Bài chia sẻ ý nghĩa đến từ anh Phạm Minh Tuấn — Founder & CEO Topica Edtech Group
Mấy hôm trước có vụ khẩu chiến nẩy lửa do Nguyễn Đình Nam (Founder VP9.TV) khởi xướng, về việc dân IT nên làm outsourcing hay startup. Như đại ca Nguyễn Thành Nam (Cựu CEO FPT) nói, nguyên do là ở trong ngành mới thấy thiếu nhân lực IT khủng khiếp. Ở các công ty outsourcing lớn, mỗi vị trí tuyển dụng chỉ có 1.02 hồ sơ, tức là gần như ai nộp đơn cũng vào hết, trừ những người quá yếu. Các startup nhỏ thì chắc là đa số đang vô vọng trong việc tuyển developer.
5 tật xấu dân outsourcing cần bỏ, nếu muốn làm "Tech Co-Founder" cho Startup
Tôi xưa nay vẫn biết ơn các đại ca làm outsourcing, nhờ thế mà cả ngành startup mới có nguồn nhân lực. Đi sang mấy nước Indo, Thái Lan, dân họ không thích học IT, họ không có ngành outsourcing, bây giờ đâm ra rất chật vật phát triển startup mặc dù vốn đầu tư thì chảy ào ào hơn Việt Nam mình nhiều. Anh chị em làm outsourcing có rất nhiều kỹ năng quý, như biết làm quy trình bài bản, code chân phương, viết tài liệu kỹ càng. Một số người được tiếp cận với những công nghệ khủng nhất thông qua các dự án với khách hàng.
Nhưng mà bảo là outsourcing làm anh em dev bị theo lối mòn cũng có lý của nó. Bên chúng tôi có hơn 100 anh chị em IT, nhiều người từ outsourcing sang. Nhiều bạn thích nghi nhanh với môi trường startup, nhưng cũng nhiều người mắc phải các tật xấu dưới đây. Xin chia sẻ ở đây để hai bên cùng hiểu nhau hơn.
1. Phải đầy đủ phân tích, thiết kế rồi mới lập trình
Hồi bạn làm outsource, khách hàng thường phân tích, thiết kế xong xuôi rồi mới đưa ra yêu cầu. Bây giờ sang startup, hỏi thiết kế đâu mấy ông bà startup kia cứ ngớ người ra, đúng là chả chuyên nghiệp. Không có thì sao mà làm được, thôi bàn việc khác nhé lúc nào có thiết kế thì bạn làm. Ơ sao có thế mà các ông bà cũng bốc hoả à?
Ở startup, sản phẩm thường chưa định hình, chính ông founder cũng chỉ đoán lơ mơ là người dùng cần gì. Nếu mình là tech co-founder mà suốt ngày hỏi “anh cho em bản thiết kế chức năng, workflow”, “chị vẽ cho em flow-chart thì em mới làm được”, rồi lại thắc mắc là tại sao họ điên tiết, thì sớm chia tay nhau là cái chắc. Bạn nên chủ động hỏi han, đoán ý của anh em về sản phẩm, đưa cho họ bản mock-up xem thử, làm thử 1–2 giao diện, rồi chủ động thiết kế và lập trình.
2. Bức xúc khi yêu cầu thay đổi nhiều
Bạn đã nhẫn nhịn không đòi thiết kế, tự đoán ý của founder, hỏi ý kiến cả giám đốc marketing, cày được một app khá ổn. Thế mà vừa thò ra họ lại đòi thay đổi cả chục thứ, cả những yêu cầu ngược hẳn với hôm trước. Bốc hoả.
Ở startup việc thay đổi là thường ngày ở huyện. Họ đang đoán là user sẽ thích tính năng này, nhưng đưa ra dùng thử thì user bảo chả liên quan. Đến lúc được cái user thích rồi, nhưng bảo trả phí thì lại tịt. Kiếm được vài ông chịu trả phí, nhưng mãi không tăng lên được vài trăm ông. Lại phải thử hàng trăm ý tưởng khác, rồi mới tìm được hướng đúng. Startup thường làm MVP (minimum viable product), để ra ứng dụng cơ bản nhanh nhất có thể, rồi vừa thử nghiệm với thị trường vừa sửa sản phẩm. Bạn cần chọn các tool thích hợp cho việc thay đổi version liên tục, và chuẩn bị tinh thần để quay cuồng theo cuộc chơi đó.
3. Cứ tưởng chỉ có giải thuật, kiến trúc phức tạp mới là quan trọng
Bạn ngồi kỳ cạch code, chạy rất ngon, xử lý nhanh trong chớp mắt, sẵn sàng chịu tải được hàng chục ngàn CCU, tuỳ biến được cho mọi trường hợp. Vậy mà anh em họ lại chê giao diện xấu, trải nghiệm UX lởm. Giao diện thì dễ ợt, bảo thằng cu thiết kế nó đi mà làm, bạn code cả đêm rồi, về ngủ cái đã. Founder bốc hoả.
Một trong những bí quyết thành công của Flappy Bird là do chơi được bằng 1 ngón cái, hợp với người nước ngoài hay đi xe bus và tầu điện ngầm, vì họ chỉ có 1 tay cầm phone, 1 tay còn phải bám. Chả liên quan gì đến giải thuật. Đội GotIt bỏ rất nhiều công phân tích dữ liệu log của user, chỉ để xem cái nút này nên để trên cao hay dưới màn hình. UX UI là cả một lĩnh vực hot, các chuyên gia có khi lương còn cao hơn cả lập trình viên xịn. Bạn nên tìm hiểu và luyện thêm cả mảng đó, để bao sân được cho founder yên tâm đi bán hàng, gọi vốn.
4. Chỉ nghe ông nào giỏi kỹ thuật hơn mình
Bạn quen làm outsource, ông nào giỏi kỹ thuật mới được lên team lead, giỏi nữa lại lên tiếp. Giỏi chuyên môn thì bạn mới phục. Ông nào không biết nghề nói luyên thuyên, bạn phán cho 1 câu với vài thuật ngữ là tịt luôn.
Khổ nỗi nhiều ông founder lại không phải dân tech, họ giỏi kinh doanh, giỏi xây dựng nhân sự, có biết kỹ thuật thì cũng chỉ tí chút, thế họ mới cần bạn làm Tech Co-founder. Và cả các ông bà khác trong team cũng vậy. Nếu họ cứ yêu cầu hơi ngứa tai gì là bạn lại quăng thuật ngữ, rồi kết luận xanh rờn là “không làm được đâu”, thì ức chế dã man và chắc sẽ biệt ly sớm. Bạn nên học cách kiên nhẫn, giải thích theo cách đời thường cho họ hiểu, đưa ra giải pháp khác nếu yêu cầu của họ vô lý. Và đặc biệt cần hết sức kiềm chế việc coi thường ra mặt những người không phải dân tech.”
Nguồn: Phạm Minh Tuấn — CEO Topica Edtech Group
Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây: http://topi.ca/tfibatch6j
Link event: https://www.facebook.com/events/302504193496771/?fref=ts