Tôi nhớ có lần ở một công ty làm thêm của tôi khi còn học đại học, một đồng nghiệp đã hỏi tôi câu hỏi tưởng chừng như vô hại này: “Sao bạn im lặng thế?” Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác tim mình rớt xuống và cổ họng nghẹn lại. Người nói không biết rằng chỉ là tôi thấy không cần phải lấp đầy khoảng trống xung quanh bằng tiếng ồn. Tôi thích ngồi lại và quan sát thế giới, đặc biệt đó là khi có rất nhiều người đang trò chuyện.
Ban đầu tôi cảm thấy giận dữ, cho đến khi cảm xúc lắng xuống và thành thật với chính mình, thừa nhận bản thân chủ yếu đã cảm thấy buồn bã và xấu hổ, đã lo lắng thực sự rằng phải chăng bản thân mình có điều gì đó không ổn.
Có một suy nghĩ sai lầm phổ biến rằng tất cả mọi người hướng nội đều im lặng. Sự thật là có rất nhiều người hướng nội giỏi giao tiếp trong môi trường xã hội, nhưng sau đó họ cần thời gian một mình để nạp lại năng lượng.
Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng hầu hết những người hướng nội đều đã từng ít nhất một lần nghe thấy câu “Sao bạn im lặng thế?”, lúc này hay lúc khác.
Có khi câu hỏi đó còn xuất hiện trong bản đánh giá hiệu suất công việc. Những người sếp hướng ngoại thắc mắc tại sao chúng tôi không lên tiếng nhiều hơn và họ đưa ra phản hồi rằng họ muốn thấy chúng tôi quyết đoán hơn trong các cuộc họp. Chúng tôi gần như phải nghiến răng kiềm chế để không nói rằng “Tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn nếu tất cả các bạn im lặng và lắng nghe nhau nói.”
Đôi khi “Sao bạn im lặng thế?” đến như một sự quan tâm. Sự im lặng của chúng ta bị hiểu nhầm là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn, mặc định như không nói chuyện là biểu hiện chắc chắn của việc chúng ta đang lo lắng hoặc chán nản! Sau đó, chúng ta phải thuyết phục người hỏi rằng chúng ta thực sự đang ổn, hoặc thay đổi hành vi của mình để có vẻ bề ngoài vui vẻ và nói hiều hơn. Cách làm thứ hai có thể sẽ đem lại nhiều mệt mỏi.
Không vui nhất là khi câu hỏi “Sao bạn im lặng thế?” đi kèm với nhận định cho rằng bạn là người nhút nhát. Nhút nhát và hướng nội là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hướng nội đề cập đến cách một người nạp lại năng lượng của họ (hãy nghĩ đến những nỗ lực đơn độc như đọc, viết hoặc suy ngẫm chung). Còn những người nhút nhát gặp khó khăn trong những tình huống mới và thường sợ người khác đánh giá tiêu cực. Mặc dù đúng là một số người hướng nội cũng nhút nhát nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Nhiều khi người ta lầm tưởng rằng ít nói đồng nghĩa với việc ít suy nghĩ, và thiếu quan điểm. Đối với những người hướng nội như chúng tôi, điều này không thể phi lý hơn. Người hướng nội có khả năng tiếp thu nhiều thông tin, nhưng chúng tôi cần thời gian để thực sự xử lý nguồn thông tin này. Trong các cuộc họp, người hướng nội thường vẫn đang nghiền ngẫm về một chủ đề khi họ nhận ra rằng cuộc đối thoại đang đi xa quá. Đồng nghiệp có thể nhầm lẫn sự im lặng với thờ ơ hoặc thiếu đầu tư vào cuộc họp khi thực tế không phải như vậy.
Vậy cách tốt nhất để xử lý những tình huống này là gì? Dưới đây là một số điều bạn có thể cân nhắc khi được hỏi câu hỏi đó:
1. Không nói gì. Hãy tự tin rằng bạn vẫn ổn theo cách của bạn. Bạn không cần bất kỳ lời giải thích nào về lý do tại sao bạn thích nói ít hơn.
2. Giáo dục. Một số người không nhận thức được sự khác biệt giữa hướng nội và hướng ngoại. Hãy dành một chút thời gian để chia sẻ về cách bạn xử lý thông tin và cách bạn muốn giao tiếp trong môi trường nhóm.
3. Tạo một trò đùa từ nó. Mặc dù tôi chưa bao giờ thực sự làm điều này nhưng tôi thường muốn trả lời một cách tinh nghịch kiểu “Sao bạn lại ồn ào thế?"
4. Yêu cầu thời gian để xử lý. Nếu bạn đang trong một cuộc trò chuyện quan trọng, dù là cá nhân hay tại nơi làm việc, hãy yêu cầu thời gian để xử lý suy nghĩ của bạn. Hãy để (các) thành viên khác của cuộc trò chuyện biết rằng bạn muốn thảo luận thêm về vấn đề này, nhưng bạn cần thời gian.
5. Đừng coi đó là công kích cá nhân. Hầu hết những người hỏi câu hỏi này đều không có ý xấu và thường hỏi nó vì thực sự quan tâm. Họ không nhận ra tác động mà nó có thể gây ra đối với những người hướng nội như chúng ta.
6. Hãy cân nhắc việc thử thách bản thân. Có những lúc tôi đã nỗ lực có ý thức để lên tiếng nhiều hơn trong môi trường làm việc chuyên nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho cả tổ chức và bản thân.
Dù bạn làm gì tiếp theo, khi bạn nghe thấy câu hỏi “Sao bạn im lặng thế?” hoặc tương tự, hãy biết rằng bạn không đơn độc nếu năm từ đó khiến bạn nhói lòng rồi thở dài lặng lẽ. Hãy vui mừng vì bạn đang tặng cho thế giới một món quà - món quà của sự im lặng.
"The beauty of life lies in the imperfection of it. Cuộc sống nhiệm màu ở cách nó méo mó. Sự đa dạng ấy mới là động lực để mọi thứ phát triển, "tốt hơn". Phải có đủ mọi thứ để khiến trái đất này quay tròn, và nếu ai cũng nói chuyện thì đó sẽ là một nơi quá ồn ào.
“Sự im lặng chỉ đáng sợ đối với những người bắt buộc phải nói bằng lời.” - William S. Burroughs