Việc chia tay là một điều khó tránh khỏi trong những mối tình phép thử của mỗi người. Đây cũng là giai đoạn khó khăn, mệt mỏi thứ hai - sau giai đoạn cãi cọ, giận dỗi, bất đồng quan điểm. 
Cảm giác đau buồn lan toả khắp tâm trí và cả cơ thể bạn bởi cơ chế của não liên tục giải phóng một số loại hormone gây căng thẳng như adrenaline. Các hormone này đi vào máu, dẫn đến việc tim phải làm việc quá sức khiến cơ tim co thắt nhanh hơn bình thường, gây ra cảm giác tim đau nhói, đôi khi dẫn tới tử vong. 
Bởi vậy, việc nhận thức mình đang ở đâu trong các giai đoạn thất tình, hy vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn thông suốt và đơn giản hơn về mối tình tan vỡ của mình. Thực ra thì, việc chấm dứt yêu và được yêu một ai đó cũng không phải là điều gì quá đáng sợ. 
Năm giai đoạn đau buồn được đề xuất bởi nhà tâm lý học Elisabeth Kübler-Ross trong cuốn sách của bà năm 1969: On Death and Dying. 
Có một lưu ý rằng không phải ai sau chia tay cũng phải đi qua các giai đoạn theo cùng thứ tự hoặc trải nghiệm tất cả các giai đoạn này. 

Giai đoạn 1: Denial - Phủ nhận

Từ chối hiện thực là cơ chế đầu tiên sản sinh ra trong tâm trí chúng ta để bảo vệ bản thân mình trước sự đau đớn tinh thần. 
Không đúng, vừa mới hôm qua anh ấy còn nói yêu mình rất nhiều mà.
Chúng mình đang rất hạnh phúc, chẳng có lý do nào đủ để chia tay và kết thúc lãng xẹt như thế cả.
Có thể đấy chỉ là một cơn giận dỗi của cô ấy, cô ấy chỉ đang muốn thử xem mình có yêu cổ hay không thôi.
...
Vài ví dụ thường thấy khi bạn nghe người mình yêu nói lời chia tay. Trong giai đoạn này, bạn vẫn còn dùng trái tim nhiều hơn là cái đầu nên một cách phi thực tế, bạn vẫn tin rằng người ấy chắc chắn sẽ quay lại. 

Những điều không nên làm trong giai đoạn này là khủng bố tin nhắn, quấy rối cuộc sống của người đó. Đêm đầu tiên sau khi chia tay, bạn sẽ trải qua cơn co thắt nặng nề nhất, cảm giác trống rỗng và hụt hẫng bao trùm. Không có gì làm cũng không ngủ được, nên bạn sẽ liên tục dồn dập hỏi người ta Tại sao lại thế, tại sao bạn không xứng đáng được yêu thương...
Hãy nhớ rằng những điều ấy chỉ khiến bạn trở nên đáng thương hại và chút tình cảm còn sót lại của người đó cũng chết hẳn mà thôi. 
Bởi bạn vẫn chưa thể chấp nhận ngay khoảng trống to đùng bỗng xuất hiện trong đời mình khi người ấy rời đi, nên việc bạn nên làm là chấp nhận từng chút một: 
- Đúng là hai bạn từng yêu nhau chân thành, nhưng cuộc sống thay đổi mỗi ngày - tình yêu cũng vậy - người bạn yêu cũng không nằm ngoài quy luật đó.
- Người đó từng hứa hẹn nhiều điều với bạn, có thể lúc họ nói những điều đó, hoàn toàn là tình cảm thật lòng. Nhưng hiện tại họ không còn muốn tiếp tục những điều đó nữa, và bạn phải chấp nhận rằng lời hứa đôi khi chỉ để nói cho vui. 

Giai đoạn 2: Anger - Giận dữ

Khi hiệu ứng từ những lý lẽ của sự phủ nhận bắt đầu giảm đi, bạn nhìn rõ thực tế hơn bằng nỗi đau. Lúc này, cơ thể bạn tiết ra nhiều hơn những hormone tiêu cực như cortisol và adrenaline khiến bạn trở nên tức giận với chính mình, với người cũ và với cả những người xung quanh. 
Đây là thời điểm mà chúng ta dễ nói ra những lời mạt sát, làm tổn thương nhau. Tức giận với người cũ (Anh là thằng khốn. Cô thật tệ khi bỏ rơi tôi.), tức giận với chính mình (Mình thật tệ nên ai cũng bỏ mình mà đi. Mình không xứng đáng được yêu thương hay sao), và tức giận với những trigger dẫn đến cuộc chia tay (người thứ 3 hamlol, một ai đó nói xấu bạn với người đó,...)
Thậm chí, để đóng vai nạn nhân, bạn còn nghĩ ra những câu chuyện thật drama để có lý do tức giận với người cũ. 

Vì bạn chưa chấp nhận và buông bỏ được, nên sự tức giận và tìm một ai đó để đổ lỗi là điều dễ hiểu. Lúc này, điều bạn không nên làm là đổ hết trách nhiệm và lý do cho người khác. Hãy nhớ, vì tình yêu xuất phát từ cả hai nên việc chia tay cũng vậy. Kể cả người đó có cắm sừng bạn thì cũng nên hiểu rằng chính bạn cũng một phần tạo ra khoảng trống để người thứ ba xuất hiện. 
Những điều bạn nên làm lúc này là chấp nhận rằng chia tay là lỗi ở cả hai, không ai hoàn hảo cả và chúng ta sẽ luôn có những lựa chọn sai lầm. Vậy nên tránh để việc tức giận khiến bạn mất đi khí chất trước mặt người khác, và cũng đừng làm tổn thương thêm một ai, những người vẫn yêu thương và kề cạnh bạn lúc này. 

Giai đoạn 3: Bargaining - Đàm phán

Song hành với việc phủ nhận thực tế, bạn hoảng hốt nhận ra nguy cơ bạn bị đẩy xuống hố sâu tinh thần là quá lớn. Bạn không chấp nhận được nỗi đau này và đây là giai đoạn mà bạn ra sức níu kéo người ta, bằng mọi cách, từ thương lượng cho đến đe doạ. 
Khóc lóc, gọi điện cho người ta, đứng trước cửa nhà nàng cả đêm, đưa ra những giải pháp tốt hơn để liệu người kia có đổi ý và tiếp tục cuộc tình một cách workwell hơn, hay thậm chí doạ chết nếu người ta không tiếp tục mối tình. Đó đều là những hành động ngu ngốc mà nếu càng làm, bạn sẽ càng khiến bản thân thấy mệt còn người kia thấy phiền. 

Chắc hẳn bạn sẽ không muốn người ta phải hối hận vì đã có câu chuyện tình yêu với bạn đúng không?
Vậy nên, việc bạn cần làm lúc này là tránh xa tất cả các phương tiện liên lạc mà bạn có thể kết nối với người ấy. Đừng nóng vội hẹn gặp, cũng đừng gửi cho người ta những dòng tin nhắn thống thiết. 
Người ta đã bỏ xuống được rồi, vậy nên bạn cũng nên biết dừng lại đi. Ai sống cuộc đời của người đó mới đúng là kết cục của hai bạn. Đừng kỳ vọng những hành động ngu ngốc, huỷ hoại bản thân kia sẽ khiến người ta suy nghĩ lại. Người đó có thể xót, có thể đau lòng, có thể thương bạn, nhưng không có nghĩa sẽ quay lại yêu bạn. Đừng làm những điều vô nghĩa. 

Giai đoạn 4: Depression - Trầm cảm

Đây là lúc cảm giác tuyệt vọng xâm chiếm toàn bộ tâm trí và cơ thể bạn. Mỗi người sẽ trải qua bằng những cách khác nhau. Có người muốn chết, có người uỷ mị, có người thê lương. Có người vì không thấy ý nghĩa gì ở cuộc đời ngoài kia mà chấm dứt sự sống. Có người nhờ chén rượu, có người để đèn tàn khói thuốc cháy suốt cả đêm dài. 
Nhưng nên nhớ, người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi việc huỷ hoại bản thân là chính bạn. Yêu thương bản thân mình nhiều hơn, dành thời gian gia tăng giá trị bản thân, lấy đau thương làm động lực để bước tiếp là cách tích cực hơn để bạn vượt qua nỗi đau này. 
giai đoạn này mình hay đi uống bia với rượu lắm nè :D
Những ngày ở trong giai đoạn này, với tôi mà nói, là những ngày đáng sống nhất. Vì vẫn phải làm việc, tôi không thể nằm ở nhà khóc vùi cả tháng ngày trời. Vậy nên, tôi mang theo khăn giấy bên người, trên đường di chuyển từ nhà tới chỗ làm, từ chỗ làm về nhà, cứ vừa đi vừa khóc. Nhưng đến nơi làm nhất định phải lau nước mắt, cố gắng hoàn tất mọi việc. Đó là những ngày mà tôi làm việc như điên, cố gắng bận rộn, gặp gỡ mọi người. Cuối cùng, khi đã chán việc khóc rồi, tôi mới nhận ra, nỗi buồn cũng giống như niềm vui, chẳng có gì ghê gớm cả. Mình cũng nên đối xử công bằng với nỗi buồn, bài trừ nó không phải là cách hay. Cứ buồn cho chán đi, rồi sẽ tới lúc bạn phát ngấy chả thèm buồn nữa. 

Giai đoạn 5: Acceptance - Chấp nhận

Lúc này, không phải là bạn đã quên đi người đó, mà là bạn biết chấp nhận và buông bỏ. Làm sao có thể nghĩ một người mình từng yêu cũng chỉ là một người xa lạ trong vô số những người xa lạ bạn từng gặp gỡ thoáng qua trong đời. Mỗi lần nhắc đến, chắc hẳn vẫn như vết kim châm đau nhói. Nhưng bạn không còn kỳ vọng hay mơ mộng nhiều nữa. Bạn chấp nhận sự đến và đi của người đó trong đời. Rằng rồi thì một mối quan hệ cũng giống như chiếc áo. Đến lúc không vừa vặn nữa, bạn phải từ bỏ và move on để tìm kiếm chiếc áo phù hợp hơn cho mình. 

Nhìn chung, chia tay thực sự không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ. Nỗi đau sau chia tay tuy có huỷ hoại phần lớn tế bào thần kinh của chúng ta, nhưng cũng giúp mỗi người hiểu bản thân mình hơn. Nghĩ về những điều tích cực của việc chia tay và chuẩn bị bản thân thật tốt cho lựa chọn mới, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc ở sự thanh thản nhẹ nhàng. 
Đừng vì đau khổ hay bỗng chốc cô đơn mà yêu đại một người. Đừng bắt đầu nhanh chóng với ai chỉ để trả thù tình cũ. Người ta không đáng để bạn hy sinh bản thân như vậy. Bởi sau cùng, những điều chúng ta làm đều là để mình được vui, vậy thì tại sao không tìm tới những niềm vui có ý nghĩa?
Tài liệu tham khảo: 

Đọc thêm: