5 tháng - 2.4 M tim - 260k follows - Bài học xây tiktok của mình - Phần 3
Sau 2 phần trên chắt lọc hết tinh hoa trong quá trình xây kênh thì mình sẽ dừng lại ở Phần 3 - Mót nhặt hết các thứ hổ lốn còn lại theo dạng câu hỏi mình hay nhận được.
1. Làm kênh kiến thức nhưng lại trên Tiktok thì truyền đạt được cái gì?
Mình không phủ nhận, ban đầu, nó là một bài toán khó. Giống như đòi nhét con voi vào 1 cái tủ lạnh vậy. Dung lượng của tiktok không hề phù hợp để cung cấp kiến thức một cách cặn kẽ, bài bản. Huống hồ, những kiến thức về tài chính - kinh tế - địa chính trị nếu không nói ngọn ngành bối cảnh rất dễ gây phân tích.
Và lời giải của chúng mình cho bài toán này là... Đổi kỳ vọng. Vẫn là một kênh kiến thức, có ích, nhưng đừng kỳ vọng tạo đột phá trong nhận thức như những clip Youtube dài cả vài chục phút. Thay vào đó, thứ bọn mình kỳ vọng là tạo ra được một “vết ngứa” trong não, và mọi người phải “gãi ngứa” bằng cách tự mình đi tìm hiểu thêm.
Nếu chỉ dừng lại ở 1 clip của Finpath dài 3-5', chắc chắn là không nhận được gì nhiều. Nhưng nhờ Finpath khơi mào mà các bạn có động lực và đủ tò mò để tìm hiểu tiếp. Đó đã là cái khiến chúng mình thỏa mãn.
2. Như nào là dễ hiểu? Phải làm sao để dễ hiểu?
Rồi, cái này cũng mất cơ số lần thử nghiệm của mình để cho ra một "cảm giác" nhất định khi viết. Tức là viết đến đâu mình linh cảm là nó sẽ hấp dẫn người xem đến đó. Nên bảo có công thức nào không thì mình nghĩ là không.
Nhưng có một nguyên tắc như này: Trước khi muốn làm người khác hiểu, mình phải hiểu cái đã. Mà càng hiểu sâu, càng biết cách giải thích nó dễ hiểu, nhẹ nhàng, người ta sẽ càng thấy nó cuốn.
Vậy nên, đúng là kiến thức chung của nhân loại, bọn mình đi tổng hợp về thật đấy, không có phát minh ra cái gì mới cả. Nhưng thử thách mình tự đặt ra cho bản thân mỗi lần tiếp nhận một đề tài, ngoài views, thì còn là... MÌNH PHẢI THỰC SỰ HIỂU.
3. Bí ý tưởng thì làm sao?
Quá là bình thường ở phố phường. Ai làm content chả có lúc bí. Và đây là một trong những liều thuốc giảm “bí” của mình (giảm thôi nhá, không chữa được tận gốc đâu)
(1) Đọc sách
Ối dồi, câu trả lời rất chi là lý thuyết. Nhưng không thể đúng hơn :)) Đọc đa dạng càng tốt: kinh tế văn hoá chính trị đến tự truyện… lalala. Có những quyển mình đọc xong hiểu có 10% thôi, mà thấy ý tưởng nó hay quá, research thêm để làm clip, thế là thành hiểu được 50% rồi.
Còn một cái hay nữa khi đọc sách là thông tin chất lượng hơn so với đọc bài sharing lẻ tẻ trên mạng, sách đủ dung lượng để kiến thức được thể hiện một cách triệt để và bao quát nhất, trọn vẹn, không chắp vá. Và đọc sách tập trung hơn là lướt mạng.
(2) Xem youtube
Lại cảm ơn editor một lần nữa. Bạn ấy đã khai phá cho mình rất nhiều kênh youtube hay (rất chi là tâm đắc kênh của Johny Harris). Chỉ mình cách xem một clip như nào cho chất lượng, phải quan sát những cái gì thay vì tiếp nhận thông tin thụ động. Từ cách sắp xếp hình ảnh, bố cục nội dung, cách lấy ví dụ, edit, năng lượng truyền tải, các nguồn được nhắc đến… Một kênh youtube thành công, tất cả đều có chủ đích, sắp xếp cả, không có gì là ngẫu nhiên.
(3) Chat GPT
Cái này mình mới được khai phá gần đây thôi. Mà giờ mình cảm giác đang thuê trợ lý với gái 500k một tháng và nó đỡ mình cả tỷ tỷ công việc ý.
Ví dụ 1: thay vì phải lê la cả tiếng đồng hồ trên mạng để tìm một cái đồ thị về GDP của Thâm Quyến đã vượt Hà Lan và HongKong như nào (mình tìm rồi mà không có cái nào ưng ý), thì mình chỉ cần order GPT vẽ cho mình một cái, và 5’ mình đã có 1 cái đồ thị rất sắc nết rồi.)
Ví dụ 2: Bạn còn nhớ một trong những cách vào intro của mình là dùng con số đối lập chứ? Lần đó mình cần lên kịch bản về chủ đề về thị trường Vàng ở Việt Nam, và mình đã order GPT cho tôi một vài con số gây sốc, và so sánh nó với một vài quốc gia tương đồng khác. DONE, mọi việc được giải quyết trong một nốt nhạc thay vì phải lê la khắp các trang mạng.
(4) Đọc… bình luận báo
Dân trí này, CafeF này, Vietnamnet này… Bạn sẽ không ngờ là có cả một kho tàng các idea ẩn nấp trong comment của mọi người như nào đâu. Một vài clip triệu views của mình được bắt nguồn từ chính các comment như vậy đấy.
(5) Follow fanpage của các KOL kinh tế, tài chính…
Chắc họ cũng không cần làm KOL đâu mà mình tạm gọi vậy cho các bạn dễ hình dung. Đến đây thì mình cảm ơn vô cùng facebook đã giúp những chuyên gia, kinh tế trưởng, giám đốc tài chính… tưởng chừng chẳng bao giờ mình có cơ hội gặp ấy có thể phổ cập quan điểm của họ tới những người bình dân như mình.
Tuy nhiên, hạn chế của cách này là (1) Cá nhân nên có một chút kiến thức nền, để ngấm được nội dung tốt hơn, nhanh hơn. (2) Cũng là nên có kiến thức để phân định được KOL xịn và dởm, bài chất lượng hay điều hướng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất