Các bạn nghĩ thế nào về chuyện du học? Các bạn thử nghĩ xem nếu như bản thân phải tự mình tìm tòi và sinh tồn ở một đất nước xa lạ thì sẽ như thế nào? Sướng hay khổ nhiều hơn? 
Thật sự là mình đã học được quá nhiều bài học để đời chỉ sau một năm rời bố mẹ và bạn bè ở Việt Nam để sang tỉnh Winnipeg, Manitoba ở Canada – một đất nước có chiếc cờ hình lá phong rất nổi tiếng với những du học sinh quốc tế. Rất nhiều người muốn đến đây để học và sinh sống, để tìm cơ hội đổi đời.  
Tuy nhiên liệu điều đó có thật sự dễ dàng và sung sướng như mọi người nghĩ? Sau đây là 5 điều lớn nhất mà mình - một thanh niên mới 19 tuổi, ngộ ra được sau 1 năm chinh chiến ở Canada. 
Mình biết là đã có kha khá bài viết về vấn đề này, nhưng nó cũng là động lực để mình tự chia sẻ trải nghiệm của bản thân, vì mình biết là góc nhìn và câu chuyện của mỗi người một khác, nên nếu mình chia sẻ thì các bạn cũng sẽ có thêm một góc nhìn mới.  
P/s: Lưu ý, đây chỉ là góc nhìn cá nhân, và hoàn toàn đó là từ những trải nghiệm của bản thân mình, không phải của hầu hết tất cả mọi người. 
1. Màu hồng không phải là màu dành cho cuộc sống du học ở Canada... 
Chắc hẳn các bạn đã từng xem qua các video của các du học sinh Việt Nam đi trước ở trên Youtube, hay các bài viết trên các diễn đàn. Thường đó sẽ là các trải nghiệm tốt, tích cực ở nơi các bạn đó du học. Nào là đi chơi đàn đúm với bạn bè, nhà ở sang chảnh, đi ăn mua sắm khắp nơi. Nhìn thật sướng đúng không? 
Mấy điều đó sẽ khiến các bạn nghĩ rằng, “Giá như mình được ra khỏi Việt Nam để xuất ngoại du học như thế nhỉ? Nhìn ngầu quá thôi. Chắc bên đó vui hơn gấp mấy lần ở Việt Nam.”  
Nhưng thực ra, THỰC RA, đó chỉ là một trong những số ít khoảnh khắc mà du học sinh có thể trải nghiệm được thôi.  
Bức tranh toàn cảnh không đẹp đẽ như thế đâu các bạn. Cuộc sống du học thật sự rất khó khăn, Dễ 1 khó 10, đó là điều mình phải công nhận.  
Cũng như các bạn, trước khi du học, khi bố mẹ bảo sẽ cho mình đi học ở Canada, mình đã rất vui vì nghĩ là “trở thành du học sinh sẽ oách lắm. Chắc chắn mình sẽ phải đi” hay là “cuộc sống mình chắc chắn sẽ tốt hơn khi ở Việt Nam.”  
Nhưng mà khi sang đây thì mọi thứ gần như chống lại mình. Lịch học thì rất nhiều, thầy cô giảng bài nhiều khi khó hiểu, bạn bè thì từ khắp thế giới, tuy nhiên họ chỉ chơi với những người đồng hương, như người Ấn Độ chơi với Ấn Độ, Tây chơi với Tây. Trường mình thì rất ít người Việt Nam, cộng thêm việc vùng mình học khá là hẻo lánh, chỉ có tổng dân số khoảng 700,000 người, nên ngoài thời gian học ra, mình có rất ít thứ để làm.  
Xui xẻo nữa là trường mình học đa số là online. Điều đó làm cho kết bạn trở nên khó khăn hơn nữa. Hơn nữa, kĩ năng nói của mình còn chưa thạo, nói gì đến việc kết bạn với người bản địa ở đây... 
Đấy là mình còn chưa nói đến khoản đi làm thêm. Việc làm part-time thì tìm rất dễ, tuy nhiên để làm được việc thì sẽ khá là khó. Nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm đi làm ngành food and beverages thì để quen việc ở đây sẽ khá là mất thời gian. Mình đã từng bị một cô chủ tiệm phở cho nghỉ việc chỉ sau 3 buổi làm vì sợ mình không quen việc nhanh.
Môi trường làm việc thực sự rất khắc nghiệt, chứ không phải chill chill như ở Việt Nam đâu, vì nhu cầu ăn ngoài của người Tây ở đây là rất cao, nên các tiệm ăn thường rất đông.
Và những điều ở trên đã dẫn đến sự ngộ giác thứ hai: 
2. Tự lập sớm là một lợi thế cực lớn và rất cần thiết 
Hồi ở Việt Nam, mình được sống và nuông chiều như một công tử thực thụ. Một chàng công tử chả biết làm gì ngoài ăn, học và chơi game. Nhưng mọi thứ đều trở thành những khó khăn khi đi du học. Chính vì những khó khăn đó, cộng với việc không có bố mẹ ở cạnh để giúp đỡ, mình đã phải tự học rất nhiều thứ. 
Mình phải tự nấu ăn. Giống nhiều bạn ở Việt Nam, mình lớn lên trong một gia đình mà luôn có người làm hết mọi việc nhà, từ lau dọn, giặt quần áo đến nấu ăn. Mình không bao giờ phải nấu ăn cả. Tuy nhiên khi sang Canada, mình phải tự quyết định tuần này sẽ đi chợ mua đồ gì, hôm nay nấu món gì, và phải học lại từ đầu từ A-Z. Chính vì thế nên giờ mình đã có thể tự nấu khá nhiều món, nên không thể chết đói được. 
Mình phải tự sửa đồ. Ở Việt Nam, mỗi khi có đồ nào hỏng, bố mình thường là người sửa. Nhưng ở Canada, nơi mà mọi người hay sử dụng đồ cũ, thì chuyện phải sửa đồ gần như thành chuyện cơm bữa. Mình phải tự học cách nối dây điện, sửa quạt, thay bóng đèn, sửa ống nước, vân vân.  
Còn rất nhiều thứ khác như chuyện tự chăm sóc bản thân khi ốm, tự thúc đẩy bản thân cố gắng mỗi khi nhụt chí. Có cái lớn hơn là mình phải tự định hướng tương lai, nghề nghiệp bản thân. Mình hoàn toàn thành người thuyền trưởng tự đèo lái con thuyền của mình... 
Nhiều lúc thấy nhớ cuộc sống ở Việt Nam kinh khủng. Nhớ những bữa ăn mà mình không phải tự nấu. Nhớ những lần được bố mẹ giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn. Nói chung là nhớ cuộc sống vô lo trong vòng tay của bố mẹ. Nên là bạn nào còn đang ở với bố mẹ, được bố mẹ chu cấp đầy đủ thì hãy cố tận hưởng nốt đi, vì sớm muộn gì các bạn cũng sẽ phải tự đi bươn chải cuộc sống thôi... 
Giờ đây mình phải tự bước chân ra thế giới người lớn rồi, nhưng mà chính vì việc du học này mà nó đã khiến mình trưởng thành và tự lập trước tuổi hơn rất là nhiều.  
Đó là một trong số những lí do mình không hối hận khi đi du học.  
3. Văn hóa đọc sách  
Chúng ta đa số chỉ đọc sách khi hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thầy cô chỉ định đọc quyển nào, thì chúng ta sẽ đọc quyển đó. Ngoài ra thì ta chỉ đọc truyện tranh, hay manga của người Nhật ở trên mạng, và chúng chỉ mang tính giải trí. Chúng ta hầu như không bao giờ tự mình mua một quyển sách có giá trị giáo dục hay có thể mang thêm kiến thức.  
Đó là vì giáo dục đã khiến việc đọc sách trở nên nhàm chán và thụ động từ khi ta vào lớp 1 rồi.  
Nhưng khi mình sang đây, văn hóa đọc sách được phổ biến rất rộng rãi. Mình nói chuyện với ai, người đó cũng đều có ít nhất 3-4 quyển yêu thích. Con gái thì thích đọc thể loại fiction (những câu chuyện không có thật, xuất phát từ trí tưởng tượng của tác giả), con trai, đàn ông thì thích đọc Non-fiction (Những sách mang tính giáo dục và đem lại thêm kiến thức cho người đọc như hồi kí, các sách về kinh doanh, về kinh tế, lịch sử, vân vân).  
Ảnh hưởng từ họ, mình đã bắt đầu tự tìm mua sách ở đây bằng Tiếng Anh về đọc, khởi đầu với cuốn Atomic Habits (Thói quen nguyên tử) của James Clear, và Rich Dad Poor Dad (Cha giàu, Cha nghèo) của Robert Kiyosaki, và đã tạo dựng được thói quen đọc sách mỗi ngày. 
Đó thực sự là một thói quen đã thay đổi cuộc sống mình. 
Mình đã nhìn cuộc sống theo những góc nhìn hoàn toàn khác, theo một hướng tích cực hơn. Giá như mình đã dành nhiều thời gian đọc sách hơn hồi còn ở Hà Nội thì tốt biết mấy... 
Về giá trị và tác dụng của việc đọc sách thì mình sẽ không viết ở đây, vì các bạn có thể tìm thấy chúng ở trên youtube và các bài blog khác, rất nhiều người đã viết về chúng. Các bạn có thể xem Ali Abdaal trên Youtube (3,9 triệu subscribers ở thời điểm mình viết bài này). Mình rất thích xem anh chàng Youtuber người Anh gốc Ấn Độ này, vì đã review rất nhiều cuốn sách hay và đã recommend rất nhiều tips để cải thiện cuộc sống. 
4. Rất nhớ văn hóa gần gũi của người Việt mình 
Lúc mình sang đây và tiếp xúc với Tây và người bản địa ở đây, cũng như qua lời kể của người quen mình ở đây thì mình mới biết được rằng, người Tây rất ít khi tụ họp để ăn uống hay giao lưu giữa những người bạn hay những người trong gia đình. Bởi vì họ sống rất tự lập. 
Mình được có cơ hội đi nhóm ở một nhà thờ người Việt ở đây (Do mình theo Chúa), và mọi người đều rất gần gũi. Mọi người rất hay tụ tập sau giờ nhóm để đi chơi, nấu nướng và ăn uống cùng nhau, khiến cho đời sống du học sinh của mình cũng được vui vẻ hơn phần nào.  
Mình chợt nhận ra, người Việt mình cũng hay như vậy, hay tụ tập, nói chuyện hay ăn uống, khiến cho mối quan hệ của chúng ta rất gần gũi. Mình rất thích như vậy. Điều đó càng khiến mình trân trọng nơi mình sinh ra hơn. 
5. Tuổi trẻ là một lợi thế cực lớn chúng ta cần tận dụng 
Sau 1 năm du học, mình đã có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với rất nhiều người lớn tuổi ở đây. Có thể kể đến như những bác U50, U60 trong nhà thờ mình, hay những cô chú sinh viên quốc tế tuổi đã ngoài 40. Sau những cuộc nói chuyện với họ, mình đã nhận ra được rằng mình đang lãng phí tuổi trẻ của mình như thế nào.  
Chúng ta, những người trẻ, hay nghĩ rằng mình có vô hạn thời gian trong cuộc sống này, nên hay có xu hướng lãng phí, trì trệ, không làm những thứ có ích vì nghĩ rằng lúc sau làm cũng được mình còn thời gian mà.  
Chúng ta hay dành thời gian rảnh để chơi game, lướt mạng xã hội, chat chít hóng chuyện với bạn bè, hay ghen tị với thành công của người khác.  
Đáng ra khi ta còn trẻ như này, mình nên dành thời gian để đọc thêm sách, tìm hiểu thêm kiến thức, trau dồi thêm các kĩ năng mới, để sau này nó sẽ có lợi ích lâu dài, mình đỡ phải học lại.  
Đáng ra ta nên tìm hiểu thêm các ngành nghề, tìm hiểu thêm về đầu tư tiền bạc, tài chính cá nhân, hay tìm cách để cải thiện công việc mà mình đang làm.  
Những cô chú mình từng nói chuyện cùng, rất sốc khi biết mình mới 19 tuổi. Thường những người lúc mới qua Canada để thay đổi cuộc sống, họ đã ngoài 30, 40 hết rồi. Và họ khuyên mình là phải tận dụng tốt lợi thế này để phát triển và học hỏi, vì mình còn rất nhiều thời gian để tạo dựng cuộc sống ở đây, chứ không phải như họ.  
Vậy nên, các bạn cần biết là khi các bạn còn trẻ, hãy biết rằng các bạn có rất rất nhiều lợi thế đấy. Hãy sử dụng tuổi trẻ của bản thân để học hỏi từ những người đi trước, học từ những sai lầm của họ để giúp mình không bị lặp lại chúng. Hãy đọc thêm sách, học thêm nhiều kĩ năng có ích như là kĩ năng viết, kĩ năng marketing, thuyết phục, hay kĩ năng sống như nấu ăn (rất quan trọng), sửa đồ, dọn nhà.  
Đó chính là 5 điều mình đã học được sau 1 năm du học ở Canada. Mình thực sự rất biết ơn bố mẹ vì đã giúp mình qua đây học, khiến mình học được những bài học mà mình sẽ khó nhận ra nếu không đi du học. Chính nhờ du học mà mình đã tạo dựng được thói quen đọc sách, học được các kĩ năng sống tự lập, những kĩ năng mà khi ở Việt Nam sẽ khó học được nếu vẫn ở với bố mẹ.  
Cảm ơn các bạn đã đọc. Hãy bình luận nếu các bạn có ý kiến gì nhé, mình sẽ sẵn sàng tiếp thu!