Tớ không biết có bao nhiêu bạn trên FB của mình biết đến trang FB có tên là Life through her fisheye lens của chị Mai Chi, nhưng nếu có thể một lần rảnh rỗi, tớ hy vọng các cậu sẽ ghé qua trang Fb đó để nghe những dòng tâm sự đầy con gái của chị Nguyễn Mai Chi nhé.
" 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi" là tổng hợp những bài viết trên trang FB Life through her fisheye lens của chị, tuy tớ vẫn mua sách vì muốn có cảm giác đọc từng dòng trên sách giấy, nhưng thực sự đọc trên Fb thích hơn nhiều các cậu ạ, vì ảnh trên trang đó đẹp lắm lắm ý . Và đúng như tinh thần hoài cổ mà chị Chi nhắc đến trong đứa con tinh thần của mình, tất cả các bức ảnh trên trang FB đều là ảnh đen trắng, tuy chỉ có hai màu nhạt nhẽo mà vừa đọc bài chị Chi viết, vừa nhìn ảnh minh hoạ, thấy nhiều cảm xúc xuất hiện cực.
cuốn sách được chia thành 3 phần, ứng với cái tên bìa khá lạ " 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi", phần đầu tiên mang tên " 5 Múi giờ"
" Thành phố nơi tôi sinh ra và Paris không giống nhau. Chúng cách nhau những 5 múi giờ, tính theo giờ mùa hè và 6 múi giờ vào mùa đông"
Phần này là những câu chuyện, những dòng tâm sự ngắn của cô du học sinh Mai Chi về Paris, Paris -ngoài vẻ lộng lẫy, xa hoa mà chúng ta thường thấy trên TV ,còn chứa đựng nhiều câu chuyện và góc nhỏ khác.Ở đó có cậu bạn Xavier học arts plastiques ( nghệ thuật ứng dụng) từng thực tập ở 1 xưởng gần như một căn hầm, nơi chỉ có bốn bức tường và khung cửa sổ vuông vắn bức bối." Cậu ấy ngồi trong căn hầm, hình dung ra những thứ ở ngoài kiq, làm việc bằng tất cả tró tưởng tượng và trí nhớ, để đi xa, xa hơn nữa, phá tung giới hạn của gạch vữa." Nơi đó cũng có một người đàn ông Trung Đông đang loay hoay với bài toán làm thế nào để truyền lại cho các con nghề đóng giày truyền thống của mình, làm thế nào để bọn họ còn giữ được tình yêu với những món ăn, bài hát dân tộc khi sống ở Pháp... Những con người tưởng chừng như không liên quan đến nhau ấy, lại cùng nhau tạo nên một bức tranh Paris đầy sống động, không màu mè nhưng không hề nhạt nhoà,chán ngắt.
10 Tiếng bay
Cần tới một chuyến bay dàu tới 10 tiếng và mông lung hàng tá những suy nghĩ về mọi sự để có thể quay về nhà.
Phần này chị Mai Chi tập trung vào miêu tả những câu chuyện tình, có chuyện đẹp, có chuyện buồn, có chuyện về bản thân chị , nhưng cũng có những câu chuyện của bạn bè, nhưng chuyện nào cũng rất nhẹ nhàng chứ không quá gay gắt. Khi cô bạn thân của chị bị phản bội, cô không nói những câu quá cay nghiệt về người đàn ông đó- người đã vứt bỏ tình yêu chân thành của cô để chạy theo những cô gái khác, cô chỉ nhẹ nhàng tâm sự rằng " khi mày lăng nhăng, mày như một cái máy phải thay cục sạc liên tục. Tưởng tượng một cái máy điện thoại dùng hết cái sạc không tốt này đến cái sạc không tốt khác, không có nổi một cái sạc xịn, cái máy đó bao lâu thì hỏng?"
Và rồi trong cuộc sống hay trong các câu chuyện tình, chuyện chia ly là điều khó tránh khỏi, đó không chỉ là những cuộc tình chấm dứt, đó đôi khi còn là những cuộc sống, những tuổi trẻ phải dừng lại " Ngày thường, có thể chúng ta thấy bạn mình thật chững chạc,thật hoang đường, thông minh,giỏi giang, nhưng vào cái ngày mà một trong hai người đã sinh thành và nuôi dưỡng họ không còn trên đời này nữa, ta bỗng thấy bạn mình hoá ra vẫn chỉ là một đứa trẻ. Gia đình của họ đã bị thu hẹp lại, và những người bạn như chúng ta có đủ sức để lấp đầy, dù chỉ là một phần nhỏ của khoảng trống đó?"
Và một cái khép mi
Nhưng cũng có khi chỉ cần nhắm mắt lại , mọi thứ về tuổi thơ, thành phố và những người ở đó lại hiện ra , vừa rõ nét như chỉ mới hôm qua đây thôi , vừa xa xôi đến độ có thể gọi tên là hồi ức.
Tràn ngập trong phần thứ ba này là những câu chuyện về Hà Nội, về tuổi thơ và về gia đình của chị Mai Chi. Nơi đó có những người thân yêu nhất của chị, có những con đường, góc phố của mùi " ký ức". " Trong những bài hát, những áng thơ, ta thường bắt gặp hình ảnh người mẹ ở nhà và chờ đợi con của họ trở về. Những đứa con luôn là kẻ có quyền được phiêu lưu, trong khi người mẹ thì chỉ có một việc duy nhất đó là ở nhà và đợi chúng quay trở về mỗi khi mỏi bước chùn chân".
Chẳng hiểu sao đọc cuốn sách này của chị Mai Chi, tớ thấy giọng văn của chị ý khá " nữ tính", có chút gì đó mộc mạc, nhẹ nhàng, nhưng không kém phần mạnh mẽ, cá tính. Cô gái ấy bình thương có thể rất dịu dàng nhưng sẵn sàng " xù lông nhím" để bảo vệ bạn mình. Những câu chuyện tưởng chừng như rất bình thường, chỉ như những mảnh giấy note ghi lại cuộc sống thường ngày nhưng lại có một sức hút khá mạnh.
"Nếu chúng ta là những kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống,về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người".
- trích từ bức thư của nhà thơ , nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ viết tặng vợ ông, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh khi bà đang có chuyến công tác tại Sài Gòn.
Có nhiều bạn đã từng bảo với tớ rằng không thích đọc tản văn Việt Nam, có thể vì một số tác phẩm khá sến và sáo rỗng, nhưng nếu có thời gian và cơ hội, tớ hy vọng những người bạn đó sẽ đọc tản văn của các tác giả trẻ như Nguyễn Mai Chi, Dương Minh Tuấn... Họ đều là những người " rẽ ngang" sang văn học, nhưng giọng văn và lối viết lại không hề " thị trường" tí nào ( hoặc đấy là cảm nhận chủ quan của cá nhân tớ". Tuy cuốn sách này khá đắt so với những cuốn khác, nhưng tớ vẫn nghĩ bản thân mình phải cảm ơn Bão khá nhiều vì đã mạnh dạn đưa sách của chị Mai Chi đến với độc giả, tạo ra điểm nhấn giữa muôn vàn cuốn tản văn " mì ăn liền " khác.