5 lời khuyên sẽ giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả hơn.
Ngày hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn 5 lời khuyên mình rút ra từ 5 sai lầm của mình khi mới bắt đầu học tập thói quen quản lý thời gian cho bản thân.
Mình tin rằng các phương pháp quản lý thời gian phổ biến hiện nay thì đều đã được nhiều anh chị Writer, YouTuber dày dặn kinh nghiệm hơn mình giới thiệu và hướng dẫn các bạn rất là cụ thể rồi ha.
Vậy nên ngày hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn 5 lời khuyên mình rút ra từ 5 sai lầm của mình khi mới bắt đầu học tập thói quen quản lý thời gian cho bản thân.
No 1: Thời gian của chúng ta là do tự chúng ta sở hữu và sử dụng.
Đây chính là lối tư duy đã giúp mình nhận ra rằng trước đây mình đã luôn lãng phí thời gian một cách vô ích tới nhường nào, và rằng những khoảng thời gian quý báu đó sẽ không bao giờ quay lại được nữa.
Mình nhận ra rằng câu nói “Mình không có thời gian để làm cái ABC” thực ra luôn chỉ là cái cớ để mình bao biện, để mình tự trấn an bản thân mỗi khi mình không thực sự muốn làm cái ABC đó mà thôi.
Có một câu quotes mà mình từng đọc được trong phần comment của một video YouTube nào đó, nói rằng: Bất kể thời gian và địa điểm, bạn sẽ chỉ luôn thực hiện những gì mà bạn muốn thực hiện.
Giờ đây, mình đã nhận thức được rằng thời gian của mình hoàn toàn là do mình sở hữu, và cũng hoàn toàn là do mình sử dụng. Ngay lúc này đây, mình đang ngồi viết ra những dòng chia sẻ này bởi vì mình thực sự muốn chia sẻ chúng tới với các bạn. Trước đó mình đã dành ra thêm nửa tiếng để đọc sách bởi vì cuốn sách đó quá hay và lôi cuốn.
Mình cũng không thể tự bao biện bằng những câu nói như “Hôm nay mình làm gì có thời gian để tập thể dục”, thay vì biết chấp nhận sự thật rằng mình đã lựa chọn để không tập thể dục trong ngày hôm nay.
Theo mình, bước đầu tiên để các bạn trẻ tìm được phương pháp quản lý thời gian phù hợp chính là hiểu ra rằng thời gian là do chính các bạn tự kiểm soát.
Đương nhiên sẽ có những lúc chúng ta sẽ phải làm những phần việc do trách nhiệm và bổn phận kêu gọi. Đó có thể là một công việc do sếp của bạn yêu cầu, hoặc một số việc nhà do cha mẹ các bạn nhờ giúp đỡ, dù muốn hay không, các bạn cũng sẽ có động lực để hoàn thành những phần việc đó.
Nhưng về mặt tinh thần mà nói, thời gian của bạn thì vẫn sẽ là của bạn. Bạn được quyền lựa chọn để làm những gì bạn muốn với những khoảng thời gian đó. Nếu như có những cái ABC nào đó mà bạn tự nhủ rằng không có thời gian làm, thì có lẽ cái ABC đó không quan trọng hoặc không có nhiều ý nghĩa với bạn cho lắm ha.
Bạn cũng đừng lo lắng qua, mỗi ngày ai cũng có những cái ABC của riêng họ thôi. Có những thứ đúng là không hề quan trọng, hoặc không cần bạn ưu tiên để dành thời gian cho chúng. Mình muốn khuyên bạn đừng nên nghĩ rằng “mình không có thời gian”.
No 2: Hãy từ bỏ thói quen “đa nhiệm” đi.
“Đa nhiệm” ở đây mình đang muốn nói tới Multitasking, là lối làm việc theo kiểu “làm nhiều việc cùng một lúc”.
Thực sự đa nhiệm không hề giúp các bạn tiết kiệm thời gian đâu, mà hoàn toàn ngược lại, đa nhiệm khiến các bạn mất đi nhiều thời gian quý báu hơn đấy.
Mình từng thường hay vừa làm một phần việc lớn nào đó, trong khi “tranh thủ” làm thêm một vài việc nhỏ lặt vặt khác, và mình thấy rằng có nhiều người bạn xung quanh mình cũng đang phải khổ sở vì lối làm việc này.
Khi bạn cứ phải liên tục chia sẻ sự tập trung và thời gian của bạn giữa nhiều đầu việc khác nhau trong cùng một lúc, bạn cũng sẽ sớm nhận ra rằng bạn đang tiêu tốn nhiều thời gian hơn so với những khi bạn chỉ tập trung ưu tiên làm một việc mà thôi.
Càng nhiều đầu việc được bạn tiến hành trong trạng thái thiếu tập trung như vậy, thì cũng sẽ càng có nhiều sai sót nảy sinh trong quá trình bạn thực hiện chúng. Thời gian bạn nhận ra có sai lầm và quay lại để sửa chữa hoặc khắc phục thì cũng chính là những thời gian quý giá mà bạn đã có thể sử dụng để hoàn thiện thêm đầu việc khác nữa.
Mình luôn giữ một quan niệm rằng:
Muốn làm nhanh, thì phải làm đúng.
Không phải cứ tăng tốc thì sẽ là nhanh. Thay vì cố gắng luôn tay luôn chân giữa nhiều đầu việc một lúc, mình khuyên các bạn hãy dành ra những khoảng thời gian hợp lý để thực hiện những đầu việc khác nhau.
Nhận ra những sai lầm của lối làm việc “đa nhiệm” cũng chính là một trong những bước đầu tiên giúp mình quản lý thời gian cá nhân hiệu quả hơn.
No 3: Đừng chỉ liệt kê các đầu việc, hãy biết sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên.
Mình thấy ngày nay đã có rất nhiều bạn trẻ học tập được những phương pháp quản lý thời gian vô cùng hay ho và thú vị. Thế là rất tốt. Tuy nhiên, mình nhận ra rằng các bạn dường như chỉ biết liệt kê ra các đầu việc chứ không mấy ai chú ý sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên hết.
Một ngày của ai cũng có 24 giờ đồng hồ và người trẻ chúng ta thì thường luôn có rất nhiều việc phải thực hiện. Nếu như bạn chỉ có thể liệt kê ra những danh sách đầu việc cần làm thì nhiều khả năng đến khi bạn bắt tay vào làm thì bạn sẽ không biết nên làm cái gì trước, cái gì sau. Vậy là cả cái danh sách và thời gian lập ra nó cũng đi tong luôn.
Lời khuyên của mình là bạn hãy luôn chọn ra ít nhất 1 đầu việc ưu tiên nhất, đặc biệt nhất hoặc quan trọng nhất để thực hiện trong ngày. Bạn có thể chọn nhiều hơn nhưng cá nhân mình luôn luôn chỉ chọn ra 1 mà thôi. Chỉ cần có thể giải quyết được đầu việc này một cách ổn thỏa, thì đến cuối ngày mình sẽ vẫn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì bản thân lắm lắm.
No 4: Hãy luôn dành thời gian để nghỉ ngơi.
Có lẽ các bạn cũng đã biết tới một trong những phương pháp quản lý thời gian phổ biến nhất hiện nay, chính là Time Blocking.
Bản thân mình hiện tại cũng vẫn đang áp dụng phương pháp này trên Google Calendar, và mình thấy nó vô cùng hiệu quả với cuộc sống của mình. Việc chia thời gian ra thành các khối to nhỏ khác nhau để bạn có thể dễ dàng tập trung vào từng đầu việc một luôn là một phương pháp đơn giản và hữu hiệu để bạn có thể xài thời gian sao cho chuẩn.
Khi mới bắt đầu học tập phương pháp này, do thiếu kinh nghiệm nên mình đã để các khối thời gian sát nhau tới nỗi mình gần như không kịp phản ứng với các đầu việc phải làm. Đến lúc mệt đứt hơi rồi mình mới nhận ra rằng có lẽ “quản lý thời gian” không chỉ đơn giản là “quản lý thời gian làm việc sao cho hiệu quả”, mà nó nên bao gồm cả “quản lý thời gian nghỉ ngơi sao cho hợp lý”.
Sau nhiều lần chỉnh sửa lại lịch và áp dụng cho tới ngày hôm nay, mình nhận ra rằng việc nghỉ ngơi 5-10 phút sau mỗi đầu việc lớn là điều nên làm để các bạn có thể xắn tay áo mà làm việc hiệu quả hơn với đầu việc tiếp theo. Và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu các bạn có thể sắp xếp thời gian làm việc + nghỉ ngơi song song kết hợp với phương pháp làm việc Pomodoro, 25 phút làm việc + 5 phút nghỉ ngơi.
No 5: Hãy vì bản thân mình mà học tính kỷ luật, đừng vì người khác mà tự khắt khe với chính mình.
Quản lý thời gian suy cho cùng cũng thường chỉ nhắm tới mục tiêu “tạo nên một ngày làm việc hiệu quả và có năng suất cao”.
Mình từng tự lấy những cái “hiệu quả” và “năng suất cao” của người khác để làm mục tiêu cho mỗi ngày làm việc của mình. Đây cũng chính là lối suy nghĩ sai lầm đã thường khiến mình phải cảm thấy thất bại và buồn tủi vào cuối ngày, bởi lẽ mình “không làm được nhiều như người ta”.
Mình mong các bạn đọc của Tom đừng có như mình của ngày trước. Các bạn trẻ hãy biết tự suy xét để tìm ra mục tiêu cho việc quản lý thời gian của các bạn.
Các bạn đang muốn quản lý thời gian để làm gì? Những phần thời gian được quản lý đó liệu có phải đang hướng tới giá trị mà các bạn hy vọng sẽ gặt hái hay không? Chỉ có chính các bạn mới biết được câu trả lời cho những câu hỏi trên, không ai khác giải đáp giúp các bạn được đâu.
Những hình mẫu lý tưởng sẽ luôn có thể truyền cảm hứng cho các bạn, chia sẻ và hướng dẫn cho các bạn nhiều kinh nghiệm quý báu mà họ nhờ trải qua khó khăn mới đúc kết ra được. Nhưng như ý thứ nhất mình đã trình bày rồi đó, thời gian của các bạn sẽ luôn chỉ thuộc về các bạn mà thôi.
Mình nhận ra lối suy nghĩ “vì người khác mà tự khắt khe với chính mình” là sai lầm sau khi đọc được một câu văn nói rằng:
Thay vì chỉ sống để cạnh tranh như trong cuộc chạy đua, giá như chúng ta có thể sống để hợp tác với nhau nhiều hơn.
Mình ngộ ra rằng những mục tiêu của mình trước đó đã luôn là phi thực tế. Rằng mình đang chạy đua với những người có thể chạy nhanh và xa hơn mình đến cả vạn dặm luôn rồi.
Hằng tuần mình vẫn dành thời gian nhìn lại cuốn sổ tay quản lý thời gian và lịch cá nhân trên Google Calendar, mình không chỉ muốn đảm bảo rằng mọi đầu việc và kế hoạch của mình đang được xử lý theo tiến độ, mà cũng vì mình lo lắng rằng mình có thể đang lạc lối giữa dòng chảy của thời gian.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất