đơn giản (và đôi khi tẻ nhạt) trở nên hấp dẫn hơn. Động lực cốt lõi số 5: Ảnh hưởng xã hội và Khả năng liên hệ cũng xuất hiện khi bạn muốn xác định một vị trí tiềm năng, bạn cần theo dõi kết quả của người khác để cho ra một kết quả được thuật toán chọn lọc. Và sau khi công việc được hoàn thành, những tình nguyện viên sẽ được thúc đẩy bởi Động lực cốt lõi số 2: Phát triển và Thành tựu, cũng như Động lực cốt lõi số 3: Khuyến khích sáng tạo và Phản hồi.

Play to Cure: Genes in Space

Như mọi người đều biết, ADN chứa các đoạn mã di truyền dùng để xây dựng nên cấu trúc protein trong cơ thể chúng ta. Nếu các đoạn mã này được lắp ghép sai cách, những đột biến sẽ hình thành và làm nên căn bệnh ung thư.
Các nhà khoa học lâu nay luôn cố gắng xác định và kiểm soát các đột biến gây ung thư. Họ muốn lập một bản đồ gen nhưng đó là một công việc tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Nhưng nhờ có Genes in Space, mọi vấn đề đã được giải quyết.
"Genes in Space" là một trò chơi lấy bối cảnh ngoài không gian, nơi người chơi sẽ thu thập một chất được gọi là "alpha" - chính là dữ liệu di truyền liên quan đến sự hình thành ung thư - bên trong các tiểu hành tinh. Độ khó của trò chơi sẽ tăng dần theo mức độ thu thập của người chơi, những tiểu hành tinh sẽ nhiều hơn và khó bắn phá hơn, đòi hỏi người chơi phải nâng cấp tàu không gian của họ để có thể tiếp tục cuộc hành trình chinh phục vũ trụ.
Thực chất, hành trình thu thập "alpha" chính là vỏ bọc Game hóa của quá trình xác định lỗi trong các mẫu gen có thật ngoài đời. Bạn chơi trò chơi càng nhiều, bạn càng xác định được những đột biến nguy hiểm, giúp bảo vệ cộng đồng của mình khỏi căn bệnh ung thư nguy hiểm.
Bên cạnh việc chơi vì một mục đích lớn lao hơn (Động lực cốt lõi số 1: Mục đích và Nghĩa vụ cao cả), trò chơi còn được thúc đẩy bởi Động lực cốt lõi số 2: Phát triển và Thành tựu vì khi thu thập được nhiều “alpha”, người chơi sẽ được bắn phá thêm nhiều tiểu hành tinh nữa và thăng hạng (Động lực cốt lõi số 5: Ảnh hưởng xã hội và Khả năng liên hệ).

The Great Brain Experiment

Trong nghiên cứu tâm lý và sinh lí não truyền thống, những tình nguyện viên sẽ tham gia vào những tình huống thí nghiệm được kiểm soát vô cùng ngặt nghèo; chưa kể trước đó họ còn phải tham gia các cuộc tuyển chọn phức tạp theo mẫu đồng nhất, làm số lượng ứng viên đã ít nay càng ít hơn. Trong khi đó, để những nhà khoa học rút ra được những kết luận đáng tin cậy thì các thí nghiệm phải được thực hiện trên các quần thể lớn (đôi khi phải thật đa dạng). May mắn thay, thách thức này đã được giải quyết bằng một trò chơi điện tử có tên The Great Brain Experiment.
The Great Brain Experiment được phát triển tại một trung tâm nghiên cứu về thần kinh ở London. Khi tham gia vào các trò chơi vui nhộn, người chơi hầu như không nhận ra rằng họ đang đóng góp vào những nghiên cứu khoa học có thể thay đổi thế giới. Mục tiêu của các nghiên cứu hiện tại là:
- Khả năng tiếp nhận rủi ro.
- Ký ức.
- Tính bốc đồng.
Các trò chơi mới sẽ tập trung vào:
- Đưa ra dự đoán với một lượng thông tin nhất định.
- Khả năng đưa ra quyết định.
- Khả năng nghe.
- Hiệu suất trong các tình huống áp lực.
Điểm độc đáo của The Great Brain Experiment là nó không hướng người chơi chinh phục những cấp độ cao hơn (Động lực cốt lõi số 2: Phát triển và Thành tựu). Sau tất cả, các nhà nghiên cứu chỉ quan tâm đến cách mọi người phản ứng và cư xử trong những trường hợp bình thường.
Đúng là khi tham gia The Great Brain Experiment, người chơi sẽ đóng góp vào sự phát triển của y học (Động lực cốt lõi số 1: Mục đích và Nghĩa vụ cao cả). Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của họ lại được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác. Một yếu tố quan trọng của trò chơi là cách tính điểm tương đối, điểm số được đưa ra dưới dạng phần trăm. Ví dụ, sau khi chơi xong, người chơi sẽ biết mình có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn so với 90% dân số. Điểm số phần trăm cao gợi lên cảm giác tự chủ (Động lực cốt lõi số 3: Khuyến khích sáng tạo và Phản hồi). Khi người chơi nhận được phản hồi ngay lập tức rằng họ sở hữu các kỹ năng hoặc khả năng lớn hơn người bình thường, ta sẽ thấy biểu hiện của Động lực cốt lõi số 3: Khuyến khích sáng tạo và Phản hồi.

Google Image Labeler

Google Image Labeler là một ví dụ khá sớm về trò chơi huy động nguồn lực cộng đồng. Trò chơi này được ra mắt vào năm 2006 khi Google đang tìm cách cải thiện độ chính xác cho cơ sở dữ liệu hình ảnh của mình. Họ muốn đảm bảo rằng những hình ảnh xuất hiện trên Google Hình ảnh là những hình ảnh phù hợp nhất với từ khóa tìm kiếm của người dùng.
Để đạt được mục tiêu to lớn này, công ty đã quyết định tích hợp nhiệm vụ vào một trò chơi có cấu trúc tương tự trò chơi ESP (một ý tưởng trong khoa học máy tính dùng để giải quyết vấn đề siêu dữ liệu).
Mỗi người tham gia được ghép nối với một đối tác trực tuyến. Công việc của họ là xem hình ảnh cho trước và mô tả chúng bằng càng nhiều từ khóa càng tốt. Điểm thưởng sẽ được tính cho những từ khóa phù hợp.
Trò chơi này chủ yếu được thúc đẩy bởi ảnh hưởng xã hội (Động lực cốt lõi số 5: Ảnh hưởng xã hội và Khả năng liên hệ) khi người chơi được kết nối với một người khác.

Foldit

Các nhà khoa học hiểu rằng protein được tạo ra từ nhiều chuỗi axit amin khác nhau. Tuy nhiên, để tạo ra các phương pháp điều trị, họ cần có cái nhìn trực quan rõ ràng dưới dạng đồ họa ba chiều. Vậy nên, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Trò chơi của Đại học Washington đã biến nguyện vọng nghiên cứu về protein kể trên thành một trò chơi có tên là Foldit.
Mỗi người chơi được cung cấp một cấu trúc protein cơ bản để họ có thể thao tác trên đó. Một người tham gia đã ví trải nghiệm này giống như một phiên bản 3D của Tetris, trong đó mục tiêu là làm cho các thành phần nhất định lấp đầy một không gian trống.
Cho đến nay, Foldit đã trở thành nền tảng cho hai thành tựu khoa học chính là:
- Giải mã cấu trúc của virus Mason-Pfizer Monkey gây ra bệnh AIDS. Đây là vấn đề đã khiến các nhà nghiên cứu bối rối trong mười lăm năm, nhưng nhờ có Foldit, nó đã được giải quyết trong vòng ba tuần.
- Thiết kế lại protein xúc tác phản ứng Diels-Alder được sử dụng trong hóa học tổng hợp. Người chơi đã đưa ra một phiên bản có thêm 13 axit amin. Việc bổ sung này đã làm tăng hiệu quả của enzyme lên mười tám lần.
Trò chơi này được thúc đẩy chủ yếu bởi các động lực Mũ trắng:
- Động lực cốt lõi số 1: Mục đích và Nghĩa vụ cao cả: Người chơi góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học.
- Động lực cốt lõi số 2: Phát triển và Thành tựu: Người chơi làm sáng tỏ cấu trúc protein và thậm chí cải thiện những cấu trúc hiện có.
- Động lực cốt lõi số 3: Khuyến khích sáng tạo và Phản hồi: Nghiên cứu trở thành một trò chơi giải đố, nơi mọi người có thể tự do đưa ra các khả năng khác nhau. Điểm được trao cho mức độ giải mã, nâng cấp và hoàn thiện protein.
- Động lực cốt lõi số 4: Chủ quyền và Sở hữu: Người chơi cảm thấy tự hào về cấu trúc mà họ đã tạo ra. Họ thậm chí có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình trong các nhóm cộng đồng.
- Động lực cốt lõi số 5: Ảnh hưởng xã hội và Khả năng liên hệ: Người chơi được thưởng cho khả năng giải mã protein. Điều này tạo ra sự cạnh tranh giữa những người chơi, từ đó cung cấp thêm động lực để đưa ra các giải pháp sáng tạo.
Từ những ví dụ trên, bạn có thể thấy Crowdsourcing mang trong mình những tiềm năng to lớn, giúp con người biến cái không thể thành có thể. Khi bổ sung cơ chế trò chơi vào Crowdsourcing, mọi người sẽ có hứng thú tham gia hơn, nhờ đó có thể chinh phục được những mục tiêu vĩ đại hơn. Khi những đột phá kỳ diệu được thực hiện thông qua các sáng kiến và nguồn lực cộng đồng, sức mạnh của sự đoàn kết ngày càng được hiện thực hóa như một công cụ cơ bản cho sự phát triển xã hội - chứ không đơn thuần là một triết lý duy tâm.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: